Thêm những cứ liệu về vụ thảm sát ở rừng Katyn năm 1940:

Không để vết đen trong lịch sử đốt lên hận thù dân tộc

Thứ Bảy, 04/03/2017, 10:15
Cho đến đầu tháng 3-1940, các tù nhân Ba Lan bất hợp tác với Liên Xô, hoặc bị coi là không đủ sức để lao động khổ sai, bị chuyển đến ba trại đặc biệt ở vùng Ostashkov, Kozelsk và Starobilsk nằm trong rừng Katyn thuộc miền Tây Ukraine và Belarus.

Theo những điều khoản của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop (Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô) ký ngày 23-8-1939, trong khi quân đội Đức phát-xít tràn vào Ba Lan từ phía Tây, đến ngày 17-9-1939, Hồng quân tiến vào Ba Lan từ phía Đông. 

Từ cả hai hướng, cùng quân đội, các lực lượng mật vụ cũng có mặt trên lãnh thổ Ba Lan: phía Tây là Gestapo (Đức), phía Đông là NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô), tiền thân của KGB (Cục An ninh Quốc gia)  để bắt tay vào việc "lập lại trật tự", tức là thiết lập hàng loạt hệ thống các trại mang danh "trại lao động" (Gulag) hay "trại tập trung".

Trong các trại này, cơ quan mật vụ chính trị Đức và Liên Xô đều lựa chọn những người sẵn sàng hợp tác hoặc có thể lực tốt, có khả năng làm công việc chân tay nặng nhọc rồi giam họ tách biệt với những người còn lại.

Cho đến đầu tháng 3-1940, các tù nhân Ba Lan bất hợp tác với Liên Xô, hoặc bị coi là không đủ sức để lao động khổ sai, bị chuyển đến ba trại đặc biệt ở vùng Ostashkov, Kozelsk và Starobilsk nằm trong rừng Katyn thuộc miền Tây Ukraine và Belarus.

Hiện vật toa tàu dùng chở các tù nhân.

Tổng cộng, có khoảng 15.000 người - trong số đó có hai sĩ quan mang quân hàm tướng - bị chở đến các trại; các tù binh này không hề được hưởng những quy chế đối với tù binh ghi trong Công ước Geneva. 2 trại Kozelsk và Starobelsk chủ yếu dành cho tù nhân thuộc giới sĩ quan, còn Ostashkov thì dành cho những binh lính cấp thấp, các hiến binh, giám ngục, thậm chí có cả giới chủ xưởng, địa chủ, viên chức chính quyền...

 Trái với một nhầm lẫn phổ biến, trong số 15.000 tù binh trong các trại này chỉ có chừng 8.000 sĩ quan. Do chế độ quân dịch cưỡng bách của Ba Lan bắt buộc mọi sinh viên tốt nghiệp đại học phải làm sĩ quan dự bị, nên phần lớn giới trí thức Ba Lan, người Do Thái và Belarus đã bị phía Liên Xô bắt đưa vào trại.

Ngày 5-3-1940, Dân ủy Nội vụ (Bộ trưởng Nội vụ) Lavrenti Pavlovich Beria trình lên Stalin tờ trình số 794/B, đề nghị tử hình không cần điều tra, luận tội 14.700 tù binh và 11.000 tù nhân khác (trong đó đại đa số là người Ba Lan) là thành phần "dân tộc chủ nghĩa và phản cách mạng". I. Stalin và các nhân vật cao cấp như Kliment Voroshilov, Viacheslav Molotov, Anastas Mikoian và Mikhail Kalinin cùng ký chấp thuận đề nghị của Beria trên Quyết định P13/144.

