Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Vitaly Chlykokv từng bị bắt giữ vì làm điệp viên

Thứ Sáu, 23/10/2009, 08:20
"Tôi từng là điệp viên Xôviết bị bắt giữ tại Zurich. Đây là toàn bộ câu chuyện của tôi" - Vitaly Chlykov (hiện 75 tuổi) đã mở đầu như vậy trong cuộc trò chuyện thân mật với phóng viên tờ Tribune de Geneve của Thụy Sĩ.

Cho đến trước khi Chkylov quyết định tiết lộ tất cả, không ai tại Thụy Sĩ có thể tin rằng, một điệp viên từng bị họ bắt và giam giữ về sau này lại chính là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại của Nga dưới thời Tổng thống Boris Eltsin...

Theo Vitaly Vasilevich Chlykov, ông đã vào làm việc cho Cơ quan Tình báo quân đội (GRU) ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskva. Đến năm 1962, ông bắt đầu tham gia hoạt động tình báo. Sau những khóa đào tạo nghiệp vụ, Chkylov được "thử lửa" qua nhiều sứ mạng ở Áo, Canada và Mỹ - chủ yếu là tiếp xúc và liên lạc với các nguồn tin tại những quốc gia này.

Đầu những năm 70 thế kỷ XX, Chlykov đặt chân tới Zurich dưới vỏ bọc công dân Mỹ Ronald Miskell xuất thân từ bang Illinois. Nhiệm vụ chính của ông là bắt liên lạc với Dieter Felix Gerhardt, Thiếu tướng hải quân Nam Phi, người về sau được giao lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu tại căn cứ quân sự ở Simonstown, vốn được coi là tiền đồn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Nam Bán cầu. Với cương vị của mình, Gerhardt là người nắm rất rõ tất cả về chiến lược quân sự, chương trình hạt nhân cũng như các mối quan hệ của Nam Phi với NATO và Mỹ.

Kể từ năm 1962, sau khi tìm cách liên lạc và đề nghị hợp tác với nhân viên của Đại sứ quán Liên Xô tại London, viên tướng này đã trở thành một trong những điệp viên nội gián có giá trị nhất của tình báo Xôviết. Trong suốt 15 năm liền, vợ chồng nhà Gerhardt tại Thụy Sĩ đã trao cho Chlykov rất nhiều cuộn vi phim về các kế hoạch, chiến lược và tài liệu mật khác để đổi lấy tiền bạc. Tính ra, Chlykov và Gerhardt đã có hàng chục cuộc tiếp xúc trên khắp thế giới nhưng đất Thụy Sĩ vẫn là địa điểm gặp gỡ thường xuyên và tiện lợi nhất.

Do Ruth Basler Gerhardt (vợ của Gerhardt, người Thụy Sĩ) có nhà riêng và gia đình tại đây, nên viên tướng này có lý do chính đáng để thường xuyên về thăm. Cũng có khi Gerhardt trực tiếp tới Moskva nhờ giấy tờ giả. Theo số liệu của Cảnh sát Zurich, nhà Gerhardt đã nhận được từ GRU tổng cộng gần 800 ngàn frăng. Ngày 20/1/1983, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Gerhardt, trước khi nhân vật này khai báo cái tên Chlykov.

Sau khi bị bắt tại Zurich vào tháng 1/1983, Chlykov phải trải qua 4 tháng tạm giam tại một nhà tù ở Bulach (gần sân bay Kloten) trong điều kiện khá nghiêm ngặt, bị cách ly hoàn toàn mà không cho phép có người thăm. Trong phiên tòa xét xử một năm sau đó (được đưa tin trên trang đầu của hầu hết báo chí Thụy Sĩ khi đó), Chlykov đã thành công trong việc xóa hết dấu vết khi tự nhận một vài cái tên giả. Nhận bản án 3 năm tù - mức cao nhất theo luật pháp Thụy Sĩ về tội hoạt động gián điệp tại quốc gia này "vì quyền lợi một nước thứ ba nhằm chống lại một nước thứ ba khác" - ông được chuyển tới nhà tù Regensdorf. Nhưng chỉ hai năm sau, Chlykov được trả tự do trước thời hạn vì cải tạo tốt. Ông quay trở về Liên Xô và ngay lập tức được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ. Nhưng Chlykov đã không công bố những phần thưởng của mình vì không muốn thu hút sự chú ý.      

Chlykov vẫn tiếp tục làm việc trong bộ phận phân tích thông tin quân sự - kinh tế của GRU. Trên cương vị của mình, ông đã nỗ lực hết mình để ngăn chặn sự tan rã của Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tổng thống Nga Boris Eltsin đã bổ nhiệm Chlykov làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Có mặt trong danh sách 80 quan chức có ảnh hưởng nhất nước Nga, Chlykov đã tham dự hết hội nghị này đến hội nghị khác ở tầm quốc tế, gặp gỡ và đàm phán với rất nhiều quan chức phương Tây mà không ai mảy may nghi ngờ hay nhận biết về quá khứ điệp viên của ông.

"Năm 1992, Đại tá Paul Rast đã mời tôi đến Thụy Sĩ và đón tiếp với đầy đủ những nghi lễ ngoại giao - Chlykov kể lại - Khi chúng tôi đi ngang qua nhà tù Regensdorf, tôi chút nữa đã không kìm được dự định kể tất cả cho ông ấy. Nhưng vấn đề là ở chỗ với cái tên Nikolayev trước đây (Chlykov đã khai trước tòa tên thật của mình như vậy) tôi vẫn bị cấm nhập cảnh vào quốc gia này. Rõ ràng người Thụy Sĩ hoàn toàn không biết được câu chuyện này"

Thái Quân (tổng hợp)
.
.