Thông tin mới nhất về vụ cựu điệp viên Nga Skripal

Thứ Hai, 17/09/2018, 15:36
Sergei V. Skripal, cựu điệp viên người Nga bị đầu độc ở Anh bằng chất độc thần kinh, đã làm việc cho Cơ quan Tình báo Tây Ban Nha trong những năm gần đây. Và rất có thể vụ đầu độc cựu điệp viên này có liên quan đến các băng đảng tội phạm có tổ chức.

Thông tin này vừa được tờ The New York Times của Mỹ đăng tải hôm 8-9. Theo đó, chi tiết các hoạt động của ông Sergei V.Skripal ở Tây Ban Nha đã được một quan chức cấp cao của nước này tiết lộ. Nghĩa là, thay vì chỉ sống một cuộc sống biệt lập khi nghỉ hưu, ông Sergei V.Skripal, cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga lại tiếp tục cung cấp các thông tin tình báo, gián điệp cho CH Czech, Estonia và tiếp đến là Tây Ban Nha.

Cựu điệp viên Sergei V.Skripal trong cửa hàng tiện lợi một tháng trước khi bị đầu độc ở Salisbury, Anh. Ảnh: Getty.

Tờ The New York Times viết: "Điểm tương đồng nổi bật giữa ông Sergei V.Skripal và cựu điệp viên Nga khác tên là Alexander Litvinenko - người đã qua đời tại London (Anh) năm 2006 sau khi bị đầu độc bởi đồng vị phóng xạ polonium 210 là cả hai đều làm việc cho tình báo Tây Ban Nha. Chính quyền Madrid đã thừa nhận ông Litvinenko tham gia chiến dịch chống lại tội phạm có tổ chức của Nga ở Tây Ban Nha.

Còn ông Sergei V.Skripal lại có "một lịch sử gắn bó lâu đời" ở Tây Ban Nha. Là một đại tá trong cơ quan tình báo quân sự của Nga, được biết đến rộng rãi với tên gọi G.R.U., ông Sergei V.Skripal đã đến Madrid vào giữa những năm 1990, làm việc bí mật với tư cách là Tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nga".

Thông tin cho hay trong một vài năm trở lại đây, ông Sergei V.Skripal đã trở lại Tây Ban Nha và gặp gỡ với một số quan chức thuộc Cơ quan tình báo quốc gia Tây Ban Nha (CNI). Mặc dù nội dung và thời gian chính xác của những cuộc gặp gỡ này chưa được tiết lộ nhưng theo quan chức cấp cao Tây Ban Nha và nhà văn người Tây Ban Nha Fernando Rueda thì đây là những cuộc gặp quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mới trong quá trình hoạt động tình báo của ông Sergei V.Skripal.

"Ông ấy tiếp tục đến Tây Ban Nha", Fernando Rueda nhấn mạnh, "và Tây Ban Nha là trường hợp đặc biệt trong quá trình làm việc của Sergei V.Skripal". 

Các công tố viên Tây Ban Nha và các điều tra viên cảnh sát cũng thừa nhận nhiều lần được làm việc chung với cả ông Sergei V.Skripal và Litvinenko. Tại cuộc điều tra về cái chết của cựu điệp viên Litvinenko, luật sư của gia đình ông cho rằng ông cũng được trả lương bởi Cơ quan Tình báo Tây Ban Nha và đã lên kế hoạch du lịch tới Tây Ban Nha để trao chứng cứ về các liên kết có thể có giữa các băng đảng tội phạm có tổ chức của Nga. Nhưng Litvinenko đã bị giết trước khi thực hiện chuyến đi. Với trường hợp của Sergei V.Skripal, ông là “nguồn tin vô cùng hữu ích trong hoạt động tiêu diệt băng đảng tội phạm có tổ chức của Nga”.

