Thư ký báo chí Nhà Trắng bị "bắt nạt" nhiều nhất lịch sử

Thứ Tư, 12/04/2017, 10:20
Sean Spicer, thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thời gian gần đây bị truyền thông "quay như dế". Tuy nhiên, ông Spicer vẫn không phải là người "khổ" nhất trên cương vị thư ký báo chí, người phải đứng giữa tổng thống và truyền thông. Thư ký báo chí bị "bắt nạt" nhiều nhất chính là Ron Ziegler dưới thời Tổng thống Richard Nixon.

Ông Ziegler đã phục vụ hơn 5 năm trong các giai đoạn hỗn loạn và là thư ký báo chí duy nhất của Tổng thống Nixon. Ông là một người có kỹ năng sinh tồn và sức chịu đựng đáng nể mà ít ai cùng cương vị có thể sánh nổi. Ông cũng là một người có lòng trung thành hiếm có ở Washington khi trong số các phụ tá cấp cao, chỉ có ông là người sát cánh với Tổng thống Nixon khi vị tổng thống dính bê bối Watergate buộc phải từ chức năm 1974. Điều ấn tượng nhất là ông Ziegler đã thoát bị truy tố hình sự, bị tù giam như nhiều quan chức Nhà Trắng dính líu tới vụ Watergate.

Ziegler là người trẻ nhất từng đảm nhiệm cương vị thư ký báo chí tại thời điểm đó. Với Nixon, ông coi Ziegler là một công cụ và một cái loa phát ngôn, chứ không phải là một cộng sự thân tín. Trên hết, Ziegler là một công cụ chiến tranh với báo chí.

Ron Ziegler là thư ký báo chí trẻ nhất thời bấy giờ.

Những thư ký báo chí giỏi nhất của Tổng thống Mỹ, xét trên nguyên tắc thực dụng, đều coi việc của mình là một con đường hai chiều: không chỉ truyền tải thông điệp của Nhà Trắng tới báo chí mà còn đại diện cho báo chí trong các hội đồng cấp cao thuộc chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống Nixon không đánh giá cao quan điểm này. Có lần ông từng nói với cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger: "Báo chí là kẻ thù… Hãy viết điều đó lên bảng cả trăm lần!".

Quan điểm của ông Nixon khiến Ziegler luôn trở thành bia đỡ đạn cho tổng thống trước báo chí, phơi mình ra cho các phóng viên đưa tin về Nhà Trắng chỉ trích, thay Nixon hứng chịu mọi lời tức giận từ báo chí.

Thời đó, khi chỉ có một nhóm tờ báo và ba mạng lưới truyền hình chi phối nghị trình quốc gia, ông Nixon đã xúi giục Phó Tổng thống Spiro Agnew tuyên chiến với họ và yêu cầu các phụ tá thông đồng để làm cho các công ty báo chí thích bới lỗi sụp đổ về tài chính. Cũng giống như Tổng thống Trump bây giờ, ông Nixon có quan hệ sóng gió với báo chí, siêu nhạy cảm với những chỉ trích và thường xuyên chê bai những người chỉ trích mình.

William Safire, một thành viên trong nhóm viết diễn văn cho Nixon, viết trong hồi ký: "Liệu chính quyền Nixon có âm mưu nào để làm mất uy tín và gạt báo chí ra bên lề hay không? Liệu chiến dịch chống báo chí có được đích thân tổng thống khuyến khích, chỉ đạo và hối thúc? Đáng buồn là câu trả lời cho mọi câu hỏi này là có".

Ông Ziegler (phải) trả lời báo chí.

Trong chiến dịch chống báo chí đó, Ziegler trở thành thư ký báo chí khốn khổ. Tổng thống Nixon đã lạm dụng thư ký báo chí một cách nhẫn tâm, đưa thông tin giả mạo cho Ziegler, khiến báo chí ngày càng giận dữ.

 Trong tuần lễ sau khi các vụ bắt giữ những người liên quan vụ Watergate diễn ra tháng 6-1972, khi có tin rằng các "tên trộm" có liên hệ với chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông Nixon, Nixon đã lệnh cho Ziegler giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của hành vi đột nhập đó. Khi ấy, người ta còn nhớ Ziegler nói rằng đó chỉ là một "nỗ lực đột nhập mức độ ba". Khi nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post bám đuổi quyết liệt thông tin, Ziegler đã cáo buộc họ là "báo chí rác rưởi".

