Thảm họa sương mù lớn nhất lịch sử Vương quốc Anh

Thứ Sáu, 18/01/2013, 14:15

Cách đây đúng 6 thập niên, cũng vào thời điểm cuối năm tại thủ đô London của Vương quốc Anh đã diễn ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử. Sương mù dày đặc bao phủ khắp nơi là nguyên nhân gây ra cái chết của 12.000 người, một sự kiện bi thảm khiến nhiều người nhớ lại vẫn chưa hết rùng mình.

Cùng với vị trí địa lý đặc thù đi đôi với đà phát triển qua 2 cuộc cách mạng kỹ nghệ ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nước Anh vốn  là trung tâm của đế chế Britain "mặt trời không bao giờ lặn" còn có thêm một biệt danh nữa cũng nổi tiếng không kém là "xứ sở sương mù".

Riêng lịch sử kinh thành London đã ghi nhận tấn bi kịch vào đầu tháng 12/1952, khi lượng sương mù dày đặc tích tụ từ khí thải qua ống khói của các cơ sở công nghiệp đã vượt quá mức bình thường.

Thời tiết giá lạnh khiến các đám mây mù không chịu lan tỏa đi nơi khác, cứ lởn vởn mãi trên bầu trời thành phố, thậm chí sà hẳn xuống mặt đất, thâm nhập vào mọi ngóc ngách tác động trực tiếp đến cuộc sống của dân chúng.

Khởi sự từ thứ ba ngày 5/12/1952 và kéo dài suốt 4 ngày sau cho đến cuối tuần, sương mù đặc quánh khiến tầm nhìn hạn chế làm mạng lưới giao thông tê liệt, ngoại trừ tàu điện ngầm. Ngoài bầu không khí thiếu oxy do bị khí thải carbon (CO2) lấn át ra, kết quả nghiên cứu cho thấy sương mù còn ẩn chứa các chất độc hại khác như dioxide lưu huỳnh (SO2),  nitơ oxit (N2O) và muội bồ hóng.

Cảnh sát đi tuần buộc phải đeo khẩu trang bảo vệ đường hô hấp.

Những ai vô tình hít phải lượng thán khí này sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp, khiến phổi tắc nghẽn mãn tính dễ lâm vào trạng thái ngừng thở nếu không chữa trị kịp thời. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến 4.000 người thiệt mạng, cũng như 8.000 người khác lần lượt tử vong gián tiếp từ thảm kịch này.

"Màn sương màu vàng đen nặng mùi lưu huỳnh hệ quả từ bụi khói ô nhiễm len lỏi khắp nơi - bác sĩ Robert Waller thuộc Bệnh viện St Bartholomew nhớ lại - Xe cấp cứu không thể di chuyển ngoài đường cũng là một lý do làm số nạn nhân tăng vọt... Bất cứ cơ sở y tế nào cũng quá tải, kể cả các trạm xá quân y. Thậm chí nhiều bệnh viện còn cần đến sự can thiệp của các chuyên gia vũ khí sinh học nhằm ngăn chặn diễn tiến bệnh trạng...".

Một nhân chứng khác cho biết lúc ấy có giơ tay ra trước mặt cũng không thể nhìn thấy, còn các tụ điểm giải trí cũng như thi đấu thể thao buộc phải đình hoãn giữa chừng, bởi khán giả không thể mục kích tường tận được.

Những tác hại từ thảm họa môi trường lớn nhất Vương quốc Anh đã làm nảy sinh vấn đề kiểm soát sự ô nhiễm không khí, một trong những hệ lụy từ nền công nghiệp hóa lan tràn khắp châu Âu. Năm 1954, Đạo luật về khí thải đã được Quốc hội Anh thông qua, quy định cụ thể giới hạn tối đa cho từng loại khí thải vào bầu khí quyển.

Năm 1956 là Nghị định trợ cấp kinh phí bổ sung của Chính phủ, giúp các hộ gia đình chuyển đổi việc sưởi ấm từ than đá sang các nguồn khác như điện hoặc khí gas. Năm 1968, Tòa thị chính London ban hành quy định phạt nặng bất cứ hành vi nào làm bẩn bầu khí thở

Q.Phú (theo Deutsche Welle)
.
.