Thành phố Gaza dưới tầm máy bay không người lái

Thứ Ba, 27/12/2011, 17:40

Bất kỳ giờ giấc nào trong ngày, cứ nghe tiếng máy bay không người lái hú rền trên không trung là ngay lập tức một chiếc xe chở đầy cảnh sát chạy rảo khắp các con phố trong khu vực, hô hào mọi người “Vào trong, vào trong ngay “Con quỷ” lại đến rồi!”. Mọi người lại nháo nhào chạy nhanh về nhà ẩn nấp, không để cho “Con quỷ” nhận diện, vì rất có thể nó lại “nghĩ” mình là “phiến quân” thì coi chừng ăn ngay một quả tên lửa. Cái chết rình rập, đe dọa bằng cách ấy diễn ra hàng ngày tại Dải Gaza, khiến cho cuộc sống khốn khổ của 1,6 triệu người Palestine tại đây càng thêm khốn đốn.

"Sát thủ không người lái"

Dải đất Gaza nhỏ hẹp có địa hình khá đặc biệt, tạo thuận lợi cho các tay súng kháng chiến Palestine ẩn nấp và chiến đấu hiệu quả với quân đội Israel. Tuy nhiên, trong cuộc chiến hoàn toàn không cân sức giữa một bên là quân đội hùng mạnh, được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại, cả công nghệ cao, với một bên là những tay súng chân đất, vũ khí hạng nhẹ, pháo tự chế với tầm sát thương không lớn, thì sự chống đỡ của phe yếu thế cùng lắm chỉ mang ý nghĩa "chiến đấu vì danh dự" hơn là giành lấy chút lợi thế nào đó.

Trong cuộc chiến không cân sức này, thật nực cười khi báo chí Mỹ lại ra sức "bênh vực" cho Israel, bằng cách tô đậm, thổi phồng mối đe dọa từ các tay súng Palestine đối với người Israel, đồng thời tìm mọi cách nói giảm nhẹ đi mức độ tổn thất, thiệt hại và mối đe dọa của quân đội Israel đối với người Palestine.

Chẳng hạn, suốt từ năm 2006 đến nay, các đợt bắn pháo của người Palestine từ Dải Gaza sang các thành phố miền Nam Israel (Sderot, Ashkelon) làm bị thương hàng trăm người và làm chết 16 người, và con số này được cho là "rất lớn", và mối đe dọa từ tên lửa Palestine đối với các thành phố miền Nam Israel là nghiêm trọng, thường trực, không khác gì máy bay không người lái Israel quần đảo trên bầu trời Gaza(!?).

Cùng thời gian đó, chỉ tính riêng máy bay không người lái Israel đã giết chết 825 người Palestine ở Dải Gaza, phần lớn là dân thường; riêng năm 2009 là 315 người, từ đầu năm 2011 đến nay chỉ có 60 người. Những số liệu này được cho là "chả là bao" so với 1.807 người Pakistan chết do máy bay không người lái của Mỹ.

Tuy nhiên, con số thực tế về người Palestine chết bởi máy bay không người lái có lẽ còn cao hơn gấp nhiều lần, vì khi làm các phép tính để đưa ra số liệu thống kê, người ta đã "bỏ bớt chừng nào hay chừng nấy". Chẳng hạn, trong hàng ngàn người bị giết chết bởi tên lửa từ máy bay chiến đấu F-16 và pháo xe tăng, cũng có những người được máy bay không người lái do thám trên không xác định là "mục tiêu" (phần lớn là nhầm) để F-16 phóng tên lửa hoặc xe tăng tấn công trong các trận càn trên bộ.

Ở thị trấn nông nghiệp Beit Lahiya, cách thành phố Gaza vài km về phía bắc, người dân Palestine phải sống thường trực trong tiếng hú của máy bay không người lái và tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu F-16. Người dân tại đây tính toán rằng, hễ những tổn thất to lớn, như tòa nhà của đồn cảnh sát thị trấn bị đánh sập ấy là do máy bay F-16; còn tổn thất "nhỏ" hơn, như một chiếc xe ôtô đang chạy trên đường bỗng dưng bị "hốt gọn", hoặc một nhóm thanh niên Palestine đang đứng chơi ở một góc phố bỗng dưng bị "bắn tỉa" chết gục tại chỗ là do máy bay không người lái.

Xe tăng Israel tràn vào Gaza trong cuộc thảm sát cuối năm 2008.

Nhưng kể từ khi binh sĩ Israel Gilat Shalit bị bắt cóc, những đợt càn quét của xe tăng và phóng tên lửa từ máy bay F-16 cũng có sự tham gia "chỉ điểm" của máy bay không người lái. "Đối với chúng tôi, máy bay không người lái có nghĩa là thần chết" - Hamdi Shaqqura, Phó giám đốc Trung tâm Nhân quyền Palestine chua chát nhận xét.

