Sự thật về vụ án tình báo Tongbaengnim gây chấn động Hàn Quốc

Thứ Bảy, 21/11/2009, 14:45
Ngày 29/10/2009, Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc (KPCI) đã đưa ra kết luận:  vụ án tình báo lịch sử có tên gọi Tongbaengnim xảy ra vào năm 1967 là hoàn toàn không đúng sự thật và do Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA) dàn dựng chứng cứ giả để buộc tội hoạt động nội gián, phản bội Tổ quốc đối với 194 người gồm trí thức, học giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ, sinh viên người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại CHLB Đức, Pháp và cả tại Hàn Quốc.

KPCI yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc, những nhân vật đứng đầu ngành tình báo quốc gia và những người có liên quan đến vụ án Tongbaengnim cách đây 42 năm phải chính thức xin lỗi những nạn nhân vô tội từng là bị cáo trong vụ án.

Trong đại sảnh của Viện Hàn lâm Âm nhạc Brooklyn ở thành phố New York của Mỹ có treo trang trọng chân dung của những nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc thế giới, trong đó có chân dung 4 nhạc sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ XX là nhà soạn nhạc người Mỹ George Gershwin, nhà soạn nhạc người Rumani Bela Bartok, nhà soạn nhạc người Nga Igor Stravinsky và nhà soạn nhạc người Hàn Quốc Isang Yun. Tuy là một nhạc sĩ tài ba nổi tiếng khắp thế giới suốt một thời gian dài, nhưng nhạc sĩ Isang Yun lại không được thừa nhận ngay tại chính quê hương mình do ông bị buộc tội là nhân vật chính của vụ án tình báo Tongbaengnim xảy ra vào năm 1967.

Vào năm 1967, để chuẩn bị cho việc tái tranh cử chức vụ tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo, cảnh sát và quân đội mạnh tay trấn áp mọi hoạt động phản đối việc tái tranh cử của giới sinh viên, trí thức, công nhân và những người lao động. Tư tưởng chỉ đạo các hoạt động trấn áp này là bắt giữ những người đứng đầu các cuộc phản đối và quy tội họ là phản động, hoạt động nội gián cho CHDCND Triều Tiên dựa vào những chứng cứ  giả mạo được KCIA tạo lập. Ngay cả những người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng thuộc đối tượng bị điều tra và bắt giữ.

Trong tình hình như vậy, KCIA đã tạo hàng loạt chứng cứ giả để gây ra vụ án Tongbaengnim. Từ đầu năm 1967, Giám đốc KCIA Kim Hyung-wook đã phái nhiều nhóm điệp viên đến Pháp và CHLB Đức để điều tra và lập hồ sơ về những người Hàn Quốc học tập, làm việc, sinh sống tại hai quốc gia này và biết rằng vài người trong số họ có quan hệ với Sứ quán Triều Tiên. Đặc biệt, một số người, trong đó có nhạc sĩ Isang Yun từng đến  Triều Tiên để giảng dạy về âm nhạc. Đây chính là lý do để KCIA quyết định tiến hành lập chứng cứ giả để có thể bắt giữ họ về tội vi phạm Luật Bảo vệ an ninh quốc gia. Cho rằng chính nhạc sĩ Isang Yun là nhân vật chính đã lôi kéo những người Hàn Quốc khác quay về Triều Tiên nên KCIA đã lập hồ sơ dày đến 250 trang để theo dõi và buộc tội ông.

Vụ án Tongbaengnim được khởi động vào tháng 7/1967 khi KCIA phái một toán hành động đến CHLB Đức và Pháp bí mật bắt giữ 38 người  đưa về Hàn Quốc để xét xử trong đó có nhạc sĩ Isang Yun, vợ ông là nghệ sĩ Lee Soo-ja, nhà văn Cheon Sang-byeong, đều sinh sống và làm việc tại Tây Đức, họa sĩ nổi tiếng Lee Ung-no, sinh sống tại Pháp... Song song đó, KCIA còn tiến hành các vụ bắt giữ tại thủ đô Seoul và nhiều thành phố khác. Tổng cộng, có tất cả 194 người gồm trí thức, nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, học giả, nhà văn, giáo sư, sinh viên, các nhà hoạt động nhân quyền đã bị KCIA bắt giữ. Tất cả họ đều bị biệt giam, sau đó bị thẩm vấn liên tục, tra tấn buộc phải nhận tội hoạt động nội gián, phản bội Tổ quốc dựa vào hàng loạt chứng cứ giả mạo mà KCIA tạo dựng.

