Syria: Cuộc chiến điện tử giữa chính quyền và phe nổi dậy

Thứ Ba, 02/04/2013, 18:25

Internet là một trận chiến khác không kém phần khốc liệt đang âm thầm diễn ra ở Syria giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy. “Đội quân điện tử Syria” ủng hộ Assad được coi là cánh tay mặt của chế độ Damascus, còn phía bên kia “chiến tuyến” là “Những tên cướp biển của Aleppo”.

Đội quân điện tử Syria ủng hộ chính quyền Assad

Khi các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đụng độ dữ dội với chiến binh của Quân đội Giải phóng Syria (FSA) trên đường phố Syria, thì những người có tài năng tin học ủng hộ chính quyền âm thầm chiến đấu trong cuộc chiến tranh tin học không kém phần khốc liệt trên không gian mạng. Họ tự xưng là Đội quân điện tử Syria (SEA) có sứ mạng tiến hành những chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Tổng thống Al-Assad và tấn công bất cứ ai chống lại chính quyền trên Internet.

Để hoàn thành mục tiêu, SEA sử dụng các trang mạng đại chúng như là Twitter và YouTube để đả kích những tuyên bố của FSA, tấn công bất cứ ai được cho là chống đối chính quyền. SEA bắt đầu nổi tiếng khi nhóm có được nhiều thành công trong các chiến dịch, xóa bỏ hay chiếm quyền điều khiển các trang web và các trang thông tin đại chúng để sau đó tung lên những thông điệp có nội dung ủng hộ Tổng thống Al-Assad.

Các trang web mục tiêu của SEA bao gồm cả các trang của Bộ Tài chính Mỹ, diễn viên điện ảnh Brad Pitt của Hollywood, chương trình truyền hình của Oprah Winfrey và trang Facebook của tạp chí Mỹ Newsweek.

Chuyên gia phân tích Jillian York ở Tổ chức Biên giới điện tử (EFF) đặt trụ sở ở San Francisco (Mỹ) nhận xét: "SEA có rất nhiều thành viên và hoạt động độc lập với các lực lượng thân chính quyền. Tuy nhiên, nhóm cũng nhận được sự ủng hộ từ chính quyền của Al-Assad".

Về phần mình, SEA tỏ ra hãnh diện khi cố gắng bảo vệ chính quyền Syria đồng thời không ngần ngại công khai về tổ chức của mình trên trang web của nhóm, cung cấp thông tin bằng tiếng Arập và tiếng Anh về hoạt động của nhóm cũng như cho biết cách thức gia nhập nhóm.   

Các hacker của SEA quy tội cho các nhóm khủng bố gây ra bạo loạn ở Syria - thông điệp này được chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tán đồng. Josh Landis - giáo sư đại học và tác giả của blog có ảnh hưởng về Syria - khẳng định khi những cuộc biểu tình chống đối bắt đầu nổ ra, phản ứng nhanh chóng của chính quyền Damascus là ngăn chặn người dân tiếp cận luồng thông tin nước ngoài, kiểm soát gắt gao các thông điệp trong nước, ngăn cấm sự hoạt động của hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế ở Syria.

Khi nhóm hacker nổi tiếng thế giới Anonymous có hành động xâm nhập trang web của Bộ Quốc phòng Syria nhằm ủng hộ phe nổi dậy ở nước này, SEA lập tức tấn công trả đũa trang web của Anonymous.

Trong hơn một năm, nhóm Anonymous - với các thành viên tự coi mình là những người dàn xếp công lý xã hội - đã liên tục tấn công nhằm đánh bại SEA với chiến dịch mà họ gọi là OpSyria.

Vào đầu năm 2012, Anonymous tuyên bố đã đánh cắp được hàng ngàn e-mail của nội bộ chính quyền Syria, bao gồm các e-mail trao đổi giữa Tổng thống Bashar al-Assad và vợ ông. Sau đó, những thông tin mà Anonymous đánh cắp được tiết lộ trên trang web Wikileaks.

John Bassett, cựu chuyên gia của Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ), hiện làm việc cho Viện Dịch vụ Hoàng gia thống nhất về nghiên cứu phòng thủ (RUSI) ở London, nhận xét: "Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Syria cố gắng phát triển khả năng chiến tranh mạng. Bởi vì nó rất cần thiết để song hành với chương trình chiến tranh sinh - hóa học nhằm củng cố quyền lực trong khu vực. Nhưng, vụ các e-mail của Tổng thống Al-Assad và vợ bị đánh cắp đã bộc lộ rõ khả năng yếu kém của chính quyền Syria trong lĩnh vực phòng thủ mạng".

