Thổ lộ của cựu điệp viên Pháp trong cuốn sách "Sống trong bóng tối"
Trong suốt 30 năm phục vụ Cơ quan Tình báo đối ngoại Pháp - DGSE (được coi là tương đương MI-6 của Anh) - Đại tá Thierry Jouan đã thực hiện khoảng 60 sứ mạng bí mật ở hải ngoạị. Trong những năm gần đây, DGSE tập trung chống lại Al-Qaeda, xử lý những vụ bắt cóc con tin hay can thiệp vào những vùng xung đột mà nước Pháp có mối liên quan trực tiếp.
Cuối cùng, điệp viên lão luyện này đồng ý tiết lộ với phóng viên tạp chí Paris Match về những khoảnh khắc bi kịch mà ông đã trải qua trong những năm tháng đầy nguy hiểm, cũng như bao phiền muộn lo âu mà vợ con ông - những người không hề biết gì về hoạt động tình báo của ông và không bao giờ biết lý do tại sao ông bặt vô âm tín trong suốt nhiều tháng trời - phải gánh chịu.
Thierry Jouan làm việc suốt 13 năm trong đơn vị "Hành động đặc biệt" của DGSE, và sau đó là 6 năm làm trợ lý cho Hoàng tử Albert II ở Monaco. Trong cuốn sách "Sống trong bóng tối" của mình vừa ấn hành, Jouan cho biết, ông do dự rất lâu trước khi bắt đầu viết cuốn sách kể về một giai đoạn bí mật trong cuộc đời mình, bởi vì rất khó khăn khi phải viết về những gì liên quan đến bí mật tình báo quốc gia sau khi ông tuyên thệ giữ kín mọi chuyện trước khi rời khỏi DGSE vào năm 1999.
Cuối cùng, Jouan quyết định viết câu chuyện về khía cạnh con người trong những trải nghiệm của bản thân, về cuộc sống giữa ánh sáng và bóng tối. Như Jouan đã viết trong cuốn sách: "Tôi muốn con cái biết lý do về những năm tháng vắng mặt của tôi, sự không tồn tại, những lời nói dối". Đó là câu chuyện của một người đàn ông cố gắng thoát khỏi những cơn ác mộng thường xuyên săn đuổi ông. Và ngày nay, Thierry Jouan chỉ mong ước một điều duy nhất: "Tôi mong muốn sẽ không còn phải làm việc trong bóng tối nữa để thật sự được tồn tại".
Paris Match (P.M): Điệp viên mật của DGSE - điều đó có nghĩa là phải giữ bí mật tuyệt đối trong phần lớn cuộc đời mình…
Thierry Jouan: Đúng như vậy. Gia đình tôi luôn đau khổ vì thấy tôi luôn vắng mặt mà không hề có sự giải thích nào. Cả vợ lẫn con đều không hiểu tại sao tôi biến mất trong suốt nhiều tuần liền. Vào một đêm Noel, con gái lớn của tôi - Marie Aude bảo: "Cha ơi, con căm ghét cha lắm!". Khi làm cha, ta thường tự hỏi lòng: "Điều gì đang diễn ra vậy, có phải mình đã đi quá xa hay không?".
Viết một cuốn sách là cách để giúp cho vợ con hiểu tại sao mình phải giữ bí mật tuyệt đối. Đó cũng là một liệu pháp giúp tôi vượt qua được những hành trình nguy hiểm. Tâm trạng của một điệp viên mật thường trôi đi trong im lặng. Là một điệp viên không có nghĩa là anh không có trái tim hay khối óc. Trước khi bóp cò súng hay ấn nút kích nổ một quả bom, một điệp viên cũng phải suy xét. Người ta không giết chóc để thỏa mãn khoái cảm, mà phải có sự chắc chắn.
Dĩ nhiên, một điệp viên phải hoàn thành sứ mạng được giao. Tôi tuân lệnh bắn một người rồi sau đó có cảm giác khó tả bởi vì tôi là người nhạy cảm. Điệp viên lạnh lùng, không có con tim như robot - điều đó không tồn tại. James Bond không hề có thực.
![]() |
Thierry Jouan (phải) và con trai Arnaud tại buổi ký tên vào cuốn sách "Sống trong bóng tối" tặng độc giả. |
Ngoài ra, cũng có những trường hợp có thể gọi là "rối loạn tâm thần" - như vào năm 1983 sau vụ tấn công nhằm vào tòa nhà Drakkar ở thủ đô Beirut của Liban làm chết 58 binh sĩ trong đó có 54 người Pháp thuộc Trung đoàn lính dù số 1 - đơn vị cũ của tôi. Tôi đưa xác 2 sĩ quan về cho vợ họ. Sau đó, chúng tôi chờ Paris bật đèn xanh để trả đũa. Nhưng, sứ mạng bị hủy bỏ và điều đó dẫn đến sự từ chức của khá nhiều người trong số chúng tôi vì bất mãn.
