Tiềm năng con người cho mục đích quân sự trên thế giới

Thứ Tư, 24/04/2019, 06:50
Dư luận Nga đang có nhiều tranh luận liên quan tới bài báo có nhan đề “Siêu chiến sĩ cho các cuộc chiến tương lai” của đại tá Nikolay Poroskov đăng trên tạp chí của Bộ Quốc phòng Nga về các nghiên cứu đối với quân đội Nga trong lĩnh vực cận tâm lý.

Nhưng xét trong lịch sử, quân đội nhiều nước đã có nhiều dự án nghiên cứu những khả năng dị thường của con người để có thể sử dụng cho các mục đích quân sự. Thử điểm qua một số nghiên cứu đáng chú ý và những kết quả thực sự của chúng…

Thuật ngữ “chiến tranh tâm lý” đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử chiến tranh, ý nói tới việc tác động lên nhận thức chung và tinh thần của quân đội qua những biện pháp tuyên truyền. 

Trong lĩnh vực này, giới quân sự không chỉ hạn chế việc tác động một cách thông thường tới tâm lý của các chiến binh, mà dần dần còn nghĩ tới giải pháp “cận tâm lý” nhằm mục đích có thể điều khiển được cả suy nghĩ của đối tượng. Trong thế kỷ XX, những dự án nghiên cứu kiểu trên thậm chí còn được đánh giá là quan trọng và đầy hứa hẹn.

Di sản của đế chế thứ 3

Nếu lần lại lịch sử, quốc gia nổi tiếng là có mối quan tâm đặc biệt nhất tới các khả năng dị thường và thuyết huyền bí lại chính là Đế chế thứ 3 của phát xít Đức. 

Đế chế thứ 3 của Hitler có mối quan tâm đặc biệt tới các khả năng dị thường và thuyết huyền bí.

Theo các nhà sử học, Adolf Hitler và những tay chân thân cận nhất của hắn từng sử dụng các hình thức kiểu thần giao cách cảm, trở thành những kẻ đam mê thực sự với những trò huyền bí. Cần nhớ là chính thế giới quan của chủ nghĩa phát xít, với quan điểm phải thực thi chính sách diệt chủng, phần nhiều được hình thành từ “Thule Society”, một hội huyền bí tồn tại từ đầu thế kỷ XX.

Những thành viên thuộc hội này rất say mê với những học thuyết của phương Đông, tìm kiếm trong những cuốn sách cổ những cơ sở để khẳng định sự vượt trội của cái gọi là chủng tộc Aryan so với các chủng tộc được coi là thấp hèn khác. 

Cho dù trong các tài liệu của Đảng quốc xã và nước Đức phát xít chỉ nhắc đến “người Đức” chứ không nói tới người Aryan, nhưng chính những ý tưởng về sự vượt trội được thần thánh hóa của chủng tộc này trong “Thule Society” đã cổ vũ quân phát xít thi hành những chính sách cực đoan với hành vi diệt chủng là đỉnh điểm.

Những truyền thuyết về chủng tộc Bắc Âu và huyền thoại về những tổ tiên anh hùng đã thúc đẩy Đức phát xít vào thời đó thành lập ra Viện Ahnenerbe (Có nghĩa là “Di sản của tổ tiên”). Các nhân viên của viện này không những tham gia nghiên cứu về lịch sử và văn hóa; mà còn nghiên cứu nhiều khả năng đặc biệt khác như thần giao cách cảm, thuật chiêu hồn, trò phù thủy cùng nhiều trò huyền bí bị cấm đoán khác.

Các nhân viên Viện Ahnenerbe còn tổ chức nhiều chuyến thám hiểm nhằm tìm kiếm những báu vật cổ xưa mà họ cho rằng không chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà còn chứa trong mình sức mạnh dị thường. Đây chính là cơ sở để các nhà làm phim Hollywood xây dựng bộ phim “Indiana Jones and the Raiders of the Lost Ark” (Indiana Jones và chiếc rương thánh tích), trong đó nhân vật chính do tài tử Harrison Ford thủ vai đã tìm mọi cách ngăn vật báu “Hòm bia giao ước” rơi vào tay quân phát xít.

Otto Rahn, kẻ trong nhiều năm đã tìm cách lùng sục chiếc chén thánh trong truyền thuyết theo lệnh của Hitler.