Những người ủng hộ Bashar al-Assad cầm lá cờ lớn có hình tổng thống trong một cuộc xuống đường ủng hộ chính quyền ở Damascus.

Cần biết rằng, trước khi nhậm chức Tổng thống Syria, Bashar al-Assad là Chủ tịch Hội Máy tính Syria (SCS) - một nhóm mà hiện nay các chuyên gia tin là xuất phát điểm cho sự ra đời của SEA sau này. 

Hacker tạo ra robot cứu hộ

Một mình chiến đấu lặng lẽ trước màn hình máy tính trong căn phòng khách sạn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria. Người này tự xưng là Ahmad Heidar, 28 tuổi, Với bộ y phục màu đen, cà vạt và cặp kính đen, trông Heidar không giống một thành viên của phe nổi dậy, nhưng nổi tiếng trên mạng Internet với cái tên “Harvester” (Người thu hoạch)! Anh ta là một “hacker” đang chiến đấu chống lại chính quyền Assad, cố gắng đánh sập trang web của SEA.

Vào mùa hè năm 2011, những cuộc nổi dậy lan rộng khắp đất nước Syria. Lúc đầu, Ahmad Heidar được chính quyền Al-Assad tuyển mộ làm việc trong một đơn vị chiến tranh mạng mới thành lập còn đang rất thiếu các chuyên gia phần mềm giỏi. Họ đề nghị, nếu đồng ý hợp tác thì Heidar sẽ được miễn thi hành nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Heidar tiết lộ, "đơn vị chiến tranh mạng" nằm trong một cửa hiệu máy tính rất đỗi bình thường nhưng thật ra đó là một thế giới hết sức bí ẩn của chính quyền. Những gì mà Heidar nhìn thấy là một bunker ngầm với rất nhiều trang thiết bị máy móc tinh xảo, bao gồm cả thiết bị công nghệ Mỹ gây ngạc nhiên cho anh bởi vì phương Tây cấm bán loại này cho Syria.

Theo Heidar, trang thiết bị rất mạnh và đội quân điện tử của chính quyền Syria nhờ đó đã truy tìm các nhà hoạt động chính trị đối lập trên các trang Facebook dẫn đến nhiều vụ bắt giữ. Cuối cùng, Ahmad Heidar quyết định bác bỏ đề nghị của chính quyền mà quay sang bảo vệ các nhà hoạt động của phe nổi dậy. Để giúp đỡ một nhà hoạt động bị bắt giữ, Heidar tiến hành gỡ bỏ bất cứ thứ gì có thể được dùng để buộc tội người này, bất cứ thứ gì có thể gắn kết người này với phe nổi dậy.

Một thành viên phe nổi dậy sử dụng laptop để tiến hành những cuộc tấn công mạng chống chính quyền Bashar al-Assad.

Heidar cho biết: "Tôi thay lá cờ của phe nổi dậy bằng hình ảnh khiêu dâm nhằm gây khó khăn cho cuộc điều tra của chính quyền". Nhờ công của Heidar mà sau đó nhà hoạt động này được thả vì không có cơ sở buộc tội.

Ahmad Heidar cũng giúp một nhóm hacker ủng hộ phe nổi dậy vượt qua bức tường lửa của Đài Truyền hình Al-Dunya tuyên truyền cho chính quyền Damascus. Heidar cho biết anh chơi trò "mèo vờn chuột" với những kỹ sư phần mềm của chính quyền Al-Assad và hai bên đều biết rõ những động tác của nhau tựa như trong môn võ nhu đạo hay karatedo.

Khi thành phố Aleppo rơi vào cảnh mất điện và Internet không kết nối được trong suốt nhiều tháng, Heidar vượt biên giới sang miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục cuộc chiến của mình trong căn phòng hẹp và chiếc máy tính.