P.M: Để bảo đảm sứ mạng không bị thất bại, phải chấp nhận bỏ mặc một đứa trẻ bị chết đuối ngay trước mắt…
Thierry Jouan: Tôi cảm thấy sốc trong một sứ mạng ở châu Phi. Đó là ở Cabinda (một tỉnh bị tách khỏi Angola). Chúng tôi huấn luyện quân du kích Mặt trận giải phóng của tỉnh này. Một cậu bé khoảng 10 tuổi bị thương rất nặng do trúng đạn và tôi quyết định phải sớm chấm dứt sự đau đớn của nó. Bác sĩ đi cùng bảo với tôi: "Tôi không thể, chính anh mới là người quyết định".
Nhìn đứa trẻ đang co rúm người vì đau đớn, tôi nhẹ nhàng cầu xin nó tha thứ cho tôi rồi tôi nhét một viên cyanure vào miệng nó. Chỉ vài giây sau, thằng bé trút hơi thở cuối cùng. Nước mắt tôi tuôn ướt đẫm gương mặt thằng bé. Hôm nay tôi vẫn khóc mỗi khi nhớ lại chuyện này.
Tôi cũng không bao giờ quên được một sứ mạng đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, trên bờ biển Đen, đối diện với Liên Xô cũ. Lúc đó tôi mang hàm đại úy, đi cùng với một binh nhất rất khỏe mạnh. Bất ngờ, chúng tôi nhìn thấy một thằng bé đang chới với dưới nước. Tôi muốn cứu thằng bé nhưng người lính đi cùng kiên quyết ngăn lại vì sợ gây nguy hiểm cho sứ mạng. Nếu nhảy xuống nước, tôi sẽ bị phát hiện ngay. Tôi sẽ để lại dấu vết giúp cho chính quyền phát hiện danh tính của tôi và từ đó gây phương hại đến sứ mạng tìm nơi an toàn để nhận tài liệu nhạy cảm rồi chuẩn bị địa điểm rút lui. Tôi sẽ gây cản trở cho sứ mạng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Sáng hôm sau, tôi đọc báo biết tin thằng bé đã chết đuối.
![]() |
Thierry Jouan (trái) trong thập niên 90 ngồi bên cạnh đồng nghiệp (gương mặt trong ảnh đã bị xóa) ở thành phố cảng Luanda của Angola. |
P.M: Ông có thể kể gì về môi trường huấn luyện và thân phận bí mật của điệp viên?
Thierry Jouan: Tôi được huấn luyện để trở thành một điệp viên "năng động" trong một trung tâm huấn luyện đặc biệt ở Cercottes, gần Orléans, nơi cho ra lò những điệp viên hoạt động bí mật. Ngay từ lúc bước vào trường huấn luyện, tôi phải quên tên thật của mình và mang tên giả là Célestin.
Trong giai đoạn đầu, chúng tôi được "đặt vào môi trường chiến dịch". Tôi cùng với nhóm tân binh phải bí mật đi khắp nước Pháp và các quốc gia sát biên giới bằng bất cứ phương tiện nào - xe buýt, ôtô, xe đạp, máy bay trực thăng và cả máy bay quân sự - và cố gắng thoát ra khỏi những tình huống mà sĩ quan huấn luyện đặt ra.
Tôi cũng học cách theo dõi đối tượng. Người ta cho chúng tôi xem ảnh của một người sẽ rời khỏi một tòa nhà vào một thời điểm nào đó, và chúng tôi được yêu cầu phải báo cáo người này làm những gì trong ngày. Môi trường huấn luyện cũng giống như nhiệm vụ thật. Nếu được giao nhiệm vụ theo dõi nhóm salafist ở thủ đô London của Anh, anh phải để râu và thường xuyên thay đổi ôtô.
Tôi cũng được học cách hóa trang thành người khác. Tiếp theo, người ta sẽ tiến hành kiểm tra cách nói chuyện cũng như các phản ứng của anh trước đám đông. Trong một nhà hàng ở London, tôi nhận nhiệm vụ đánh lạc hướng - hoặc là giả bộ động kinh ngã khỏi ghế hay cứng đờ người - để cho một điệp viên khác mà tôi không hề được thông tin thực hiện nhiệm vụ, bởi vì các sứ mạng thường không được phân công rõ rệt.
