Tại sao Iran lên gân với phương Tây trong vấn đề hạt nhân?

Thứ Hai, 25/10/2010, 20:30
Dư luận trong và ngoài khu vực đang đặc biệt quan tâm tới tuyên bố hôm 17/10 của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad bởi ông không những kêu gọi phương Tây từ bỏ ủng hộ đối với Nhà nước Do Thái, mà còn cho rằng, Israel sẽ "sớm xuống địa ngục". Tuy đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đưa ra tuyên bố mang tính khiêu khích đối với Israel, nhưng dư luận vẫn chú ý bởi diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm.

Giới truyền thông đưa tin, tuyên bố kể trên được Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đưa ra sau chuyến thăm Liban gần đây. Nhân chuyến thăm này, ông Mahmoud Ahmadinejad cũng cam kết, Iran sẽ tiếp tục ủng hộ nhân dân Liban cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Liban chống lại Israel.

Sau khi đưa ra tuyên bố gây sốc kể trên, ông Mahmoud Ahmadinejad cũng khẳng định, Tehran sẵn sàng đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân nếu các nước hữu quan đáp ứng điều kiện của Tehran. Theo đó, trước khi đàm phán diễn ra, phương Tây phải tỏ rõ quan điểm của mình về nỗ lực sản xuất bom nguyên tử của Israel.

Ông Mahmoud Ahmadinejad nhấn mạnh, nếu phương Tây im lặng trước yêu cầu này đồng nghĩa với việc họ không tuân thủ các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Nhưng cách đây không lâu, người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran, ông Ali Akbar Salehi từng chỉ trích IAEA sau khi cơ quan này đưa ra báo cáo chỉ trích chương trình hạt nhân của Tehran.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng khẳng định, phản ứng của nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đối với những điều kiện của Iran sẽ ảnh hưởng tới diễn tiến của những cuộc thương lượng sắp tới. Ông Mahmoud Ahmadinejad cũng khẳng định, các cuộc đàm phán phải diễn ra trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phương Tây phải tôn trọng các điều kiện tiên quyết của Tehran. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thậm chí còn tuyên bố, phương Tây không còn lựa chọn nào khác là phải đàm phán với Iran. Đây là bình luận đầu tiên của ông Mahmoud Ahmadinejad về các cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna vào giữa tháng 11 tới.

Kiến nghị của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được đưa ra sau khi đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán mới tại thủ đô Vienna của Áo trong tháng 11 tới.

Ngày 16/10, bà Catherine Ashton đã đề nghị, nhóm P5+1 và Iran sẽ khôi phục đàm phán hạt nhân vào ngày 15/11/2010. Bà Catherine Ashton đưa ra tuyên bố này ngay sau khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở Bỉ.

Điều đáng nói là tuyên bố này có phần hơi khác với tuyên bố cách đây gần 1 tháng (24/9) của Tổng thống Iran khi ông khẳng định, Tehran đang cân nhắc khả năng chấm dứt hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ cao nếu nhóm P5+1 chấp nhận chuyển nhiên liệu dùng cho lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu y tế của nước này. Tuy nhiên, ông Mahmoud Ahmadinejad không đề cập đến khả năng ngừng làm giàu uranium cấp độ thấp.

Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki cho biết, Tehran đã chuẩn bị khá chu đáo cho cuộc đàm phán này. Ông Manouchehr Mottaki đã đánh giá đề xuất mới của EU là một tin tốt lành. Người phụ trách vấn đề hạt nhân của Iran, ông Saeed Jalili cũng cho biết, Tehran hoan nghênh đề xuất của EU và coi đàm phán là cách lựa chọn duy nhất của nhóm P5+1 đối với vấn đề hạt nhân của nước này. Được biết, các cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 đã bị đình trệ từ ngày 1/10/2009, sau đàm phán tại Geneva, Thụy Sỹ.

Trước tuyên bố của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, hôm 3/9, nhân ngày lễ Quds, Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran, tướng Hasan Firouzabadi cũng nhấn mạnh, Tehran có thể tấn công cơ sở hạt nhân của Israel nếu Nhà nước Do Thái có ý định tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran. Được biết, lò phản ứng hạt nhân chính của Israel nằm gần Dimona, thuộc sa mạc Negev. Về phần mình, Israel cũng nhiều lần tuyên bố không loại trừ một cuộc không kích quân sự vào các địa điểm hạt nhân của Iran.

Nhà máy hạt nhân ở Bushehr – Iran.

Trước đó (9/10), phát biểu trong cuộc họp báo tại Tehran, Ngoại trưởng Manouchehr Mottaki cũng cho rằng, cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ là thời gian thích hợp cho cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1. Ngày 24/9, ông Manouchehr Mottaki từng nhấn mạnh, Iran sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân miễn là các cuộc đàm phán diễn ra một cách công bằng.

Sau đó (2/10), người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi cũng đề cập tới vấn đề này, nhưng cụ thể hơn. Theo đó, các cuộc đàm phán hạt nhân tương lai giữa Iran và nhóm P5+1 có thể sẽ được tổ chức ở cấp thứ trưởng. Ngoài ra, một số nước có quan hệ thân thiết với Tehran cũng sẽ được phép tham gia vào tiến trình đàm phán.

Ngoài ra, khung đàm phán cũng sẽ bao gồm những vấn đề như cuộc chiến chống khủng bố, ma túy, các cuộc khủng hoảng khu vực, an ninh năng lượng, loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt...

Trịnh Thị Phương Anh (tổng hợp)
.
.