Tên lửa Buk đã bắn rơi máy bay MH-17?

Thứ Ba, 20/09/2016, 16:35
Công ty phân tích thông tin tình báo và tư vấn an ninh Mỹ Stratfor vừa mới đăng tải hình ảnh vệ tinh cho thấy tên lửa đất đối không BUK được lắp đặt trên nóc của một container xuất hiện ở Donetsk 5 giờ trước khi máy bay MH-17 bị bắn hạ.

Nguồn thông tin này do một nhóm điều tra độc lập của Anh có tên Bellingcat tiến hành. Bellingcat cho hay tên lửa BUK được chuyển đến khu vực do quân ly khai kiểm soát.

Sau khi phân tích hình ảnh về BUK, các điều tra viên của Bellingcat tin rằng tên lửa BUK chính là thủ phạm bắn rơi MH-17. Bằng cách so sánh những đặc trưng như loại bánh máy bay, vết nứt gãy trên tấm panel, thậm chí cả những dấu vết của muội than do cháy để lại, báo cáo của Bellingcat viết rằng, chỉ có thể đó là tên lửa đất đối không BUK của Nga được đánh số 332.

Tên lửa Buk M-3 thế hệ mới tối tân nhất vừa được Nga thử thành công.

Tham gia vào các cuộc tranh luận, báo Daily Mail cho rằng, việc xác minh bằng chứng này trở nên khó khăn hơn, bởi một trong ba chữ số trên BUK đã bị thất lạc, buộc nhóm điều tra phải tạm "gọi tên là BUK 3x2".

Riêng Bellingcat cho hay họ đã phải rà soát lại những tư liệu cách đây hơn 5 năm để xác định con số bí ẩn bị "thất lạc" kia trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Được biết, các cuộc điều tra của Bellingcat diễn ra sau khi có báo cáo hồi tháng 11-2014 rằng, quân đội Nga đã cung cấp hệ thống phóng tên lửa BUK cho quân nổi dậy ở Donetsk chống lại Chính phủ Kiev, và có nhiều khả năng họ đã thực hiện vụ bắn rơi máy bay MH-17 cất cánh từ sân bay Hà Lan.

Sau tin chấn động này, hiện Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra bình luận gì. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga mô tả Bellingcat là "công cụ để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc điều tra thảm kịch MH-17", và cáo buộc nhóm này hợp tác với chính quyền Ukraine để sử dụng bằng chứng giả nhằm mưu hại Nga bắn hạ chiếc máy bay của hãng hàng không dân dụng Malaysia.

Trước đó,  BBC News cũng đã từng tuyên bố một giả thuyết mới về tai nạn của máy bay mang số hiệu MH-17: nó có thể đã bị một chiến đấu cơ của Ukraine bắn rơi, chứ không phải do quân nổi dậy bắn rơi bằng tên lửa BUK.

Theo hãng tin BBC,  việc Nga đưa ra kết quả điều tra trên chỉ diễn ra vài giờ trước khi Hà Lan cũng công bố báo cáo điều tra chính thức của nước này về vụ rơi máy bay gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia của Almaz-Antey đã tiến hành thử nghiệm mô phỏng vụ va chạm giữa tên lửa 9M-38 của tổ hợp BUK với máy bay hành khách IL-86.

Xác máy bay MH-17 đang được phục dựng.

Kết quả thử nghiệm mô phỏng xác nhận chiếc Boeing-777 đã bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng quân đội Ukraine. Theo các chuyên gia của Almaz-Antey, tên lửa nổ ở khoảng cách động cơ bên trái của máy bay hơn 20m.

Chiếc máy bay MH-17 của Hãng hàng không Malaysia bị rơi ngày 17-7-2014 tại làng Grabove, Donetsk thuộc miền Đông Ukraine khi đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) làm toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine đã bắn hạ.

Tuy nhiên, các tay súng ở miền Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm chiếc MH17. Gần hai năm sau thảm họa MH-17, thủ phạm cũng như động cơ của vụ bắn rơi máy bay này vẫn là một bí ẩn khi các bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau.

Tường Quyên (tổng hợp)
.
.