Ngày 22-3-1940, L. Beria ra sắc lệnh 00350 và thế là một trong những cuộc thảm sát có kế hoạch lớn nhất trong lịch sử Ba Lan và thế giới trong thế kỷ XX đã xảy ra. Các thân nhân của những tù nhân xấu số không còn nhận được tin tức, hoặc thư viết trên loại bưu thiếp của trại (trước đó, cho dù bị kiểm duyệt, nhưng thư của tù nhân từ các trại vẫn còn được gửi đi). Nhưng gia đình các sĩ quan Ba Lan thường quen biết nhau, vì thế câu hỏi về số phận của họ vang lên ngày một nhiều và càng ngày càng có nhiều tổ chức kháng chiến Ba Lan bắt đầu tìm hiểu.

Ngày 28-1-1942, Bộ trưởng Rachinsky thay mặt chính phủ Ba Lan (lưu vong) trao cho Đại sứ Liên Xô Bogomolov "Bản ghi nhớ" về sự mất tích khó hiểu của hàng chục ngàn sĩ quan và công dân Ba Lan. Phía Liên Xô phúc đáp bằng văn bản nhưng câu chữ rất khó hiểu và mâu thuẫn.

Quân đội Đức Quốc xã phát hiện hàng loạt ngôi mộ tập thể tại rừng Katyn (cách thành phố Smolensk 18 km về phía Tây) sau khi chiếm đóng khu vực này vào năm 1941. Trong những ghi chép của mình, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức J. Goebbels hả hê gọi sự kiện này là "món quà hiếm có của số phận" đảm bảo cho một chiến dịch tuyên truyền nhiều mặt chống Liên Xô. J. Goebbels viết trong hồi ký: "Quả bom Katyn thừa sức gây ra một đòn đau, đánh mạnh vào tâm tư, tình cảm của những người dân Ba Lan ủng hộ liên minh chống phát-xít, thật hay là chúng ta cho nổ quả bom này vào mối liên kết lỏng lẻo giữa hai chính phủ Liên Xô-Ba Lan".

Ngày 18-2-1943, người Đức bắt đầu đào các hố chôn tập thể, đến ngày 13-4-1943, có chừng 400 thi thể được khai quật. Cũng trong ngày 13-4-1943, Đài phát thanh Berlin đưa tin: Nước Đức tìm thấy hơn 10.000 thi thể các sĩ quan Ba Lan bị giết tại vùng Katyn, khẳng định "đây chính là thi thể các sĩ quan Ba Lan bị Liên Xô bắt làm tù binh khi chiếm đóng miền Đông Ba Lan".

Ngày 17-4-1943, chính phủ Ba Lan lưu vong ra tuyên bố "lên án mọi tội ác chống lại các công dân Ba Lan", yêu cầu chính phủ Liên Xô có lời giải thích về vụ việc này và đề nghị Hội Chữ thập đỏ quốc tế tham gia làm rõ vấn đề. Ngày 21-4-1943, Hãng thông tấn Liên Xô TASS ra tuyên bố với lập luận khẳng định: "Một chiến dịch chống Liên Xô bắt đầu trên báo chí Đức và Ba Lan - thực tế này cho thấy chiến dịch bôi nhọ Liên Xô đã được tiến hành bởi sự thỏa thuận bẩn thỉu với những kẻ xâm lược Đức".

Trong một động thái quyết liệt hơn, lãnh đạo Liên Xô đã cảnh báo các đồng minh Anh và Mỹ về ý định cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Ba Lan Sikorski với lý do: "Thời gian gần đây, hành vi của Chính phủ Ba Lan đối với Liên Xô hoàn toàn bất thường, phá vỡ tất cả các quy tắc và chuẩn mực của quan hệ đồng minh.

Chiến dịch vu khống chống Liên Xô được phát xít Đức đưa ra liên quan đến việc các sĩ quan Ba Lan bị giết trong khu vực Smolensk, trên lãnh thổ Đức chiếm đóng, lập tức được chính phủ  Ba Lan nắm lấy và thông tin rầm rộ trên báo chí  (…).

Tất cả những điều đó khiến chính phủ Liên Xô không thể không nhận thấy chính phủ Ba Lan đang đi vào con đường thông đồng với chính phủ Hitler, muốn chấm dứt quan hệ đồng minh và trở nên thù địch với Liên Xô". J. Goebbels đã dự đoán không sai, "quả bom chính trị Katyn" đã phát nổ, vấn đề Katyn trở thành một trong những "điểm đau đớn" trong quan hệ Liên Xô - Ba Lan không chỉ tại thời điểm đó, mà còn mãi về sau này.

