Thành phố Kaesong - một địa danh lịch sử của Triều Tiên

Thứ Tư, 10/03/2010, 15:25
Vĩ tuyến 38, Kaesong, Bàn Môn Điếm... những địa danh quen thuộc một thời luôn được lặp đi lặp lại trên các mặt báo của hành tinh này, trở thành một "điệp khúc cố hữu" trong các bản tin thời sự cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ngày nay, Kaesong là một thành phố 300 nghìn dân mang dáng dấp của một đô thị hiện đại. Vốn là kinh đô cũ của nước Triều Tiên thống nhất dưới triều đại Koryo, Kaesong là thành phố duy nhất thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên không bị san phẳng trong cuộc chiến 1950-1953.

Trong năm 1951 khởi sự các cuộc đàm phán hòa bình tại vùng địa danh cổ kính này, khiến từ đó tên tuổi của Keasong nổi danh khắp thế giới. Cho tới khi chiến tranh kết thúc vào năm 1953, hàng đêm các ngọn đèn pha cực mạnh được quét lên trời, để người ta không bỏ bom nhầm vào cái chấm Kaesong nhỏ xíu trên bản đồ chưa bị hủy diệt ấy.

Cách Kaesong 12 cây số về phía nam là ngôi làng huyền thoại Bàn Môn Điếm, nơi đã diễn ra các cuộc đàm phán và ký kết Hiệp định đình chiến. Vẫn còn đó những ngôi nhà mộc mạc, nơi người ta tiến hành các phiên họp thường kỳ của Ủy ban hỗn hợp quân sự. Quang cảnh thanh bình nơi đây khiến người ta quên rằng sắp tới khu vực giới tuyến, nơi quân đội của cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đóng dọc theo đó luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Du khách sẽ được đưa tới một điểm chốt trên một ngọn đồi không tên, nơi được dùng làm đài quan sát của phía Bắc Triều Tiên. Xa xa thấp thoáng những dãy cọc mốc phân chia đường ranh giới chạy dọc theo vĩ tuyến 38 với các bãi mìn và dây kẽm gai dày đặc. Kế tiếp song song hai bên là khu phi quân sự cấm quay phim chụp ảnh trải rộng tới 2km.

Toàn cảnh Bàn Môn Điếm nhìn từ phía CHDCND Triều Tiên.

Ngay sau khu phi quân sự phía nam là bức tường gây ấn tượng. Nó được xây cấp tốc trong vòng 3 năm (1976-1979) theo lệnh của Tổng thống Đại Hàn Dân quốc Pak Chung Hy và dựa theo ý tưởng của giới cố vấn Mỹ. Bức tường đồ sộ bằng bê tông cốt thép mang tính vĩnh cửu này dài tới 740 cây số song song với đường vĩ tuyến cắt ngang bán đảo, cao 5-6m, rộng 10m dưới chân móng và từ 2-3m bên trên. Cứ mỗi 5km dọc theo tường là các cứ điểm quân sự, bao gồm đài quan sát, kho chứa vũ khí và... lá cờ xanh của Liên Hiệp Quốc (!).

"Họ vẫn tiếp tục giương cao lá cờ biểu tượng này - Thiếu tá Biên phòng CHDCND Triều Tiên Kan Men Su cho biết - Bất chấp nghị quyết khóa họp lần thứ 30 của Hội đồng LHQ vào năm 1975 về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Và giờ đây họ vẫn tiếp tục nấp sau lá cờ LHQ để ở lại miền Nam, cho dù lực lượng quân tình nguyện quốc tế đã rút hết khỏi miền Bắc trong thập niên 70. Hiện có 41.000 binh sĩ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ phía nam đất nước chúng tôi".

Sau đó viên thiếu tá hướng ống nhòm dọc theo bức tường, một cánh cửa lớn hiện ra. "Mỗi cửa này rộng 4,7m và cao 3,4m - sĩ quan Kan Men Su nói tiếp - Đủ để xe tăng và pháo hạng nặng lọt qua. Giới hữu trách Seoul luôn cảnh báo dân chúng Đại Hàn về một cuộc "xâm lăng tàn khốc" từ phía bắc... Nhưng nếu như bức tường vô tận này chỉ dành cho mục đích phòng thủ, cớ sao lại có những ô cửa tạo điều kiện cho các thiết bị quân sự tấn công băng qua?!".

Kaesong ngày nay.

Tới lượt sĩ quan LHQ An Hon Sok chỉ cho các du khách tòa nhà từng là nơi diễn ra lễ ký kết hiệp định đình chiến, việc quay phim chụp hình tại chốn này cũng bị cấm ngặt. Trận chiến Triều Tiên là một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của thế kỷ XX vừa qua, để cuối cùng đúng 10h30 ngày 27/7/1953, Hiệp định đình chiến đã được bốn bên liên quan tham gia ký kết gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và hai miền Triều Tiên tại vùng phi quân sự này. Nhưng không phải là sự đối đầu đã chấm dứt, những cuộc xung đột luôn chực chờ bùng nổ trong hơn nửa thế kỷ qua, cho dù ở cả hai miền Nam và Bắc đều nảy sinh các tư tưởng mới nhằm tái thống nhất đất nước trong hòa bình.

Rồi du khách được đưa tới thăm khu nhà dành cho các cuộc họp của Ban Liên hợp và Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến. Trong ngày hôm ấy không có một cuộc họp nào, tất cả đều tĩnh lặng, như thể vùng đất này chưa hề có chiến tranh, như thể 3/4 tổng số các gia đình ở Kaesong chưa hề bị ly gián vì cuộc chiến 6 thập niên trước...

Sau những nỗ lực nhằm cố gắng nối lại các mối quan hệ từng được khai thông đầy triển vọng, người Triều Tiên lại đang bận rộn với những cuộc gặp cấp cao mới... Chúng ta cùng tràn trề hy vọng cho một ngày tái thống nhất không xa của miền đất quá đỗi đau thương này. Âu đó là điều ắt phải đến với một dân tộc đã bị "lịch sử đương đại - văn minh" nhẫn tâm chia cắt suốt 57 năm qua

T.Q.Long (theo Morning Star)
.
.