Thoả thuận bí mật để giải cứu một nhà ngoại giao Iran

Thứ Bảy, 15/05/2010, 11:35
Ngày 30/3/2010, Heshmatollah Attarzadeh - tùy viên thương mại ở Tòa lãnh sự Iran ở Peshawar, thành phố biên giới tây bắc Pakistan - "được tìm thấy bên ngoài Iran và đã trở về Iran" sau khi bị nhóm chiến binh Hồi giáo bắt cóc ngày 13/11/2008.

Bộ trưởng Tình báo Iran thông báo: Attarzadesh được trả tự do sau một "chiến dịch tình báo phức tạp" của các lực lượng tình báo Iran nhưng không nói thêm chi tiết nào sâu hơn.  Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình quốc gia Iran Press TV, Attarzadeh, 59 tuổi, đã nói thẳng Cơ quan tình báo Mossad của Israel và CIA của Mỹ đứng đằng sau vụ bắt cóc ông.

Để giải cứu Attarzadeh, chính quyền Iran đã có những thỏa thuận bí mật với Al-Qaeda. Và trong tiến trình điều đình, Iran chấp nhận cung cấp vũ khí cho một lãnh đạo hàng đầu Taliban liên minh với Al-Qaeda.

Khoảng 7h rưỡi sáng ngày 13/11/2008, Attarzadeh trên đường đến Tòa lãnh sự IranPeshawar, nơi ông làm việc đã từ 3 năm trước đó. Peshawar là thành phố biên giới tây bắc Pakistan mới đây được đổi tên là Khyber Pakhtoonkhwa do sắc tộc Pashtun chiếm đại đa số ở đây.

Chiếc xe chở Attarzadeh bị hai chiếc xe khác nổ loạt súng chặn lại và nhà ngoại giao Iran bị ít nhất hai người đàn ông vũ trang bắt cóc đưa lên một chiếc xe sau đó chạy thẳng về hướng khu vực bộ tộc Nam Waziristan thuộc vùng biên giới với Afghanistan, nơi đóng quân của tổ chức Taliban của Pakistan là Terik-e-Taliban Pakistan (TTP). Vệ sĩ của Attarzadeh, một sĩ quan cảnh sát Pakistan, bị bắn chết ngay trong cuộc chạm súng đầu tiên. Vụ việc sau đó được đưa tin trên trang nhất các báo quốc tế và Ngoại trưởng Iran gọi đây là "hành động khủng  bố".

Thông thường một món tiền chuộc được yêu cầu ngay sau khi có vụ bắt cóc xảy ra. Nhưng trong vụ này chỉ có sự im lặng! Vào đầu năm 2009, một nhà ngoại giao Iran ở thành phố cảng Karachi miền Nam Paskiatan nói chính quyền Iran sẵn sàng trả tiền chuộc hay lắng nghe bất kỳ yêu cầu nào. Nhưng phía bắt cóc vẫn lặng thinh. Chuông báo động bắt đầu rung lên. Rõ ràng Attarzadeh là mục tiêu của một kế hoạch bắt cóc hoàn chỉnh được sắp đặt không nhằm mục đích đòi tiền chuộc.

Tehran bắt đầu tiếp xúc với chính quyền Pakistan, bao gồm việc cầu cứu Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo ISI của nước này. Nhưng vẫn không có động tĩnh gì xảy ra. Sau đó Iran quay sang Afghanistan tìm cách tiếp xúc với thủ lĩnh hàng đầu Taliban, Sirajuddin  Haqqani, con trai của cựu chiến binh Hồi giáo Jalaluddin Haqqani. Sirajuddin đóng quân ở khu vực bộ tộc Bắc Waziristan của Pakistan và mạng lưới của ông ta trải dài qua nhiều tỉnh của Afghanistan như là Paktia, Paktika, Khost, Ghazni và Wardak thậm chí cả Kabul. Mạng lưới của Sirajuddin Haqqani liên minh chặt chẽ với các thủ lĩnh Taliban cũng như các chiến binh Punjab. Đây được coi là mạng lưới phiến quân mạnh nhất và hiệu quả nhất chống lại các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng Afghanistan.