![]() |
"La Piscine", cách gọi tổng hành dinh DGSE, ở Paris. |
Còn việc khởi hành với danh tính giả đòi hỏi một sự chuẩn bị rất chu đáo. Nếu nói sống ở Bordeaux, anh phải biết tường tận khu vực được coi như là nơi cư trú của anh. Công việc buộc anh phải tìm đến địa phương đó để sống qua một tuần hay nửa tháng để tìm hiểu. Danh tính giả do chỉ huy cấp được ghi vào hồ sơ giấu kín trong một cái rương.
Người ta luôn dự kiến những điểm hẹn - nơi chính và nơi phụ - và được xác định nhờ những bức ảnh chụp kèm theo biểu thời gian: thời gian di chuyển từ nơi này đến nơi khác, giờ đóng cửa của quán bar tại điểm hẹn… Tất cả đều ghi chép trong hồ sơ. Nếu muốn loại bỏ một tên khủng bố ở thủ đô Cairo của Ai Cập, anh phải đến nơi đó để tìm hiểu khu vực hoạt động và các mối quan hệ.
Mỗi điệp viên trong nhóm đều phải giấu kín thân phận. Và, chỉ có các chỉ huy mới biết nhau mà thôi. Các hộp thư cũng có tầm quan trọng rất lớn - đó là những nơi mà các điệp viên chuyển giao thông điệp hay kiện hàng bí mật. Thông tin có thể bị đánh cắp cho nên loại mực vô hình bí mật luôn được sử dụng. Điều quan trọng là các điệp viên chỉ sử dụng tiền mặt bởi vì thẻ tín dụng dễ để lại dấu vết.
P.M: Công việc chuẩn bị cho một sứ mạng như thế nào?
Thierry Jouan: Trước khi khởi hành, chúng tôi sẽ trải qua 1 hay 2 ngày lên chương trình và lúc đó chúng tôi ngủ rất ít. Điệp viên sắp thi hành nhiệm vụ mật phải được sàng lọc trước một ủy ban đặc biệt gồm những sĩ quan tình báo cấp cao nhất - một loại "thi vấn đáp" mà ở đó họ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi và có quyền quyết định hủy bỏ tất cả nếu như sứ mạng không được chuẩn bị chu đáo.
24 giờ sau, ủy ban sẽ họp lần nữa để đánh giá lại và quyết định hợp thức hóa sứ mạng hay không. Những câu hỏi như là: "Nếu bị phát hiện thì anh sẽ thoát bằng cách nào?" luôn luôn có những tình huống bất ngờ, không dự kiến được. Trong một sứ mạng bí mật, tôi bị "chôn chặt" suốt hơn 1 tháng trong một căn phòng ở Indonesia.
![]() |
Jacqueline Jouan, người vợ lặng lẽ của Thierry Jouan. |
Nếu tôi chết thì sẽ không ai biết tôi ở đâu vì tôi không có phương tiện liên lạc. Vợ tôi không bao giờ biết được điều gì hết. Trên phiếu lĩnh lương của tôi chỉ có dòng chữ "44e RI" - đó là một đơn vị của DGSE. Vợ tôi chỉ biết loáng thoáng tôi là điệp viên mật. Nếu không nói gì với vợ thì anh sẽ khiến cô ấy nghi ngờ, cho nên phải nói vừa đủ với người thân để họ hiểu rằng không nên biết nhiều quá.
Điệp viên không được gọi điện thoại về nhà cho dù phải vắng mặt suốt 7 tháng như trường hợp của tôi ở Bắc Phi. Tôi chỉ có thể gửi 2 lá thư qua chiếc vali ngoại giao. Gia đình tôi không được phép biết mục đích của các sứ mạng.
P.M: Thượng cấp không đánh giá cao khi ông từ chối nhiệm vụ lúc đứa con thứ hai chào đời?
Thierry Jouan: Đúng như vậy, và chính sự từ chối này đã dẫn đến những sự "trừng phạt" về sau. Tôi bị mất 2 năm nâng bậc. Nghề nghiệp của tôi vì thế mà thay đổi song tôi không tiếc điều đó. Tôi đã 2 lần có ý định bào chữa trong văn phòng của trung tá tình báo: tôi xin không thi hành nhiệm vụ trong thời gian vợ tôi ở cữ…
P.M: Con cái có biết công việc của ông?
Thierry Jouan: Không. Con gái tôi chỉ biết khi đọc cuốn sách của tôi. Con bé sinh năm 1988 khi tôi bắt đầu các sứ mạng. Con bé căm ghét tôi nhưng tôi không thể giải thích được. Con tôi không bao giờ hiểu được. Nay thì tất cả đã đâu vào đấy và tôi rất hạnh phúc