Cái nôi máy bay không người lái hiện đại

Để phục vụ mục đích tiêu diệt người Palestine, Israel có hẳn một khu phức hợp công nghiệp, một ngành công nghệ sản xuất máy bay không người lái. Nằm cách Gaza khoảng 50 km về phía bắc, thuộc khu vực ngoại vi Sân bay Quốc tế Ben Gurion của Israel, là một nơi được cho là "cái nôi" máy bay không người lái hiện đại của Israel.

Đó là một khu phức hợp gồm nhiều tòa nhà được xây dựng liền kề nhau dùng để làm nhà chứa máy bay không người lái và văn phòng làm việc. Cơ ngơi đồ sộ đó là của Công ty Israel Aerospace Industries - một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Israel. Từ 4 thập niên qua, IAI luôn được xem là nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sản xuất thiết bị bay điều khiển từ xa.

Một trong những "cha đẻ" máy bay không người lái là Shlomo Tsach - Giám đốc các chương trình cao cấp của IAI. Ông Tsach là thành viên một nhóm kỹ sư công nghệ tham gia chế tạo ra chiếc máy bay do thám không người lái hiện đại đầu tiên sau cuộc chiến Yom Kippur (năm 1973) với Ai Cập và Syria. Bên cạnh Tsach, trong nhóm còn có một nhân vật đặc biệt khác tên là Abe Kerem - người sau này là cha đẻ chiếc máy bay không người lái vũ trang Predator của Mỹ.

Những tổn thất to lớn do máy bay chiến đấu Israel liên tục bị phòng không Syria bắn hạ được xác định là do năng lực tình báo chiến trường của Israel khi đó quá yếu kém. Điều này khiến người Israel vắt óc suy nghĩ. Và một trong những bài học được người Israel rút ra là "thiếu năng lực tình báo thời gian thực" (cập nhật ngay tức thì) để kịp thời phát hiện những vị trí tên lửa di động của Ai Cập.

Ông Tsach nhớ lại, "lỗ hổng" kỹ thuật này đã khiến cho hàng chục máy bay Israel bị bắn hạ mà không có cách ngăn chặn được. Từ đó, ngay khi cuộc chiến Yom Kippur còn chưa kết thúc, Tsach cùng với nhóm cộng sự của mình ngày đêm miệt mài nghiên cứu và chế tạo ra một thiết bị bay điều khiển từ xa để thu hút hỏa lực đối phương.

Ban đầu, máy bay không người lái chỉ được sử dụng vào mục đích "nhử địch" nhằm thu hút hỏa lực và đánh lạc hướng địch. Về sau, chúng được phát triển thành các loại máy bay không người lái hiện đại, dùng cho mục đích do thám lẫn tấn công sát thương.

Ông Tsach nhớ lại, khi Israel đưa quân đội xâm chiếm miền Nam Liban năm 1982, ông và nhóm cộng sự đã chế tạo thành công chiếc máy bay không người lái do thám đầu tiên có tên là Scout. Chiếc máy bay nặng 120 cân này đã bay vút trên các đỉnh đồi và phát hiện các ụ pháo di động của người Liban, từ đó giúp quân đội Israel giảm đáng kể những tổn thất.

Không lâu sau sự kiện Nam Liban, một nhóm sĩ quan hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đến tổng hành dinh hãng IAI để "bàn về máy bay không người lái". Thế là bắt đầu một giai đoạn hợp tác về công nghệ máy bay không người lái giữa Mỹ và Israel, mà một trong những kết quả là sự ra đời loại máy bay không người lái tiêm kích Predator được Mỹ sử dụng gây ra cái chết cho hàng ngàn người ở Afghanistan và Pakistan.

Tsach kể tiếp, vào thời điểm năm 1974, khi "nhóm của tôi xây dựng thị trường máy bay không người lái, không ai cần đến nó". Ngày nay, trong các nhà chứa máy bay của hãng IAI luôn luôn đậu chật cứng máy bay không người lái với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, từ chiếc Heron TP với sải cánh bằng chiếc Boeing 737 cho đến chiếc máy bay cỡ nhỏ Bird-Eye 65o.

Một số chiếc có thể bay trên không đến 40 tiếng đồng hồ, ở độ cao đến hơn 10.000 mét, hoặc cũng có những chiếc chỉ bay là là cực thấp và "đáp" trên những trụ điện để quan sát khu vực mà Israel muốn. Việc điều khiển những thiết bị bay đó dễ dàng như bọn trẻ chơi game, chỉ cần bấm nút điều khiển hoặc rê chuột điều khiển theo hình ảnh bản đồ hiển thị trên máy vi tính.

