Thảm họa tại căn cứ Thulé năm 1968

Thứ Ba, 14/11/2006, 08:30

Ngày 21/1/1968, chiếc B-52 thuộc Phi đoàn 380 Plattsburg AFB trong khi đang làm nhiệm vụ thực tập báo động ở phía bắc Groenland đột nhiên bốc cháy từ khoang lái. Chiếc pháo đài bay mang theo 4 quả bom nguyên tử mỗi quả nặng 1,1 mégatonne, cố hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ kiểm soát radar Thulé AB.

Vụ hỏa hoạn khiến cho hệ thống điện bị ngắt hoàn toàn và máy bay bị rơi cách căn cứ 11km trên một vùng nước đóng băng. 1 trong số 7 nhân viên phi hành đoàn bị chết trong vụ tai nạn. 

Dưới chấn động của sức rơi, 132.500 lít nhiên liệu bốc cháy làm nổ lớp bọc ngoài của 4 quả bom. Vụ nổ làm bắn tung tóe những mảnh plutonium to bằng bao thuốc lá cùng với chất uranium và tritium dọc theo một hành lang rộng 100m hai bên chiếc máy bay. Các mảnh vụn của bom và máy bay cháy trong ít nhất 20 phút và bao trùm một diện tích rộng 300 - 600m mỗi bên. Phần nhiệt hạch của bom đã làm tan chảy băng và bom bị chìm xuống đáy biển. Bộ Chỉ huy SAC (Không quân chiến lược Mỹ) ra lệnh giữ bí mật vụ tai nạn này.  

Ngay lập tức Không quân Mỹ thực hiện việc dọn dẹp khu vực, công tác này được đặt tên là “Project Crested Ice”. 700 quân nhân và rất đông công nhân Đan Mạch ở Thulé, kể cả những chuyên gia Mỹ của hơn 70 cơ quan chính phủ được huy động. Theo các chuyên gia, quả bom nguyên tử B28 trên máy bay thuộc loại 1 (1,1 mégatonne), nặng 984kg, dài 4,21m và đường kính 51cm. Nhiên liệu gồm plutonium, deutéride lithium và tritium, còn phần kích hỏa là chất nổ cực mạnh nối với một ngòi nổ 40 mối. Tuy quả bom có kích thước khá lớn nhưng lại chứa ít chất nổ thông thường. Hiện bom B28 vẫn là một trong các vũ khí tấn công tốt nhất của Mỹ. 

Các điều kiện làm việc thật khắc nghiệt: bóng tối hoàn toàn, băng tuyết phủ kín, những cơn gió mạnh đến 137km/giờ, nhiệt độ từ -33oC đến -57oC, các thiết bị hoạt động kém, chưa kể đến áp lực của cấp trên muốn kết thúc công việc trước mùa xuân (lúc ấy băng tan). Tổng cộng có 10.500 tấn tuyết, băng và mảnh vụn bị nhiễm phóng xạ được cho vào những thùng lớn rồi sau đó, khi băng tan, sẽ được chở bằng tàu về trung tâm xử lý và tồn trữ Savannah River Plant tại Aiken (Nam Carolina). Các mảnh vụn của máy bay  được gửi về trung tâm Oak Ridge để được chôn tại một địa điểm an toàn hạt nhân.

Nhà chức trách địa phương đồng ý để các mảnh vụn còn sót lại chìm dưới đáy biển vì cho rằng về lý thuyết, lượng nước nhiều sẽ đủ để làm loãng phóng xạ plutonium đến mức vô hại. Các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã thám sát môi trường biển sau đó và không phát hiện được mức phóng xạ đáng kể. 

