Thế giới ngầm của Tình báo nội địa Shin Bet

Thứ Tư, 22/05/2013, 10:35

Trong hệ thống đẳng cấp của cộng đồng tình báo Israel, Shin Bet - cũng được gọi là Shabak - ở cấp thấp hay tương đương với giới "sử dụng chân tay" so với Mossad có hoạt động siêu đẳng hơn.

Cụ thể, trong khi Mossad tiến hành những điệp vụ khó khăn ở hải ngoại - như là bắt cóc cựu thành viên Quốc xã hay ám sát những nhà khoa học hạt nhân - thì Shin Bet trải qua gần nửa thế kỷ thực hiện những sứ mạng được đánh giá là "bẩn thỉu" ở Bờ Tây và Dải Gaza của chính quyền Israel, nhằm đập tan những cuộc nổi dậy của người Palestine cũng như chặn đứng những cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel, cảnh sát mật Shin Bet bị cáo buộc sử dụng những phương pháp vô nhân đạo trong thẩm vấn và ám sát các mục tiêu được chọn.

Cộng đồng tình báo Israel nổi tiếng trên thế giới là các tổ chức bí mật gần như tuyệt đối, cho nên nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi xuất hiện bộ phim tài liệu "Gatekeepers" (được đề cử giải Oscar danh giá về phim tài liệu hay nhất của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ) được chiếu ở Mỹ ngày 1/2/2013, trong đó 6 cựu giám đốc Shin Bet lần đầu tiên trả lời phỏng vấn về hoạt động của cơ quan này.

Các cựu giám đốc Shin Bet tin rằng Israel đã trả giá đắt về chính trị và đạo đức cho hành vi chiếm đóng Bờ Tây (Israel rút khỏi Gaza vào năm 2005), đồng thời họ cũng cho rằng giới lãnh đạo Nhà nước Do Thái nên có nỗ lực tìm kiếm hòa bình nhiều hơn với người Palestine.

Yaakov Peri, lãnh đạo Shin Bet từ năm 1988 đến 1994, tuyên bố trong phim rằng ông biết có nhiều thời cơ để ký kết hiệp định với người Palestine và rút quân nhưng đó không phải là chính sách của thủ tướng Israel. Bộ phim "Gatekeepers" cũng mô tả những thập niên rối ren của Israel từ năm 1967 - giai đoạn bao gồm những cuộc nổi dậy của người Palestine, sự gia tăng phong trào định cư của người Israel và ám sát. Trong toàn bộ các sự kiện, Shin Bet luôn đóng vai trò chủ chốt. Ngoài ra, "Gatekeepers" cũng đề cập đến sự tàn bạo và những âm mưu đen tối của Shin Bet nhằm chống lại người Palestine.

Nơi Thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát ở Tel Aviv.

Trong phim, các lãnh đạo về hưu của Shin Bet đã thẳng thắn bày tỏ những quan sát vô tư của họ đến mức đáng ngạc nhiên. Carmi Gillon, lãnh đạo Shin Bet từ năm 1994 đến 1996, mô tả sự thật tàn bạo về Russian Compound, nơi giam giữ và tra tấn người Palestine; còn Yuval Diskin, nhân vật lãnh đạo gần đây nhất của Shin Bet, tiết lộ những phương pháp hèn hạ mua chuộc người Palestine để âm thầm dò xét bạn bè và ngay cả người thân trong gia đình họ.

Đạo diễn Dror Moreh nảy ra ý tưởng thực hiện bộ phim "Gatekeepers" sau một cuộc phỏng vấn 4 cựu lãnh đạo Shin Bet của một tờ báo Israel trước đó gần một thập niên, trong đó họ kêu gọi Thủ tướng Ariel Sharon ký kết hòa bình với Palestine.

Moreh - người về sau đã thực hiện bộ phim về Ariel Sharon - cho biết các bình luận của họ có tác động rất lớn đến nhà lãnh đạo Israel và thuyết phục ông rút quân khỏi Bờ Tây.