Tuy nhiên, phần lớn trong số họ đều không nhận tội và phản ứng gay gắt trước những cáo buộc vô căn cứ. Chỉ có 12 người thừa nhận có quan hệ với Sứ quán CHDCND Triều Tiên tại CHLB Đức và Pháp nhưng không phải là để cung cấp, chuyển giao tài liệu mà là để xin thị thực nhập cảnh đến CHDCND Triều Tiên thăm thân nhân. Riêng nhạc sĩ Isang Yun thừa nhận có đến CHDCND Triều Tiên vào năm 1963 nhưng là để giảng dạy âm nhạc cổ truyền Triều Tiên theo lời mời của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim-il-sung chứ không phải vì động cơ chính trị.

Mặc cho tất cả 194 bị can đều lên tiếng phủ nhận tội trạng, vào ngày 9/11/1967, một tòa án đặc biệt mở ra tại thủ đô Seoul đã buộc tội những người này có hành vi gây hại đến an ninh quốc gia, hoạt động nội gián, phản bội Tổ quốc. Tại phiên tòa, cả 194 bị cáo đều đồng loạt phản đối cáo trạng và tố cáo KCIA đã tạo dựng chứng cứ giả mạo để buộc tội họ. Cuối cùng tòa án cũng tuyên phạt 166 người với những bản án khác nhau và 28 người phải lãnh án nặng từ chung thân đến tử hình.

Phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ án Tongbaengnim vào ngày 9/11/1967.

Tuy nhiên, mặc cho việc bị quân đội và cảnh sát kiểm soát gắt gao, tại thủ đô Seoul và nhiều thành phố khác khắp Hàn Quốc đã diễn ra các vụ biểu tình, xuống đường của học sinh, sinh viên, công nhân phản đối sự kiện mà họ gọi là vụ án tình báo giả Tongbaengnim. Tại Tây Đức và Pháp, không chỉ có người dân xuống đường phản đối mà cả chính phủ của hai quốc gia cũng phản ứng quyết liệt với Chính phủ Hàn Quốc về việc ra lệnh cho KCIA tiến hành các vụ bắt bớ bất hợp pháp trên lãnh thổ của quốc gia mình với đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.

Trước sức ép mạnh mẽ của dư  luận, đến năm 1969, tất cả 194 người liên quan đến vụ án Tongbaengnim đều được trả tự do. Nhạc sĩ  Isang Yun được trả tự do vào tháng 10/1969 và được một chuyến bay đặc biệt của Không quân CHLB Đức đưa về lại Đức. Năm 1984, bất chấp sức ép từ Chính phủ Hàn Quốc, nhạc sĩ Isang Yun lại đến CHDCND Triều Tiên để dự lễ khánh thành một học viện âm nhạc cổ truyền mang tên ông (Viện Âm nhạc quốc gia Isang Yun) được xây dựng tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Từ năm 1975 đến 1999, những bị cáo liên quan đến vụ án Tongbaengnim và người thân của họ đã kiến nghị các đời Chính phủ và Quốc hội Hàn Quốc điều tra, xem xét lại vụ án để xin lỗi họ và trừng phạt những nhân vật đã gây ra vụ việc, nhưng đều không được quan tâm, xem xét do gặp nhiều rào cản vô hình. Năm 2000, khi hai miền Nam - Bắc Triều Tiên bắt đầu tiến trình hòa giải, Quốc hội Hàn Quốc quyết định lật lại vụ án Tongbaengnim để tìm hiểu sự thật bằng việc thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra trực thuộc Ủy ban Tình báo của Quốc hội. Hàng ngàn nhân chứng, hàng trăm quan chức của nhiều đời chính phủ, quan chức và nhân viên ngành tình báo được thẩm vấn và hàng trăm ngàn trang tài liệu một thời được xem là tài liệu mật quốc gia cũng được thu thập để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 29/10 vừa qua, Ủy ban Tình báo của Quốc hội đã chính thức thông báo rằng vụ án tình báo Tongbaengnim xảy ra cách đây 42 năm là một vụ án tình báo giả và do KCIA dàn dựng để buộc tội hoạt động nội gián và phản bội Tổ quốc đối với 194 người là trí thức, nghệ sĩ, nhạc sĩ, giáo sư, sinh viên...

H.P. (theo Chosun Ilbo)
.
.