Tài liệu mới tiết lộ: FBI bủa vây Marilyn Monroe

Thứ Sáu, 18/01/2013, 15:25

Thông tin mới về các hồ sơ theo dõi Marilyn Monroe của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) không hé lộ bí mật về cái chết của ngôi sao điện ảnh Hollywood, song chúng tiết lộ việc FBI đã theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động và người quen của bà như thế nào. Các hồ sơ - đã được biên tập lại trước khi giải mật - tiết lộ danh tính của một số người quen của Monroe được cho là theo chủ nghĩa cộng sản “gây nguy hiểm” cho chính quyền Mỹ.

Marilyn Monroe rất ghét chủ trương chống Cộng sản

Các hồ sơ mà Hãng thông tấn AP có được dựa vào Luật Tự do thông tin (FOIA) bao gồm những bức thư và hình ảnh mới cho thấy FBI nhận được nhiều cảnh báo giả định về việc Marilyn Monroe bị giết chết cách đây 50 năm, nhưng chúng không cho thấy cơ quan liên bang có bất cứ nỗ lực nào để điều tra tính xác thật của sự cảnh báo.

Chính quyền Los Angeles tuyên bố cái chết của ngôi sao điện ảnh vào ngày 5/8/1962 có lẽ do tự sát. Các hồ sơ của FBI bao gồm nhiều chi tiết về sự kết giao giữa Marilyn Monroe và Frederick Vanderbilt Field - người bị gia đình giàu có tước quyền thừa kế vì có quan điểm thiên về cánh tả. Theo hồ sơ FBI, một số trong những người thân cận của Monroe, bao gồm bác sĩ trị liệu cho nữ diễn viên, rất lo ngại về quan hệ tình cảm quá mức giữa bà (lúc đó 36 tuổi) và Field.

Trong cuốn tự truyện của mình nhan đề "Từ hữu qua tả", Field dành trọn một chương để kể về chuyến du lịch sang Mexico của Monroe. Field đề cập chuyện vợ chồng ông cùng với Monroe đi mua sắm, ăn uống và ông chỉ nói chuyện về chính trị thoáng qua một lần trong một bữa ăn tối.

Field viết trong cuốn sách: "Monroe nói nhiều nhất về bản thân mình và một số người từng được hay vẫn còn được coi là quan trọng đối với cô ấy. Monroe nói với vợ chồng tôi về sự ủng hộ nhiệt tình của cô ấy về quyền công dân, quyền bình đẳng cho người da đen cũng như ca tụng những chính sách được thực hiện ở Trung Quốc. Monroe cũng nói rõ cô rất ghét tư tưởng chống Cộng quyết liệt của chủ nghĩa McCarthy và cô căm ghét Giám đốc FBI J. Edgar Hoover như thế nào".

Dưới sự chỉ đạo của Hoover, các đặc vụ FBI luôn theo dõi sát sao cuộc sống xã hội và chính trị của nhiều nhân vật nổi tiếng, bao gồm ca sĩ Frank Sinatra, vua hề Charlie Chaplin và Arthur Miller - nhà soạn kịch nổi tiếng và cũng là chồng cũ của Marilyn Monroe (hai người sống chung với nhau từ năm 1956 đến 1961). FBI cũng tiến hành nhiều cuộc điều tra bí mật về âm mưu tấn công những người nổi tiếng - bao gồm sự đe dọa chống ngôi sao điện ảnh Elizabeth Taylor, vụ tống tiền liên quan đến Clark Gable và mới đây nhất là vụ ám sát ngôi sao nhạc rap nổi tiếng B.I.G.

Ảnh chụp ngày 14/7/1956: Marilyn Monroe cùng chồng là Arthur Miller tại sân bay London, Anh.

Hãng thông tấn AP tìm cách ngăn chặn hành vi biên tập lại các hồ sơ của FBI về Monroe vào đầu năm 2012 nhân kỷ niệm 50 năm ngày mấ của bà. FBI báo cáo cơ quan đã chuyển toàn bộ hồ sơ giải mật đến Thư khố Quốc gia ở Maryland, song các chuyên viên lưu trữ văn thư nơi này tuyên bố họ không nhận được bất kỳ tài liệu nào của FBI. Chỉ vài tháng sau đó, FBI mới chịu tiết lộ hồ sơ về Marilyn Monroe.

