"Thảm họa Chernobyl": Âm mưu tách Ukraina khỏi Liên bang XôViết

Chủ Nhật, 30/06/2013, 16:20

Công luận Ukraina nói riêng và châu Âu nói chung trong những ngày này hết sức bàng hoàng, khi Giáo sư Nikolai Vasilevich Kravchuk, một nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng người Ukraina cho phát hành quyển sách bóc trần âm mưu cố tình hủy hoại lò phản ứng ở Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, gây ra thảm họa hạt nhân lớn nhất trong thời bình và để lại di chứng nặng nề cho dù hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua.

Nhanh chóng biến thành đầu sách bán chạy nhất, quyển sách dày 103 trang viết bằng tiếng Nga này có tựa đề "Zagadka Chernobylskoi katastrofy" (Bí ẩn về vụ tai nạn ở Chernobyl), do Nhà xuất bản Airo-XXI ở Moskva ấn hành, là kết quả sau nhiều thập niên dày công khảo cứu của Giáo sư N. Kravchuk.

Qua đó, tác giả khẳng định rằng: Sự cố phát nổ của lò phản ứng đã được lên kế hoạch từ trước, rồi được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mikhail Gorbachev, cũng là nhân vật khởi xướng phong trào "cải tổ" lúc ấy đang được quảng bá rầm rộ. Mục đích hòng tạo ra cái cớ hợp lý tách Ukraina khỏi Liên bang Xôviết, mở đường cho sự tan rã của siêu cường Liên Xô mà phương Tây luôn mong muốn.

Lịch sử minh chứng kế hoạch đầy mưu mô này đã đưa đến hệ quả Ukraina là nước lớn nhất trong số các quốc gia rời bỏ Nhà nước Xôviết trong vòng 5 năm sau đó.

Từng tốt nghiệp Khoa Vật lý hạt nhân tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MSU), rồi được giữ lại làm trợ giảng nhiều khóa liền ở ngôi trường danh tiếng này, với bề dày kinh nghiệm của mình, Giáo sư N. Kravchuk đã đi sâu phân tích những điều bất hợp lý trên phương diện chuyên môn kỹ thuật thuần túy, vạch rõ những sai sót "bất khả kháng" dẫn đến cú nổ kinh hoàng tại lò số 4. Đồng thời ông cũng bác bỏ lỗi quy chụp cho đội ngũ quản lý và vận hành lò, như kết luận của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) 4 tháng sau đó.

Trước khi cuốn sách được phát hành, tác giả đã cho đăng một số tài liệu trên báo chí Nga và Ukraina có xu hướng độc lập với chính quyền, tức thì ông bị sa thải khỏi nơi đang làm việc là Viện Vật lý lý thuyết thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ukraina.

Quyển sách "gây sốc" của tác giả N. Kravchuk.

Trở lại thời điểm xảy ra tai nạn, vào ngày 25/4/1986, lò phản ứng số 4 chuẩn bị ngừng hoạt động cho kế hoạch bảo dưỡng định kỳ. Trong thực tế từ ngày 12/3 trước đó, vật liệu cốt lõi của lò phản ứng đã bị thay đổi. Sự thay đổi "trái khoáy" này là kết quả từ các kế hoạch được hoạch định trước đấy. Thay vì nguồn nguyên liệu U-235 quen thuộc, chẳng hiểu sao người ta lại thay mới bằng loại U-239 chuyên dụng cho tàu ngầm hạt nhân, là thứ  dễ tan chảy hơn trong điều kiện làm mát cố hữu của lò phản ứng điện nguyên tử.

Sau khi lò dừng vận hành một thời gian theo quy trình là việc tắt hệ thống làm mát các thanh nhiên liệu, nhưng vào thời điểm ấy các thanh U-239 chưa nguội hẳn làm nhiệt độ tăng vọt, khiến nguyên liệu bên trong tan chảy tạo tiền đề phát sinh cú nổ bất ngờ vào rạng sáng ngày 26/4, bật tung nắp lò và phát tán phóng xạ ra khắp nơi cùng sức mạnh tương đương một trận động đất 2,5 độ Richter.

Giáo sư N. Kravchuk trong suốt thời gian dài đã cất công lần tìm các văn bản tài liệu lưu trữ ở Bộ Năng lượng nguyên tử Liên Xô cũ, cũng như Bộ Năng lượng Ukraina có liên quan đến việc cho phép thay thế các thanh nhiên liệu mới, nhưng… vô vọng. Manh mối duy nhất là một chỉ thị miệng mang tính can thiệp hành chính từ Văn phòng Gorbachev, nhằm "tận dụng nguyên liệu dôi dư từ lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược"(!).

Lò phản ứng số 4 tan hoang sau vụ nổ.

Mệnh lệnh đầy chủ ý này do một nhân chứng (giấu tên vì lý do an toàn bản thân), từng công tác tại Ban Quản lý các nhà máy điện nguyên tử Liên Xô nhớ rành mạch. Cụ thể vào thời điểm khoảng giữa tháng 3/1986, một cú điện thoại từ Văn phòng Gorbachev gọi cho Ban Quản lý, còn đích danh người ở đầu dây bên kia thì nhân chứng không nhớ nổi…

Thảm họa ở Chernobyl đã khiến hàng trăm nghìn người dân châu Âu bị ảnh hưởng. Do vụ nổ tại lò số 4 đã phát tán lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào cuối Thế chiến II, buộc giới hữu trách phải thiết lập một vùng cách ly có bán kính 30km bao quanh khu vực Chernobyl. Đây là một trong những địa điểm nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất trên hành tinh.

Theo Giáo sư N. Kravchuk thì kết cục "vụ Chernobyl" giống như "một viên đạn đạt 2 mục tiêu", song song với việc Kiev muốn "đoạn tuyệt" kỹ thuật hạt nhân không an toàn của Nga, là việc Moskva muốn "xa lánh" hẳn với vùng đất đầy phóng xạ nguy hiểm. Đó là quan điểm chính thống của cả 2 phía, phù hợp với chiến thuật "chia rẽ từ bên trong" khiến Liên Xô nhanh chóng suy sụp của M. Gorbachev.

"Sách lược của M. Gorbachev và những kẻ đồng mưu chính là nguyên nhân sâu xa gây ra thảm họa Chernobyl. Họ đã biến vụ tai nạn thảm khốc thành vật tế thần cho những âm mưu đớn hèn!", Giáo sư N. Kravchuk kết luận ở phần cuối cuốn sách ăn khách của mình

Q. Phú (tổng hợp)
.
.