Với mục tiêu hạ uy tín và tuyên truyền về sự tàn bạo của Liên Xô đối với tù binh, ngày 16-4-1943, phía Đức mời Hội Chữ thập đỏ quốc tế và đại diện một số tổ chức xã hội Ba Lan trong vùng bị phát-xít Đức chiếm đóng đến thanh sát việc khai quật và khám nghiệm tử thi tại 8 hố chôn tập thể.

Trong số các xác chết được khai quật, người ta tìm thấy tử thi hai vị tướng Ba Lan Bronislaw Bohatyrewicz và Mieczyslaw Smorawinski. Từ ngày 15-4 đến ngày 15-6-1943, tổng cộng hơn 4.100 tử thi được khai quật; 2.800 tử thi được nhận dạng. Công việc thu thập tư liệu và nhận dạng tử thi được tiến hành một cách khoa học, chú trọng luận giải cách thức và loại hình hung khí thực hiện thảm sát.

Những thư từ còn lại trong thi thể các nạn nhân đều có thời gian dừng lại ở năm 1940; tuổi của những cây cối mọc trên mộ, các chỉ số đo đạc phân tử canxi trên hộp sọ tử thi… đều cho chung một kết quả về thời điểm của vụ thảm sát - năm 1940, khi mà người Đức chưa có mặt ở vùng này.

Ngày 30-6-1943, việc khai quật bị dừng lại do diễn biến chiến sự, nhưng những phân tích, kết luận của toàn bộ quá trình đã được nước Đức kịp xuất bản thành "Tập tài liệu chính thức về vụ thảm sát tại Katyn" (Amtliches Material zum Massenmord von Katyn, Berlin, 1943). Tài liệu này được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ châu Âu, lưu hành trên các vùng Đức chiếm đóng và ở các nước đồng minh của Đức. Việc quân Đức khám phá ra vụ thảm sát đã dẫn đến cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và chính phủ lưu vong Ba Lan ở Luân Đôn.

Sau khi Hồng quân tiến vào vùng Smolensk và đẩy lùi quân đội Đức, Liên Xô thành lập một Ủy ban đặc biệt điều tra tội ác của quân đội phát-xít Đức trong rừng Katyn. Tháng 1-1944, Ủy ban này công bố một loạt "chứng cứ" chứng minh vụ thảm sát Katyn là do quân đội Đức gây ra. Năm 1945, I. Stalin quyết định tháo "nút thắt Katyn" bằng cách đưa vụ thảm sát ra Tòa án Quân sự tại Nuremberg.

Bức tường khắc tên các nạn nhân.

Công tố viên Liên Xô, Tướng R.A. Rudenco đã buộc tội phát xít Đức thảm sát 11.000 tù binh Ba Lan tại Katyn; tuy nhiên, Tòa án Quân sự tại Nuremberg đã không đi đến một phán xét chung cuộc, vì phía Liên Xô không đưa ra được những bằng chứng thuyết phục. Hơn mười năm sau, ngày 22-12-1955, sau nhiều nỗ lực vận động của cộng đồng người Ba Lan tại Mỹ, một Ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đưa vụ Katyn lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và buộc tội Liên Xô trước Tòa án Quốc tế tại Hà Lan, song đề nghị này không được chính phủ Mỹ chấp thuận.

Năm 1953, I. Stalin qua đời, "chủ nghĩa xét lại" của Tổng Bí thư Nikita Khrushchev lên ngôi nhưng N. Khrushchev cũng không vượt qua "phương pháp áp lực trực tiếp" đối với nước láng giềng Ba Lan; vì thế, "vấn đề Katyn" không thể vô cớ bị xới lên lần nữa. Cuối thập niên 50, dưới chỉ đạo của N. Khrushchev, A.Shlepin đã bí mật nghiên cứu hồ sơ vụ Katyn.

