Thụy Sĩ sở hữu hệ thống hầm chống bom hạt nhân lớn nhất thế giới

Thứ Ba, 26/09/2017, 22:44
Sau khi cả 2 siêu cường hạt nhân Mỹ và Liên Xô thử thành công những quả bom nguyên tử đầu tiên vào thập niên 50, Chính phủ Thụy Sĩ bắt đầu chú tâm nghiên cứu sách lược thiết lập mạng lưới boongke cho quân đội và hầm tránh bom cho người dân nước mình.

Trải qua 2 cuộc đại chiến thế giới, Thụy Sĩ luôn trung thành với chính sách trung lập của mình. Sau khi cả 2 siêu cường hạt nhân Mỹ và Liên Xô thử thành công những quả bom nguyên tử đầu tiên vào thập niên 50, với nhận định "Trung lập không phải là sự bảo đảm trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân", Chính phủ Thụy Sĩ bắt đầu chú tâm nghiên cứu sách lược thiết lập mạng lưới boongke cho quân đội và hầm tránh bom cho người dân nước mình.

Ngày 4-10-1963, Quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua điều luật: Trong các công trình xây dựng của đất nước phải có hầm tránh bom hạt nhân. Vì vậy, không phải Mỹ, cũng không phải Liên Xô, mà chính Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé nằm bên dãy núi Alps hùng vĩ của châu Âu mới chính là nơi có hệ thống hầm chống bom hạt nhân lớn nhất thế giới.

Mọi ngôi nhà ở Thụy Sĩ đều phải có hoặc có khả năng tiếp cận một khu tránh bom nguyên tử. Ảnh: Daily Mail.

Có thể nói cho đến lúc này, Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống hầm trú ẩn có khả năng chống bom hạt nhân được trang bị cho toàn bộ dân cư trong nước, mặc dù có thể họ sẽ không bao giờ phải dùng đến chúng theo đúng mục đích. Điều 45 và 46 của Luật Bảo vệ dân sự Liên bang Thụy Sĩ quy định: "Mọi người dân phải có một nơi an toàn để có thể di chuyển từ nơi mình cư ngụ đến đó một cách nhanh chóng" và "những chủ sở hữu chung cư cần xây dựng và tu bổ những nơi trú ẩn cho tất cả những người sống trong chung cư". Đó là lý do tại sao phần lớn những ngôi nhà xây dựng từ những năm 1960 ở Thụy Sĩ đều được trang bị hệ thống hầm đặc biệt này.

Trong thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh, rất nhiều boongke của quân đội Thụy Sĩ được trang bị thêm khả năng chống chọi những cuộc tấn công hạt nhân. Một số boongke có tính năng đặc biệt ngày nay đã được bán cho tư nhân. Như từ đầu thập niên 90, ở thành phố St. gallen, thủ phủ bang cùng tên đã khánh thành căn hầm trú ẩn công cộng trị giá đến 3 triệu euro.

Khu hầm ngầm đồ sộ này hiện đang được một công ty lữ hành thuê lại, với tên gọi "Khách sạn không sao" có sức chứa 300 giường và các tiện nghi tối thiểu, nhằm lôi cuốn những du khách muốn trải nghiệm cảm giác lạ khi được qua đêm dưới lòng đất. Còn tại các đô thị khác, hầm trú ẩn công cộng thường được sử dụng tạm thời làm cửa hàng, thư viện, nhà sách hay rạp chiếu phim... Nhưng khi "có biến", chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ là chúng trở lại công năng ban đầu, đón tiếp người dân đến trú ngụ hàng tuần liền trước thảm họa hạt nhân.

Theo quy định về xây dựng tại Thụy Sĩ, tất cả các tòa nhà chung cư đều phải có hệ thống hầm trú ẩn phòng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, thiên tai, và điều đặc biệt là những hầm này đều được lắp đặt các trang thiết bị đương đầu các cuộc tấn công hạt nhân. Điều kiện đầu tiên là cửa ra vào các căn hầm phải được làm từ loại thép đặc biệt, dày đến 20cm, tương tự các cánh cửa vào khu hầm ngầm của các ngân hàng lớn nhưng thường được viền bọc cao su dày để chống sóng xung kích, hiện tượng sóng được tạo ra trong trường hợp bom nguyên tử phát nổ. 

Các khoang trú ẩn trong hầm phải được đổ bê tông với độ dày từ 0,5m-1m; hầm phải có hệ thống điều hòa và thông gió hoàn hảo. Hệ thống cảm ứng điện được lắp đặt dưới hầm cho phép người đi đến đâu thì đèn bật sáng đến đó, sau khi đi qua đèn tự tắt. Cuối cùng là những trang thiết bị dã chiến theo mô hình của quân đội.

Mỗi căn hộ tại Thụy Sĩ khi được cho thuê hay được bán đều đi kèm với những căn hầm như vậy. Cần biết rằng, Thụy Sĩ là đất nước duy nhất trên thế giới tồn tại sắc thuế "xây và bảo trì hầm trú ẩn tránh chiến tranh hạt nhân".

Trong thời bình, những căn hầm này được người dân sử dụng như một nhà kho nhỏ vì theo tập quán, hầu như mỗi ngôi nhà ở Thụy Sĩ đều có hầm dự trữ lương thực thực phẩm, nước uống và thuốc men đầy đủ bảo đảm có thể duy trì cuộc sống biệt lập trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và trong một thời gian dài. Khi xảy ra khủng hoảng, chúng sẽ biến thành các căn hầm trú ẩn đặc biệt. Thậm chí, nhiều gia đình còn thường xuyên sống dưới tầng ngầm đề phòng các sự cố bất trắc.

