Tại sao Tình báo Australia cho công khai hồ sơ về "Jessie Đỏ"?

Thứ Ba, 11/03/2008, 17:30
"Jessie Đỏ" là biệt danh mà 4 cơ quan tình báo Australia là Tổ chức An ninh Tình báo Australia (ASIO), Cục Điều tra của Bộ Ngoại giao, Đơn vị Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng và Ban Tình báo của Khối Liên hiệp Anh đặt cho bà Jessie Street, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Australia, lý do bà được đặt biệt danh ấy là có tư tưởng và hành động thân Liên Xô.

"Jessie Đỏ" tên thật là Jessie Mary Grey Street sinh ngày 16/4/1889, định cư tại bang New South Wales. Là người chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Karl Marx nên vào năm 1922, sau khi tốt nghiệp Đại học Sydney, bà gia nhập đảng Cộng sản Australia và lao vào hoạt động xã hội.

Bà từng tham dự Hội nghị Phụ nữ thế giới tổ chức tại thủ đô Roma của Italia vào năm 1923. Năm 1926, bà thành lập Tổ chức Y tế xã hội bang New South Wales và đến năm 1928 là một trong những người sáng lập chi nhánh của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Australia.

Năm 1930, bà được bầu làm Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, chức vụ mà bà đảm nhiệm đến năm 1938 cùng với danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso.

Năm 1942, khâm phục sự chiến đấu ngoan cường của quân và dân Liên Xô trước sự xâm lăng của Đức Quốc xã, bà Jeesie thành lập Quỹ Trợ giúp y tế và nhân đạo cho Liên Xô (RMACP). Để đẩy mạnh hoạt động của RMACP, bà đã đi khắp Australia vận động dân chúng đóng góp bằng tất cả các khả năng nhằm giúp Liên Xô có được thuốc men và nhu yếu phẩm.

Vào thời kỳ đó, do chính quyền Australia vẫn xem Liên Xô là một quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít nên các cuộc vận động của bà Jessie không chỉ thu hút được sự quan tâm của đông đảo dân chúng mà còn được các cấp chính quyền tạo điều kiện.

Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới lần thứ II chấm dứt, cùng với việc hình thành khối các quốc gia XHCN do Liên Xô làm trung tâm để đối đầu với các quốc gia phương Tây, và của RMACP đáng lẽ phải chấm dứt theo yêu cầu của chính quyền Australia, bà Jessie vẫn cương quyết duy trì hoạt động của tổ chức này.

Cho đây là một hành động không thể chấp nhận được tại một quốc gia đồng minh là Australia trong cuộc đối đầu với Liên Xô, nên Mỹ và Anh gây sức ép buộc Chính phủ của Thủ tướng Ben Chiffley phải đình chỉ hoạt động của RMACP.

Hơn thế nữa, bị buộc tội có cảm tình với Liên Xô, bà Jeesie còn bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ để tham dự Hội nghị Phụ nữ quốc tế tổ chức tại thành phố New York vào tháng 2/1947. Cũng trong năm này, dưới sức ép của Mỹ và Anh, Chính phủ của Thủ tướng Ben Chiffley còn ngăn cản bà Jessie đến thành phố Genève của Thụy Sĩ để tham dự Hội nghị Nhân quyền quốc tế tổ chức vào tháng 12/1947.

Bất bình, bà Jessie bỏ đến một số quốc gia châu Á rồi tìm cách đến châu Âu và từ đó nhiều lần đến Liên Xô để tìm hiểu về dân tình, nhằm tìm cách giúp người dân ổn định một phần cuộc sống sau chiến tranh. Tuy nhiên, các hành động của bà Jeesie đều bị tình báo Mỹ và tình báo Anh tổ chức theo dõi rồi sau đó chuyển giao các hồ sơ theo dõi cho ASIO, khi cơ quan tình báo này được thành lập vào tháng 3/1949.

