Thêm những giả thuyết về sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH-370

Thứ Sáu, 26/09/2014, 10:54

Chuyên gia hàng không Ewan Wilson - người sáng lập Hãng Hàng không Kiwi Airlines có trụ sở ở New Zealand, và là người đã bỏ công nghiên cứu về sự biến mất của chuyến bay MH-370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines, đã khẳng định: Cơ trưởng Zaharie Shah bị mắc bệnh tâm thần, điều khiển chiếc máy bay này đã tự sát bằng cách cho máy bay lao xuống Ấn Độ Dương...

Tại sao phi công tự sát?

Sau hơn 6 tháng nghiên cứu, hôm 15/9, ông Ewan Wilson cho phát hành cuốn “Chúc ngủ ngon Malaysia: Sự thật đằng sau sự biến mất của chuyến bay 370” và mạnh dạn tuyên bố: Chiếc máy bay bị đâm xuống biển là do phi công Shah tự sát.

Đồng tác giả với Wilson là nhà báo điều tra Geoff Taylor - người đưa ra phỏng đoán các hành khách trên chuyến bay MH-370 chết vì thiếu ôxy. Hai tác giả khẳng định: kịch bản dễ xảy ra nhất đó là phi công đã ngắt nguồn cung cấp ôxy trên chiếc máy bay khiến cho hành khách thiếu ôxy dẫn tới tình trạng mất ý thức trong 4 giờ đồng hồ trước khi chiếc Boeing 777 lao xuống biển.

Các chuyên gia cũng đồng ý với Wilson và Taylor rằng, mặt nạ phía trên ghế sẽ tự động hạ xuống, tuy nhiên nó chỉ cung cấp ôxy trong vòng 20 phút. Hơn nữa, đây là chuyến bay đêm, vì vậy hành khách khó có thể nhận ra tình trạng nguy cấp của MH-370. Hai tác giả cũng khẳng định rằng, vì bị tâm thần nên cơ trưởng Shah đã nhốt cơ phó vào một buồng lái để thực hiện kế hoạch của mình, rồi điều khiển cho chiếc Boeing 777 đâm xuống biển.

Wilson cũng kêu gọi "các cơ quan hàng không cần có nhiều cuộc kiểm tra sàng lọc sức khỏe cho phi công về vấn đề tâm lý. Đây không phải là một cuộc săn lùng phù thủy. Phi công được khuyến khích để họ cảm thấy thoải mái khi nói rằng, họ có áp lực trong cuộc sống và họ cần một số đánh giá".

Những giả thuyết khác về MH-370

Trung tướng Mỹ về hưu Thomas McInerney (hiện phụ trách mảng phân tích quân sự cho Fox News) tranh luận ngay khi chiếc máy vừa mất tích rằng, nó đã bay tới vùng do Taliban kiểm soát ở Pakistan để sau này dùng chống lại Mỹ. Nó có thể được dùng chở vũ khí hủy diệt hàng loạt để nhắm tới hàng không mẫu hạm hay tấn công Israel".

Có giả thuyết cho rằng phe Taliban ở Afghanistan hiện đang cầm giữ MH-370.

Giả thuyết của ông Thomas McInerney dựa trên ý tưởng rằng, Pakistan là địa điểm phù hợp với điểm phát tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay tới vệ tinh. Nhưng Hãng Inmarsat của Anh loại bỏ giả thuyết này. Inmarsat dựa trên tín hiệu "ping" cuối cùng đó và tính toán rằng, chiếc máy bay đã hoặc quay đầu bay ở hành lang phía nam Ấn Độ Dương.

Có giả thuyết cho rằng MH-370 đã bị nhân viên của Freescale đánh chặn. Trên chuyến bay MH-370 có 20 nhân viên, 12 người từ Malaysia và 8 người từ Trung Quốc của Công ty Freescale Semiconductor (Mỹ) chuyên sản xuất các con chip điện tử rất hiệu quả cho nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả công nghiệp quốc phòng.

Điều này dẫn tới đồn đoán: nhóm này nắm giữ bí mật quan trọng khiến Chính phủ Mỹ lo sợ thông tin mật sẽ rơi vào tay Bắc Kinh, thế nên máy bay bị không tặc và phải mang về căn cứ của Mỹ ở Diego Garcia.

Phiên bản khác của giả thuyết là chính Trung Quốc đã giành kiểm soát chuyến bay để thẩm vấn nhân viên Freescale nhằm tìm ra mức độ theo dõi của Mỹ. Về phần mình, lãnh đạo Freescale nói rằng, các nhân viên trên chuyến bay là kỹ thuật viên mang con chip của công ty đi thẩm định.

Trong một hội thảo năm 2013, tư vấn viên an ninh Hugo Teso đã tấn công vào hệ thống bay tự động của một máy bay bằng ứng dụng do anh ta tự lập trình. Sau khi MH-370 biến mất, tiến sĩ Sally Leivesley - chuyên gia chống khủng bố, gợi ý rằng chiếc Boeing 777 có thể đã bị điện thoại di động hay ổ nhớ USB giành quyền kiểm soát.

Thế nhưng, Cơ quan Liên bang Hàng không cho rằng, kỹ thuật tin tặc của Teso không có hiệu quả đối với phần cứng đã được xác nhận của chuyến bay do phi công có thể tắt hệ thống tự lái bất kỳ lúc nào

Tường Quyên (tổng hợp)
.
.