Thương vụ Gouzenko với tình báo Canada

Chủ Nhật, 11/10/2020, 14:30
Thương vụ Gouzenko là một sự kiện lịch sử có tác động sâu sắc đến an ninh và tình báo Canada cũng như nền chính trị thế giới. Nhân vật chính là Igor Gouzenko, một nhân viên mật mã của Liên Xô, thường chính thức hoạt động với chức danh “nhân viên dân sự” tại tòa đại sứ Liên Xô ở Ottawa, Canada.

Tuy nhiên đến ngày 5/9/1945, Gouzenko đã rời nơi làm việc và mang theo một loạt tài liệu quan trọng có nội dung nhấn mạnh đến sự tồn tại của một mạng lưới gián điệp Liên Xô ở Canada. Những tài liệu nhạy cảm này được đích thân Gouzenko chuyển giao cho Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP). Khi hay tin về nhân vật đào ngũ Liên Xô, Thủ tướng Canada khi đó là William Lyon Mackenzie King liền phản ứng một cách hết sức thận trọng và điềm tĩnh, ông bèn tham khảo ý kiến với các đồng minh thân cận nhất gồm Tổng thống Mỹ Harry Truman, và Thủ tướng Vương quốc Anh Clement Atlee, nhằm dò xem phản ứng của phương Tây như thế nào.

Thương vụ Gouzenko được cho là đã tác động đến việc phát triển các khả năng tình báo Canada, đặc biệt là trong các lĩnh vực về phản gián và tình báo tín hiệu (SIGINT). Cũng ngay sau khi xảy ra vụ Gouzenko, Canada đã tức tốc triển khai chiến lược phản gián nhằm phát hiện và trục xuất các điệp viên Liên Xô đang hoạt động trong lãnh thổ Canada. Việc huy động tình báo Canada đã dẫn đến một chiến dịch phản gián quy mô cực lớn được đề xuất bởi Ủy ban Hoàng gia và RCMP đã triển khai rất hiệu quả. 

Cũng nhờ những hé lộ của Gouzenko mà năng lực tình báo tín hiệu của Canada đã được cải thiện rất nhiều. Canada nhận ra sự cần thiết phải duy trì và cải thiện xa hơn nữa năng lực SIGINT và việc này đã dẫn đến sự thành lập hàng loạt các cơ sở và tổ chức về SIGINT. Đồng thời ngay trên bình diện quốc tế, Canada đã gia tăng ảnh hưởng trong cộng đồng SIGINT toàn cầu, nước này trở thành một thành viên bình đẳng của cái gọi là Hệ thống liên minh Canada-Anh-Mỹ hay SIGINT.

Thời kỳ tiền Chiến tranh lạnh

Khoảng năm 1939, ngay lúc bắt đầu Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (ĐCTGII), tình báo Canada khi đó là một phần của mạng lưới tình báo tinh vi của Anh. Trước đó 1 năm (năm 1938), Canada đã thực hiện nỗ lực cá nhân đầu tiên trong lịch sử tình báo hiện đại nhằm thiết lập khả năng thu thập SIGINT toàn diện nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác lớn hơn nữa giữa quân đội, hải quân và không quân. 

Tiểu thuyết gia kiêm phóng viên chiến trường Scott Anderson. Ảnh nguồn: Outside Magazine.

Tuy nhiên khi Đại chiến bùng nổ đã cản kế hoạch của Canada thành hiện thực; do đó về cơ bản, tình báo Canada vẫn là một phần lớn trong nỗ lực chiến tranh của Anh. Dù quy mô phát triển khiêm tốn, nhưng trong ĐCTGII, tình báo Canada cũng gặt hái được một số kết quả. Trước hết, vào năm 1941, Ottawa đã thành lập Đơn vị thẩm tra (EU) với mục đích chính là can thiệp vào các tin nhắn không dây của trục phát xít. Tuy nhiên, liên quan đến công nghệ tình báo, Canada vẫn phụ thuộc lớn vào quốc mẫu Anh do thiếu các hệ thống giải mã. Vì lý do này mà Canada “đã gửi các máy chặn tin nhắn đến Anh để giải mã và sẽ nhận lại những gì được cho là phù hợp với Canada”. 

Thứ nữa, Canada đã tiến hành hoạt động tình báo hải ngoại đầu tiên trong suốt thời chiến. Các sĩ quan tình báo Canada đã được biệt phái tới Mỹ “nhằm mục đích bảo mật các thông điệp điện báo có giá trị tình báo cho cả Anh và Canada”. Những thông điệp này bao gồm các công hàm và thông điệp kinh tế mà chỉ ở nước Mỹ mới có thể tiếp cận được. Cuối cùng, Canada đã tăng cường vai trò là đối tác đáng tin cậy nhất của Anh và Mỹ. 