Theo thống kê của Swissinfo, người Thụy Sĩ chi tiêu nhiều nhất thế giới (hơn 20% thu nhập) để đảm bảo an toàn đời sống, chống lại mọi mối đe dọa từ bên ngoài. Trong số đó, khoảng 130 triệu USD do khu vực tư nhân chi trả, phần còn lại do các cơ quan nhà nước Thụy Sĩ đảm nhiệm. Để xây dựng một hầm trú ẩn hạt nhân tại nhà riêng tốn khoảng hơn 10.000 USD. Người dân có nhà riêng (không phải chung cư) không bắt buộc phải xây dựng một hầm trú bom kiên cố. Thay vào đó, họ phải trả cho quận nơi mình ở 1.500 CHF (Franc Thụy Sĩ) cho mỗi vị trí trong các hầm trú ẩn công cộng.

Trên đây là những công trình phục vụ cho dân chúng, còn công trình ở tầm quốc gia có thể kể đến K20- mật danh của công trình hầm ngầm quân sự trị giá 259 triệu CHF. Được khởi công xây dựng trong thập niên 80, K20 nằm trong vùng núi quanh năm tuyết phủ trên độ cao 1.200m so với mực nước biển. Hệ thống K20 dành riêng cho giới lãnh đạo, viên chức cao cấp trong Chính phủ Thụy Sĩ. Trong trường hợp đất nước bị tấn công hạt nhân, toàn bộ ban lãnh đạo, bao gồm cả các thành viên quốc hội, cũng như đội quân cố vấn, các trợ lý tháp tùng sẽ được di tản cấp tốc tới đây.

K20 có diện tích sử dụng tương đương một tòa nhà rộng lớn với sức chứa hàng trăm người, tích trữ khối lượng lương thực và nhu yếu phẩm đảm bảo cho các "cư dân" đặc biệt có thể sống và làm việc trong thời gian 5-6 tháng.

Thoạt trông bên ngoài, K20 cũng giống như bao hầm ngầm công cộng khác, nhưng ngay sau cổng chính vào hầm ngầm là bãi đậu xe rộng mênh mông dành cho các nhân sự phục vụ bộ máy kỹ thuật và hành chính. Mọi ngả ra vào được kiểm tra bằng hệ thống máy quét nhận dạng sinh học như đối chiếu giọng nói, quét mống mắt… tích hợp kết quả kiểm tra với mã số nhận dạng cá nhân được cơ quan an ninh liên bang cấp cho từng đối tượng được phép ra vào khu vực đặc biệt này.

Để chính phủ liên bang có thể tiếp tục điều hành đất nước trong điều kiện thời chiến, các tầng bên dưới công trình K20 được thiết kế riêng biệt cho mục đích duy trì thông tin liên lạc, phát thanh và truyền hình, bao gồm cả phòng họp với các thống đốc bang bằng cầu truyền hình qua kênh mật mã. Được biết ngoài K20, trên lãnh thổ Thụy Sĩ còn vài công trình tương tự, mỗi hầm trú ẩn đồ sộ trị giá từ 80-120 triệu CHF.

Năm 2005, một số nghị sĩ đã đề xuất bỏ quy định bắt buộc phải xây dựng hầm chống bom hạt nhân đối với các công trình tư nhân vì cho rằng, điều này chỉ thể hiện "định kiến quá khứ", không còn phù hợp với mục đích sử dụng đối với số đông, đồng thời đẩy chi phí xây dựng lên cao. Theo thống kê, đến năm 2006, Thụy Sĩ đã có khoảng 300.000 hầm chống hạt nhân tại nhà riêng, công sở, bệnh viện… đảm bảo chỗ trú ẩn cho 7,5 triệu người và 5.100 hầm công cộng cho 1,1 triệu người khác; cộng gộp lại thì nhiều hơn dân số Thụy Sĩ.

Thế nhưng con số hầm ngầm vẫn tiếp tục tăng lên cùng với số lượng các tòa nhà mọc lên khắp Thụy Sĩ, trong khi nhà cầm quyền Thụy Sĩ kiểm soát rất chặt chẽ việc xây dựng. Chi phí hàng năm để xây dựng, bảo trì hay phá hủy các hầm trú ẩn này lên tới khoảng gần 170 triệu CHF (tương đương khoảng 180 triệu USD). Tổng giá trị của hệ thống hầm trú ẩn bom hạt nhân tại Thụy Sĩ trị giá khoảng 13 tỷ USD.

Đầu tháng 3-2011, sau hai thập niên kết thúc Chiến tranh Lạnh, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ nhất trí bãi bỏ đạo luật bắt buộc này. Nhưng chỉ 2 ngày sau khi ghi nhận đầy đủ thông tin về thảm họa sóng thần Fukushima gây ra hậu quả nặng nề ở Nhật Bản (xảy ra ngày 11-3-2011), Quốc hội Thụy Sĩ liền tức tốc triệu tập một phiên họp đặc biệt để đánh giá tình hình. Lần này, với tư duy "Tất cả nhằm đảm bảo một tương lai chắc chắn cho mọi người dân Thụy Sĩ", Chính phủ Thụy Sĩ nhất trí khôi phục lại đạo luật vừa xóa bỏ trước đó ít ngày và kết luận rằng, hệ thống boongke và hầm trú ẩn đang hiện hữu vẫn sẽ được sử dụng, không chỉ trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang, mà còn giúp đối phó với những cuộc tấn công khủng bố sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng hay khi xảy ra những thảm họa thiên tai.

Quang Học (tổng hợp)
.
.