Thực hư CIA bắt tay với mafia

Thứ Năm, 21/11/2019, 07:13
Không có gì ngạc nhiên khi người ta bị cuốn vào các thuyết âm mưu về CIA và mafia “bắt tay” nhau. Mặc dù những thuyết âm mưu này không thể được làm sáng tỏ trắng đen, song đã có những câu chuyện về sự dàn xếp giữa CIA và mafia.

Liệu mafia làm việc cho CIA hay ngược lại? Hay cả hai phía đối lập của luật pháp chỉ đơn thuần “bắt tay” nhau khi họ có lợi ích chung, có lợi cho cả hai bên?

Trùm mafia Lucky Luciano và CIA

Trong Thế chiến II, Chính phủ Mỹ quan ngại về một số lượng lớn công dân Mỹ có gốc gác từ Nhật Bản, Italy và Đức. Họ lo sợ rằng những người Mỹ gốc nước khác này có thể đồng cảm với cuộc chiến của Phe Trục và có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. 

Năm 1942, những mối nghi ngại này bắt đầu tập trung vào các hải cảng ở miền Đông sau khi tàu chiến chở binh sĩ Mỹ SS Normandie (sau này được đổi tên là USS Lafayette) bị cháy và lật khi đang đậu ở cảng của thành phố Manhattan, một hành động mà nhiều người cho rằng là hậu quả của sự trả thù.

Chính phủ Mỹ bắt đầu điều tra nhằm vào giới phu khuân vác trên cảng quốc tịch Mỹ gốc Italy sinh sống trong khu vực. Khi cuộc điều tra không tìm ra được manh mối, chính phủ đã tìm đến sự trợ giúp của một nguồn lực khó có thể tin được: đó là mafia.

Trùm mafia người Mỹ gốc Italy, Lucky Luciano năm 1931.

Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm cuộc điều tra, đã tìm đến trùm mafia khét tiếng tên là Salvatore C. Lucania, song được biết nhiều với cái tên Lucky Luciano. Vào thời điểm đó, Luciano đang chịu án tù từ 30-50 năm. Hải quân Mỹ đưa ra một thỏa thuận giảm án tù để đổi lại sự hỗ trợ và cung cấp thông tin cho chiến dịch điều tra. Luciano đã chấp thuận.

Luciano đã ra lệnh rằng bất kỳ hoạt động khả nghi nào ở dọc bến cảng và bến tàu sẽ được báo cáo cho giới chức. Luciano dường như cũng đảm bảo rằng không có bất kỳ cuộc đình công nào của giới phu khuân vác trên cảng. Đến nay, tính hiệu quả của chiến dịch mang tên "Chiến dịch Thế giới ngầm" do Hải quân Mỹ kết hợp với trùm mafia Luciano vẫn là một đề tài gây tranh cãi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sau năm 1942, không có thêm bất kỳ một tàu nào của Hải quân Mỹ bị phá hủy và không có bất kỳ cuộc đình công nào của giới công nhân khuân vác trên cảng ở New York.

Và chuyện chưa dừng lại ở đó

Khi Chiến tranh Thế giới II diễn ra dữ dội, quân Đồng minh bắt đầu vạch kế hoạch xâm chiếm Italy. Mỹ đóng vai trò dẫn đầu chiến dịch này và nhanh chóng quyết định rằng đảo Sicily cần phải bị chiếm đóng trước tiên. Để chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm này, Chính phủ Mỹ đã tìm đến "các cộng sự cũ": Luciano và mafia.

Được biết đến là "cha đẻ" của tội phạm có tổ chức ở Mỹ, Charles "Lucky" Luciano đã thâu tóm thị trường rượu bất hợp pháp trong thời kỳ cấm rượu ở Mỹ trước khi đối mặt với án tù 30-50 năm.

Việc sử dụng Luciano có lý vì nhiều lý do. Mafia luôn là cái gai trong mắt nhà độc tài Italy Benito Mussolini và đã tiến hành chiến dịch trấn áp dã man tổ chức mafia. Điều quan trọng hơn là Luciano và các cộng sự của hắn có nhiều mối liên hệ tại đảo Sicily vốn có thể cung cấp cho Mỹ những thông tin quan trọng và hỗ trợ hậu cần cần thiết cho cuộc xâm chiếm.

Theo báo cáo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, việc sử dụng các mối liên hệ ở Sicily là nhiệm vụ trước tiên cho cuộc xâm chiếm. Báo cáo này có đoạn khuyến nghị: "Thiết lập mối liên lạc với thủ lĩnh các nhóm hạt nhân ly khai, các nhóm cực đoan hoạt động mật, và những người lao động bất mãn, mafia và cung cấp cho họ mọi hỗ trợ có thể".

Chính phủ Mỹ đã yêu cầu "các cộng sự mafia" nói trên cung cấp các bản vẽ và hình ảnh về đường bờ biển và các bến cảng của đảo Sicily. Những thông tin này được sử dụng để lập kế hoạch đổ bộ của quân Đồng minh vào đêm 9-7-1943. 

