Thảm họa đường thủy lớn nhất thế giới trong thời chiến

Thứ Năm, 19/05/2016, 20:25
Cách đây đúng 101 năm, vào ngày 7-5-1915 con tàu thủy chở khách xuyên đại dương RMS Lusitania của Anh thuộc dạng lớn nhất thế giới ở thời điểm đó, đã bị tàu ngầm Đức bắn chìm, cướp đi mạng sống của gần 1.200 người, trở thành vụ tai nạn đường thủy lớn nhất trong thời chiến.

Nguyên nhân chủ yếu khiến con tàu khổng lồ bị đánh chìm cho đến nay vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải thỏa đáng.

Thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm W. Turner (1856-1933).

Vào thời kỳ này, Thế chiến I đang trong giai đoạn cực kỳ khốc liệt, quân Anh lâm vào tình trạng thiếu thốn đạn dược trầm trọng vì nguồn dự trữ đã cạn kiệt. Trong khi người Mỹ đóng vai trò trung lập nên không thể công khai cung cấp phương tiện chiến tranh cho London. Thậm chí một phần công chúng Hoa Kỳ còn ngả theo phía Đức là đối thủ của Anh trong cuộc chiến, bởi 1/3 dân da trắng di cư tới Mỹ là người gốc Đức. Tuy nhiên chính trị vẫn là chính trị, còn kinh doanh vẫn là… kinh doanh!

Các ông trùm lái súng Mỹ đã bí mật lên kế hoạch với Đô đốc hạng Nhất Winton Churchill (1874-1965), đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Hải quân Hoàng gia lúc ấy, nhằm chọn phương cách tiếp tế vũ khí cho quân Anh bằng các phương tiện vận tải dân sự, ngõ hầu "qua mặt" quân Đức hòng kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Và như vậy, trong chuyến hải trình thường kỳ xuyên Đại Tây Dương vào ngày 1-5-1915 khởi hành từ New York (Mỹ) tới hải cảng Liverpool của Anh, con tàu thủy thượng hạng RMS Lusitania đã rời bến mang theo 1.959 hành khách trên boong. Nhưng ít ai ngờ rằng bên dưới hầm tàu là hàng nghìn tấn đạn dược, thuốc súng và vật liệu nổ dễ cháy đã được bí mật bốc lên từ trước, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn vào bất cứ lúc nào. Những thùng hàng bí mật này được ngụy trang khéo léo bên ngoài như các kiện hàng pho mát và dầu ăn thông dụng.

Tàu Lusitania rời hải cảng New York với gần 2.000 hành khách trên boong.

Tuy nhiên sự nghi binh này chỉ đánh lừa được những cặp mắt nghiệp dư, còn tình báo Đức thừa biết thực chất các thùng hàng xếp la liệt dưới hầm tàu. Chỉ nội một ngày trước khi Lusitania xuất phát, Đại sứ quán Đức ở thủ đô Washington D.C đã trả tiền đăng quảng cáo trên 50 tờ báo hàng đầu nước Mỹ, cùng lời cảnh báo tàu khách Lusitania với lượng hàng đáng ngờ vô hình trung đã trở thành một mục tiêu quân sự, sẽ bị Hải quân Đức tấn công vào thời điểm thích hợp…

Về phần mình, thuyền trưởng William Thomas Turner lên tiếng trấn an hành khách, rằng tàu luôn chạy với vận tốc tối đa 27 hải lý/giờ (50km/giờ) thì không một phương tiện đường biển nào có thể đuổi kịp(!). Viên thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm quả quyết, "Lusitania đã trở thành một con tàu bất khả xâm phạm", căn cứ vào tốc độ hải trình nhanh hơn loại tàu ngầm chuyển động dưới mặt nước. Nhưng W. Turner đã cố tình không đả động đến một sự thật, bởi muốn tiết kiệm than đốt nên chỉ có 19 trong tổng số 25 nồi hơi của tàu hoạt động, khiến vận tốc tối đa chỉ đạt khoảng 21 hải lý/giờ.

Đến ngày 7-5-1915 Lusitania tiến vào vùng nước giữa Ireland và Anh. Tới đây nảy sinh một loạt vấn đề khó hiểu tạo điều kiện cho Hải quân Đức dễ bề tấn công con tàu khổng lồ. Thông thường thiết giáp hạm Juneau kiêm nhiệm chống tàu ngầm luôn hộ tống tàu dân sự trên đường đến Anh, đột nhiên lần này chẳng thấy sự hiện diện oai phong của cỗ tàu chiến Juneau đâu cả.

Thứ đến là lực lượng trinh sát Hải quân đã thông báo không chính xác cho Lusitania về vị trí tọa độ của tàu ngầm Đức nấp dưới đáy biển. Cuối cùng là cách xử sự kỳ lạ "bất tuân thượng lệnh" của thuyền trưởng W. Turner. Thay vì tuyệt đối phục tùng mọi chỉ thị từ Bộ Hải quân trong điều kiện thời chiến, W. Turner lại lờ đi hết thảy mọi quy định như thể đã được "bật đèn xanh" từ trước. Để rồi vào lúc 13 giờ 40 phút cùng ngày, chỉ bằng một quả ngư lôi duy nhất tàu ngầm Đức mang phiên hiệu U -20 đã đánh chìm Lusitania trong khoảnh khắc.

Theo thiết kế với một con tàu có kích cỡ khổng lồ như Lusitania phải mất vài tiếng đồng hồ mới chìm hẳn, đằng này nó lại nhanh chóng khuất dạng khỏi mặt nước chưa đầy 20 phút, chứng tỏ sức công phá từ lượng hàng quân sự phát nổ khiến tàu chìm nhanh hơn. Hệ quả là 1.198 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong đó có 128 người Mỹ, dẫn tới sự kiện Washington lập tức gửi tối hậu thư chính thức tuyên chiến với Berlin.

Thuyền trưởng W. Turner là một trong những người sống sót bị điệu ra trước vành móng ngựa. Nhưng rốt cục tòa tuyên trắng án và Turner lại được giao làm thuyền trưởng một con tàu buôn khác, để rồi tàu này cũng bị quân Đức bắn chìm khiến W. Turner bị sa thải vĩnh viễn. Theo giới sử gia am hiểu thì "vụ Lusitania" chính là nước cờ đầy mưu lược của W. Churchill với cách thức "một viên đạn đạt 2 mục tiêu".

Trong trường hợp Lusitania không bị đánh đắm thì quân Anh nghiễm nhiên được tiếp tế một lượng phương tiện chiến tranh đáng kể; trong trường hợp ngược lại như lịch sử đã minh chứng buộc người Mỹ phải can thiệp đứng về phía Anh chống lại quân Đức.

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.