Thế giới ngầm bên trong cuộc nội chiến khốc liệt ở Syria

Thứ Sáu, 09/11/2018, 13:50
Thật ra, hiện nay không chỉ có một cuộc xung đột duy nhất giữa lực lượng Quân đội giải phóng Syria (FSA) và quân đội chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Syria hiện nay được coi là nơi diễn ra cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa một bên là Mỹ, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Israel, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC); và một bên là Nga, Iran.


Và, giữa cuộc chiến tranh đẫm máu giữa chính quyền Syria và FSA, một cuộc chiến tranh tình báo cũng không kém phần căng thẳng đang âm thầm diễn ra.

Trong khi các chính quyền phương Tây chính thức phủ nhận sự việc các cơ quan tình báo của họ đang ủng hộ phe nổi dậy ở Syria từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, thì giới truyền thông đại chúng lại mô tả một bức tranh hoàn toàn khác: tình báo phương Tây đang bí mật ráo riết hoạt động ở Syria.

Và theo báo chí Israel, lực lượng đặc nhiệm của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng phối hợp với tình báo phương Tây để tiến hành “các điệp vụ có giới hạn” tại khu vực biên giới của Syria. Nhiều chuyên gia khẳng định các cơ quan tình báo cũng đang bí mật hoạt động bên trong Syria.

Ngoài ra, việc bảo đảm độc quyền về thông tin và làn sóng radio cũng là một phần của cuộc chiến tranh tình báo và mục tiêu của Mỹ và đồng minh. Đó là lý do tại sao Tổ chức Viễn thông vệ tinh Arập (Arabsat) cấm truyền các tín hiệu từ chính quyền Syria. Điều đó giúp ngăn chặn việc Damascus tuyên truyền chống những tuyên bố của Mỹ và đồng minh về tình hình Syria.

Tương tự, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang cố gắng gây cản trở hoạt động của các trạm phát sóng của Iran vốn là thách thức lớn cho luồng truyền thông của NATO và các quốc gia trong GCC. Đây cũng là lý do khiến Mỹ và Anh kiên quyết trừng phạt các phương tiện truyền thông của Iran, Nga và Trung Quốc trong làn sóng đưa tin về cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay. 

Hoạt động của người Mỹ

Người ta cho rằng rõ ràng một nhóm nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Thổ Nhĩ Kỳ luôn giám sát sự vận chuyển vũ khí đến cho phe nổi dậy ở Syria. Erich Schmidt-Eenboom, lãnh đạo Viện Nghiên cứu chính sách hoà bình (PPRI) ở thành phố Weiheim (Đức) và tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử tình báo, nhận định: “Phe nổi dậy ở Syria tiếp nhận vũ khí từ những người ủng hộ ở nước ngoài, trong đó CIA đóng vai trò chính từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Tình báo phương Tây đang lặp lại kịch bản lật đổ chế độ Gaddafi ở Lybia trong tình hình Syria hiện nay”.

Vụ đánh bom trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Syria.

David Pollock, lãnh đạo Viện Washington về chính sách Cận đông (WINEP), cho biết ông có cùng ý kiến với Schmidt-Eenboom, nhưng nói thêm rằng hoạt động của CIA ở đất Thổ Nhĩ Kỳ chỉ giới hạn ở sự quan sát bảo đảm các quả tên lửa và chất nổ không rơi vào tay bọn Hồi giáo cực đoan. Số vũ khí chuyển bí mật cho phe nổi dậy Syria chủ yếu được tài trợ bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar.

Chính quyền Mỹ được cho là cung cấp những hình ảnh vệ tinh về mọi sự di chuyển của quân đội Syria và hỗ trợ phe nổi dậy tự lập ra một tổ chức tình báo riêng. Tổng thống Obama khi đó đã ra lệnh cho CIA trợ giúp hậu cần cho phe nổi dậy và Washington công khai thừa nhận trợ giúp số trang thiết bị liên lạc hiện đại cho họ.

Tình báo Đức cần gì ở Syria?

