Thời kỳ chiến tranh lạnh: Lao động nghệ thuật bị nhào nặn

Thứ Năm, 24/10/2013, 10:45

Frances Xtonor Saunders - nữ nhà báo, nhà sử học người Anh thuật lại cuộc chiến mà Cơ quan Tình báo Mỹ từng tiến hành chống lại Liên Xô và hệ tư tưởng Cộng sản chủ nghĩa trong cuốn “CIA và thế giới nghệ thuật”. Sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu tại các cơ quan lưu trữ của Mỹ và Anh, tác giả vạch trần những mánh khóe mà CIA đã sử dụng với các nhà văn, họa sĩ và nhạc sĩ.
Theo tờ Komsmolskaya. Pravda, cuốn sách vừa được xuất bản bằng tiếng Nga và đã thu hút sự chú ý của dư luận Nga.

Văn hóa NATO

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, chính quyền Mỹ hoảng sợ nhận ra rằng hệ tư tưởng Cộng sản đã lan rộng ở châu Âu. Nhiều nhà trí thức của cựu thế giới đã say mê với những tư tưởng tả khuynh. Vào năm 1947, giữa đống đổ nát của Berlin đã xuất hiện nhà văn hóa Xôviết. Cứ chiều chiều những người lính Xôviết lại tổ chức các hoạt động ca hát tại đây. Măc dù không biết tiếng Nga, nhưng người Đức đã lũ lượt kéo đến tham dự. Giai điệu êm ái của bài hát Nga đã chinh phục được họ và qua đó họ đã hiểu đất nước Xôviết nhiều hơn mọi sự tuyên truyền.

Người Mỹ rất ngạc nhiên. Họ cảm thấy văn hóa Mỹ bị lu mờ và quyết định cần thay đổi gấp tình trạng này. Tổng thống Mỹ H.Truman chỉ thị cho Ngoại trưởng George Marshall bằng mọi giá phải chinh phục được trí tuệ của các trí thức châu Âu. Tuy mới được thành lập, nhưng CIA đã được giao thực hiện nhiệm vụ này. CIA được hoàn toàn tự do sử dụng mọi phương pháp sau khi đã được bơm tiền hào phóng.

Chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia NB-10/2 cho phép CIA được tiến hành các hoạt động "tuyên truyền, chiến tranh kinh tế, phòng ngừa trực tiếp bao gồm phá hoại ngầm, thủ tiêu, di tản và các hoạt động phá hoại khác chống lại các quốc gia thù địch".

Lúc đầu các hoạt động của CIA không tiến triển. Đại hội của những người cánh tả vẫn diễn ra thường xuyên, khắp nơi. Nhân dịp Đại hội bảo vệ hòa bình tại Paris, Pablo Picasso vẽ tác phẩm “Chim bồ câu trắng” nổi tiếng, còn Charlie Chaplin đã gửi điện chúc mừng. Các nhân viên tình báo của Allen Dulles đã cố gắng tổ chức các hoạt động đáp trả, họ chi tiền cho các phần tử cốt cán làm rùm beng về "nền tự do kiểu Mỹ".

Nhà triết học, nhà văn Anh Arther Kixtler - người được tình báo Mỹ tuyển dụng từ lâu đã trình CIA bản dự thảo thành lập một tổ chức mới - Đại hội tự do văn hóa. Về bản chất, tổ chức này là một cái gì đó giống như "NATO văn hóa". Sau khi tập hợp được các nhà trí thức, các nhà hoạt động văn hóa theo chủ nghĩa tự do, Đại hội cấp giấy chứng nhận cho tất cả những ai muốn trở thành biểu tượng của "nền nghệ thuật đương đại đặc trưng Mỹ".

Viết theo lệnh

Cũng như mọi chiến dịch đặc biệt khác, trên mặt trận văn hóa, CIA luôn che đậy các thủ đoạn hoạt động của mình. Người Mỹ thường vỗ ngực nhấn mạnh rằng họ có tự do ngôn luận. Thực ra, các nhân viên mật vụ đã tuyển dụng một số người cánh tả đảo ngũ nhận viết theo mẫu đặt sẵn của họ. Tác phẩm của các tác giả này khoe sắc ở hầu hết các cửa hàng sách trên đất Mỹ và Tây Âu. Nội dung các cuốn sách chứa đựng những nỗi thất vọng về thế giới quan của những người đã từng theo chủ nghĩa Mác. 

Mỹ không ngần ngại cắt nguồn sống của các nhà văn đáng kính như John Steinbec, Erskine Caldwell và một số người khác. CIA đã o ép các nhà xuất bản dám cả gan phát hành sách của các tác giả theo chủ nghĩa hiện thực và những cửa hàng bán các tác phẩm của họ. Song, CIA lại tích cực giúp đỡ các tài năng "cần thiết" như Somerset Maugham, Ezra Pound, Govard Hunter. Sách của George Oruell, Henri Miller, Andre Malpo, Raymon Aron đã được xuất bản bằng tiền của CIA. Các cơ quan đặc biệt đã nhúng tay vào việc xuất bản cuốn "Bác sĩ Zhivago" của Boris Pasternak. 

