Tên tội phạm Quốc xã cuối cùng đối mặt với công lý

Thứ Tư, 01/04/2015, 11:35
Theo dự kiến vào đầu tháng 4, Tòa án thành phố Hanover thủ phủ bang Lower Saxony (Đức) sẽ đưa bị cáo Oskar Groning, 94 tuổi, cũng là tên tội phạm Quốc xã cuối cùng còn sống trên đất Đức ra xét xử vì tội diệt chủng chống lại loài người.

Cựu trung sĩ SS Oskar Groning sinh trưởng tại vùng ngoại vi Hanover đã từng đảm nhiệm chức vụ kế toán ở trại tập trung Auschwitz, cũng là nơi giam giữ tù nhân lớn nhất của chế độ phát xít Đức trong Thế chiến II. Theo đó, O. Groning bị buộc tội đồng lõa với các vụ thảm sát khoảng 300.000 người, trong tổng số hơn 425.000 người Do Thái bị giết chết tại phòng hơi ngạt ở Auschwitz, diễn ra chỉ trong  tháng 5 và 6/1944.

"Nhiệm vụ của O. Groning là cất giữ tiền bạc và đồ trang sức của các tù nhân mới được đưa tới trại tập trung Auschwitz, ghi chép vào sổ sách rồi nộp lên Ban Tài vụ bổ sung công quỹ duy trì trại - bản cáo trạng vạch rõ. Nhưng có một điều ít người biết được, rằng đích thân trung tá SS Rudolf Hoss giám thị trại đã giao nhiệm vụ đặc biệt cho bị cáo. Vì vậy O. Groning phải thường xuyên có mặt trên sân ga mỗi khi tàu đến, quan sát tỉ mỉ nhằm phát hiện các tù nhân đeo đồ trang sức quý, kịp thời ra ám hiệu để đám cai tù tách riêng họ ra và cướp sạch tài sản mang theo trước khi đem đi thủ tiêu".

Hiển nhiên các nạn nhân sống sót tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Hồng quân Xôviết giải phóng trại tập trung Auschwitz (27/1/1945 - 27/1/2015), không ai biết được vai trò "giấu mặt" của O. Groning trên sân ga vào 70 năm trước. Sự việc chỉ được phát hiện khi viên cựu hạ sĩ quan SS đinh ninh rằng, pháp luật sẽ lơ đễnh "bỏ qua" trường hợp của mình.

O. Groning nôn nóng chờ đợi chuyến tàu hỏa chở tù nhân sắp tới.

Nguyên do trong một lần trả lời phỏng vấn ký giả kiêm sử gia Anh Laurence Rees, người đang thực hiện bộ phim tài liệu truyền hình của Hãng BBC với tựa đề "Auschwitz: Phát xít Đức và giải pháp cuối cùng", nhân đánh dấu 70 năm trại tập trung khét tiếng này được giải phóng, O. Groning đã hé lộ chân tướng của mình: "Tôi từng tình nguyện gia nhập lực lượng SS tinh nhuệ, rồi được phân công về Auschwitz ở Ba Lan vào giữa năm 1944. Theo tôi có không dưới 1,5 triệu người Do Thái đã thiệt mạng ở đấy".

Sau đó nhà sử học chuyên về Thế chiến II L. Rees đã cho O. Groning mượn đọc cuốn sách nguyên bản tiếng Đức, có nhan đề "Auschwitz Lie" (Sự thật về trại Auschwitz) của cố tác giả người Đan Mạch gốc Đức Thies Christophersen (1918-1997), cũng là kẻ cuồng nhiệt với ý tưởng tận diệt sắc dân Do Thái của trùm phát xít Hitler. Khi trả lại sách, O. Groning trơ trẽn thừa nhận: "Sách viết rất chính xác! Bản thân tôi đã chứng kiến hết thảy, từ phòng hơi ngạt đến lò hỏa táng và khu thí nghiệm do bác sĩ quân y Josef Mengele phụ trách...".

Khi Đài Truyền hình BBC công chiếu bộ phim tài liệu vào tháng 2 vừa qua, Thị trưởng Hanover Stefan Schostok lập tức chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra gấp rút truy tìm hồ sơ liên quan đến O. Groning tại các cơ sở lưu trữ ở CHLB Đức nói riêng, cũng như trên toàn châu Âu nói chung.

O. Groning (trái) trực tiếp kiểm tra việc kê khai tài sản những người mới đến trại Auschwitz.

Theo đó đương sự đã bị động viên ra mặt trận phía Tây, buộc phải rời Auschwitz vào mùa thu năm 1944, rồi bị quân Anh bắt làm tù binh và đưa về Anh giam giữ. Do O. Groning cố tình man trá nhân thân của mình, rằng vốn là một nông dân buộc phải đăng lính theo lệnh tổng động viên, nên đã được quân Đồng minh phóng thích trở về thành phố Hanover quê hương. Sau đó hắn lập gia đình và có vợ con đề huề. Thậm chí, O. Groning còn được bầu làm Hội trưởng Hội Những người chơi tem của bang Lower Saxony, thường xuyên mang tem đi tham gia triển lãm khắp nơi mà không bị ai phát giác…

Theo thống kê của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), tính đến hết năm 2013 chỉ có 50 bị can trong tổng số 6.500 binh lính và sĩ quan Quốc xã ở trại Auschwitz đã bị điệu ra trước vành móng ngựa, số còn lại đã kịp mai danh ẩn tích hoặc chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Riêng ở Đức tính đến cuối tháng 2/2015, Cơ quan Điều tra tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã đã xác định được tổng cộng 12 quân nhân phát xít cuối cùng từng phục vụ trong trại Auschwitz. Trong đó 7 người đã chuyển nơi cư ngụ từ lâu và mang quốc tịch nước ngoài, đang sinh sống tại Australia, Brazil, Croatia, Mỹ, Ba Lan và Israel, 1 người đã chết vì tuổi cao vào đầu năm nay, 3 người khác bị loại khỏi diện nghi vấn về tội diệt chủng do không tìm thấy đủ bằng chứng. Duy chỉ còn viên cựu kế toán Groning là công dân Đức vẫn đang nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật.

O. Groning trước khi bị bắt giam.

Sau khi bị tống giam để phục vụ công tác điều tra vào ngày 10/3 vừa qua, Groning ra sức phân bua trước các nhân viên thẩm vấn: "Tôi chỉ là một con ốc bé nhỏ trong guồng máy khổng lồ", hay: "Xét theo phương diện pháp lý bản thân tôi là người vô tội, bởi trong thực tế một kế toán viên với cây bút và bàn tính làm sao có thể thực hiện âm mưu giết người được".

Theo giới quan sát tư pháp, nếu bị kết tội O. Groning có thể đối mặt với mức án tối đa là chung thân truất quyền ân giảm, do chính thể CHLB Đức đã bãi bỏ án tử hình từ lâu.

Trần Hồng (theo Bild-Zeitung)
.
.