Ngày 3-3-1959, A.Shlepin đệ trình "Văn bản N-632-SH", kiến nghị tiêu hủy 21.857 cặp tài liệu về các nạn nhân Katyn - những tài liệu mà theo như A.Shlepin giải thích, là chẳng những "không có bất kỳ ý nghĩa cũng như giá trị lịch sử đối với chính phủ Liên Xô (…) và có lẽ chúng cũng không phải là mối quan tâm thực sự đối với những bạn bè Ba Lan"; trái lại, nếu ngẫu nhiên bị phát hiện, "có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng bất lợi cho Nhà nước Xôviết".

A. Shlepin đề nghị giữ lại những hồ sơ quan trọng nhất như "Biên bản cuộc họp Troika NKVD cùng những văn bản thực hiện quyết định số phận 15.000 tù binh Ba Lan. Ban lãnh đạo Liên Xô đã chuẩn y đề nghị của A. Shlepin, chỉ giữ lại những hồ sơ quan trọng, được tập hợp thành một bộ "Hồ sơ đặc biệt Số 1" và đưa vào bảo quản theo chế độ tuyệt mật, chỉ những người lãnh đạo cao nhất của chính quyền Liên Xô mới có quyền tiếp cận.

Nửa sau của thập niên 80, trong khuôn khổ công cuộc cải tổ, Michail Gorbachev đã đồng ý thành lập Ủy ban hỗn hợp Liên Xô-Ba Lan với mục đích tìm sự lý giải cho những vết đen lịch sử trong quan hệ hai nước. Gọi tên ủy ban như vậy nhưng trong thực tế là tìm phương thức thích ứng để công khai hoá thủ phạm. Cũng cần lưu ý ở đây rằng, với cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao, chắc chắn Gorbachev đã biết rõ "Hồ sơ đặc biệt Số 1".

Trong tiến trình thắt chặt toàn diện quan hệ Liên Xô - Ba Lan, năm 1986, M. Gorbachev và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan W.Jaruzelski ký "Hiệp định về hợp tác Liên Xô - Ba Lan trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và khoa học", theo đó, hai bên "chú trọng không để tồn tại những vết đen trong lịch sử hai nước, không để lịch sử đốt lên hận thù dân tộc".

Ngày 19-5-1987, tại Moscow đã diễn ra phiên họp toàn thể đầu tiên Ủy ban Liên Xô - Ba Lan về lịch sử quan hệ song phương, "vấn đề Katyn" được đưa vào chương trình nghị sự, song những nghiên cứu về sự kiện này diễn tiến khá trì trệ và bị chi phối bởi tư tưởng giáo điều, bởi các yếu tố chính trị trong nội bộ mỗi nước và trong quan hệ Liên Xô - Ba Lan.

Đến ngày 13-4-1990, nhân chuyến thăm Liên Xô của Tổng thống W.Jaruzelski, một số tư liệu lưu trữ liên quan đến sự kiện Katyn mới được chuyển giao cho phía Ba Lan. Ngày 13-4-1990, Hãng thông tấn Liên Xô TASS ra "Tuyên bố chính thức" thừa nhận trách nhiệm của Liên Xô trong "thảm kịch Katyn".

Tuyên bố nói rõ: "Tài liệu tìm thấy trong kho lưu trữ cho phép kết luận về vai trò, trách nhiệm của Beria, Merkulov và các đồng sự" đồng thời bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về sự kiện bi thảm Katyn.

Sau đó 10 năm, ngày 28-4-2010, Giám đốc Cơ quan lưu trữ Liên bang Nga Andrey Artizov tuyên bố với báo giới các tài liệu liên quan đến vụ Katyn được cơ quan này đưa lên website của mình cùng lời khẳng định: "Các tài liệu này chưa bao giờ được đăng trên các website chính thức của Chính phủ và đây là lần đầu tiên được đăng tải trên trang điện tử của chúng tôi, trong đó có "Hồ sơ đặc biệt Số 1".

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.