Thất bại của các cơ quan tình báo trong vụ khủng bố Mumbai
Âm mưu thỏa thuận giữa LeT và ISI
Người ta nói, vụ đánh bom Mumbai năm 2008 đã làm cho quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên xấu đi mà chưa có cách gì hàn gắn được. Cơ bản vì, LeT là tổ chức khủng bố chuyên thực hiện các vụ tấn công Ấn Độ. Mới đây, Zaki-ur-Rehman Lakhvi, "nhạc trưởng" các vụ tấn công của LeT, đã được một tòa án ở Pakistan cho tại ngoại sau khi đóng tiền thế chân.
Ajmal Kasab, kẻ sống sót duy nhất trong 10 tên khủng bố tham gia vụ tấn công ở Mumbai. |
Từ lâu, Ấn Độ cáo buộc Pakistan có dính líu đến các vụ tấn công khủng bố ở Ấn Độ, đặc biệt là vụ tấn công Mumbai năm 2008. Điều này không phải là không có cơ sở. Đầu thập niên 90 thế kỷ XX, LeT lớn mạnh mau chóng là nhờ mối quan hệ "ăn chịu" với Cục Tình báo liên cơ quan (ISI) của Pakistan. LeT giúp ISI tiến hành một cuộc chiến tranh "thế thân" để đổi lấy việc ISI cung cấp vũ khí, tiền bạc, thông tin tình báo, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu và công nghệ thông tin. Ban đầu, LeT tập trung chủ yếu vào Ấn Độ và vùng Kashmir. Dần dà về sau, LeT thay đổi mục tiêu tấn công, ngày càng hướng trọng tâm sang người phương Tây.
Một người của LeT tham gia vụ khủng bố 11/9/2001 do Al-Qaeda tổ chức đã bị bắt tại chính một "ổ an toàn" của LeT vào năm 2002. Năm 2003, các nhà điều tra Australia đã phá vỡ một âm mưu đánh bom khủng bố của LeT ở nước này khi các phần tử LeT chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị khủng bố.
Năm 2007, một tòa án Pháp tuyên án vắng mặt đối với Sajid Mir, thủ lĩnh LeT. Khi đó, Mir vẫn ung dung hoạt động tại Pakistan nhờ sự che chở, bảo bọc của ISI. Mối liên kết giữa LeT và ISI trở nên căng thẳng khi một số phần tử LeT muốn tiến hành khủng bố kiểu Al-Qaeda để chống phương Tây. Rốt cuộc, lãnh đạo ISI và các thủ lĩnh LeT quyết định phải làm một cú lớn để khôi phục sự đoàn kết trong nội bộ LeT và đánh bóng hình ảnh tổ chức này. Kế hoạch kêu gọi thực hiện một cuộc tấn công kiểu đột kích vào Ấn Độ nhưng đồng thời cũng nhắm vào các mục tiêu là người Mỹ, Anh và Do Thái. Mục tiêu tấn công nằm ở Mumbai, thành phố được xem là biểu tượng của sự giàu có của Ấn Độ.
Chuẩn bị kế hoạch tấn công
Vào mùa thu năm 2008, Zarrar Shah rời vùng núi ở miền Nam Pakistan để đến khu hang ổ gần biển Arập "nằm vùng" xây dựng kế hoạch giết chóc ở Mumbai. Shah là kỹ sư trưởng công nghệ của tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba. Shah và nhóm cộng sự sử dụng bản đồ trực tuyến của Google Earth để dò tìm các địa điểm mục tiêu và chỉ đường cho các phiến quân đến tiếp cận các mục tiêu ở Mumbai. Y thiết lập một hệ thống điện thoại Internet (VOIP) để dễ dàng ngụy trang vị trí của y.
Hiện trường một trong những địa điểm bị tấn công ở Mumbai, năm 2008. |
Dù khôn ngoan, khéo léo nhưng Shah vẫn bị tình báo Anh phát hiện và theo dõi sát. Y không hề hay biết rằng, từng cử chỉ trên mạng internet và điện thoại đều đang bị tình báo Anh the dõi. Theo các tài liệu do Edward Snowden tiết lộ, nhiều hoạt động tìm kiếm trên mạng Internet, nhắn tin, e-mail của Shah đã được Cơ quan Tình báo tín hiệu GCHQ của Anh theo dõi và thu thập dữ liệu. Đồng thời, một số cơ quan tình báo Ấn Độ cũng bắt đầu theo dõi các hoạt động của Shah. Cơ quan Tình báo quốc gia NSA của Mỹ cũng tham gia theo dõi các hoạt động trên mạng Internet, các cuộc gọi điện thoại của Shah và đồng bọn, nhưng hoàn toàn không biết gì về hoạt động theo dõi của tình báo Anh và Ấn Độ.
