Thủ tướng Sri Lanka kể về vụ dàn xếp xung đột Trung - Ấn năm 1962

Thứ Năm, 13/10/2005, 09:15

“Là bạn của hai nước, lập trường của chúng tôi là cố gắng tìm kiếm một biện pháp nào đó, khả dĩ giải quyết cuộc xung đột, nhưng quan chức ngoại giao của hai nước nhất là Ấn Độ dường như không hài lòng”, bà Bantaranars, Thủ tướng Sri Lanka nhớ lại.

Bà kể: Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Là nước láng giềng của Ấn Độ và có quan hệ hữu nghị với cả hai nước, nên Sri Lanka cảm thấy khó xử. Đại sứ Trung Quốc ở Sri Lanka và đặc phái viên cao cấp của Ấn Độ đều thông báo với tôi (lúc đó tôi là Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng) lập trường của nước mình về vấn đề xung đột giữa hai quốc gia.

Chúng tôi mời quan chức ngoại giao của một số nước trong phong trào không liên kết, trong đó có Ai Cập, Myanmar và Indonesia, các nước này đều có quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc và Ấn Độ. Sau khi thảo luận tình hình, chúng tôi nhất trí đề nghị với Tổng thống Natsair, Tổng thống U Nu, Hoàng thân Norodom Xihanuc và Tổng thống Sukarno rằng, cần phải nhanh chóng nhóm họp tại một quốc gia nào đó, do những người đứng đầu các quốc gia lựa chọn để thảo luận tình hình xảy ra giữa hai nước, đồng thời tìm biện pháp giải quyết.

Các vị nguyên thủ các quốc gia nói trên thống nhất chọn Sri Lanka là địa điểm họp. Chúng tôi cũng thông báo cho phía Trung Quốc và Ấn Độ biết. Thủ tướng Chu Ân Lai tỏ ý hoan nghênh sáng kiến này.

Mười ngày sau cuộc họp đã diễn ra, có 6 nước tham dự. Ngoài đại diện của nước chủ nhà, còn có Tổng thống U Nu của Myanmar, Hoàng thân Norodom Xihanuc của Campuchia, Thủ tướng Ali Shapuri của Ai Cập, Ngoại trưởng Supanteriyo của Indonesia và Bộ trưởng Tư pháp của Ghana.

Sau 3 ngày làm việc, hội nghị nhất trí quyết định cử tôi làm sứ giả, thay mặt 6 nước đi Trung Quốc và Ấn Độ. Tôi đề nghị cần có đại diện của các nước tham dự hội nghị cùng đi thăm hai nước. Thủ tướng Ai Cập đồng ý đi Ấn Độ, còn Ngoại trưởng Indonesia đồng ý đi Trung Quốc.

Điều tôi muốn nói là: Báo chí Ấn Độ phê phán mạnh mẽ thái độ của Sri Lanka không ủng hộ Ấn Độ, ngược lại những thông tin từ phía Thủ tướng Chu Ân Lai góp phần làm cho hội nghị thành công.

Chuyến đi Bắc Kinh

Cùng đi với tôi và Ngoại trưởng Indonesia đến Bắc Kinh còn có Thứ trưởng Ngoại giao và một vài quan chức của Sri Lanka. Đoàn chúng tôi đã chuyển nghị quyết của Hội nghị 6 nước cho phía Trung Quốc và hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ sự đồng tình với sáng kiến của chúng tôi và tiếp thu về nguyên tắc những kiến nghị đó. Phía Trung Quốc cho biết sẽ không bao giờ muốn lấn chiếm một tấc đất nào của Ấn Độ.

Trong cuộc hội đàm để thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề xung đột một cách triệt để, Thủ tướng Chu Ân Lai còn đề nghị được tham gia đoàn đi New Delhi, thảo luận với các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Tuy nhiên, trong thời gian đó, vì chưa hiểu rõ lập trường của phía Ấn Độ, nên chúng tôi không dám chấp thuận.

Ngày 11/4/1962, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Đới Bỉnh Quốc và Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Naraonan, ký Hiệp định nguyên tắc về việc giải quyết vấn đề biên giới.

Trước ngày đi New Delhi, những tin tức về việc Trung Quốc tiếp thu những kiến nghị của cuộc họp 6 quốc gia được loan tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, trước đó báo chí Ấn Độ và một số tờ báo ở Sri Lanka cũng đã phê phán, thậm chí chế giễu chúng tôi. Họ không hiểu rằng, tuy là nước nhỏ nhưng Sri Lanka bao giờ cũng có quan điểm riêng của mình.

Tới New Delhi, đoàn chúng tôi nhận được sự tiếp đón rất thân tình, đích thân Thủ tướng Ấn Độ Néhru ra tận sân bay đón đoàn.

Tại cuộc hội đàm, chúng tôi đã truyền đạt nghị quyết của Hội nghị  6 quốc gia tới Ấn Độ, thông báo kết quả làm việc cùng những ý kiến của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Phía Ấn Độ bày tỏ sự đồng tình đối với sáng kiến và những biện pháp của chúng tôi trong việc dàn xếp cuộc xung đột, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ nghị quyết của Hội nghị 6 quốc gia. Ấn Độ sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng nếu phía Trung Quốc cũng như vậy.

Một trong những kiến  nghị của chúng tôi là hai bên phải ngừng bắn và rút về vị trí của mình. Có thể là còn những nhân tố nào khác nữa, nhưng tiếng súng xung đột nơi biên giới Trung – Ấn đã không còn, đó là một trong những thắng lợi của phong trào không liên kết

Phạm Xuân Tiến (tổng hợp)
.
.