Thực chất hoạt động của một vài tổ chức phi chính phủ

Thứ Năm, 02/11/2006, 08:00

Washington Post (19/10/2006) cho biết Chính phủ Nga đã quyết định "treo giò" tổ chức Giám sát nhân quyền, Ân xá quốc tế, Viện Cộng hòa quốc tế... cùng hơn 90 tổ chức phi chính phủ (NGO). Một trong những nguyên nhân chính là sự can thiệp vào nội bộ Nga của vài tổ chức thuộc NGO.

Trong thực tế, vấn đề can thiệp "tiến trình dân chủ hóa" của vài NGO chẳng là chuyện lạ. Một số vụ thay ngựa giữa dòng tại Trung Á gần đây là ví dụ điển hình...

Tuy gọi là “phi chính phủ” nhưng các tổ chức thuộc dạng này ngày càng liên hệ chặt chẽ với chính phủ nhiều nước, thậm chí hiện diện trong các chiến dịch tranh cử chứ không đơn thuần hoạt động nhân đạo. Vài năm gần đây, NGO mọc lên như nấm. Báo cáo Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết cách đây 5 năm, có gần 29.000 NGO quốc tế và vô số NGO địa phương. Chỉ riêng ở Mỹ, hiện có chừng 2 triệu NGO, hầu hết được thành lập trong 30 năm qua. Ở Ấn Độ, hiện có khoảng 2 triệu NGO.

Tại Nga, nơi dường như không có một NGO nào trước những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng nay bùng nổ với ít nhất 65.000 nhóm - trước thời điểm Tổng thống Vladimir Putin quyết định hoãn hoạt động NGO quốc tế. Người ta tính rằng mỗi ngày có đến hàng chục nhóm được thành lập. Riêng tại Kenya, khoảng 240 NGO treo bảng khai trương mỗi năm. Không ít NGO đang trở thành các “đại công ty” với thu nhập hàng năm lên tới hàng triệu USD. Vài nhóm thuần túy làm công tác từ thiện, tận tình lăn xả cứu trợ; nhưng cũng có một số nhóm hoạt động chủ yếu như những tổ chức vận động, tung ra các chiến dịch có tầm quan trọng chỉ mang lại lợi ích cho chính họ. Tính trung thực của các NGO này rất đáng ngờ. Không phải tự nhiên mà tờ The Economist đã đưa ra câu hỏi rằng liệu có phải vài NGO là bù nhìn của (một số) chính phủ.

Cụm từ “tổ chức phi chính phủ” được sử dụng lần đầu tiên khi LHQ được thành lập, quy định rằng NGO là các tổ chức thực hiện những chuyện mà chính phủ không làm hoặc không thể làm. Trong thực tế, NGO dính dáng sâu đến cơ cấu chính phủ. Ví dụ các NGO hoạt động cứu trợ. Hầu hết chương trình cứu trợ và phát triển của chính phủ đều do NGO tiến hành. Ngân sách chính phủ cho các chương trình nói trên cũng rải xuống cho NGO. Theo Carol Lancaster (cựu Phó giám đốc USAID - một NGO nổi tiếng của Mỹ) thì các NGO ngày càng trở thành “một thể chế quan trọng nhất cho những hoạt động của các tổ chức giúp đỡ phát triển”.

Gần như toàn bộ lương thực của Chương trình lương thực thế giới - một bộ phận thuộc LHQ - tại Albania đã được trực tiếp phân phối từ các NGO. Từ năm 1990 đến 1994, số lương thực và trang thiết bị cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) được phân phối qua kênh NGO đã tăng từ 47% lên 67%. Hội Chữ thập đỏ quốc tế tính rằng các NGO hiện nay đã phân phối lượng tiền nhiều hơn cả Ngân hàng Thế giới. Trong 162 triệu USD nguồn ngân sách của Oxfam (một NGO nổi tiếng), 1/4 trong số đó được trao từ Chính phủ Anh và EU. World Vision US cho rằng họ là “tổ chức phát triển và cứu trợ Thiên Chúa giáo được tài trợ nhiều nhất thế giới” – đã gom được lượng thực phẩm trị giá 55 triệu USD vào năm ngoái từ Chính phủ Mỹ.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Médecins Sans Frontières, giành được Nobel Hòa bình 1999) nhận được 46% nguồn ngân sách từ Chính phủ Pháp. Trong 120 NGO được khai sinh trong không khí náo nhiệt tại Kenya từ năm 1993 đến cuối năm 1996, thì có 9 tổ chức có nguồn hỗ trợ từ các chính phủ nước ngoài và cơ quan quốc tế.