Những đóng góp của Canada cho nỗ lực SIGINT của phe Đồng minh thật sự đã phát huy ý nghĩa, vì các trạm đánh chặn được thiết lập trên khắp đất nước Canada đã hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực chiến tranh của quân Đồng minh trong Hải chiến Đại Tây Dương. Nhìn chung, Canada đã sở hữu năng lực tình báo khá tốt trước khi Igor Gouzenko tiết lộ, đặc biệt là khía cạnh công nghệ. Tuy vậy tình báo nước này vẫn lệ thuộc lớn vào các đồng minh Anh-Mỹ vốn hùng mạnh hơn.

Thương vụ Gouzenko cải tổ tình báo Canada

Những tiết lộ của Gouzenko về mạng lưới gián điệp Liên Xô đã khuyến khích các nhà lập kế hoạch Canada thiết lập khả năng tình báo toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa. Tiểu thuyết gia kiêm phóng viên chiến trường Scott Anderson đã tuyên bố “Việc phát hiện ra các hoạt động gián điệp của Liên Xô ở Canada đã dẫn tới công tác tái đánh giá triệt để những ưu tiên tình báo”.

Igor Sergeyevich Gouzenko, nhân viên mật mã cho Đại sứ quán Liên Xô ở Ottawa (Canada) Ảnh nguồn: Ottawa Matters

Sau sự vụ Gouzenko, Thủ tướng Mackenzie King tuyên bố rằng để bảo vệ an ninh quốc gia, Canada quyết định thực hiện hai hành động cùng lúc: củng cố an ninh quốc gia và ngăn ngừa hoạt động gián điệp của nước ngoài. Những hoạt động phát triển tình báo thời hậu chiến của Canada đã có từ thương vụ Gouzenko, nó thúc đẩy giới chức Canada sử dụng phản gián để điều tra, bắt giữ và bỏ tù các điệp viên ngoại bang khác. Người Canada đã thành lập Ủy ban Hoàng gia (RC, với mục đích chính là điều tra các trường hợp gián điệp ở nước này) được “bật đèn xanh” nhờ đạo Luật ước lượng chiến tranh (WMA), Luật các bí mật chính thức (OSA) và Luật yêu cầu (IA).

Bằng cách sử dụng quyền hạn của những đạo luật này, RC được quyền giữ bí mật hoàn toàn về quá trình điều tra, trong khi cùng lúc vẫn có thể “chặt đứt tiếp xúc giữa bị tình nghi và gia đình của họ, các luật sư và cả công luận”. RC đã chỉ định cho Nhánh đặc biệt của RCMP, cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành hoạt động phản gián, trước đó nhánh đặc biệt đã từng khá thành công khi vạch mặt những thành phần phá hoại và điệp viên Đức Quốc xã (ĐQX) trong suốt thời kỳ ĐCTGII. 

RCMP đã liệt kê một danh sách dài các cá nhân bị quy chụp là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Canada; cũng như sàng lọc nhiều người, những thành phần đã tiếp cận thông tin quan trọng đối với an ninh quốc gia Canada; ngoài ra RCMP cũng nỗ lực giám sát các đại diện ngoại thương và ngoại giao công du đến Canada. 

Nỗ lực phản gián của Canada trong giai đoạn sơ khởi của chiến tranh Lạnh chủ yếu nhắm vào việc tiêu trừ các hoạt động gián điệp ở Canada. Vì lẽ này mà RC đã tiến hành hoạt động ngăn chặn chống lại các điệp viên chìm vốn được chiêu mộ và biệt phái đến Canada từ các quốc gia khác. Kết quả: 20 người đã bị điều tra và truy tố, trong khi 42 nhà ngoại giao khác bị buộc phải rời Canada theo kiểu “Nhân vật không được hoan nghênh”. Theo RC, tất cả những người bị điều tra đều bị khép vào tội làm gián điệp, tuy nhiên Tòa án tối cao của nước này lại quyết định rằng chỉ có đúng 11 người thật sự có tội. Ngoài hoạt động phản gián, thương vụ Gouzenko đã nhấn mạnh vai trò của SIGINT mà Canada đã có những nâng cấp đáng kể vào thời Chiến tranh Lạnh.

Thành lập tình báo tín hiệu (SIGINT)

Phóng viên chiến trường Scott Henderson lưu ý rằng “Sau thương vụ Gouzenko, chính quyền Ottawa đã nhận thức rằng vai trò của Canada trên thế giới đã thay đổi cách mà nước này nghĩ về tái tổ chức cộng đồng tình báo”. Các nhà lập sách Canada nhận thức rằng việc duy trì SIGINT không chỉ giúp mở rộng năng lực tình báo của Canada mà còn giúp nước này tiến hành một chính sách tình báo tự chủ hơn. Vào cuối ĐCTGII, các nhà lập chính sách Canada đã tranh luận về vai trò của SIGINT. 