Thời gian sau này, tờ Bild am Sonntag của Đức tuyên bố các hoạt động của cơ quan tình báo liên bang Đức BND có quy mô rất lớn. Tờ báo đã dẫn lời của một quan chức giấu tên bên trong BND cho biết “nước Đức rất hãnh diện vì đã góp phần đáng kể trong kế hoạch lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad”. Thậm chí một sĩ quan CIA cũng lớn tiếng khen ngợi “không một cơ quan tình báo phương Tây nào có được những nguồn thông tin từ bên trong Syria tốt bằng BND của Đức”!

Oste, một trong những chiếc tàu do thám Hải quân Đức.

Cũng theo tờ Bild, để thu thập thông tin tình báo về tình hình ở Syria, BND sử dụng một số tàu hải quân đặc biệt được trang bị những hệ thống thu thập tín hiệu cực kỳ tinh xảo, neo tại vùng nước quốc tế ngoài khơi Syria. Những chiếc tàu này có khả năng thu thập dữ liệu về mọi sự di chuyển của quân đội Syria ở sâu trong đất liền, cách xa đến 600km. Dữ liệu sau đó được truyền thẳng đến nhóm sĩ quan BND đồn trú tại căn cứ của NATO ở thành phố Adana (Thổ Nhĩ Kỳ).

Nhiệm vụ BND là đánh chặn những thông điệp radio và những cuộc trao đổi bằng điện thoại giữa các thành viên chính quyền hay quân đội Syria. Thông tin sau khi được giả mã và phân tích sẽ được chuyển giao đến lực lượng chiến binh của FSA. Bild là tờ báo đầu tiên đưa tin về hoạt động tình báo của BND trong cuộc xung đột vũ trang ở Syria.

Theo Schmidt-Eenbomm, BND sẵn sàng chấp nhận các nguy cơ và tiến hành các điệp vụ ở Syria với sự trợ giúp của các đối tác phương Tây. Vai trò của BND ở Syria càng thấy rõ hơn khi từ tháng 1 đến tháng 6-2012, các thành viên của nhiều nhóm đối lập ở Syria gặp gỡ Viện Đức về các vấn đề an ninh và quốc tế để bàn bạc về trật tự chính trị và xã hội chuẩn bị cho giai đoạn hậu Bashar al-Assad – một dự án có vẻ như được giữ bí mật để tránh sự chú ý của tình báo Syria.

Pháp và chương trình huấn luyện đặc biệt

Pháp cũng đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ phe nổi dậy Syria. Hợp tác với các đối tác ở Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan tình báo Pháp DGSE lặng lẽ giúp các quan chức cao cấp của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi Syria. Sự ra đi lần lượt của các vị tướng, chính khách và những nhân vật thân thiết với Al-Assad đã phá hoại ngầm quyền lực của chính quyền Syria hiện nay.

Ví dụ, Manaf Tlass, một trong những sĩ quan cao cấp nhất của chính quyền Damascus, rời khỏi Syria nhờ sự giúp sức của tình báo Pháp. Các nhân vật quyền lực của Syria bay đến phương Tây có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp phương Tây nắm rõ được tình hình chính trị và quân sự của đất nước đang bị nội chiến xé nát này. Tương tự như Libya, khi rời khỏi đất nước Moussa Koussa – Ngoại trưởng Libya và một trong những cố vấn thân cận nhất của Gaddafi – đã cung cấp cho tình báo phương Tây nhiều thông tin có ích.

Sự hợp tác của những nhân vật đào ngũ thật ra chỉ nhằm được các chính quyền phương Tây trả số tiền lớn sau khi cung cấp thông tin, đồng thời tránh được những hành vi trả thù từ người đồng hương cũng như sự truy tố ở phương Tây. Ngoài ra, theo thông tin từ báo chí của Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, tình báo Pháp cũng tiến hành chương trình huấn luyện đặc biệt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ dành cho những chiến binh đường phố của phe nổi dậy Syria.

Sự có mặt của người Anh

Tờ báo Anh The Times cũng dẫn lời một lãnh đạo giấu tên của FSA cho biết quân nổi dậy thường nhận được thông tin tình báo từ các cơ quan gián điệp của Anh. Theo tờ Times, người Anh thu thập phần lớn thông tin tín hiệu về Syria từ căn cứ quân sự của họ ở Dhekelia và Akrotiri nằm trên đảo Cyprus. Từ lâu người ta biết rằng 2 căn cứ quân sự của Anh ở Cyprus là những nơi đặt trạm nghe lén điện tử của Trung tâm kiểm soát viễn thông Anh Quốc (GCHQ) – Cơ quan Tình báo tín hiệu đặt trụ sở chính ở Cheltenham, Anh. Dữ liệu tình báo thu thập được sẽ chuyển cho FSA qua trung gian các điệp viên Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên đất Syria.