Công việc “tẩy uế” tiêu tốn tổng cộng 9,4 triệu USD lúc ấy, giá trị tương đương khoảng 45 triệu USD hiện nay. Bất chấp sự bưng bít về tai nạn, sau này các phóng viên của tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten vẫn đăng tải những tài liệu mật do một nhóm công nhân ở Thulé tiết lộ cho biết, còn 1 quả bom chưa được tìm thấy. Nó mang số hiệu 78252 và vẫn còn nằm dưới đáy biển Thulé. 

Sau khi báo chí đăng tin, tiếp theo là một sự khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và đồng minh Đan Mạch, bởi vì vào thời kỳ đó nước này chịu trách nhiệm về đối ngoại cho vùng Groenland, an ninh và phòng thủ lãnh thổ, đồng thời ngăn cấm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ cũng như khu vực Groenland. Chính phủ Đan Mạch không hề được thông báo về việc mất quả bom cũng như các công tác tẩy phóng xạ sau đó. 

Từ năm 1968 đến 1988, hơn 500 công nhân Đan Mạch đã được chăm sóc về các chứng bệnh làm suy kiệt, kể cả ung thư và vô sinh, được cho là do làm việc trong công tác “Crested Ice”. Họ không được trang bị dụng cụ phòng bức xạ nào cả, và vào cuối ngày người ta chỉ tẩy xạ bằng cách cạo chùi tuyết trên trang phục và xe cộ. Chỉ những thứ nào có vẻ bị nhiễm xạ quá nhiều mới bị vứt đi.

Trong những năm sau đó, vợ của một viên chức quản lý nhân sự người Đan Mạch ở Thulé bắt đầu thu thập tên tuổi và hồ sơ y bạ của khoảng 800 công nhân Đan Mạch tham dự vào công tác. Nhiều người mắc các chứng bệnh, trong đó có 98 trường hợp ung thư, chiếm 12% tổng số. 

Đã có 6 trường hợp tử vong trong tổng số 130 công nhân bị nhiễm xạ nhiều nhất. Về mặt thống kê số lượng này là quá ít nên Viện Dịch tễ Lâm sàng Đan Mạch không thể nghiên cứu nhóm này để đưa ra kết luận đáng tin cậy. Do vậy, Viện đã nghiên cứu ở tầm mức rộng lớn với 4.000 công nhân làm việc tại Thulé.

Gần 1 năm sau, người ta nhận thấy rằng các công nhân đã từng tham gia vào công tác tẩy xạ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với toàn thể dân chúng nói chung. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia kết luận rằng, phóng xạ không phải là nguyên nhân chính. Yếu tố gây ung thư chính là thuốc lá, rượu và ánh nắng. Có thể do điều kiện sống nên các công nhân tại đấy uống rượu và hút thuốc nhiều hơn những người khác. Và giới chức y tế kết luận rằng không hề có hậu quả do phóng xạ sau tai nạn. Theo bác sĩ Hans Storm, Giám đốc Trung tâm Hồ sơ và Phòng ngừa ung thư: “Với tư cách là những nhà khoa học, chúng tôi phải trung thực đối với các khám phá và không bao giờ loại trừ bất kỳ giả thuyết nào. Tôi luôn đấu tranh để đòi bồi thường cho các nạn nhân khi có thể, nhưng trong trường hợp này thì hậu quả do phóng xạ sau tai nạn là rất thấp”.   

Vào năm 1968, Mỹ đã nhờ người Inuit tìm kiếm bom, vì chỉ có họ là biết rõ khu vực và có thể tìm đường trong thời tiết khắc nghiệt. Trong bộ tộc Inuit ở địa phương, chỉ có 24 người bị ung thư. Đây không phải là một tỉ lệ đáng báo động xét về mặt thống kê.

Hiện nay, những người Inuit bị Chính phủ Đan Mạch trục xuất khỏi căn cứ Thulé theo yêu cầu của Mỹ vào năm 1953 đang đòi được bồi thường và được trở về quê hương. Nhưng theo các chuyên gia, cơ may của họ chỉ là 1/2

Minh Luân (Theo Military Review)
.
.