Thêm những cứ liệu về vụ thảm sát ở rừng Katyn năm 1940 (bài 1)

Thứ Ba, 28/02/2017, 22:30
Một lần nữa vụ thảm sát từng phủ bóng mây đen trên lịch sử bang giao hai nước Nga và Ba Lan suốt hơn 70 năm qua lại được Tòa án tư pháp Châu Âu khơi lên nghi vấn mới: Nếu đấy là những tài liệu giả mạo thì nghị quyết của Duma Quốc gia (tức Quốc hội) Liên bang Nga ra ngày 3-1-2013 đã thừa nhận một sự thật… không phải là sự thật?

Bài 1: Cái giá cho chính sách ngoại giao nước đôi

Theo nội dung bài dịch từ nguồn báo Secret Services có tựa đề “Tòa án Châu Âu xác nhận tài liệu về vụ thảm sát Katyn là giả mạo”, một lần nữa vụ thảm sát từng phủ bóng mây đen trên lịch sử bang giao hai nước Nga và Ba Lan suốt hơn 70 năm qua lại được Tòa án tư pháp Châu Âu khơi lên nghi vấn mới: Nếu đấy là những tài liệu giả mạo thì nghị quyết của Duma Quốc gia (tức Quốc hội) Liên bang Nga ra ngày 3-1-2013 đã thừa nhận một sự thật… không phải là sự thật?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả thêm những cứ liệu lịch sử lý giải cội nguồn mối “thâm thù” giữa Nga và Ba Lan để rồi có ngày dẫn đến thảm kịch.

Ngày 29-8-1918, tức chưa đầy một năm sau Cách mạng Tháng Mười, nước Nga Xôviết đã tuyên bố từ bỏ quyền của Đế chế Nga đối với Ba Lan và công nhận nền độc lập của nước Ba Lan mới.

Một vị tướng người Ba Lan, Joseph Pilsudski đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Ba Lan vào ngày 22 -11- 1918. Thời gian trước đó, ông ta đã chỉ huy “Quân đoàn Ba Lan” chống lại người Nga. Trên đất nước Ba Lan còn tồn tại “Ủy ban quốc gia Ba Lan”, được các nước đồng minh Anh-Pháp-Mỹ đỡ đầu. Dưới trướng của ông ta là đại tá Joseph Beck, chánh văn phòng nội các, người sau này đã dẫn dắt Ba Lan bằng chính sách ngoại giao nước đôi.

Đại tá Joseph Beck, Ngoại trưởng Ba Lan cho đến trước khi nổ ra Thế chiến II.

Cuối Thế chiến thứ nhất, nhân lúc nước Đức đại bại, Ba Lan tuyên chiến với Ukraine, chiếm được thành phố Lvov và sau đó là toàn bộ vùng đông Galicie.

Ngày 27-5-1919, Hội nghị các nước Đồng minh tại Paris ra tuyên bố sẽ ngưng mọi tiếp tế cho Ba Lan nếu nước này tiếp tục phiêu lưu quân sự, nhưng Ba Lan không dừng lại. Tháng 5-1919, Ba Lan chiếm được đường biên giới kéo dài đến tận thủ phủ Minsk của xứ Bạch Nga. Ngày 22 -12-1919, chính quyền Bolshevic đề nghị ngừng chiến, công nhận nền độc lập hoàn toàn của Ba Lan và cam kết không vượt qua biên giới mà họ đã vạch ra trước đây.

Cũng trong tháng này, các nước đồng minh thỏa thuận với Ba Lan về lãnh thổ của nước này với thỏa ước về “Đường biên giới Curzon”, được đặt theo tên của ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ. Nhưng người Ba Lan không chấp nhận thỏa ước này mà chỉ muốn có được đường biên giới năm 1772 bao trùm toàn bộ Ukraine nên tiếp tục tấn công quân sự.

Hồng quân Xôviết dưới sự chỉ huy của hai Nguyên soái Tukhachevski và Budionny nhanh chóng đẩy lùi các đạo quân Ba Lan. Đối với nước Anh, thì Ba Lan đã thất bại, và người Anh chơi một con bài hai mặt. Một mặt, họ đề nghị Hồng quân ngừng bắn, dừng lại cách Varsava 50 km. Mặt khác, họ yêu cầu Ba Lan chấp nhận cái gọi là “Đường biên giới Curzon”. Nhưng cả Nga lẫn Ba Lan đều không chấp nhận vai trò trung gian của người Anh.