Khoảng 160.000 binh sĩ Đồng minh đã đặt chân đến bờ cực Tây Nam của đảo Sicily, thuộc Italy. Một số "cộng sự" ở đảo Sicily còn chiến đấu cùng với các lực lượng của Mỹ chống lại quân Đức và Italy. Theo phần lớn ghi chép, Luciano đóng vai trò trong việc thúc đẩy chiến dịch mang mật mã Operation Husky này và thậm chí còn đề nghị đích thân đến Sicily để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của chính phủ. 38 ngày xâm chiếm, quân Đồng minh thành công khi đẩy lùi quân Italy ra khỏi Sicily và cuộc chiến chiếm đảo Sicily đã kết thúc.

Ngày nay, mức độ hỗ trợ của Luciano và mafia cho Chính phủ Mỹ trong chiến dịch nói trên gây nhiều tranh cãi nóng bỏng. Một số người như nhà bình luận Walter Winchell cho rằng công lao của Luciano đối với nỗ lực cuộc chiến và Chiến dịch Husky to lớn đến mức ông ta cần được trao huy chương. Những ý kiến khác, trong đó có học giả Selwyn Raab, lại tỏ ra hoài nghi. 

Trong cuốn sách của mình với tựa đề "5 gia đình: Sự phát triển, suy thoái và tái xuất của các đế chế mafia hùng mạnh của Mỹ", học giả Raab cho rằng Luciano không có các đầu mối liên hệ ở đảo Sicily để tạo ra sự khác biệt thực chất. 

Tuy nhiên, luật sư của Luciano nói rằng thân chủ của ông ta  "đã giúp định vị những người Italy sinh ra ở đảo Sicily mà họ là những người đã cung cấp thông tin có giá trị về mặt quân sự về tình hình và điều kiện thực địa của đảo Sicily", và thân chủ của ông cũng "đã hỗ trợ giới chức quân đội trong 2 năm thực hiện những sắp xếp ban đầu trước khi tiến hành xâm chiếm đảo Sicily".

Khi Thế chiến II kết thúc vào mùa hè 1945, Luciano, vốn vẫn chịu án tù, đã kiến nghị bang New York dành khoan hồng cho ông ta. Luciano cho rằng sự hợp tác của ông ta trong cả Chiến dịch Thế giới ngầm và Chiến dịch Husky đảm bảo ông ta được thả tự do ngay lập tức.

Tháng 1-1946, Thống đốc bang New York khi đó là Thomas Dewey đã cho phép Luciano được hưởng khoan hồng. Tuy nhiên, quyết định này kèm theo việc Luciano không thể ở lại Mỹ và phải bị trục xuất về quê hương Italy. Dù không muốn, song Luciano đã chấp nhận trở về Italy vào ngày 9-2-1946. Mặc dù vậy, Lucky Luciano vẫn là một nhân vật khét tiếng trong tổ chức tội phạm mafia ở cả Italy và Mỹ cho đến khi qua đời năm 1962.

Thực hư CIA tiếp tay cho mafia

Đã có những cáo buộc cho rằng CIA tiếp tay cho băng nhóm mafia buôn ma túy vào Mỹ trong nhiều năm và "nhắm mắt làm ngơ" trước các hoạt động này. Mặc dù những cáo buộc đồn đoán này khó có thể làm rõ trắng đen, song đã nổi lên không ít sự việc khiến người ta phải đặt câu hỏi liệu CIA có liên quan đến các băng nhóm mafia buôn ma túy ở Mỹ hay không.

Theo ghi nhận của Jeff Leen, hiện là biên tập của mảng báo chí điều tra của tờ Washington Post, bắt đầu từ năm 1985, các nhà báo Mỹ bắt đầu "săn" tin tức về vai trò của CIA trong các vụ buôn bán ma túy. Họ đã theo đuổi các câu chuyện ở nhiều góc nhìn khác nhau, song đều thiếu bằng chứng đặc biệt.

Tranh cãi về vai trò của CIA trong các vụ buôn bán ma túy vào Mỹ.

Đến tháng 4- 1989, ủy ban về khủng bố, ma túy và các chiến dịch quốc tế thuộc Thượng viện Mỹ đã "vào cuộc" để tìm hiểu về cuộc tranh luận về vai trò của CIA trong các vụ buôn bán ma túy. 

Sau quá trình điều tra kéo dài 3 năm vất vả, báo cáo của ủy ban này kết luận rằng giới chức CIA biết được một số hoạt động buôn lậu ma túy thuộc nhiệm vụ quản lý và theo dõi của họ vốn là những người hỗ trợ cho lực lượng Contra. (Contra, hàng loạt nhóm vũ trang cánh hữu do Mỹ hỗ trợ tài chính và vũ khí gồm những người Nicaragua lưu vong nhằm loại bỏ chế độ Nicaragua cánh tả, hoạt động từ năm 1979 đến đầu thập niên 1990). Tuy nhiên, báo cáo của ủy ban này không nói rằng CIA dính líu trực tiếp vào hoạt động buôn bán ma túy.

Năm 1993, Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra về các thông tin nói rằng CIA đang di chuyển hơn 908 kg ma túy vào Mỹ.

