Thảm họa MH17 – Công lý phải được thực thi

Thứ Tư, 06/08/2014, 09:45

Chắc chắn trong những ngày tới các bên sẽ tiếp tục trưng “bằng chứng” tố cáo lẫn nhau, do đó thân nhân của gần 300 nạn nhân bị thiệt mạng oan uổng trên chiếc máy bay xấu số MH17 của Hãng Hàng không Malaysia vẫn phải chịu nỗi đau thấu tận tâm can.

“Đây  là một thảm họa thật sự - một thảm họa cho các gia đình, cho các quốc gia và cho cộng đồng phòng chống HIV/AIDS. Chúng ta hãy hy vọng rằng, một cuộc điều tra quốc tế toàn diện sẽ được tiến hành và chúng ta sẽ biết chuyện gì đã xảy ra, đồng thời thủ phạm phải bị xét xử”, đó là phát biểu trước báo chí quốc tế của nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan nhân chuyến thăm Hà Lan đã ký vào sổ tang ở sân bay Schiphol (Amsterdam) để bày tỏ sự thương xót, cảm thông sâu sắc đến thân quyến, bằng hữu, đồng thời cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân.

Hộp đen sẽ không thể giúp làm rõ nguyên nhân và thủ phạm gây tai họa cho MH17?

Thông thường, khi hộp đen của một chiếc máy bay bị rơi được phát hiện, nó có thể tiết lộ chính xác điều gì gây ra thảm họa. Nhưng trong trường hợp MH17, bất ổn chính trị giữa Ukraina  và Nga sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra.

Nếu hộp đen của chiếc MH17 bị một bên trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraina nắm giữ thì rất khó có sự tin tưởng vào các kết quả phân tích. Trường hợp này khác với vụ MH370, nhưng khi tìm nguyên nhân tai nạn đều phải bắt đầu từ hộp đen để xâu chuỗi nguồn gốc sự cố phục vụ phân tích pháp y kỹ thuật số.

Điều đó có nghĩa, dữ liệu trong hộp đen cần xác minh ngay. Nếu công nghệ vi tính điện toán đám mây được áp dụng, việc xác minh có thể triển khai bằng cách kiểm tra chéo thực trạng chuyến bay MH17 với thông tin công khai từ các chuyến bay khác. Nhưng nếu công nghệ điện toán đám mây không được ứng dụng, công luận sẽ phải dựa vào bất kỳ ai tìm thấy hộp đen để khôi phục một cách trung thực thông tin bên trong. Nhà điều tra sẽ chọn cách công bố bản sao hoặc một phần đoạn băng từ ghi âm thay vì công bố dữ liệu thô như trước đây.

Di ảnh của một số nạn nhân vụ tai nạn MH17 có đủ chủng tộc và màu da.

Nếu cả 2 bên trong cuộc khủng hoảng Ukraina tạo ra phân tích riêng, vậy thì, thế giới sẽ tin bên nào? Điều tra một vụ tai nạn máy bay, đặc biệt như trường hợp MH17 thì không hề đơn giản, vì các chuyến bay gần kề hoặc bất kỳ hành khách nào có thiết bị ghi âm, chẳng hạn điện thoại sẽ làm xáo trộn thông tin.

Thảm nạn MH17 - Một tội ác chống lại nhân loại sẽ "lọt lưới" luật pháp quốc tế?

Ngoài sự phức tạp từ hộp đen, hàng loạt điều ước và luật quốc tế phức tạp cũng tác động mạnh đến công tác điều tra. Theo Công ước Quốc tế về Hàng không dân dụng (Công ước Chicago năm 1944), Ukraina được phép tiến hành điều tra, cụ thể ở Điều 26: "Quốc gia nơi có vụ tai nạn xảy ra sẽ thiết lập một cuộc điều tra hướng vào từng chi tiết của vụ tai nạn". Ở đây vụ việc xảy ra trong không phận có chủ quyền của Ukraina và các mảnh vỡ máy bay nằm rải rác trong phạm vi biên giới của nước này.

Cũng theo Công ước Chicago, các bên liên quan phải có nghĩa vụ giao nộp hộp đen (nếu có) cho bên điều tra. Malaysia cũng có quyền tương tự với tư cách độc lập vì MH17 mang quốc tịch Malaysia căn cứ vào Điều 6: "Quốc gia có máy bay được đăng kiểm sẽ có cơ hội bổ nhiệm các quan sát viên tham gia điều tra".