Kế hoạch mới nhất của Heidar là chế tạo một robot cứu nạn đặt tên là Tina có hai cánh tay bằng titan được kiểm soát từ xa bằng máy tính. Nhiệm vụ của Tina là đưa các nạn nhân của bọn bắn tỉa ra khỏi nơi họ bị bắn. Heidar cất giữ rất nhiều băng video cho thấy cảnh các nạn nhân của bọn bắn tỉa ngã gục trên đường phố Aleppo và nỗ lực cứu người rất nguy hiểm, do đó anh quyết định tạo ra Tina.

Dự án robot của Heidar là một phần trong cuộc chiến điện tử chống chính quyền Al-Assad và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho Heidar tạo ra nguyên mẫu Tina. Heidar hy vọng sẽ cho ra đời mẫu robot Tina to như người thật để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trong vùng chiến sự.

Hiện nay, Heidar cũng đang tìm kiếm nguồn tài trợ giúp nuôi dưỡng nhóm chuyên viên lập trình máy tính của phe nổi dậy.

Phía chống đối vẫn khá... nghiệp dư

Trong cuộc chiến tranh điện tử này, người ta nghi ngờ phe nổi dậy sử dụng chiêu thức tung tin đồn nhằm gây mất tinh thần trong hàng ngũ đối phương. Ví dụ, vào tháng 8/2012, một tài khoản Twitter tung tin một quan chức Nga tuyên bố Tổng thống Al-Assad đã bị giết chết ở Damascus dẫn đến sự nghi ngờ lan rộng và nhiều cú điện thoại của giới truyền thông đại chúng, như Hãng tin Reuters dồn dập gọi đến Bộ Ngoại giao Nga trước khi cơ quan này lên tiếng khẳng định thông tin này là giả.

Hayat Alvi, giảng viên Khoa Nghiên cứu Trung Đông ở Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định: "Những cuộc tấn công trên không gian mạng là thực tế mới mẻ của chiến tranh hiện đại. Chúng ta có thể chứng kiến nhiều chiến thuật khác nhau từ mọi hướng. Trong cuộc chiến này, mỗi bên đều cố gắng thao tác thông tin để giành chiến thắng".

Phe nổi dậy sử dụng các tài khoản Twitter để chiêu dụ các quan chức Syria đào ngũ - như trường hợp của Phó thủ tướng Riyad Hijab chạy trốn sang phe đối lập với chính quyền Syria vào tháng 8/2012.

Tháng 4/2012, Kênh truyền hình Al Arabiya ở Arập Xêút tuyên bố một tài khoản Twitter của nó bị chiếm dụng để tung các tin đồn về cuộc khủng hoảng chính trị ở Qatar. Các thông tin lan truyền bao gồm cả việc Thủ tướng Qatar bị sa thải, con gái của ông bị bắt giữ ở London và một cuộc đảo chính quân sự sắp diễn ra.

Tháng 7/2012, Đài Truyền hình Al-Jazeera cũng hứng chịu một cuộc tấn công tương tự khi họ tuyên bố mất kiểm soát một tài khoản Twitter thường dùng để tải hàng loạt các thông điệp ủng hộ chính quyền Tổng thống Al-Assad. Các chuyên gia cho biết, những cuộc tấn công mạng đang ngày càng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong bất cứ cuộc xung đột nào trên thế giới.

Người ta nghi ngờ phe nổi dậy ở Syria cũng nhận được sự hỗ trợ từ vài cơ quan tình báo tín hiệu nước ngoài, ví dụ như GCHQ của Anh, và từ đó dẫn đến sự rò rỉ các e-mail của Tổng thống Al-Assad. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đã cung cấp trang thiết bị điện tử và cố vấn kỹ thuật cho phe nổi dậy giúp họ tránh né mạng lưới do thám của chính quyền Al-Assad.

Mathieu Guidere, nhà khoa học địa-chính trị và chuyên gia về thế giới Arập ở Đại học Toulouse miền Nam nước Pháp, nhận định khả năng của phe nổi dậy trong cuộc chiến tranh điện tử vẫn còn mang tính chất nghiệp dư dù có sự trợ giúp của Hội đồng Quốc gia Syria (SNC - lực lượng đối lập chính ở Syria).

Trong khi đó, đội quân điện tử của chính quyền Syria có tính chuyên nghiệp cao với sự hỗ trợ đắc lực từ phía SyriaTel - công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ Internet chính yếu của nước này. Guidere cho rằng: "Bashar al-Assad đã bịt kín những lỗ hổng trong hệ thống mạng của chính quyền"

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.