Syria: CIA và JSOC hợp tác chống IS

Thứ Tư, 09/09/2015, 14:35
Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Chỉ huy Các lực lượng đặc nhiệm liên quân (JSOC) vừa phối hợp phát động chiến dịch bí mật truy tìm các mục tiêu khủng bố tại Syria trong một chương trình tìm diệt mục tiêu ở Syria.

Chiến dịch sử dụng phương tiện chủ yếu là máy bay không người lái để truy tìm mục tiêu. Đây là chương trình phối hợp đầu tiên giữa CIA và JSOC và cũng là lần đầu tiên CIA chính thức tham gia vào hoạt động trực tiếp chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đất Syria.

Theo các quan chức CIA và JSOC giấu tên, chiến dịch bí mật hợp tác giữa CIA và JSOC nhằm mục tiêu trước nhất là các lãnh đạo cấp cao của IS cũng như một số tay chân bị nghi dính líu đến hoạt động tuyên truyền và mở rộng các vùng lãnh thổ "IS hóa" bên ngoài biên giới Syria và Iraq.

Ngày 17/5 vừa qua, đặc nhiệm của quân đội Mỹ, cụ thể là JSOC, đánh vào căn cứ của IS ở thành phố al-Omar, tỉnh Deir Ezzor, miền Đông Syria, tiêu diệt 32 tay súng trong đó có 4 thủ lĩnh cấp cao của tổ chức này. Sau đó, người ta được biết chiến dịch có sự tham gia của CIA thông qua các chuyến bay điều khiển từ xa. Từ sau vụ đó, các chiến dịch tìm diệt các mục tiêu IS vẫn tiếp tục, và trong 2 tháng gần đây còn có thêm sự tham gia phối hợp của CIA.

Gần đây nhất là phi vụ tiêu diệt một phần tử IS người Anh tên là Junaid Hussain, còn gọi là Abu Hussain al-Britani (thuộc nhóm Lữ đoàn Al-Britani gồm 5 tên đến từ Anh), vào cuối tháng 7 vừa qua. Hussain được biết đến như là "kiến trúc sư" của IS trong việc sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền kích động các cuộc tấn công khủng bố lẻ tẻ trên đất Mỹ, gần đây nhất là vụ tấn công ở Garland, bang Texas. Y đã bị liệt vào danh sách hàng đầu trong các mục tiêu tìm diệt của quân đội Mỹ.

Máy bay không người lái đã được điều động tham gia chống IS từ một năm qua, nhưng với CIA thì đây là lần đầu tham gia chính thức.

Để thực hiện chiến dịch phối hợp bí mật, CIA và JSOC đã phải huy động máy bay không người lái và nhân sự từ các vùng khác, kể cả từ Afghanistan và Pakistan, nơi Mỹ đang rút dần nhân sự và cuộc chiến dùng máy bay không người lái chống khủng bố Al-Qaeda cũng đang giảm dần. Các máy bay không người lái của CIA sẽ chỉ hoạt động trên bầu trời Syria, không ở Iraq. Thành phần tham gia chiến dịch bí mật ngoài CIA và JSOC còn có cả Trung tâm Chống khủng bố Mỹ (CTC). Thực tế, lâu nay CTC chính là đơn vị lãnh nhiệm vụ xác định mục tiêu để cho JSOC thực hiện các cuộc oanh kích. Nhưng khi tham gia chiến dịch mới phối hợp với CIA, các mục tiêu chỉ điểm sẽ "có giá trị" hơn, tức là những thủ lĩnh cao cấp hơn của IS.

Các quan chức chỉ huy cho biết, từ khi bắt đầu chiến dịch chỉ mới thực hiện một phần nhỏ trong khối lượng khổng lồ 2.450 cuộc oanh kích chống IS ở Syria, chưa kể khoảng 4.000 cuộc ở Iraq. Các cuộc oanh kích khổng lồ đó từ trước đến nay chỉ dựa trên phương tiện chiến đấu quy ước. Tuy nhiên, số lượng các phi vụ khổng lồ đó trên thực tế không thể làm giảm sức chiến đấu và đà bành trướng lãnh thổ của IS.