Còn ví dụ trên thực tế của những nỗ lực tìm kiếm trên chính là câu chuyện của tên chỉ huy SS Otto Rahn, kẻ trong nhiều năm đã tìm cách lùng sục chiếc chén thánh trong truyền thuyết từ thời trung cổ. Giới lãnh đạo Đế chế thứ 3 tin rằng, những vật thiêng kiểu trên cùng những kiến thức huyền bí từ xa xưa có thể giúp chúng phát triển được những khả năng siêu nhiên để trở thành một quân đội vô địch.

Nhưng tất cả những hy vọng và nỗ lực trên đã không đem lại kết quả - không thể biến quân Đức trở thành những siêu nhân, cũng như giúp cho chúng thắng được cuộc chiến. Lãnh đạo của Viện Ahnenerbe là Wolfram Sievers đã bị kết án tử hình tại phiên tòa Nuremberg. 

Dù vậy, xung quanh Viện Ahnenerbe vẫn còn nảy sinh khá nhiều những truyền thuyết. Chẳng hạn như theo một giả thuyết, Mussolini đã được giải cứu thành công vào năm 1943 nhờ sự giúp đỡ của một số phù thủy, những người đã dùng khả năng dị thường của mình để giúp xác định ra nơi ẩn náu của tên trùm phát xít.

Cuộc chiến siêu nhiên thời chiến tranh lạnh

Sau thế chiến thứ 2, bắt đầu có nhiều quan điểm tin tưởng vào những khả năng đặc biệt của một số người, kiểu như có thể tìm thấy đồ vật bằng sức mạnh tư duy hay có thể nhìn thấy điều gì đang diễn ra tại một địa điểm nằm cách xa nào đó. Cùng với thế đối đầu hạt nhân vào nửa cuối thế kỷ XX, các cường quốc cũng tìm cách chạy đua ngay cả trong lĩnh vực siêu nhiên.

Năm 1978, quân đội Mỹ cho khởi động một dự án thần giao cách cảm đặc biệt có mật danh “Stargate”. Nhiệm vụ chính là phải nghiên cứu làm rõ có thể sử dụng một số chuyên gia thần giao cách cảm nhìn được từ những khoảng cách xa để sử dụng cho mục đích hoạt động gián điệp. Trong dự án có sự tham gia của cả Uri Geller, một ảo thuật gia Israel tự xưng có khả năng thần giao cách cảm nổi tiếng thế giới, về sau được đánh giá thực chất là kẻ lừa đảo. 

Uri Geller, ảo thuật gia Israel từng nhiều năm làm việc cho quân đội Mỹ trước khi bị phát hiện chỉ là kẻ lừa đảo.

Theo các tài liệu được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) công bố vào năm 2017, nguyên nhân khiến Mỹ triển khai dự án sau khi họ nhận được những thông tin về “các nghiên cứu tác động tâm lý” mà dường như Liên Xô đã tiêu tốn tới 60 triệu rúp. 

Cụ thể là các chuyên gia Xôviết dường như đã nghiên cứu được một phương pháp có thể tiêu diệt và phá hỏng phương tiện kỹ thuật của đối phương từ xa nhờ khả năng đặc biệt của các phù thủy. Tuy nhiên, không ai tìm được các thông tin liên quan đến chuyện này từ các kho lưu trữ của Liên Xô cũ. Nhiều khả năng, đó chỉ là những thông tin giả được cố tình cung cấp cho phương Tây.

Hiện cũng chưa rõ các bên trong Chiến tranh Lạnh đã đạt được những thành quả gì. Nhưng riêng dự án “Stargate” đã kéo dài gần 20 năm với sự tham gia của 277 phù thủy và nhà ngoại cảm trong tổng cộng 26 ngàn các thử nghiệm thần giao cách cảm khác nhau. Dù một vài thử nghiệm trong số này được đánh giá là có hiệu quả, nhưng CIA sau khi phân tích và đánh giá tổng thể vào năm 1995 đã thừa nhận đó là những nghiên cứu vô nghĩa và cho đóng lại dự án. 

Các chuyên gia ngoại cảm tham gia trực tiếp vào dự án cũng không được hé răng tiết lộ về những nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình này. 

Chỉ một năm sau, cụ thể là vào năm 1996, ảo thuật gia James Randi đã thành lập một quỹ trị giá cả triệu đôla, treo giải cho bất cứ cá nhân nào có thể chứng minh được các kỹ năng siêu nhiên của mình trong các điều kiện giám sát chặt chẽ tại phòng thí nghiệm. Số tiền trên hiện vẫn chưa ai có thể giành được.