Ngày 12-10-1920, các hiệp định hòa bình sơ bộ đã được ký, đường biên giới phía đông của Ba Lan nằm cách “Đường biên giới Curzon” 150 km về phía đông, nghĩa là bao gồm cả những vùng đất của người Ukraine và Belorusia. Các hiệp ước sơ bộ này trở thành Hiệp ước hòa bình vĩnh viễn Riga ngày 12-3-1921. Người Ba Lan còn thu được một thắng lợi nữa, là đạt được một liên minh chiến lược với nước Pháp bằng hiệp ước ký tháng 1-1921. Nước Pháp nhân cơ hội này đã là có được một liên minh chống Đức, và có lẽ, chống cả nước Nga Xôviết.

Ngày 19-11-1925, Đức gia nhập Hội quốc liên, một bước cuối cùng của quá trình biến Đức từ “kẻ tội đồ” của Thế chiến thứ I thành một quốc gia độc lập và bắt đầu trỗi dậy phục hận. Ngày 30-1-1933, Hitler trở thành Thủ tướng nước Đức. Ngày 19-10-1934, Đức rút ra khỏi Hội quốc liên, đánh dấu bước đầu sự tan rã của tổ chức này.

Như trên đã đề cập, Đại tá Beck sinh ngày 4-10-1894 tại Varsava, là nhà ngoại giao kiêm chính khách, đã bỏ nhiều công sức trong việc đưa Ba Lan có một mối quan hệ đối ngoại mềm dẻo và… thực dụng  giữa hai thế lực là Đức và Liên Xô. Beck làm phó Thủ tướng Ba Lan kiêm Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 11- 1932 và giữ cương vị quan trọng đó trong Chính phủ Ba Lan đến tận khi Thế chiến thứ II bùng nổ.

Một trong những thắng lợi của Đức là việc ký kết một tuyên bố không xâm lược Ba Lan ngày 26-1-1934, có giá trị trong mười năm. Thế nhưng ngày 7-11- 1938, bí thư thứ ba sứ quán Đức tại Paris Ernst Von Rath bị Herschel Grynspan, một người Đức Do thái gốc Ba Lan ám sát chết. Sự kiện này chính là cái cớ cho làn sóng bài Do Thái và sau đó là thái độ thù địch với Ba Lan ở nước Đức.

Sau hội nghị Munich, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Đức Von Ribbentrop với Lipsky- đại sứ Ba Lan tại Đức, phía Đức vẫn nhấn mạnh tính bền vững của hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa hai nước Đức- Balan. Nhưng cũng chính thời gian này âm mưu của nước Đức quốc xã đối với Ba Lan dần hiện ra. Ngày 24-10-1938, Von Ribbentrop nói với Lipsky rằng, thành phố Dantzig tự do cần phải được sáp nhập về Đức. Đức còn muốn xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc xuyên qua đất Ba Lan đến đó và tuyến đường sắt này phải được hưởng quy chế tài phán lãnh sự của Đức.

Ngược lại Ba Lan sẽ có một cảng miễn thuế tại Dantzig và được xây dựng một tuyến đường sắt tương tự của mình đến thành phố này. Đổi lại, hai bên sẽ kéo dài hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau ký năm 1934 không phải là 10 năm mà là 25 năm. Beck hình như cũng đã lờ mờ nhận ra tình thế của đất nước, và tìm cách xích lại gần Liên Xô. Tháng 10-1938, đại sứ Ba Lan tại Moskva - ông Grzybowsky đề nghị ký kết một hiệp ước hữu nghị mới trên cơ sở hiệp ước không xâm lược được ký năm 1932. Ngày 24-11, hiệp ước được ký kết.

Cuối tháng 1-1939, ngoại trưởng Đức Von Ribbentrop thăm Ba Lan, là chuyến thăm chính thức đầu tiên (và cũng là cuối cùng) của một chính khách cao cấp của Đức Quốc xã tới Ba Lan.