Cũng có bằng chứng cho thấy tình báo Anh và lực lượng đặc nhiệm nước này tham gia huấn luyện cho phe nổi dậy. Thậm chí, trung tâm huấn luyện đặc biệt của Vua Abdullah II của Jordan – gọi là KASOTC, được người Mỹ và Saudi Arabia thành lập năm 2009 gần thủ đô Amman của Jordan – cũng được sử dụng để huấn luyện chiến binh phe nổi dậy Syria.

Hoạt động của MOSSAD

Cũng giống như ở Iraq và Iran, người ta cho rằng Cơ quan Tình báo quân đội MOSSAD của Israel dính líu đến những vụ ám sát các nhà trí thức và nhà khoa học Syria ở Damascus trong thời gian dài – một phần trong chính sách của Tel Aviv nhằm phá hoại những thành tựu khoa học và công nghệ của các quốc gia thù địch với Nhà nước Do Thái.

Theo các nguồn thông tin ở Washington, rõ ràng Israel đang âm thầm giúp đỡ FSA và tích cực tham gia vào cuộc chiến tranh tình báo chống chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Một quan chức Mỹ giấu tên cũng khẳng định rất nhiều sĩ quan tình báo MOSSAD hoạt động dọc theo theo biên giới Syria. Thậm chí một số điệp viên người Qatar cũng được CIA và MOSSAD thuê dụng để hoạt động tình báo chống chính quyền Syria.

Và sự hỗ trợ đắc lực từ Saudi Arabia

Nhiều ngày sau khi Hoàng thân Bandar bin Sultan được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo tình báo Saudi Arabia và vụ đánh bom trụ sở Cơ quan An ninh quốc gia Syria ở Damascus (năm 2012), Cơ quan thông tấn Al-Fajr Press của Yemen đưa tin về cuộc tấn công nhằm vào tổng hành dinh Cơ quan tình báo Saudi Arabia ở Riyadh và sau đó vụ việc được giới truyền thông Iran tiếp tục phổ biến rộng rãi.

Hoàng thân Bandar bin Sultan, lãnh đạo tình báo Saudi Arabia.

Cuộc tấn công ở Riyadh được cho là đã giết chết nhân vật số 2 của Bandar, phó giám đốc tình báo đối ngoại Saudi Arabia, khi người này vừa mới bước vào trụ sở. Nhưng cho đến nay chính quyền Saudi Arabia vẫn im lặng về cuộc tấn công. Giới chuyên gia phân tích tình báo cho rằng cuộc tấn công ở Riyadh không đơn thuần là sự trùng hợp, mà là sự tấn công trả đũa vụ đánh bom trụ sở Cơ quan An ninh quốc gia Syria từ phía những đồng minh với chính quyền Damascus. Một quả bom được kiểm soát từ xa cũng được phát hiện ngay trước trụ sở tình báo của Yemen ở thành phố Aden vào ngày 22-7-2012 – tức không lâu sau khi một sĩ quan tình báo nước này bị giết chết trong cuộc tấn công vào tỉnh Bayda.

Những diễn biến cho thấy cộng đồng tình báo của các quốc gia Arab đang trở thành mục tiêu tấn công và một cuộc chiến tranh tình báo toàn diện đang bùng nổ ở Trung Đông. Tình báo Saudi Arabia – theo truyền thống có mạng lưới điệp viên rộng khắp đất nước Syria và các quốc gia khác trong khu vực - cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây mất ổn định chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 19-7-2012, Vua Abdullah bãi nhiệm Mukrina bin Abdul Aziz – Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Saudi Arabia PDS – và bổ nhiệm người thay thế là hoàng thân Bandar bin Sultan. Trước đó, Bandar bin Sultan đã đề ra một nhiệm vụ kép: mở rộng các chiến dịch bí mật của vương quốc trong khu vực nhằm đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad đồng thời xây dựng đối trọng với Iran đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.

Diên San (tổng hợp)
.
.