Ngoại cảm chống khủng bố?

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, nước Mỹ đã tập trung mọi nỗ lực để tìm kiếm những thủ phạm đứng đằng sau. Washington đã săn lùng những tên khủng bố bằng tất cả những phương pháp có thể, trong đó có thu hút sự tham gia của các cơ quan mật vụ nhiều nước. Trong khuôn khổ chiến dịch này, Bộ quốc phòng Anh đã cung cấp tài chính cho một loạt các nghiên cứu về cái gọi là “khả năng quan sát từ xa”.

Những tài liệu được công bố sau này vào năm 2008 cho thấy, người Anh đã tiến hành tổng cộng 18 phiên thử nghiệm với sự tham gia của các phù thủy không chuyên. Những người tham gia phải cố gắng nhìn được điều gì trong một bức tranh nằm ở căn phòng bên cạnh, trong khi các thiết bị sẽ đo trường điện từ xung quanh những mục tiêu này với hy vọng sẽ thu được điều dị thường nào đó.

Các kết luận đưa ra cũng không có gì bất ngờ khi giống với các đồng nghiệp Mỹ trước đây: các khả năng ngoại cảm không thể có tác dụng trong điều kiện phòng thí nghiệm. Chỉ có 28% các phù thủy có thể mô tả điều gì đó trong bức tranh, nhưng không một ai có thể đưa ra kết quả chính xác như mong muốn. Kết quả này cũng chấm dứt mọi nỗ lực của người Anh để có thể hy vọng tìm kiếm những tên khủng bố từ xa.

Một bảng tổng hợp nghiên cứu “khả năng quan sát từ xa” của người Anh.

Bất chấp lịch sử nhiều năm đều gặp thất bại trong việc nghiên cứu những siêu khả năng của bộ não con người, giới khoa học vẫn không chịu chùn bước. Năm 2014, Cục nghiên cứu hải quân Mỹ đã chi 3,85 triệu đôla cho dự án nghiên cứu về linh cảm – cụ thể là khả năng dự đoán về các sự kiện trong tương lai.

Các nhà khoa học cho rằng, hoàn toàn có khả năng thấu hiểu được tiến trình giúp có thể nhìn trước một cách chính xác những sự kiện sắp xảy ra. Và nếu có thể hiểu được thực chất của điều này, hoàn toàn có thể áp dụng để phát triển những linh cảm siêu nhiên cho quân nhân Mỹ.

Công việc nghiên cứu khoa học này được bắt đầu sau khi các nhà nghiên cứu đã thu thập được đáng kể báo cáo về một số sự kiện nhất định đã từng xảy ra trên chiến trường. Trong các sự kiện trên, những người lính đều thừa nhận rằng họ đã hành động chính xác hoàn toàn theo cảm tính xuất phát từ một “giác quan thứ sáu” nào đó. 

Một trong những sự kiện đáng chú ý như vậy dường như đã diễn ra tại Iraq vào năm 2006, khi trung sĩ Martin Richbourg đã kịp thời ngăn chặn vụ đánh bom tại một quán cà phê internet, cứu sống những người đang có mặt tại đây.

Theo lời của tay lính thủy đánh bộ này, chính linh cảm đã khiến anh ta để mắt và kiểm tra một người Iraq không có gì khác thường khi vừa bước vào cửa hàng, nhờ đó đã phát hiện ra hắn chính là tên khủng bố. Trong nghiên cứu lần này, giới quân sự Mỹ đang cố gắng né tránh những từ ngữ mang tính chất huyền bí, mà chỉ gọi những nghiên cứu của mình là “kỹ năng hiểu thấu”.

Có thể nói, Lầu Năm Góc hiện nay đang đặc biệt quan tâm tới khả năng ứng dụng giác quan thứ sáu trong các chiến dịch quân sự. 

“Nếu chúng tôi có thể phân tích được quá trình đưa ra quyết định bằng linh cảm và mô phỏng được nó, chúng tôi sẽ học được cách tạo dựng và thúc đẩy loại linh cảm này – Brent Olde, một quan chức quân đội tham gia dự án nghiên cứu này giải thích – Chúng tôi đang hứng thú tìm hiểu, liệu có một phương pháp có thể cải thiện được linh cảm nhờ luyện tập hay không?”.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.