Cho đến thời điểm hiện nay, IS đã chiếm hơn 50% diện tích lãnh thổ Syria và một phần lớn lãnh thổ Iraq, đồng thời đã bành trướng vùng ảnh hưởng của mình ra nhiều nơi trên thế giới như Libya, Nigeria, Ai Cập, Algeria, Arập Xêút, Yemen, vùng núi Al-Khorasan giữa Afghanistan và Pakistan. IS đang lấn át Al-Qaeda trở thành tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất, đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ và các đồng minh. Điều đó làm cho bộ máy chống khủng bố của nước Mỹ lo lắng và căng thẳng trước áp lực lớn phải chuyển hướng chiến dịch chống IS theo hướng gia tăng tính hiệu quả. Việc tung chiến dịch bí mật với sự tham gia của CIA là một trong những nỗ lực mới với hy vọng tăng cường hiệu quả cho cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đánh giá việc CIA hợp tác cùng JSOC trong chiến dịch tung máy bay không người lái tìm diệt các thủ lĩnh IS là không bình thường, bởi nó đi ngược lại một trong những mục tiêu lớn trong chính sách chống khủng bố của Tổng thống Barack Obama là từng bước phi quân sự hóa các cơ quan tình báo (cụ thể là CIA).

Năm ngoái, ông Obama đã từng có ý định chuyển các hoạt động máy bay không người lái sang cho Bộ Quốc phòng kiểm soát và chuyển các cơ quan tình báo trở về phương thức hoạt động tình báo truyền thống. Nhưng vì sao ông Obama lại làm ngược lại chính sách do mình chủ xướng? Peter Boogaard, một phát ngôn viên của Nhà Trắng, khẳng định ông Obama vẫn giữ cam kết là để cho quân đội Mỹ đi tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng vẫn không bỏ qua các công cụ khác, như CIA và CTC.

Còn việc để cho CIA phối hợp với JSOC trong chiến dịch tìm diệt thủ lĩnh IS xuất phát từ một khía cạnh khác. Khi đẩy mạnh việc chuyển giao quyền điều hành hoạt động máy bay không người lái từ CIA sang cho Lầu Năm Góc, Nhà Trắng đã liên tục vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Quốc hội. Nhiều nghị sĩ cả  Dân chủ lẫn Cộng hòa đều phản đối việc này. Các lãnh đạo Ủy ban Tình báo Thượng viện cảnh báo chống lại mọi nỗ lực giảm vai trò của CIA trong cuộc chiến chống khủng bố. Tương tự, Hạ viện cũng bày tỏ sự không tán thành.

Hussain al-Britani, tay súng thuộc nhóm Lữ đoàn Al-Britani gồm 5 tên đến từ nước Anh đã bị tiêu diệt hồi tháng 7 vừa qua.

Trong lúc bế tắc trước Quốc hội, Nhà Trắng đã tìm thấy ở Syria một mặt trận mới góp thêm vào các mặt trận sử dụng máy bay không người lái của CIA, trải dài từ Pakistan đến Yemen, Somalia và một số nơi khác ở Bắc Phi. Syria cung cấp cho ông Obama một cách tiếp cận mới, trong đó vai trò chống khủng bố bằng khí tài quân sự của CIA kết hợp với sự chỉ huy của quân đội, đại diện là JSOC. CIA vẫn duy trì hoạt động phối hợp với JSOC trong hoạt động "tìm và diệt" các mục tiêu khủng bố, nhưng chỉ dừng lại ở phần "tìm", phần kết thúc, tức phần "diệt" dành cho quân đội thực hiện.

Mô thức hoạt động này không hề có ở Pakistan hay Yemen, vì ở những nơi đó CIA hoạt động theo chương trình khác với JSOC, với các máy bay không người lái có vũ trang tự động tấn công mục tiêu. Ở Syria thì khác, mọi cuộc tấn công đều phải được lệnh của đơn vị chống khủng bố Al-Qaeda ra đời sau sự kiện 11-9 chứ không phải lệnh trực tiếp từ Tổng thống đến thẳng CIA. Có nghĩa là các máy bay không người lái có vũ trang của CIA chỉ được khai hỏa nếu hoạt động dưới sự chỉ huy của JSOC.

Tuy nhiên, cái khó cho việc triển khai chiến dịch tại Syria vẫn là vấn đề con người trên mặt đất. Từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra đến nay, cái thiếu "đau đớn" nhất của CIA là một mạng lưới điệp viên cài cắm bên trong Syria, và điều đó đã khiến cho CIA thiếu thông tin về nội tình Syria.

Việc huấn luyện thành phần Syria chống chính phủ và tung trở vào Syria vẫn không phát huy mấy tác dụng, vì thành phần này kiểm soát một khu vực lãnh thổ hạn hẹp. Trong khi đó, Tổng thống Obama cũng đã cam kết ngay từ đầu là không đưa bộ binh vào Syria để truy quét IS. Cho dù thiết bị điều khiển từ xa có trang bị công nghệ hiện đại đến đâu cũng khó lòng phát hiện chính xác mục tiêu nếu không có sự trợ giúp của nhân sự chỉ điểm trên mặt đất.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.