"Gatekeepers" được ca ngợi ở Israel cũng như hải ngoại, nhưng nó cũng thu hút nhiều sự chỉ trích chủ yếu từ những người chống giải pháp hòa bình. Thậm chí, giới chính khách cực hữu Israel mô tả bộ phim là "phim tuyên truyền của người Palestine giả trang phim tài liệu của Israel". Nhưng, Moreh sẵn sàng đối mặt với sự chỉ trích. Ông muốn chiếu bộ phim ở khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây và tin tưởng những người xem phim buộc phải xem lại quan điểm của họ một cách thẳng thắn.

Avraham Shalom, lãnh đạo Shin Bet từ năm 1980 đến 1986.

Shin Bet được tin là bao gồm 3 bộ phận chủ yếu với các nhiệm vụ khác nhau. Thứ nhất là bộ phận phụ trách các vấn đề về Arập, thực hiện các chiến dịch chống khủng bố nhằm vào người Palestine và Arập.

Người ta cũng cho rằng bộ phận này bao gồm một nhóm bí mật gọi là Mista'arvim (Những kẻ cướp) có trách nhiệm chống lại Intinfada (cuộc khởi nghĩa bắt đầu vào năm 1987 của người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza chống lại sự chiếm đóng của quân đội Israel).

Bộ phận thứ hai phụ trách những vấn đề ngoài thế giới Arập, như là thâm nhập các cơ quan tình báo nước ngoài và các sứ mạng ngoại giao ở Israel. Bộ phận thứ 3 bảo vệ an ninh cho các tòa nhà chính quyền và Đại sứ quán của Israel, các công ty quốc phòng, trung tâm nghiên cứu khoa học, nhà máy cũng như sân bay nước này.

Theo các chuyên gia an ninh Israel, Shin Bet có đông đảo nhân viên nói trôi chảy tiếng Arập có thể giả dạng làm người Palestine và tự do đi khắp Bờ Tây. Những người được tuyển vào đội tinh nhuệ này phải trải qua thử thách bằng cách đi vào một khu chợ của người Palestine và nói chuyện với những người bán hàng mà không gây một chút nghi ngờ nào.

Một người Palestine bị bắt giữ ở Bờ Tây năm 2002.

Cũng giống như Mossad, Shin Bet chịu khá nhiều tai tiếng cũng như tố cáo vi phạm nhân quyền trong những năm sau này. Năm 1984, 2 nghi can người Palestine bị nhân viên Shin Bet đánh đập đến chết sau vụ tấn công khủng bố xe buýt. Một báo cáo sau đó của chính quyền tiết lộ lãnh đạo Shin Bet lúc đó là Avraham Shalom còn ra lệnh bí mật giết chết hai tù nhân Palestine.

Năm 1987, Shin Bet bị phát hiện nói dối trước tòa án và cung cấp lời thú tội giả trong vụ án gián điệp chống lại sĩ quan quân đội Israel là Izzat Nafsu, người bị ngồi tù 18 năm. Shin Bet càng bị chê trách nhiều hơn khi không ngăn cản được những kẻ cực đoan cánh hữu Israel ám sát Thủ tướng Yitzak Rabin vào năm 1995. Sau vụ này Karmi Gillon, lãnh đạo cơ quan, buộc phải từ chức.

Ngoài ra, những phương pháp tra tấn của Shin Bet - nhất là đối với tù nhân người Palestine - cũng gây tranh cãi và chỉ trích từ các nhóm nhân quyền của Israel cũng như quốc tế. Các nhóm nhân quyền cho rằng nhiều tù nhân Palestine bị chết trong tay nhân viên Shin Bet hay bị liệt người sau thời gian bị cơ quan này giam cầm.

Năm 1999, Tòa án tối cao Israel tuyên bố không có cơ sở pháp lý cho sự tra tấn bạo lực các tù nhân, tước đoạt giấc ngủ của họ và buộc họ giữ yên ở trong các tư thế gây đau đớn suốt thời gian dài. Nhưng, Shin Bet luôn khăng khăng phủ nhận cáo buộc sử dụng những phương pháp tra tấn tàn bạo

Diên san (tổng hợp)
.
.