Tàu ngầm U-1206 chìm vì… phòng vệ sinh

Thứ Sáu, 19/01/2018, 13:03
10 giờ sáng ngày 14-4-1945, một thủy phi cơ tuần tra biển Catalina của Hải quân Hoàng gia Anh bất ngờ phát hiện một tàu ngầm Đức Quốc xã, số hiệu U-1206, lúc ấy đang nổi lên mặt nước và chỉ cách bờ biển Scotland khoảng 8 hải lý.

Vài phút sau đó, chiếc tàu ngầm xấu số đã nằm gọn trong tầm ngắm của chiến đấu cơ Spitfire thuộc Không quân Anh rồi tiếp theo là một tá khu trục hạm và tàu săn ngầm. Hứng chịu hàng loạt đạn và ngư lôi chống ngầm, chiếc U-1206 chìm xuống đáy biển mà nguyên nhân chỉ vì cái… phòng vệ sinh!

Lai lịch một con tàu

Được đóng bởi Công ty Schichau-Werke, Đức, tàu ngầm U-1206 hạ thủy ngày 12-6-1943 tại thành phố cảng Danzig, Đức. Ngày 16-3-1944, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Gunther Fritze, tàu biên chế vào Lữ đoàn U-Boat số 8 thuộc Hải quân Đức Quốc xã.

Đến tháng 7-1944, nó chuyển sang phục vụ tại Đội đặc nhiệm U-Boat số 11 và quyền chỉ huy lúc này thuộc về thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt cùng thủy thủ đoàn 49 người. Nhiệm vụ của tàu là săn lùng, tiêu diệt các tàu của quân Đồng minh trên một vùng biển diện tích 20.000km2 nằm xung quanh nước Anh và Pháp

Với chiều dài 67,10m, rộng 6,20m, cao 9,50m, U-1206 trang bị hai động cơ xăng Germaniawerft F46 cùng một động cơ diesel tăng áp với tổng công suất 3.200 mã lực để hoạt động lúc tàu nổi lên mặt nước. Khi lặn, U-1206 vận hành bằng 2 động cơ điện AEG GU 460 với tổng công suất 550 kW (tương đương 750 mã lực). Nó có 2 cánh quạt đường kính 1,23 m và có thể lặn sâu tới 230 m. Khi nổi trên mặt nước, tốc độ tối đa của U-1206 là 32,8km/giờ, còn khi lặn, con số này là 14,1km/giờ.

Thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt.

Vũ trang bằng 5 ống phóng gồm 4 ở mũi, 1 ở sau đuôi với 14 quả thủy lôi, sức mạnh của chiếc U-1206 còn được tăng cường bởi 1 đại bác 88mm, 1 súng  37mm cùng 2 đại liên phòng không 30,2mm. Với tầm hoạt động lên đến 15.700km, thế hệ tàu ngầm lớp U của Đức Quốc xã là nỗi kinh hoàng của hải quân Đồng minh trong giai đoạn giữa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 bởi lẽ chưa giải được những bản tin mật mã, sử dụng bằng máy Enigma trên tàu ngầm lớp U nên tàu săn ngầm Đồng Minh chẳng biết đường nào mà truy lùng.

Ngày 28-3-1945, chiếc U-1206 rời khỏi căn cứ hải quân Kiel, Na Uy, nơi vẫn còn bị Đức Quốc xã chiếm đóng để thực hiện chuyến tuần thám trên vùng biển Bắc và quay lại vào ngày 30-4. Hai ngày sau, thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt cho tiến hành kiểm tra kỹ thuật trong suốt 24 tiếng rồi ngày 6-4, từ cảng Kristiansand, cũng ở Na Uy, nó chính thức bước vào cuộc chiến.

Không gian chật hẹp, lại thêm mùi xăng, mùi dầu diesel, mùi mồ hôi nên cuộc sống của 50 con người trên chiếc U-1206 xem ra không được thoải mái lắm. Tuy nhiên, điều phiền toái nhất là cả tàu chỉ có 2 phòng vệ sinh nhưng một phòng lại nằm cạnh nhà bếp, và bị trưng dụng làm kho chứa thêm thực phẩm nên ngày nào cũng vậy, thủy thủ đoàn phải xếp hàng chờ đến lượt mình.

Erich Dieter, thợ máy của chiếc U-1206 nhớ lại: “Có người “nhịn” không nổi, họ tìm một chiếc hộp sắt đựng bánh đã ăn hết rồi “đi” vào đó. Thấy vậy, những người khác bắt chước làm theo. Và mặc dù họ che đậy rất kỹ nhưng cái mùi của nó vẫn nồng nặc. Chỉ đến lúc tàu nổi lên mặt nước để sạc ắc quy, các chất thải ấy mới được đổ vào lại trong bồn cầu rồi xả xuống biển…”.