Trong thời gian hoạt động cho CNI, Sergei V.Skriapl cũng đã tới thủ đô Prague của CH Czech vào năm 2012 và tới thủ đô Tallinn của Estonia vào năm 2016 để “chỉ giáo” cho những quan chức tình báo địa phương. Những chuyến thăm này của ông Sergei V.Skripal đều do Cơ quan tình báo Anh MI6 sắp xếp. Trong những bài giảng về tình báo quốc tế, cựu điệp viên người Nga này có thể đã tiết lộ những thông tin mà sau này được dùng để phát hiện và lật đổ các thế lực ngầm ở nhiều nơi.

“Bài giảng của ông Sergei V.Skripal đã giúp rất nhiều cho công việc của chúng tôi”, The New York Times dẫn lời một quan chức châu Âu từng tham gia các cuộc họp có ông Sergei V.Skripal tham dự. "Các quan chức Tây Ban Nha không nói liệu ông Sergei V.Skripal có tham gia vào công việc tương tự như ở Estonia và CH Czech hay không. Những chuyến viếng thăm như vậy sẽ không phải là bất hợp pháp, và cũng không phải là hiếm khi các điệp viên cũ cố gắng duy trì sự hữu ích của mình", ông Fernando Rueda nhấn mạnh.

Một điểm đáng chú ý nữa là một vài người hàng xóm của gia đình Skripal có kể rằng: "Sergei V.Skripal trong lúc trà dư tửu hậu có tiết lộ về hoạt động gián điệp của mình”. Cũng theo lời Lis Carey, Sergei V.Skripal thường xuyên có những việc đột xuất do MI6 giao. "Những việc như thế có thể là bài tập luyện và là cách để MI6 giữ chân điệp viên cũ, giúp họ luôn cảm thấy bận rộn", Nigel West, một nhà sử học ở Anh nhận định.

Ông nói: "Điều này không phải là bất thường và các cựu điệp viên lưu vong luôn sẵn sàng. Liên lạc với các viên chức tình báo đồng nghiệp đương thời sẽ đưa các cựu điệp viên trở lại ngày xưa và họ sẽ hăng say đưa ra các ý kiến, ý tưởng và những gì mình biết trước đó để hỗ trợ. Tôi nghĩ đó là lý do Sergei V.Skripal thường xuyên đến Estonia, CH Czech và Tây Ban Nha cùng nhiều nơi khác. Về cơ bản đó là những cuộc họp của những người làm cùng một lĩnh vực nhưng từng ngồi trên hai chiến tuyến đối lập nhau".

Mặc dù Chính phủ Anh tố cáo Nga đứng sau vụ đầu độc ông Sergei V. Skripal cùng con gái Yulia và tuyên bố có những bằng chứng trong vụ án với việc chỉ ra hai người Nga là nghi phạm, tuy nhiên còn có quá nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ trong vụ việc.

Trước hết là 6 tháng sau vụ đầu độc, một hình ảnh rõ ràng về động cơ vẫn còn khó nắm bắt. Đó có phải là một cuộc tấn công hoàn toàn mang tính biểu tượng, một cảnh báo cho các nhà hoạt động Nga khác hay ông Sergei V.Skripal đã làm một điều gì đó làm các đồng đội cũ của mình tức giận? Trong những năm sau khi tái định cư ở Anh, cựu điệp viên này đã sống công khai tại thành phố Salisbury, uống rượu tại các quán rượu địa phương và thưởng thức xúc xích nướng trong sân mà chưa hề nhận được bất kỳ đe dọa nào.

Thêm nữa, Bộ Ngoại giao Anh đã cáo buộc Moscow dàn xếp và sử dụng chất độc thần kinh trong vụ việc này. Nhưng phòng thí nghiệm Porton Down của nước Anh lại khẳng định không thể chứng minh chất độc thần kinh sử dụng trong vụ tấn công Sergei V.Skripal được sản xuất ở Nga và cũng không thể xác định được xuất xứ của chất độc này. Hiện Nga vẫn phủ nhận mọi liên quan trong vụ việc đồng thời cho rằng các cáo buộc của London là không có cơ sở.

Châu Anh
.
.