Tham vọng hạt nhân của Hàn Quốc bị Mỹ ngăn cản

Thứ Ba, 27/07/2010, 17:30
Trên thực tế, không chỉ có CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc có vẻ như đang ngấm ngầm nuôi giấu tham vọng vũ khí hạt nhân trong tương lai của mình. Trước mắt, quốc gia này đang xúc tiến các bước nhằm làm giàu lượng nhiên liệu đã qua sử dụng tại các nhà máy điện nguyên tử của mình.

Nghi ngờ Seoul có thể lợi dụng số plutonium làm giàu này để sản xuất các đầu đạn hạt nhân, Washington đang tìm cách ngăn cản tiến trình này. Xung đột mới giữa hai đồng minh được đánh giá chỉ làm phức tạp thêm khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Thật trớ trêu là trong lúc các cường quốc hàng đầu thế giới đang phải "lao tâm khổ tứ" để đặt dấu chấm hết cho những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, trên bán đảo Triều Tiên lại nảy sinh một xung đột mới cũng trong lĩnh vực hạt nhân. Nhưng dính líu vào cuộc xung đột mới này không phải là CHDCND Triều Tiên, mà lại chính là những đồng minh trong cuộc chiến 1950-1953 - Hàn Quốc và Mỹ.

Hàn Quốc từ trước tới nay luôn trong tình trạng thiếu các nguồn tài nguyên dầu mỏ từ thiên nhiên. Chính vì vậy, các nhà máy điện nguyên tử tại đây đang đảm trách tới 40% nhu cầu điện của cả nước.

Tờ New York Times cho biết, Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng thiếu kho chứa chất thải nhiên liệu hạt nhân có độ phóng xạ cao. Chính vì vậy, chính quyền Hàn Quốc đang muốn khởi động tiến trình tái chế lại các nhiên liệu hạt nhân phân rã đã qua sử dụng. Mục đích, theo như khẳng định của Seoul, là để chế tạo nhiên liệu dùng cho các lò phản ứng neutron nhanh, kèm theo đó giúp giảm bớt được số lượng chất thải hạt nhân.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận đã ký với Mỹ từ năm 1974, Hàn Quốc không có quyền nghiên cứu việc tái chế nguyên liệu kiểu này. Nguyên nhân là do plutonium nhận được từ quá trình trên không những có thể sử dụng trong các lò phản ứng, mà còn có thể được dùng để chế tạo bom nguyên tử. Bản thân CHDCND Triều Tiên được đánh giá là đang đi theo con đường này.

Washington đang rất nỗ lực nhằm ngăn chặn các chương trình hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên và Iran - tất cả chủ yếu đều dựa vào việc tái chế và làm giàu các nhiên liệu hạt nhân đã phân rã. Nhưng giờ đây, vấn đề gây khó cho Washington không chỉ bắt nguồn từ những quốc gia đối địch như CHDCND Triều Tiên và Iran, mà còn tới từ chính đồng minh thân cận của Mỹ.

Hàn Quốc hồi những năm 70 thế kỷ XX cũng từng có âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân. Họ đã có được những kết quả ban đầu từ các thử nghiệm làm giàu nhiên liệu hạt nhân. Đó là lý do khiến Washington nghi ngờ, Seoul đang mơ ước trở thành một thành viên mới của "Câu lạc bộ hạt nhân".

Ngoài ra, Mỹ còn lo ngại rằng, việc bật đèn xanh cho Seoul tái chế hay làm giàu nhiên liệu hạt nhân sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia khác. Cụ thể như CHDCND Triều Tiên sẽ lợi dụng quyết định này để lấy cớ tiếp tục các nỗ lực hạt nhân của mình.

Quan điểm trên tất nhiên nhận được sự bất bình từ phía đồng minh Hàn Quốc. "Người Mỹ nói "không" trong vấn đề tái chế nhiên liệu, nhưng lại không đưa ra bất kỳ một giải pháp thay thế nào. Họ nghĩ rằng, chúng tôi có thể thay đổi quan điểm và chế tạo vũ khí hạt nhân trước những động thái đang diễn ra tại CHDCND Triều Tiên. Nói tóm lại, họ đang không tin tưởng vào chúng tôi" - phàn nàn của Lee Un Chul, nhà khoa học hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul.

Thỏa thuận trong lĩnh vực hạt nhân giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ chính thức chấm dứt hiệu lực vào năm 2014. Cuối năm nay, hai quốc gia đồng minh này cần phải bắt đầu đàm phán để kéo dài hay ký kết một thỏa thuận mới. Theo khẳng định của các nhà phân tích tại Seoul, nếu như Mỹ vẫn tiếp tục ngăn cấm phía Hàn Quốc tái chế nhiên liệu hạt nhân, họ sẽ đụng chạm tới niềm tự hào dân tộc của phần lớn người dân quốc gia này. Cần biết là chính Mỹ trước đó đã ký thỏa thuận cho phép Ấn Độ được nghiên cứu tái chế nhiên liệu hạt nhân.

Theo giới quan sát, Hàn Quốc trong lịch sử từng có chương trình hạt nhân sớm hơn cả CHDCND Triều Tiên. Cụ thể là Tổng thống Park Chung-hee từ giữa những năm 70 đã từng rất khao khát chế tạo được bom hạt nhân. Rất có thể vì chính tham vọng trên, Park Chung-hee đã bị ám sát (nhiều nguồn tin khẳng định đó chính là do bàn tay của CIA). Sau thời điểm này, Hàn Quốc chuyển sang chính sách núp bóng dưới chiếc ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ.

Nhưng hiện nay, đảm trách việc thực thi chính sách đối ngoại của Hàn Quốc là một đội ngũ đang được đánh giá có nhiều quan điểm đối đầu cứng rắn chẳng kém gì thời kỳ Chiến tranh lạnh. Phần lớn những chính trị gia này từng làm việc trong Bộ Ngoại giao và chính phủ trong giai đoạn đầu và giữa những năm 90, khi chính sách thù nghịch giữa Seoul và Bình Nhưỡng đang ở mức độ cao trào.

Giờ đây, chính ê kíp trên đã quay trở lại nắm quyền sau thất bại của phe cánh tả trong bầu cử. Chính vì vậy có nhiều khả năng, Hàn Quốc sẽ nỗ lực đòi quyền được làm giàu nguyên liệu hạt nhân đã phân rã trên cơ sở một số điều kiện trao đổi nhất định với đồng minh từ Washington. Điều này về phần mình chắc chắn sẽ đưa Mỹ vào thế khó, nhất là trong bối cảnh việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran vẫn chưa biết bao giờ có thể thành công

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.