Máy bay không người lái theo dõi mục tiêu cả ngày lẫn đêm, sử dụng radar tầm nhiệt hoặc "tô màu" mục tiêu bằng tia laser để cho máy bay F-16 hoặc trực thăng Apache tấn công. Những chiếc máy bay không người lái vũ trang (tiêm kích) thì thường bay lén, không để cho dân chúng nhìn thấy, xuất hiện thật nhanh để tấn công mục tiêu rồi biến mất ngay.

"Chúng tôi sẽ thích nghi"

Mùa hè năm 2005, Thủ tướng Israel Ariel Sharon ra lệnh rút toàn bộ quân đội và người định cư ra khỏi Dải Gaza, chấm dứt gần 40 năm chiếm đóng dải đất nhỏ bé nằm dọc bờ biển Địa Trung Hải này. Một năm sau, mùa hè năm 2006, các tay súng Hamas ở Dải Gaza bắt cóc binh sĩ Israel Gilad Shalit ngay khu vực biên giới Gaza-Israel.

Vụ bắt cóc là lý do để Israel đẩy mạnh các đợt càn quét bằng xe tăng và máy bay vào Dải Gaza, kể cả các hoạt động do thám trên không bằng máy bay không người lái nhằm tìm kiếm và phóng thích Shalit. Thế nhưng, tất cả chỉ là một nỗ lực vô vọng, vì dựa vào địa hình đặc biệt của Gaza, các tay súng Palestine đã giấu kỹ Shalit, khiến cho các máy bay do thám Israel không tài nào nhìn thấy được.

Sự kiện Israel rút hết người ra khỏi Dải Gaza năm 2005 thoạt nhìn thì đúng là Israel trao trả Gaza lại cho người Palestine tự quản, nhưng thực chất đó chẳng qua chỉ là một sự thay đổi hình thức chiếm đóng. Người Palestine đã biết rõ ý đồ thâm độc của Israel là biến Gaza thành một "nhà tù mở" khổng lồ giam nhốt toàn bộ 1,6 triệu người Palestine.

Đối với người Palestine ở Gaza, Israel hiện vẫn đang chiếm đóng Gaza bằng hình thức sử dụng máy bay không người lái kiểm soát bầu trời, thường xuyên khủng bố cuộc sống thường nhật của người Palestine. Tiếng gầm rú của máy bay không người lái Israel ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, từ giáo dục cho đến giải trí, ngay cả việc xem truyền hình cũng gặp không ít khó khăn do bị nhiễu sóng radar từ máy bay không người lái.

Một binh sĩ Israel chuẩn bị thả một chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ làm nhiệm vụ do thám và chỉ điểm.

Người dân ở dải Gaza bây giờ không dám ra đường vì sợ bị "nhận diện" nhầm là các tay súng vũ trang; ở trong nhà cũng không dám sử dụng thiết bị tỏa nhiệt độ cao vì sợ radar tầm nhiệt, kể cả việc hút thuốc lá cũng trở nên hết sức nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Điều nguy hiểm nhất là sự hiện diện của máy bay không người lái Israel trên bầu trời Gaza nhiều năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ đối với nhiều thế hệ người Palestine. Nó khiến cho trẻ em Palestine luôn rơi vào tình trạng tinh thần không ổn định, trở nên nhút nhát và dễ hoảng hốt mỗi khi nghe thấy tiếng hú vọng lại từ xa,…

Abu Ahmed, biệt danh của một chiến binh thuộc lực lượng Islamic Jihad, cho rằng bề gì thì những người Palestine ở Gaza cũng sẽ tìm được cách thích nghi, cách để người Palestine đối chọi với vũ khí công nghệ cao của Israel là sử dụng phương tiện càng thô sơ càng tốt. Abu Ahmed có thể nhớ tên hàng loạt máy bay không người lái của Israel, kể cả tầm phủ sóng và độ cao của từng chiếc.

Abu Ahmed cho biết, Islamic Jihad đã cử một nhóm chuyên thu thập những thông tin về các loại máy bay không người lái để nghiên cứu tìm phương án đối phó. Tuy nhiên, với năng lực vũ khí hiện tại, họ chưa bao giờ hạ được một chiếc nào cả.

Vì vậy, hàng ngày, người Palestine ở Dải Gaza vẫn phải đối diện với tiếng hú ghê rợn của máy bay không người lái và học cách để tránh bị "nhận diện" nhầm mỗi khi chúng xuất hiện. "Chúng tôi sẽ thích nghi" - Abu Ahmed nói

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.