Đến năm 1996, nhà báo Mỹ là Gary Webb đã gây sốc cho công chúng với loạt bài "Dark Alliance" (Liên minh ngầm hay Liên minh bóng tối) đăng trên tờ The San Jose Mercury News.

Loạt bài điều tra cho rằng lực lượng Contra do Mỹ hậu thuẫn ở Nicaragua đã vận chuyển ma túy vào Mỹ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cộng đồng người Mỹ gốc Phi quanh khu vực gần thành phố Los Angeles, mà sau này biến thành một đại dịch ma túy ở Mỹ. Webb cũng cho rằng CIA biết được các hoạt động ma túy này mà những món lời của chúng sẽ quay trở lại hỗ trợ tài chính cho chính lực lượng Contras. 

Cộng đồng người Mỹ gốc Phi nổi giận về sự lừa dối của CIA còn các báo lớn ở Mỹ, trong một phản ứng hiếm hoi, đã đồng loạt lên án Gary Webb. Tổng biên tập tờ Mercury News khi đó là Jerry Ceppos đã đích thân viết bài xin lỗi độc giả, trong đó có đoạn viết: "Chúng tôi đã đơn quá giản hóa vấn đề phức tạp của đại dịch ma túy phát triển ở Mỹ như thế nào". Webb đã rời báo này và viết một cuốn sách bảo vệ bài điều tra của mình. Sau đó, Webb đã tự sát vào tháng 12-2004 ở tuổi 49.

CIA "tuyển mộ" kẻ đâm thuê chém mướn của mafia?

Enrique "Ricky" Prado từng là một điệp viên cấp cao của CIA, một quản lý chiến dịch CIA tại Hàn Quốc, và một điệp viên hàng đầu của các chương trình do thám của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Thế nhưng, Prado được cho là bắt đầu sự nghiệp của mình từ một kẻ đâm thuê chém mướn cho băng nhóm tội phạm có tổ chức ở thành phố Miami, bang Florida.

Điệp viên CIA Enrique Ricky Prado bị cáo buộc là kẻ đâm thuê chém mướn cho các băng nhóm tội phạm ở Miami.

Trong cuốn sách mang tên "Cách tránh xa kẻ giết người ở Mỹ" (How to Get Away With Murder in America), nhà báo Evan Wright đã kể lại chi tiết mối quan hệ của Prado với trùm băng nhóm tội phạm đồng thời là bạn bè "ăn đời ở kiếp" có tên là Alberto San Pedro. Mặc dù chưa được chứng minh, song cuộc điều tra của Wright cho rằng khi Prado leo lên các nấc thang địa vị của CIA, thì nhân vật này cũng đã giúp đỡ San Pedro trong rất nhiều vụ việc phi pháp.

Trong câu chuyện "bom tấn" của mình, nhà báo Wright cho rằng đặc vụ CIA giờ đã nghỉ hưu Prado này đã bắt đầu sự nghiệp CIA của mình từ một kẻ chuyên đi tẩu tán thi thể cho băng nhóm tội phạm hoạt động ngầm ở thành phố Miami. Nhà báo Wright cũng cho rằng Prado tiếp tục dính líu đến mafia trong suốt thời gian làm việc cho CIA, với cương vị cuối cùng là trưởng nhóm ám sát mật của CIA trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Al-Qaeda. 

Nhà báo Wright viết có đoạn: "Khi bảo vệ ông Prado, CIA có thể đã cho phép một kiểu điệp viên nhị trùng mới, một điệp viên không thuộc chính phủ nước ngoài song lại thuộc về những mối quan tâm tội phạm ở Mỹ, nhằm xâm nhập bộ phận chỉ huy (của mafia)". Tác giả cũng thuật lại chi tiết các cuộc điều tra kéo dài hàng năm trời mà cảnh sát bang và liên bang tiến hành nhằm vào băng nhóm mafia ở thành phố Miami. Các cuộc điều tra này hoặc không đi đến kết quả nào hoặc bị lãnh đạo cấp cao cho bỏ xó hoặc bị chệch hướng bởi những bản án nhẹ.

Ngoài tìm hiểu về cuộc đời của Prado, cuốn sách cũng lần theo những dấu vết cuộc đời của tên trùm buôn lậu ma túy Alberto San Pedro, một trong những người bạn thuở thiếu thời của Prado. Nhà báo Wright kể lại rằng San Pedro đã tổ chức tiệc tùng với tầng lớp giàu có và nổi tiếng ở Miami và nhập lậu ma túy trị giá hàng chục triệu đô la vào Mỹ mỗi năm. 

Trong khi đó, Prado là kẻ đâm thuê chém mướn vào ban đêm. Nhà báo này cho biết các nhà điều tra làm việc với đội triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức thuộc cơ quan cảnh sát hạt Miami-Dade, bang Florida, đã nghi ngờ Prado tham gia ít nhất 7 vụ giết người và một vụ âm mưu giết người. Với mối quan hệ giữa Pedro và Prado hết sức khăng khít, khó có thể tin rằng CIA lại tuyển một kẻ đâm thuê chém mướn của mafia mà không hề hay biết gì về các vụ việc và mối quan hệ của nhân vật này trong thế giới mafia.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.