Có sự khác biệt rõ ràng giữa vụ MH17 với MH370. Đối với MH370, vì chưa tìm được địa điểm máy bay rơi xuống, nên Malaysia hoàn toàn có thẩm quyền tìm nguyên nhân vụ tai nạn theo Phụ lục 13, Chương 5 và 5.2. Thảm họa mới nhất của Hàng không Malaysia cũng làm dấy lên một số vấn đề phức tạp về mặt pháp lý bao gồm việc xác nhận tung tích của các nạn nhân theo Công ước Montreal năm 1999 (quy định về du lịch bằng máy bay, các hãng hàng không sẽ phải bồi thường cho mỗi hành khách bị thương hoặc thiệt mạng trong một tai nạn, kể cả khi không xác định được nguyên nhân) và Công ước Ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng (Công ước Montreal năm 1971).

Xét về mặt pháp lý, vụ việc vẫn đang ở giai đoạn ban đầu. Một khi biết chính xác máy bay bị bắn rơi như thế nào, bước tiếp theo: xác minh ai chịu trách nhiệm và sẽ bị trừng phạt? Các quốc gia liên quan có quyền xét xử thủ phạm. Các bước đầu tiên: phải truy bằng được nguyên nhân và ảnh hưởng sau khi máy bay gặp nạn. Thủ tướng Ukraina mong muốn Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) can thiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít khả năng ICC vào cuộc.

Ánh sáng cầu nguyện trong xót thương đã sáng lên trong đêm, liệu ánh sáng công lý có đến được với các nạn nhân MH17?

Ngày 17/4 vừa qua, Chính phủ Ukraina đã trình tờ khai theo Điều 12, Chương 3 thuộc Đạo luật ICC, chấp thuận cho ICC có quyền xét xử tội phạm phạm tội trong lãnh thổ Ukraina để hoàn tất một tuyên bố chung (căn cứ  Công ước Rome năm 1952-thống nhất một số quy tắc về bồi thường thiệt hại hàng không dân dụng, dưới thời nguyên Tổng thống bị phế truất vi hiến Viktor Yanukovych- Ukraina từng ký Công ước nhưng chưa phê duyệt).

Nhưng tuyên bố giữa Ukraina với ICC chỉ có khung thời hạn từ ngày 21/11/2013 đến 22/2/2014. Điều đó có nghĩa thảm kịch MH17 sẽ nằm ngoài phạm vi thời gian của tờ khai mới do Ukraina hiện nay gửi tới ICC. Nói cách khác, Ukraina khó có thể thành lập một ủy ban điều tra riêng, nếu không có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, theo Điều 13b, Công ước Rome, Hội đồng Bảo an LHQ có quyền đề nghị ICC mở một phiên tòa - tuy nhiên Nga có quyền phủ quyết và có khả năng sử dụng quyền này để ngăn chặn mọi nỗ lực. Cần phải lưu ý rằng, đến nay ICC chưa xét xử tội phạm khủng bố vì khái niệm "khủng bố" rất khó định nghĩa rõ ràng.

Thay vào đó, ICC xét xử những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng gồm: Tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại và tội phạm chiến tranh (từ năm 2007 bổ sung thêm tội phạm xâm lược). Để chứng minh một tội ác chống lại nhân loại, quá trình tố tụng cần làm rõ những điểm sau:

1. Vụ tấn công có chủ ý nhắm vào mọi mục tiêu dân sự; 2. Chính sách của một nhà nước hoặc một tổ chức dẫn đến vụ tấn công đó; 3. Vụ tấn công giết nhiều người được hình thành từ một vụ tấn công trên diện rộng và có hệ thống; 4. Có mối liên quan giữa lời tố cáo với sự tồn tại của vụ tấn công; 5. Có sự công nhận rộng lớn hơn về bối cảnh của vụ tấn công (tức hậu quả vụ tấn công vượt qua "biên giới" của nó).

Vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Al-Qaeda không chỉ gieo rắc đau thương cho nước Mỹ mà cả thế giới đã cấu thành hành vi phạm tội chống lại nhân loại, tuy nhiên với trường hợp của MH17 thật sự rất khó để có đủ các yếu tố cần thiết chứng minh một tội phạm tương tự. Thay vì ICC có thể không xét xử, thảm họa MH17 có thể trở thành "mối quan tâm đặc biệt" của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), nơi phán quyết tranh chấp giữa các quốc gia (?!).

Một cơ quan khác có thể có hành động pháp lý, tất nhiên: Hội đồng Bảo an LHQ bằng cách thành lập một ủy ban điều tra độc lập, tuy nhiên, mọi giải pháp giải quyết vụ án cũng có thể bị Nga - một quốc gia ủy viên thường trực phủ quyết. Trong khi đó, mọi đề xuất của Đại hội đồng đều không có tính ràng buộc. Tất cả những yếu tố nêu trên cho thấy, hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân vụ thảm nạn máy bay MH17 quả thật vô cùng gian nan. Nhưng, thân nhân của các nạn nhân  và toàn thế giới đừng mất hy vọng, hãy luôn tin rằng công lý sẽ được thực thi

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.