Ông ta khẳng định “tình hữu nghị” giữa hai nước và tính bền vững của những gì hai bên đã ký kết, đồng thời cũng thăm dò Beck xem khả năng cùng đánh Liên Xô, với mục tiêu rõ rệt là chiếm Ukraina. Vì đang ở trong tình thế chưa trả lời về vấn đề Dantzig, nên Beck đã lịch sự từ chối cả hai vấn đề trên. Ông ta vẫn chưa hiểu tất cả chỉ là đòn gió của phía Đức mà thôi.

Trong cuộc hội đàm diễn ra vào các ngày 26 và 27-3- 1939 giữa Lipsky và Von Ribbentrop, Ba Lan “bị buộc” phải gia nhập vào liên minh chống Liên Xô, đồng thời những yêu sách về Dantzig được đặt lại lên bàn với áp lực ngày càng tăng. Ngày 29-3, một cuộc biểu dương lực lượng của Hải quân quốc xã được tiến hành tại biển Baltic. Beck tuyên bố sẵn sàng dùng chiến tranh chứ không nhượng bộ về Dantzig, nhưng ngược lại ông ta lại đánh tiếng với Đức rằng, chính ông ta chứ không phải ai khác, mới có thể duy trì tình thân hữu của Ba Lan với nước Đức Quốc xã bất chấp dư luận nhân dân Ba Lan trong nước.

Bộ trưởng Beck chỉ đạo vội vã tìm kiếm sự ủng hộ từ Anh và Pháp, và đã đạt được những tuyên bố từ phía hai “nhà bảo trợ” này. Nhưng chính điều đó lại tạo cớ cho Đức. Quốc vụ khanh Đức Von Weizsacker đã tuyên bố những thỏa thuận Anh-Ba Lan ký ngày 6-4 là trái với những gì Ba Lan đã ký kết với Đức!

Cho đến tháng 8-1939, Liên Xô vẫn chưa có được một sự lựa chọn nào cả. Liên Xô được ngăn cách với nước Đức ở Ba Lan và Rumani, do đó việc tham gia bất cứ một liên minh chống Đức nào, Liên Xô cho là nguy hiểm và chưa cần thiết. Ngày 27-5-1939,  Anh và Pháp chấp thuận một dự án hiệp ước an ninh tập thể, họ đồng ý sẽ tham chiến nếu Liên Xô bị xâm lược. Việc này cũng đảm bảo sẽ áp dụng với Ba Lan, Rumani, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.

Nhưng vấn đề lớn nhất là Liên Xô cứ khăng khăng trong việc đòi Ba Lan cho phép Hồng quân đi qua lãnh thổ của họ trong khi những lãnh đạo Liên Xô đều thừa biết không đời nào Beck đồng ý điều đó. Ngày 21-8, Daladier (Thủ tướng Pháp) chỉ thị cho Doumenc (Đại sứ Pháp) phải ký bằng được Hiệp ước với Liên Xô, về việc các binh đoàn sẽ đi qua lãnh thổ Ba Lan, bất chấp Ba Lan có đồng ý hay không.

Nhưng đã quá muộn, vì Liên Xô yêu cầu có được sự đồng ý chính thức của Ba Lan. Ngày 28-8, Ủy viên nhân dân ngoại giao (được xem là Bộ trưởng ngoại giao) chính quyền Xôviết cho triệu Doumenc đến để thông báo rằng những điều kiện từ phía Pháp chuẩn bị là không đủ, và Liên Xô cần có câu trả lời chính thức từ phía Ba Lan và Rumani. Thái độ của Ba Lan thì hết sức rõ ràng: Nguyên soái Ba Lan Smigly-Rydz nói: “Với người Đức chúng tôi có nguy cơ sẽ mất tự do, nhưng với người Nga chúng tôi sẽ mất cả linh hồn!”.

Ngày 3-5, Molotov được cử giữ chức Ủy viên nhân dân ngoại giao. Ngày 23-8-1939, Von Ribbentrop đến Moskva. Ông ta được ủy quyền toàn quyền ký với Molotov một Hiệp ước có hiệu lực tức thì.

Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov ký Hiệp ước ngày 23-8-1939, phía sau là Stalin và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ribbentrop.

Ngay đêm đó, Hiệp ước được ký kết: Hai bên cam kết không xâm lược lẫn nhau, không tham gia vào một liên minh nào chống lại nước kia, không ủng hộ bất cứ một nước thứ ba nào chống lại nước kia.