Nói cách khác, một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng bùng nổ NGO trong vài năm gần đây là sự tài trợ từ các chính phủ phương Tây. Ở đây, không còn là chuyện từ thiện mà là vấn đề mang tính “tư nhân hóa”. Điều đáng nói nữa nhiều nhóm “phi chính phủ” thực chất đóng vai trò nhà thầu cho chính phủ mình.

Hơn hết, một số chính phủ còn thấy điểm lợi của NGO ở chỗ họ có thể tiếp cận và gửi về không ít “thông tin” hữu ích, trong bối cảnh nhân sự tại các đại sứ quán ngày càng thu hẹp và việc cập nhật hóa sự kiện địa phương ngày càng quan trọng. Dấu hiệu rõ nhất cho thấy hiện tượng “chính phủ hóa” các tổ chức phi chính phủ là việc “qui hoạch” vấn đề nhân sự. Tại các quốc gia đang phát triển, NGO còn can dự vào các thủ tục giấy tờ do Ngân hàng Thế giới yêu cầu chính phủ các nước thực hiện.

NGO cũng ngày càng dịch chuyển sang đường ray “doanh nghiệp hóa”. Vài NGO có chủ ý lấy mô hình doanh nghiệp để hoạt động. Các NGO lớn có cả bộ phận phụ trách thương mại, phòng thông tin, ban tuyển dụng với những hình thức tìm người tài quyết liệt và cả các chiến thuật quyên góp tiền cũng như đầu tư.

Theo một nguồn tin, năm 1997, các NGO quyên được 5,5 tỉ USD từ những nhà tài trợ tư nhân nhưng con số thật có thể cao hơn nhiều. Để quyên được tiền, các NGO cạnh tranh quyết liệt và bỏ ra rất nhiều tiền cho công tác tiếp thị. Các NGO lớn có thể bỏ ra 10% quỹ của mình cho tiếp thị, lập chiến dịch quyên tiền và tự quảng cáo bằng những hình ảnh đầy thuyết phục với những đoạn phim truyền hình tường thuật hoạt động của họ tại những điểm nóng.

Mô hình “NGO doanh nghiệp” có thể thấy rõ hơn ở điểm, trước đây, các NGO không quan tâm chuyện lợi nhuận, trả lương nhân viên thấp (có khi không trả lương) và có lý tưởng phục vụ rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, lương tại một số NGO cao không kém gì các công ty lớn và vài NGO còn có bộ phận chuyên trách kinh doanh nhiều thứ, kể cả vũ khí. Tại Hàn Quốc, còn có không ít NGO can thiệp mạnh vào chính trường, nhằm đem lại “những thay đổi cơ bản” cho kinh tế và chính trị.

Tại Nga, hai NGO - Viện Dân chủ quốc tế và Viện Cộng hòa quốc tế - được tài trợ từ Quốc hội Mỹ cho các chương trình kích thích dân chủ hóa. Vài nhóm NGO bị hoãn hoạt động tại Nga (bắt đầu có hiệu lực từ giữa đêm 18-10-2006) còn có hai chi nhánh tổ chức Bác sĩ không biên giới, Hội đồng tị nạn Đan Mạch và tổ chức Sáng kiến công lý Nga (trụ sở tại Hà Lan).

Theo viên chức Natalia Vishnyakova thuộc Bộ Tư pháp Nga, việc hoãn hoạt động của NGO chỉ tạm thời nhằm buộc các NGO phải đáp ứng điều kiện quy định của Moskva. Tổng cộng, có 99 tổ chức NGO nước ngoài đăng ký hoạt động chính thức tại Nga - theo Bộ Tư pháp nước này

Anh Vũ (Tổng hợp)
.
.