Thầy giáo giải cứu hàng trăm trẻ em trong Chiến tranh thế giới lần 2

Thứ Năm, 05/04/2018, 10:16
Johan van Hulst – mất ngày 22-3-2018 khi ông 107 tuổi – là một nhân tố chính trong mạng lưới những người hùng giúp đỡ giải cứu ít nhất 600 em bé và trẻ em Hà Lan thoát khỏi bàn tay tội ác của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới lần 2.

Những đứa trẻ này sống sót nhờ một loạt chiến dịch được tổ chức hết sức cẩn mật để chúng không bị Đức Quốc xã chở đến các trại tập trung.

Năm 1942, tức 2 năm sau khi quân Đức xâm lược Hà Lan, Johan van Hulst – con trai của người thợ bọc mặt đồ gỗ - đang giảng dạy tại một ngôi trường trung học ở phía đông thủ đô Amsterdam nước này.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu (trái) vinh danh Johan van Hulst năm 2015.

Vào mùa hè cùng năm, ngôi trường có nguy cơ phải đóng cửa khi chính quyền Hà Lan không còn tiếp tục tài trợ nữa. Lúc đó, Johan van Hulst quyết định kêu gọi phụ huynh học  sinh giúp đỡ tài chính để trường tiếp tục hoạt động. Phía bên kia con đường đối diện với ngôi trường là Hollandsche Schouwburg – nhà hát cũ bị Đức Quốc xã tịch thu năm 1941 để sử dụng làm trung tâm giam giữ tù nhân trước khi trục xuất đến các trại tập trung khác nhau.

Các nhà sử học tin rằng có khoảng 46.000 người bị đưa khỏi nhà hát cũ từ năm 1941 đến cuối năm 1943 và phần lớn trong số đó bị đưa đến hệ thống trại tập trung Đức Quốc xã ở Westerbork tại Hà Lan hay Auschwitz và Sobibor ở Ba Lan. Giám đốc trung tâm Hollandsche Schouwburg là Walter Suskind, một người Đức gốc Do Thái nhưng vẫn được Đức Quốc xã sử dụng do tạo được các mối quan hệ thân thiết với giới sĩ quan cao cấp SS.

Không lâu sau khi nhận trách nhiệm quản lý trung tâm, Walter Suskind chú ý thấy đây là nơi giúp tù nhân Do Thái đào thoát một cách dễ dàng. Suskind giả mạo con số những tù nhân mới được chuyển đến trung tâm – ví dụ như khai báo chỉ có 60 người thay vì 75 và sau đó lo liệu cho 15 người thoát thân an toàn.

Chiến dịch giải cứu của Walter Suskind càng trở nên thuận lợi hơn khi vào đầu năm 1943, Đức Quốc xã tiếp quản một nhà trẻ nằm cạnh ngôi trường của Johan van Hulst ở bên kia con đường để dùng làm nơi tạm giữ trẻ em Do Thái trước khi trục xuất chúng đến các trại tập trung. Suskind hợp tác với lãnh đạo nhà trẻ là Henriette Pimentel để chuyển trẻ em đi nơi khác một cách an toàn. Sau đó, chiến dịch giải cứu trẻ em Do Thái diễn ra nhanh hơn nhờ sự tham gia giúp sức của Johan van Hulst.

Ngôi trường của Van Hulst (trái) và bên cạnh là nhà trẻ.

Do ngôi trường và nhà trẻ chỉ cách nhau một bờ rào cho nên những đứa trẻ được chuyền tay qua cho Van Hulst để sau đó nhanh chóng đưa đến lực lượng quân kháng chiến giúp che giấu. Những đứa trẻ được giải cứu – với sự đồng ý của các bậc cha mẹ - không được ghi tên trong danh sách chuyển đến nhà trẻ cho nên quân Đức không phát hiện. Ngoài ra, chỉ có một số nhỏ trẻ được chọn ra để giải cứu cho nên khó gây sự nghi ngờ.

Năm 2017, Johan van Hulst thừa nhận với Đài truyền hình NOS của Hà Lan: “Mọi người nên biết rằng nếu bọn Đức chở đến 30 đứa trẻ thì chúng tôi không thể giải cứu toàn bộ 30 đứa trẻ này. Chúng tôi phải chọn lọc và đó chính là một trong những nhiệm vụ kinh khủng nhất phải làm”.

Một đứa bé được Johan van Hulst cứu là Lies Caransa còn hầu hết người thân trong gia đình của Lies bị giết chết trong trại tập trung Sobibor ở Ba Lan. Về sau, Lies Caransa may mắn được đoàn tụ với người mẹ sống sót. Henriette Pimentel bị bắt giữ tháng 7-1943 và chết trong trại tập trung Auschwitz cùng năm. Chiến dịch giải cứu trẻ em của Johan van Hulst kết thúc vào ngày 29-9-1943 sau khi quân Đức chuyển 100 đứa trẻ cuối cùng trong nhà trẻ đến các trại tập trung khác nhau.

Nhiều thập niên sau, Van Hulst kể lại nỗi đau khổ của mình lúc đó: “Bây giờ, hãy thử hình dung 80, 90, có lẽ 70 hay 100 đứa trẻ đang có mặt ở đó và anh chỉ phải chọn một số trẻ đi theo mình… Đó là ngày khó khăn nhất trong cuộc đời tôi… Anh biết chắc rằng những đứa trẻ ở lại sẽ phải chết. Tôi chọn 12 trẻ đi theo mình. Về sau, tôi tự hỏi lòng: tại sao không là 13”. 

Trong suốt vài tuần cuối cùng trước khi chiến tranh thực sự kết thúc, Johan van Hulst phải sống trong bí mật và ông may mắn trốn thoát chỉ vài phút trước khi quân Đức kịp bắt giữ nhờ được cảnh báo sớm. Sau chiến tranh, Johan van Hulst trải qua 25 năm làm thượng nghị sĩ Hà Lan và trở thành thành viên Nghị viện châu Âu từ năm 1961 đến 1968. Van Hulst hoạt động tích cực trong lĩnh vực chính trị và giáo dục, biên soạn hàng trăm cuốn sách.

Năm 1972, Johan van Hulst được trao giải thưởng cao quý “Righteous Among the Nations” của Israel dành cho những người không phải Do Thái đã giúp đỡ cho người Do Thái trong Chiến tranh thế giới lần 2. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói về Van Hulst năm 2015: “Ông đã cứu được hàng trăm mạng người. Tôi muốn nhân danh người Do Thái cũng như nhân danh nhân loại mà cảm ơn ông”.

Năm 2016, ngôi trường cũ của Van Hulst trở thành Nhà bảo tàng Holocaust Quốc gia Hà Lan. Năm 2018, ít lâu trước sinh nhật lần thứ 107, Van Hulst kể về những trải nghiệm bản thân trong suốt Chiến tranh thế giới lần 2 trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Hà Lan. Theo chủ tịch Thượng viện Hà Lan Rene van der Linden, Van Hulst là cựu thành viên Thượng viện đầu tiên sống đến 100 tuổi kể từ khi viện được thành lập năm 1815.

Duy Ân (Tổng hợp)
.
.