Nhưng Hiệp ước không quan trọng bằng nghị định thư bí mật đi kèm,  chương 2 của nghị định thư quy định ranh giới vùng ảnh hưởng của hai nước trên đất Ba Lan, được vạch ra trên tuyến ba con sông Narev-Vistule- San mang nội dung: “Vấn đề liệu có nên, vì lợi ích của cả hai bên, duy trì một nước Ba Lan độc lập và quy định các biên giới của nước này như thế nào, chỉ có thể được giải quyết trong diễn biến chính trị trong tương lai. Trong mọi trường hợp hai Chính phủ sẽ giải quyết bằng con đường thỏa thuận hữu nghị”. Như vậy có thể thấy Stalin ủng hộ chính sách một nước Ba Lan thu hẹp chỉ còn một dải đất mỏng dính kẹp giữa ông và Hitler, đủ để làm vùng đệm phòng thủ sau này.

Từ đó trở đi, là thời gian của những sự kiện biên giới Đức-Balan, hầu hết do phía Đức gây ra. Ngoại trưởng Beck ra tuyên bố lấy làm tiếc về việc Hiệp ước Đức-Ba Lan bị phía Đức phá bỏ, và vẫn kiên quyết trong việc bảo vệ Dantzig nhưng có vẻ không mấy cương quyết trong việc chuẩn bị chiến tranh.

Trên thực tế, người dân Ba Lan không hào hứng lắm với việc kháng chiến chống Đức. Theo nhiều tài liệu, Quân đội của Beck chỉ tuyển được có 700.000 quân trong số 3 triệu người trong tuổi động viên. Dường như Beck vẫn tin ở việc Đức không thể tấn công trước cuối tháng 9.

Ngày 30-8, Đức lần cuối cùng đưa yêu sách 16 điểm, trong đó có việc thành phố tự do Dantzig phải được sáp nhập vào Đức, Gdynia vẫn là của Ba Lan nhưng bị phi quân sự hóa, và lập lại trật tự bảo vệ kiều dân Đức “đang bị vi phạm quyền lợi từ sau năm 1918”. Người Ba Lan đã không nhận thức được những điều kiện đó, vì bây giờ tất cả phụ thuộc vào ý chí của Hitler: hoặc là Ba Lan đầu hàng, hoặc chiến tranh!

Ngày 31-8, Ba Lan mới ra lệnh tổng động viên, thì đến 0 giờ ngày 1-9, đất nước đã bị tấn công. Cùng lúc đó chính quyền thành phố Dantzig tuyên bố tự sáp nhập vào đế chế Đức quốc xã.

Ngày 9-9, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov đánh tiếng với Đức là Liên Xô sẽ chuẩn bị can thiệp vào tình hình. Ngày 12-9, ở Liên Xô có một chiến dịch báo chí đăng tin về việc người Bạch Nga và Ukraine bị đối xử tồi tệ ở Ba Lan. Ngày 17-9-1939, viện cớ nội bộ nước Ba Lan đã tan rã, các hiệp ước giữa Liên Xô và Ba Lan đã không còn giá trị, nên quân đội Liên Xô tiến vào Ba Lan để bảo vệ người Bạch Nga và Ukraine. Hồng quân tiến vào đất Ba Lan mà chẳng vấp phải trở ngại nào, trong khi người Ba Lan lại kháng cự kịch liệt ở phía Tây với Đức. Ngày 22-9, ranh giới giữa hai nước được xác định nằm trên tuyến sông Pissa-Narew- Bug- Vistule- San (tên Ba Lan là Vixla). Chính quyền Varsava cố chống cự đến ngày 29-9 rồi thua hẳn. Thủ đô Ba Lan nằm trong vòng kiểm soát của phát-xít Đức, từ bờ phải sông Vistule (Vixla) thuộc về Liên Xô.

Sai lầm của chính giới Ba Lan là ở chỗ họ đã có một thái độ thù địch quá rõ rệt với người Nga - khi mà không phải ai khác, chính chính quyền Xôviết sau Cách mạng đã trả lại độc lập cho Ba Lan. Sự thù địch quá rõ ấy đã đẩy họ vào tình thế hết sức bất lợi.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.