Chiếc U-1206 lúc đang được đóng ở Danzig, Đức.

Khác với những loại tàu ngầm Anh, Mỹ, chất thải con người được đưa vào bể kín tự hoại thì ở tàu ngầm Đức, nhằm tiết kiệm không gian để lắp đặt thêm các thiết bị khác, họ không dùng bể kín tự hoại mà chất thải được xả thẳng ra biển. Tuy nhiên việc xả ra biển chỉ có thể thực hiện khi tàu đang nổi trên mặt nước chứ khi tàu lặn xuống, dưới áp suất của nước, việc xả thải là việc hoàn toàn không thể thực hiện được.

Để khắc phục tình trạng này ở những tàu ngầm lớp U, các kỹ sư Đức đã nghiên cứu và thiết kế một hệ thống thoát chất thải ra biển ngay cả khi nó đang lặn dưới độ sâu 80m.

Vẫn thợ máy Erich Dieter cho biết: “Hệ thống ấy vận hành khá phức tạp với 4 cái van. Lúc bắt đầu “đi”, bạn phải xoay van này, vặn van kia rồi lúc “đi” xong, bạn lại phải mở và đóng thêm 2 van nữa. Điều đáng nói là lẽ ra trước khi lên đường, tất cả thủy thủ đoàn phải được tập huấn cách sử dụng phòng vệ sinh nhưng chẳng ai dạy chúng tôi cả. Thay vào đó, nó lại nằm trong cuốn sách hướng dẫn các chi tiết kỹ thuật trên tàu. Mà cuốn sách này thì đa số thủy thủ có đọc cũng chẳng hiểu bởi nó toàn những từ chuyên môn. Vì thế, họ vẫn cứ phải “đi” vào xô, chậu, vỏ đồ hộp…”.

Chỉ tại cái… toilet!

Sáng 14-4-1945, sau 9 ngày ngang dọc trong vùng biển giữa nước Anh và nước Pháp, thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt quyết định cho tàu lặn ở độ sâu 60 mét rồi tiến vào gần cảng Peterhead, Scotland, Anh Quốc với tốc độ 15km/giờ vì qua kính tiềm vọng, ông nhìn thấy một số tàu Đồng minh đang neo tại cảng.

Khi còn cách cảng Peterhead chừng 10 hải lý thì máy trưởng báo cho Schlitt biết là động cơ diesel bị trục trặc. Giao quyền điều khiển lại cho thuyền phó, Schlitt xuống khoang máy xem xét tình hình. Khi biết rằng phải giảm tốc độ để sửa chữa, ông ra lệnh cho tàu chạy 10km/giờ.

Lúc này, một sĩ quan phụ trách phóng ngư lôi do không “nhịn” nổi, mà xô, chậu, thùng, tìm cũng chẳng thấy nên anh ta vào phòng vệ sinh. Do chưa đọc cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật nên sau khi “đi” xong, anh ta la lớn, gọi kỹ sư cơ khí đến nhờ giúp mở các van xả chất thải ra biển.

Chiếc U-1206 rời cảng Kristiansand, Na Uy để thực hiện chuyến đi đầu tiên và cũng là chuyến cuối cùng.

Tuy nhiên, một thao tác sai lầm của người kỹ sư cơ khí đã khiến chất thải trong bồn chứa thay vì được hệ thống khí nén bơm ra biển, nhưng do van thoát lại được mở trước nên nước biển ồ ạt tràn vào khiến khu vực chứa các ắc quy chì dùng để chạy động cơ điện nằm ngay dưới phòng vệ sinh bị ngập. Muối trong nước biển nhanh chóng xúc tác với axit trong ắc quy, sinh ra khí Clo.

Thuyền trưởng Schlitt nhớ lại: “Tôi đang ở trong khoang máy thì được tin báo sự cố. Nhiều thủy thủ bị cay mắt, ho và ngạt thở. Không còn cách nào khác, tôi đành phải ra lệnh báo động chiến đấu rồi cho tàu nổi lên mặt nước để làm sạch khí độc”.

9 giờ 40 phút sáng 14-4-1945, chiếc U-1206 xuất hiện giữa những con sóng bạc đầu. Phần lớn thủy thủ trèo hết lên mặt boong, há miệng hít thở làn không khí mát lạnh mà không hề biết rằng trên bầu trời, cách đó chừng 5km, một thủy phi cơ tuần tra biển Catalina do thiếu úy William Cosnery điều khiển đã phát hiện nó.

Cosnery kể lại: “Thoạt tiên, tôi thấy nước biển rẽ ra thành một vạch dài, dấu hiệu của ống kính tiềm vọng trên tàu ngầm khi nó chuẩn bị nổi lên. Lúc ấy, tôi nghĩ là tàu Mỹ vì toàn bộ nước Pháp, Bỉ, Áo đã được giải phóng, người Đức không dám liều mạng đưa tàu vào. Nhưng khi toàn bộ phần thân trên của tàu nổi lên dưới ánh nắng, tôi hét lớn với phi công phụ và cũng là nhân viên thám sát ngồi bên cạnh: “Ôi Chúa ơi, U-Boat Đức”.