Không lâu sau khi tình báo Anh chặn bắt được các giao tiếp viễn thông của Shah, y đã liên hệ với một công ty ở New Jersey (Mỹ), đóng giả làm một nhà bán lẻ trực tuyến các dịch vụ điện thoại Ấn Độ tên là Kharak Singh, trụ sở đóng tại Mumbai. Shah và đồng bọn bắt đầu cò kè mặc cả vì giá cả dịch vụ gọi điện thoại qua mạng Internet (VOIP) từ công ty này khá cao. Tuy nhiên, khi Shah và đồng bọn trao đổi điện thoại qua lại với nhau giữa Pakistan và Mumbai thì số điện thoại hiện lên là ở Áo và New Jersey chứ không phải hai địa phương này.
Khoảng giữa tháng 9/2008, Shah bắt đầu nghiên cứu các hệ thống điện thoại VOIP, vấn đề an ninh mạng và cách thức ẩn giấu các giao tiếp của mình. Trong quá trình lập kế hoạch cho cuộc tấn công, Shah dùng máy tính xách tay của mình tìm kiếm một vị trí an ninh mạng yếu nhất ở châu Âu, dành thời gian để tìm một chỗ để cất giấu lịch sử lướt web, và lên trang Google News để tìm kiếm thông tin về các cuộc tập trận hàng năm của Mỹ và Ấn Độ trong vùng biển gần Mumbai để tránh phải đụng độ với lực lượng tập trận. Cuối cùng, đầu tháng 11-2008, Shah chính thức thuê đường truyền điện thoại VOIP của công ty ở New Jersey để lấy mã số vùng New Jersey cho các cuộc gọi trao đổi giữa y với nhóm khủng bố ở Ấn Độ.
Ngoài ra, NSA và GCHQ và CIA còn theo dõi, phát hiện Shah có những hoạt động khác trên mạng Internet, như lên Google tìm kiếm Tôn Tử binh pháp để nghiên cứu cách thức tấn công hiệu quả nhất; tìm kiếm cụm từ "khách sạn 4 sao ở Delhi", "Khách sạn Taj" và vào trang web mapofindia.com để nghiên cứu địa bàn Mumbai. Đến giai đoạn này thì CIA bắt đầu phát đi những cảnh báo khủng bố cho các đồng nghiệp Ấn Độ biết, nhưng phía Ấn Độ đã không có phản ứng đáng kể nào.
Các tài liệu của NSA tiết lộ: Mọi động thái cả trực tuyến lẫn trong thế giới thực của Shah và đồng bọn đều không lọt qua được con mắt giám sát của các cơ quan tình báo Anh, Mỹ, Ấn Độ. Ngày 24/11/2008, Shah di chuyển đến khu ngoại ô thành phố Karachi thiết lập một "phòng điều khiển điện tử", với sự giúp sức của một phiến quân Ấn Độ tên là Abu Jundal. Tại đây, Shah, Mir và đồng bọn túc trực điều khiển, hướng dẫn từng chi tiết cho nhóm 10 tên khủng bố thực hiện các cuộc tấn công các mục tiêu đã định sẵn ở Mumbai. Khi cuộc tấn công khủng bố diễn ra ở Mumbai, Shah, Mir và đồng bọn tại "phòng điều khiển điện tử" ở Karachi tiếp tục lên mạng theo dõi các thông tin giới truyền thông đăng tải về vụ tấn công.
Vì sao các cơ quan tình báo không thể ngăn chặn vụ khủng bố?
Ngay sau đó, tại Washington, chiếc điện thoại di động của Anish Goel, Giám đốc bộ phận Nam Á của Hội đồng An ninh Quốc gia trong Nhà Trắng nhận một loạt tin nhắn về vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra ở Mumbai. Goel đang trong kỳ nghỉ với gia đình. Ngày 30/11, khi quay trở lại nơi làm việc, trên bàn Goel đã chất đầy hồ sơ bao gồm các báo cáo tình báo về vụ tấn công ở Mumbai, đồng thời trong chiếc máy tính để bàn cũng tràn ngập các hồ sơ tình báo mật. Nhưng Goel không để ý lắm đến các hồ sơ đó, vì ông đã biết rõ nội dung trong đó nói gì: thủ phạm là một nhóm khủng bố ở Pakistan đã được biết đến từ trước, và nguồn thông tin chính là hoạt động tình báo tín hiệu, nghe lén.