Thực ra trước đó, bà Jessie đã là đối tượng theo dõi và điều tra bởi Cục Điều tra của Bộ Ngoại giao Australia, Đơn vị Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Australia và Ban Tình báo của Khối Liên hiệp Anh.

Năm 1952, bà Jessie quay về Australia, tiếp tục vận động cho việc bảo vệ quyền lợi của người thiểu số Aborigen và còn tổ chức các hoạt động ủng hộ Liên Xô. Để ngăn cản các hoạt động của bà Jessie, ASIO đã nhiều lần tiến hành thu giữ các phương tiện tuyên truyền, lục soát nơi ở của bà và cố tìm những chứng cứ nhằm buộc tội bà làm điệp viên nội gián cho Liên Xô.

Năm 1957, khi đến bang Tasmania để vận động việc đưa các quyền của người Aborigen vào Hiến pháp, bà Jessie đã bị cảnh sát bang câu lưu trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Nhân lúc này, các nhân viên ASIO đã bí mật đột nhập vào nơi ở của bà để lục soát và truy tìm chứng cứ.

Bất chấp mọi cảnh báo của ASIO, bà Jessie vẫn tiếp tục các hoạt động của mình. Vào tháng 11/1960, bà lại bị ASIO câu lưu để điều tra sau khi tham dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười tại Lãnh sự quán Liên Xô ở thành phố Sydney. Tuy nhiên, bà Jessie chỉ bị cáo buộc làm điệp viên nội gián cho Liên Xô khi các nhân viên phản gián của ASIO ghi hình được cuộc trò chuyện giữa bà và Ivan Lupashna-Stalski, Tùy viên Lãnh sự quán Liên Xô ở thành phố Sydney, tại vườn thú Yaronga vào tháng 10/1964.

Bị bắt giữ, bà Jessie giải thích đó chỉ sự việc tình cờ gặp gỡ với Stalski mà không hề biết viên chức ngoại giao này là một điệp viên nằm vùng của Liên Xô (như theo khẳng định của ASIO).

Nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng phản đối việc bắt giữ bà Jessie và yêu cầu Chính phủ Australia phải trả tự do ngay cho bà. Trước phản ứng của dư luận ASIO đành trả tự do cho bà Jessie nhưng vẫn không rút lại việc buộc tội bà Jessie làm điệp viên nội gián cho Liên Xô. Từ năm 1965 đến khi qua đời tại thành phố Wentworth vào ngày 2/7/1970, bà Jessie bị cấm rời khỏi bang New South Wales và bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của ASIO.

Năm 1975, 5 năm sau ngày bà Jessie qua đời, Lawrence Whistler Street, con trai bà Jessie, Chánh công tố bang New South Wales, đã tìm cách phanh phui việc ASIO đã buộc tội làm điệp viên nội gián để minh oan cho mẹ mình vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX. Thế nhưng, mọi cố gắng của ông Lawrence đều gặp thất bại vì ASIO hoàn toàn giữ im lặng.

Đến năm 2005, Edward Grey, cháu của bà Jessie, một luật sư hành nghề tại thành phố Sydney đã mở một cuộc vận động rộng rãi khắp Australia để kiến nghị chính phủ gây áp lực, buộc ASIO phải cho công bố hồ sơ về "Jessie Đỏ". Đến tháng 10/2005, ASIO bắt đầu cho công bố từng phần hồ sơ theo dõi bà Jessie. Hồ sơ này được lập vào năm 1974 và được xếp lưu trữ vào năm 1979 (4 năm sau khi bà Jessie qua đời).

Theo nghiên cứu của luật sư Edward Grey, trong hồ sơ theo dõi bà Jessie của ASIO đã có không ít thông tin, chứng cứ không xác đáng. Đây có thể là những chứng cứ giả tạo, mà ASIO đã dựng lên để buộc tội bà Jessie làm điệp viên nội gián cho Liên Xô

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.