Không chút chậm trễ, phi công William Cosnery một mặt gọi về trung tâm chỉ huy báo cáo tình hình, mặt khác cho máy bay lượn vòng ra xa để tránh sự chú ý của những người trên chiếc U-1206.

Xác tàu U-1206 sau 25 năm dưới đáy biển.

Diethelm Wagne, một thủy thủ tàu U-1206 kể lại: “Chúng tôi không ai nhận ra sự có mặt của máy bay Anh. Tất cả chỉ tập trung vào việc bơm không khí sạch vào tàu để đẩy khí Clo ra. Và mặc dù thuyền trưởng Schlitt đã báo động chiến đấu - là quy định bắt buộc mỗi khi tàu ngầm nổi lên trong vùng nước có khả năng xảy ra đụng độ với đối phương - nhưng tất cả các mâm pháo đều không ai ngồi, kể cả 2 khẩu súng phòng không cũng bỏ trống”.

Khoảng 8 phút sau đó, chiếc Spitfire đầu tiên của Không quân Hoàng gia Anh xuất hiện. Từ trên cao, nó bổ nhào xuống với những loạt đạn bắn ra bởi hai khẩu súng máy 12,7mm ở hai bên cánh. Loạt đạn đầu tiên giết chết 3 thủy thủ trên boong, gồm Hans Berkhauer, Karl Koren và Emil Kupper; còn những loạt sau, nó khiến thân tàu thủng lỗ chỗ.

Chưa hết, chiếc Spitfire thứ hai táng tiếp cho nó một quả ngư lôi vào đuôi khiến nó nghiêng về một bên, nước ào ạt tràn vào trong lúc từ xa, đã thấy bóng dáng của những tàu khu trục và tàu săn ngầm Anh Quốc.

Lúc này, tàu U-1206 không còn có thể lặn để thoát thân được nữa nên thuyền trưởng Schlitt ra lệnh bỏ tàu. 36 thủy thủ trên các xuồng cứu sinh bị một  tàu khu trục của Anh bắt sống, 10 người khác chèo được vào bờ nhưng cũng bị bắt, trong đó có thuyền trưởng Schlitt. Trước lúc xuống xuồng cứu sinh, ông vẫn còn kịp ghi lại vị trí nơi tàu chìm vào cuốn sổ tay: 54, 27 độ vĩ Bắc, 37 độ kinh Đông. Ông nói: “Đó là chuyến hải hành tác chiến đầu tiên của U-1206 nhưng cũng là chuyến cuối cùng”.

Chiến tranh kết thúc, tháng 6-1970, trong quá trình khảo sát đặt đường ống dẫn dầu cho Hãng dầu khí B của Anh từ mũi Forties Field đến vịnh Cruden, nhóm thợ lặn đã tìm thấy xác tàu U-1206 nằm ở độ sâu 70m dưới đáy biển. Jim Burke, người dẫn đầu nhóm thợ lặn nói: “Thoạt đầu, chúng tôi chưa rõ lai lịch của nó nhưng qua những bức ảnh mà chúng tôi chụp, Bộ Hải quân Anh xác nhận nó chính là chiếc U-1206, bị đánh đắm ngày 14-4-1945. Sau 25 năm ngâm mình trong nước mặn, tàu U-1206 đã mục nát gần hết”.

Với thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt, sau gần 9 tháng bị giam trong trại tù binh của quân Đồng minh, đầu năm 1946 ông được trả tự do rồi trở về quê hương ở Hamburg, Đức. Ông mất ngày 7-4-2009, thọ 90 tuổi. Cho đến lúc chết, ông vẫn hoàn toàn phủ nhận việc chiếc U-1206 bị quân Đồng minh đánh chìm chỉ vì cái… toilet nhưng ông đồng ý với lập luận của tất cả các thủy thủ sống sót, rằng đã có một sự cố với van áp suất điều khiển việc xả chất thải ra biển khi tàu ngầm vẫn ở dưới nước. 

Hiện tại, ai có dịp đến “Đại sảnh Danh vọng - là nơi khắc tên những nhân vật, những sự kiện quan trọng xảy ra trên thế giới trong suốt thế kỷ 20” ở thành phố Los Angeles, Mỹ, sẽ thấy tên của chiếc U-1206 được đặt cạnh tên tàu Titanic. Nhưng nếu so sánh U-1206 với Titanic thì cái chết của U-1206 vô duyên thật!

Vũ Cao (theo History - Sunk by a Toilet)
.
.