Iran đề nghị Sirajuddin sử dụng ảnh hưởng của ông ta để giải thoát cho nhà ngoại giao Attarzadeh. Theo những người thân thiết với mạng lưới Haqqani thì cuộc tiếp xúc này diễn ra vào giữa năm 2009. Để trả lời, Sirajuddin hứa sẽ xem xét vụ việc và một số người của ông ta sẽ đến thăm Iran. Sirajuddin nhanh chóng tiếp xúc với các thành viên của tổ chức TTP liên minh với Al-Qaeda đang giam giữ Attarzadeh. Bọn người bắt cóc sắp xếp cho nhà ngoại giao Attarzadeh nói chuyện điện thoại với gia đình mình ở Iran. Đây là sự khởi đầu của mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Tehran và các chiến binh Hồi giáo mà dưới mắt của Iran là cùng một giuộc với Al-Qaeda.

Đổi lấy việc Attarzadeh được phép nói chuyện với gia đình, Al-Qaeda cũng phải có quyền nói chuyện với một số thành viên của bọn chúng bị bắt ở Iran sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 vào Mỹ. Thỏa thuận này được hai bên Iran và Al-Qaeda chấp nhận một cách suôn sẻ cho đến cuối năm 2009. Về sau Al-Qaeda công khai yêu cầu thả ngay những chiến binh của chúng bị giam giữ ở Iran để đổi lấy tự do cho Attarzadeh. Nhưng Tehran không đồng ý. Nhưng cuộc thương lượng giữa đôi bên tiếp tục diễn ra, tuy nhiên sau đó Sirajuddin đã nhìn thấy một cơ hội.

Sirajudin cam đoan với Iran là Al-Qaeda không có ý chống lại Iran hay người Shiite (chiếm đại đa số ở Iran), mà mục đích chủ yếu của chúng là đánh bại liên quân phương Tây ở Afghanistan. Sirajuddin còn viết một bức thư chi tiết trong đó nói rõ rằng, cha của ông ta (Jalaluddin) và bản thân ông ta không liên quan đến các hoạt động chống Iran.

Mặc dù vậy Iran cũng có lý do trong quá khứ để đề phòng Taliban bởi vì ít nhất 8 nhà ngoại giao Iran đã bị giết chết ở Afghanistan vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước dưới thời Taliban. Kết quả cuối cùng là Iran chấp nhận cung cấp khoảng vài chục khẩu súng chống máy bay hiện đại cho Al-Qaeda và Taliban, số vũ  khí này dùng để hạ những chiếc drone của Mỹ hoạt động tại các khu vực bộ tộc.

Ngày 24/1/2010, một chiếc drone của Mỹ bị rơi gần làng Hamzoni ở Bắc Waziristan. Tình báo Mỹ và Pakistan không cho biết vụ việc do tai nạn hay bị bắn hạ. Nhưng các chiến binh Hồi giáo tuyên bố chiếc drone bị bắn hạ nhờ vũ khí chống máy bay do Iran cung cấp.

Theo nguồn của chiến binh Hồi giáo mới đây, Sirajuddin còn nhận một đợt vũ khí mới từ Iran được phát triển do vụ bắt cóc Attarzadeh. Cuối cùng Iran và Al-Qaeda đi đến một thỏa thuận: Attarzadeh đổi lấy một số thành viên Al- Qaeda, cũng như một trong những người con gái của Osama bin Laden tên là Iman.

Ngày 22/3/2010, Iman bin Laden, 18 tuổi, được phép đến Syria sau 112 ngày tạm trú trong Tòa đại sứ Arập Xêút ở Tehran. Trong khi Al-Qaeda không nói chi tiết về những thành viên được trao đổi, cựu giám đốc một cơ quan tình báo châu Âu tiết lộ trong số đó có Saiful Adil, một lãnh đạo cao cấp của Al-Qaeda liên quan đến nhiều âm mưu khủng bố của tổ chức này.

Trong khi Iran, Al-Qaeda và mạng lưới của Sirajuddin đều hưởng lợi từ vụ bắt cóc Attarzadeh thì sự hợp tác của 3 bên này gây lo ngại cho những nước khác. Đầu tiên là Arập Xêút, kế đến là Ai Cập. Một sĩ quan tình báo Pakistan cho biết nếu thật sự Saiful Adil được trao đổi thì đây sẽ tin xấu cho thế giới phương Tây vì điều đó có nghĩa là sự hồi sinh của những chiến dịch khủng bố chống phương Tây của Al-Qaeda

Thục Miên (tổng hợp)
.
.