Tây Ban Nha: Những người thừa kế tài sản của nhà độc tài Franco bị lên án

Thứ Ba, 25/09/2007, 20:30
Các bất động sản của dòng họ nhà độc tài Francô ở Tây Ba Nha đang là đề tài của một cuộc chiến pháp lý giữa những người thừa kế và chính quyền tỉnh Galice.

Với tài sản được xây dựng từ các bất động sản mà Franco đã vơ vét  được trong suốt 40 năm cầm quyền, những kẻ thừa kế thường gây ra những điều bất ngờ khiến cho giới báo chí phải chú ý. Chuyện bàn luận mới nhất là vụ thừa kế rối rắm các bất động sản.

Từ vài tháng qua, những người thừa kế của Franco đang đấu tranh với chính quyền vùng Galice vì chính quyền định lấy dinh thự mùa hè của dòng họ Franco làm tài sản văn hóa. Đó là lâu đài Pazo Meiras từ thế kỷ XIX bị nhà độc tài chiếm hữu nhưng thật ra vốn là tài sản quốc gia.

Đám tang nhà độc tài Franco năm 1975.

Tòa lâu đài với 3 chiếc tháp uy nghi bị hỏa hoạn vào năm 1978 và cần được trùng tu lại. Theo chính quyền, không có vấn đề tống các chủ nhân ra ngoài mà chỉ đánh giá tình trạng bảo quản.

Ngày 30/8, sau 8 tháng thương lượng, một nhóm viên chức gồm 1 kiến trúc sư, 1 nhà sử học và 1 nhà khảo cổ đã bị cấm không cho bước vào lâu đài. Từ đó sự căng thẳng càng tăng thêm. Nếu vẫn cố ngăn cản, dòng họ Franco có thể bị phạt 60.000 euro.

Chính quyền muốn biến lâu đài và khuôn viên rộng 6 ha thành tài sản văn hóa công cộng. Điều này sẽ buộc các chủ nhân mở cửa cho công chúng tham quan 4 ngày trong tháng. Bù lại, họ sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng để bảo quản lâu đài.

Nhưng con gái Carmen Franco Polo của nhà độc tài, nhất quyết không đồng ý, khẳng định rằng đấy là tài sản tư nhân. Phe cánh tả bắt đầu la ó: “Đó là một sự chiếm hữu di sản công cộng dưới chế độ độc tài và đã kéo dài suốt 30 năm của nền dân chủ”. Và họ sẽ trình một dự luật nhằm lấy lại các tài sản mà nhà độc tài đã chiếm dụng.

Hiện nay, dòng họ Franco có nhiều đất đai và biệt thự ở khắp Tây Ban Nha. Khi Franco chết, nhân danh sự chuyển tiếp của nền dân chủ, những nhà lãnh đạo cho rằng nên tha thứ cho các tội lỗi trong quá khứ, dẹp bỏ mọi sự bới móc và không truy cứu trách nhiệm.

Kết quả là 3 thập kỷ sau khi Franco qua đời, dòng họ Franco sở hữu một sản nghiệp mà giá trị vẫn còn là một bí ẩn. Trước đây, báo chí từng đưa tin một người cháu dự tính sẽ xây dựng 4.000 căn hộ trên một khu đất ở ngoại ô thủ đô Madrid mà thật ra thuộc về tài sản công cộng.

Đó là khu Valdelasfuentes rộng 1.000ha mà Franco đã chiếm hữu trong thập niên 60 thế kỷ trước và làm nơi khai thác nông nghiệp rất có lãi. Người cháu Francis dùng nơi đó làm bối cảnh để quay các bộ phim kinh dị và khiêu dâm.

Đứng đầu "đế chế" đó là bà Carmen Franco Polo, 88 tuổi, con gái nhà độc tài. Người phụ nữ này điều hành một hội đoàn tư mang tên người cha mà mục tiêu chính thức là "truyền bá tư tưởng của tướng Franco". Hội đoàn này đang bị phê phán vì chỉ cho công chúng tiếp cận một cách dè sẻn với thư khố của hội chứa đến 27.000 tài liệu.

Trong suốt nửa sau nhiệm kỳ của Thủ tướng José Maria Aznar (2000-2004), hội đoàn này tuy bị lên án là “ca tụng chế độ Franco”, nhưng vẫn nhận được trung bình 25.000 euro mỗi năm tiền trợ cấp của chính phủ.

Sự trợ giúp tài chính này, chính thức là để bảo quản thư khố, nhưng đã bị cắt bỏ khi Thủ tướng José Luis Rodriguez Zapatero lên nắm chính quyền vào tháng 3/2004. Là cháu của một đảng viên Cộng hòa bị chế độ Franco xử tử, người thủ lĩnh của cánh tả Tây Ban Nha đó ngay từ đầu nhiệm kỳ đã tuyên bố mong muốn hàn gắn các vết thương của quá khứ thời Franco.

Và ý nguyện này sẽ được cụ thể hóa với sự phê chuẩn đạo luật về việc thu hồi hiện vật lịch sử được nhiều người mong đợi, nhằm đền bù về tinh thần và tài chính cho các nạn nhân của cuộc nội chiến (1936-1939) và nạn nhân của chế độ độc tài Franco

M.L. (theo Le Figaro)
.
.