Trong suốt nhiều năm dài, các nhà điều tra cũng như nhà viết tiểu sử những người nổi tiếng đều không tin cái chết của Monroe tại căn nhà của bà ở Brentwood, Long Island (New York) là do tự sát. Cuộc điều tra năm 1982 của Cơ quan Công tố Los Angeles cũng không tìm thấy bằng chứng nào về âm mưu sát hại Monroe, đồng thời cũng cho biết các hồ sơ của FBI được kiểm soát rất chặt chẽ.

Bác sĩ Thomas Noguchi, người thực hiện mổ tử thi Monroe, thừa nhận không ai có thể biết được mọi chi tiết về cái chết của Monroe. Trong cuốn hồi ký năm 1983 "Coroner" (Chuyên gia điều tra những cái chết bất ngờ) của mình, Thomas Noguchi viết những cuộc phỏng vấn bí mật của FBI đối với bạn bè của Monroe sẽ chẳng bao giờ được công bố.

Một trang sao chép hồ sơ FBI về Arthur Miller.

Hồ sơ mật về Marilyn Monroe của FBI bắt đầu thành lập vào năm 1955, tức một năm sau khi cô thành hôn với ngôi sao bóng chày Joe DiMaggio được 8 tháng. Hồ sơ tập trung về những chuyến du lịch của Monroe và các mối quan hệ bạn bè của bà, cũng như cố gắng tìm kiếm những dấu hiệu về quan điểm thiên tả và khả năng giao kết với những người Cộng sản của cô.

FBI cũng biết chuyện Monroe và một số nhân vật trong làng giải trí tìm cách có được visa để đi thăm Liên Xô vào năm 1955. Hồ sơ FBI vẫn tiếp tục duy trì nhiều tháng sau cái chết của Marilyn Monroe, tuy nhiên, cho đến nay FBI vẫn không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh Monroe là thành viên của đảng Cộng sản.

Các hồ sơ FBI về những nhân vật giàu có và nổi tiếng khác

Vào thập niên 50 thế kỷ trước, Bud Abbott đã gây chú ý cho các đặc vụ FBI. Một đặc vụ ghi trong một hồ sơ FBI: "Một nguồn cảnh sát cung cấp thông tin cho biết, Bud Abbott, ngôi sao truyền hình và điện ảnh nổi tiếng, là người sưu tập hình ảnh khiêu dâm và ông được cho là đã sở hữu 1.500 cuộn phim loại này".

Ngoài ra, FBI còn thu thập thông tin và về sau tiết lộ cho công chúng hàng trăm hồ sơ về các nhân vật nổi tiếng ở Mỹ và nước ngoài - bao gồm các ngôi sao điện ảnh, chính khách, vận động viên, nhạc sĩ, nhà văn v.v… Như là, nhà văn Norman Mailer và vua hề Charlie Chaplin bị nghi ngờ có cảm tình với những người Cộng sản; hay nhạc sĩ John Lennon bị theo dõi vì liên quan đến phong trào phản chiến.

Do lo sợ sự ảnh hưởng của John Lennon đối với phong trào chống chiến tranh Việt Nam cho nên các đặc vụ FBI đã theo dõi chặt chẽ ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng này suốt nhiều năm. Năm 1962, Hoover yêu cầu mở hồ sơ về Norman Mailer, tác giả giành được giải thưởng Pulitzer và trong đó cho biết người này thừa nhận mình là một "người cánh tả" trên một chương trình radio. FBI cũng nhận định Mailer là người có cảm tình với Cuba.

Ảnh lưu trong hồ sơ FBI về Bud Abbott (phải) chụp với một nữ tiếp viên hàng không và diễn viên Lou Costello.

Các nhân vật trong văn hóa nhạc pop cũng là đối tượng của những cuộc điều tra tội phạm hay theo dõi bí mật của FBI. Ví dụ, Frank Sinatra bị nghi ngờ có quan hệ với mafia. Đặc vụ FBI cũng thu thập tài liệu thành lập hồ sơ 34 trang về nhạc sĩ guitar Jimi Hendrix sau khi anh bị cảnh sát Toronto bắt giữ năm 1969 vì tội sở hữu ma túy. Hồ sơ của FBI cũng ghi chép cặn kẽ về vụ Hendrix bị bắt giữ năm 1961 vì tội lái xe mà không có sự cho phép của người sở hữu phương tiện.

Hiện nay, người ta vẫn chưa nắm rõ có bao nhiêu nhân vật nổi tiếng và giới nghệ sĩ còn sống bị FBI điều tra bí mật. Bởi vì, các luật về đời tư của Mỹ cấm tiết lộ hồ sơ FBI về những người còn sống nếu không có sự phê chuẩn

Diên San (tổng hợp)
.
.