Từ trái qua phải: Zarrar Shah, Sajid Mir và David Coleman Headley, đồng phạm vạch kế hoạch khủng bố. Headley đã bị bắt tại Chicago vào năm 2009. |
Theo các tài liệu mật, từ đầu năm 2008, các cơ quan chống khủng bố của Anh và Ấn Độ bắt đầu nghe lén các cuộc gọi của một phần tử khủng bố về vụ tấn công sắp tới ở Mumbai. Bắt đầu từ mùa xuân 2008, bằng các nguồn thông tin riêng của mình, CIA đã biết được một vụ tấn công khủng bố đang được chuẩn bị nhắm vào thành phố Mumbai.
Từ đó, cơ quan này đã cảnh báo các cơ quan tình báo và cảnh sát Ấn Độ về một hiểm họa từ LeT đối với Mumbai. Cảnh báo của CIA còn nêu đích danh các địa chỉ mục tiêu cụ thể là khách sạn Taj Mahal Palace, Oberoi Trident, Leopold Café, Chabad House và một số mục tiêu khác có đông người phương Tây và người Do Thái cư trú hoặc lui tới. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng cảnh báo các đồng nghiệp Anh. Không rõ những cảnh báo đó có dẫn đến việc GCHQ chú ý theo dõi các giao tiếp trực tuyến và điện thoại của Zarrar Shah hay không, nhưng đến mùa thu 2008, tình báo Anh đã xác lập một phương án giám sát các mạng kỹ thuật số của LeT.
Điều đáng nói là, cho dù nắm được nhiều dữ liệu, thông tin về các hoạt động chuẩn bị tấn công khủng bố của Shah và đồng bọn, nhưng các cơ quan tình báo Anh và Ấn Độ đã không thể xâu chuỗi chúng lại để vẽ nên một bức tranh rõ nét về một âm mưu khủng bố. Giới chức tình báo Anh cho rằng các thông tin, dữ liệu có được chưa đủ mức độ để có thể gọi đó là một mối đe dọa khủng bố. Ngay cả khi tình báo Mỹ đưa ra các cảnh báo, Ấn Độ cũng chẳng mảy may nghĩ đến âm mưu khủng bố.
Các cơ quan tình báo phương Tây thường chia sẻ với đồng minh các thông tin tình báo có giá trị, hoặc chí ít cũng là "có ý nghĩa" về các mối đe dọa, nhưng đôi khi các thông tin được đánh giá ít quan trọng hơn thì không chia sẻ. Ngay cả các cơ quan có mối quan hệ thân thiết với nhau cũng không muốn thảo luận về các nguồn thông tin của mình. Anh và Ấn Độ, dù hợp tác với nhau, nhưng mức độ cũng không gần gũi bằng Mỹ và Anh. Và Ấn Độ cũng không nằm trong nhóm các quốc gia được chia sẻ thông tin tình báo nghe lén chặt chẽ nhất mà Mỹ và Anh là 2 quốc gia chủ chốt.
Các quan chức tình báo nói rằng, âm mưu tấn công khủng bố ở Mumbai chỉ được quan tâm khi "chuyện đã rồi", tức là khi một mô thức nào đó đột ngột hiện ra từ các mẩu thông tin rải rác trước đó. Các cơ quan tình báo Anh, Mỹ, Ấn Độ đã không thể hiểu được những thông tin đó có ý nghĩa gì, vì thông tin, dữ liệu bị nhiễu loạn rất nhiều.
Chỉ sau khi vụ tấn công khủng bố bắt đầu, 3 quốc gia này mới mau chóng tiết lộ cho nhau biết thông tin, dữ liệu tình báo mình nắm được. Nhờ thế, các nhà phân tích mới có cơ hội xâu chuỗi các dữ liệu và phác họa được một kế hoạch hành động hoàn chỉnh của bọn khủng bố. Và đó là lý do khiến các cơ quan tình báo đều không thể phát hiện ra âm mưu khủng bố ở Mumbai.