Để các xuất bản phẩm "của mình" được xuất hiện trên báo chí, CIA đã thiết lập các đường dây cung cấp tài chính phức tạp, khó phát hiện. Xtonor Saunders thống kê được 170 quỹ mà cơ quan mật vụ thường dùng để chuyển tiền cho các báo. Các quỹ Potsild và Ford đóng vai trò trung gian trong các giao dịch phức tạp này. Cũng cần phải nói thêm rằng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, tất cả các quỹ này đều được miễn thuế.

Mặt sau tấm vải vẽ

Người Mỹ nhận ra rằng không thể chỉ công kích chủ nghĩa hiện thực XHCN Xôviết, mà cần phải tạo ra được cái gì đó là của mình. Họ tìm những người theo chủ nghĩa trừu tượng ít được biết đến và biến những người này  thành các huyền thoại, các biểu tượng của nền nghệ thuật đương đại.

Jakson Pollock, Mark Rothko, Willem de Kooning… đã xuất hiện ở phía chân trời như thế. CIA không tuyển mộ họ trực tiếp, nhưng đã biến họ thành vũ khí bí mật của mình trong cuộc chiến tranh tâm lý.

Cũng chẳng có gì để nói về cách mà Pollock đã vẽ tranh của mình, đơn giản là trải tấm vải vẽ ra sàn và vẽ tranh với sự giúp đỡ của người mẫu khỏa thân vẩy màu khắp tấm vải đó. Còn Yves Klien đã sáng chế ra màu xanh cho riêng mình và sáng tác "các kiệt tác" của mình với sự giúp đỡ của những người mẫu khỏa thân được phết lớp sơn dầu màu xanh.

Các Hội đồng cũng hô hào tuân thủ tính tổ chức và trật tự, nhưng những họa sĩ tự do quyết định sáng tác ngược lại sự hỗn độn được tạo ra từ các vết, đốm và các nét vạch. Bảo tàng nghệ thuật đương đại Rockefeller đã hợp tác tích cực với CIA. Sau khi được "trang bị" các bức tranh của những người theo chủ nghĩa trừu tượng, bảo tàng này bắt đầu "tấn công" thế giới bằng các cuộc triển lãm nhằm quảng bá cho một nền nghệ thật Mỹ mới được sinh ra - nền nghệ thuật đương đại.

"Tự do chiến đấu" 

Điện ảnh trở thành trận đánh chủ yếu về tư tưởng. Xtonor Saunders khẳng định CIA đã yêu cầu các hãng phim Paramount, WarnerBrother, Columbia Picture, Universal... tuyên truyền tích cực cho cái gọi là "tự do chiến đấu ". Tham gia chiến dịch đặc biệt này còn có cả Lầu Năm Góc. Người ta muốn các đạo diễn phải sáng tạo được hình tượng những người thanh niên Mỹ hùng dũng trên màn ảnh, phải yêu quái hóa những người cộng sản.

Những bộ phim có các tên gọi giống như "Ác mộng đỏ", "Bình minh đỏ", "Hiểm họa đỏ" được phát hành rầm rộ. Bất chấp mọi nỗ lực, bộ phim Xôviết "Khi đàn sếu bay qua" vẫn nhận giải thưởng chính của liên hoan phim Cannes năm 1958. Sau sự kiện này, lần lượt tất cả những ai đã chiến đấu với "những người cộng sản đáng ghét" đều được Hollywood đưa vào làm nhân vật chính trong phim của mình. Thậm chí có người trong số họ đã là những đảng viên Quốc xã.

CIA luôn quan tâm tới cả các nhạc sĩ. Nhạc sĩ Nicolai Nabokov, người cùng huyết thống với nhà văn Vladimir Nabokov là một trong những đặc tình chính của cơ quan mật vụ ở Langlay. Năm 1951, Nicolai Nabokov đã trở thành Tổng thư ký Đại hội tự do văn hóa và thu xếp mối quan hệ giữa CIA với Igor Stravinsky. Các cơ quan đặc biệt đã cung cấp tài chính cho tất cả các chuyến  đưa các nhạc sĩ người Nga ra nước ngoài lưu vong.

Năm 1952, tại Paris diễn ra Festival nhạc giao hưởng lớn nhất có tên gọi "Các kiệt tác của thế kỷ XX". Đại hội tự do văn hóa đã tổ chức sự kiện này. "Mùa xuân thần thánh" của Stravinsky là loạt đầu tiên của đợt công diễn cũng do CIA hậu thuẫn. Hai năm sau, với nỗ lực cũng của Nabokov, tại Roma đã diễn ra Festival lớn thứ hai có tên gọi "Hội nghị Quốc tế âm nhạc thế kỷ XX". Một lần nữa các cơ quan mật vụ đã lại đứng đằng sau sự kiện tiên phong trong nền nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại.Tiền giải thưởng được lấy từ quỹ Fernfield - một trong các công cụ bí mật của CIA.

Chiến tranh lạnh giờ đây không còn. Nhưng những gì cuốn sách tiết lộ cho thấy để đạt được mục tiêu của mình, Mỹ không ngần ngại tung tiền để "nhào nặn" văn hóa các nước theo ý đồ chính trị của mình

Hoàng Tuất (theo Komsmol. Pravda)
.
.