Mùa xuân năm 1973, mối quan hệ chặt chẽ giữa những "tên trộm" và Nhà Trắng bị phanh phui. Những "tên trộm" này chính là người của Nixon. Lúc đó, ông ta bắt đầu "quẳng nhân viên cho chó sói". Nhân viên là Ziegler và "chó sói" là tờ Washington Post. Ziegler đã phải xin lỗi tờ báo và các phóng viên vì đã chỉ trích và hoài nghi động cơ của họ. Ông nói: "Đã mắc sai lầm".

Tuy nhiên, là người trung thành tối thượng với Nixon, Ziegler tiếp tục quanh co, né tránh, thậm chí còn tự đưa ra các "thông tin thay thế" tự chế, bảo vệ ông Nixon khi ông này khăng khăng Nhà Trắng vô tội. Tờ Los Angeles Times chỉ trích lời Ziegler: "Nếu câu trả lời của tôi có vẻ gây nhầm lẫn, tôi cho rằng là vì các câu hỏi đang gây nhầm lẫn và tình hình đang gây nhầm lẫn. Tôi không có nhiệm vụ phải làm rõ".

Có lần, hai phụ tá của Nixon là Safire và Leonard Garment, hai người vận động đình chiến với báo chí, đã bị gạt khỏi danh sách khách mời khi Nixon tổ chức đám cưới ở Vườn Hồng cho con gái Tricia. Ziegler được tham dự và Nixon đã gọi ông tới sáng hôm sau, nổi giận về một bài viết về lễ cưới mà ông cho là láo xược trên tờ Washington Post. Ông Nixon tuyên bố: "Phóng viên Washington Post sẽ bị cấm tham gia các sự kiện xã hội. Họ sẽ không bao giờ được vào Nhà Trắng nữa. Không bao giờ! Rõ chưa? Tôi chỉ không thích báo đó".

Mặc dù vai trò của Ziegler ngày càng quan trọng trong những ngày cuối cùng của Nixon tại Nhà Trắng, nhưng ông chủ yếu chỉ là một quân cờ, chứ không phải người chơi. Các phụ tá Nhà Trắng không tôn trọng ông. Mật vụ đặt mật danh cho Ziegler là "thuyền săn cá voi" và khi Ziegler phản đối, cấp trên của ông nói với mật vụ là phớt lờ ông ta.

Khi nhận chức thư ký báo chí, Ziegler mới 29 tuổi. Công việc này lẽ ra thuộc về một người khác nhưng Nixon muốn một người dễ phục tùng. Việc Ziegler thiếu kinh nghiệm khiến giới báo chí Nhà Trắng cảm thấy bị xúc phạm. Người tiền nhiệm của Ziegler đều từng là nhà báo, biết rõ cách làm việc của báo chí và tôn trọng báo chí tự do. Ziegler thì khác. Kinh nghiệm đáng kể của ông là từng là một người phát ngôn.

Lúc đầu, phần lớn báo chí coi Ziegler như một "thủ lĩnh trẻ con", không tôn trọng ông vì ông bị đánh giá thấp trong những người thân cận quanh tổng thống. Sau này, khi ông càng quan trọng trong Nhà Trắng, có khả năng khéo léo gạt phăng câu hỏi của họ thì họ bắt đầu tức giận. Nhiều người đổ lỗi cho Ziegler vì thiếu thông tin và thao túng thông tin.

Nixon luôn để mắt Ziegler. Có lần, ông ta đã công khai để lộ thái độ với báo chí. Khi Nixon bắt đầu chịu áp lực trong vụ Watergate hồi tháng 8-1973, máy quay đã ghi lại cảnh ông đối xử thô bạo với Ziegler, tóm vai và xô Ziegler về phía báo chí. Sự việc đã cho thấy rõ về quan hệ giữa tổng thống và báo chí. Nixon muốn trút giận lên báo chí và ông ta chọn Ziegler để thể hiện sự giận dữ đó.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.