Toàn cảnh Cơ quan an ninh truyền thông Canada (CSE), được hợp pháp hóa vào năm 2001. Ảnh nguồn: Ottawa Magazine

Các quan chức của Bộ Quốc phòng quốc gia (DoND) đã ủng hộ cho các dịch vụ tình báo toàn diện thời hậu chiến, trong khi các nhà ngoại giao và đại diện của Bộ Ngoại giao Canada thì chống lại ý tưởng về việc sáng lập một đơn vị tình báo mới. Cuối cùng, DoND đã thắng thế khi Thương vụ Gouzenko năm 1945 đột nhiên thúc giục một hướng tiếp cận mở rộng về chiến lược SIGINT”. 

Nguồn  gốc ra đời SIGINT như sau. Vào tháng 12 năm 1945 (tức chỉ 2 tháng sau khi xảy ra thương vụ Gouzenko), Canada đã quyết định rằng việc thiết lập cơ sở tình báo tín hiệu (SIGINT) là cần thiết. Kết quả là Chi nhánh truyền thông, Hội đồng nghiên cứu quốc gia (CBNRC) đã đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 1946. Ngoài CBNRC còn có sự hiện diện của Cục Tình báo liên hợp Canada (CJIB) cơ quan chịu trách nhiệm “thu thập, nghiên cứu và phát tán các loại tình báo khác nhau” bắt đầu hoạt động vào năm 1947. 

Vì thương vụ Gouzenko nhấn mạnh tầm quan trọng của SIGINT như một công cụ phản gián nên Canada đã quyết định mở rộng nhân lực cho CBNRC lên hơn gấp 2 lần chỉ trong vòng 5 năm; đến năm 1951, có hơn 450 nhân viên làm việc ở CBNRC. Tuy nhiên, hầu hết các nhân viên là nam giới, không có trình độ đại học hay cao đẳng, và chắc chắn đã làm giảm hiệu quả của CBNRC trong 5 năm đầu hoạt động. Canada cần công nghệ của Anh và Mỹ để cải thiện kỹ năng của nhân viên tình báo trong tương lai.

Khi phân tích mật mã trở thành yếu tố quan trọng trong SIGINT Canada vào những năm đầu tiên của thời kỳ chiến tranh Lạnh, “CBNRC đã cung cấp các kỹ năng toán học và mật mã học nhằm giải mật các thông tin liên lạc”. Từ năm 1975, các chức năng của CBNRC đã được chuyển giao cho DoND. 

Sau đó, Cơ quan an ninh truyền thông (CSE) được sáng lập và được quản lý bởi DoND, nhưng việc ra các chính sách vẫn chịu sự phê chuẩn của cơ quan chính phủ trung ương là Hội đồng an ninh cơ mật (PSC). CSE là cơ quan mật trong suốt lịch sử hoạt động và nó chỉ được hợp pháp hóa vào năm 2001. Năm 1948, Canada và Mỹ cùng ký kết Hiệp định tình báo truyền thông Canada-Mỹ (CANUSA), trong đó “tạo ra các tham số cho hợp tác trao đổi tình báo truyền thông song phương, cũng như tạo thêm động lực để Canada tham gia vào quan hệ đối tác SIGINT”.

Khoảng 10 năm đầu sau Thương vụ Gouzenko, Canada đã tập trung nỗ lực SIGINT nhằm đánh chặn liên lạc của các lực lượng phòng không và không quân của đối phương. Vị trí địa lý của Canada cũng là một lợi thế: lãnh thổ nước này nằm kẹp giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cho phép Canada thiết lập một số trạm đánh chặn Tìm kiếm trực tiếp tần số cao (HF-DF) nằm dọc theo 2 đại dương này. Trước năm 1970, đánh chặn thông tin đường dài là một yếu tố chính của năng lực SIGINT Canada, cái thời kỳ mà SIGINT Canada đạt được những năng lực đóng góp tốt nhất cho liên minh phương Tây. 

Thêm nữa, đóng góp của Canada với Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đáng xem xét. Nước này là một bên ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NAT) vào năm 1949, và là một thành viên trung thành. Lý do chính để tình báo Canada gia nhập vào Liên minh phương Bắc là vì “NATO luôn duy trì mức độ cao của chia sẻ tin tình báo giữa các quốc gia thành viên kể từ khi được thành lập”. Bằng cách thông qua NATO, Canada đã cải thiện SIGINT và xếp thứ hạng cao trong cộng đồng tình báo quốc tế.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.