Tiền Nga, tiền Đức và hòn đảo Thần Vệ nữ: Tương lai bất định

Thứ Tư, 10/04/2013, 18:45

Đảo Síp đã thực sự náo loạn kể từ khi chính phủ của họ ngày 17/3 công bố kế hoạch đánh thuế lên tiền gửi tiết kiệm và lãi suất tiết kiệm của người dân. Cơn chấn động này gây nên làn sóng phản ứng quyết liệt của dân chúng, buộc quốc hội nhanh chóng phải phủ quyết kế hoạch ứng cứu trị giá 10 tỉ euro do bộ 3 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất.

Người Síp đang bế tắc chưa biết xoay trở ra sao. Bài toán đang được đặt ra là không thể đánh đổi quyền lợi công dân hòng hy vọng thoát khỏi chìm ngập trong nợ, song trước sức ép từ nhiều phía, vai trò của chính quốc đảo này với nền kinh tế eurozon đang làm đau đầu không chỉ những nhà lãnh đạo ở thủ đô Nicosia mà còn khiến giới tài phiệt gốc Nga phải đứng ngồi không yên.

Thách thức mang tên Síp

Giới chức đảo Síp đang chạy đua với thời gian khi thời hạn hoàn thành kế hoạch giải cứu các ngân hàng nước này được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là ngày 25/3 đang đến gần. Nếu gói kế hoạch giải cứu không được thông qua, ECB và cả IMF đều sẽ không rót tiền và các ngân hàng Síp có nguy cơ phá sản, vì chính phủ cũng không có đủ tiền để tự cứu. Nếu điều này xảy ra, giới chuyên gia dự báo có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính châu Âu và thế giới.

Sáng ngày 21/3, đại diện ECB đã thông báo nếu đến ngày 25/3 mà giới chính trị Síp không thể hoàn tất được kế hoạch cải tổ cơ cấu hệ thống ngân hàng, đồng thời huy động khoản tiền đối ứng tương đương 7,5 tỉ USD thì ECB sẽ ngừng cung cấp tài chính cứu trợ khẩn cấp cho các ngân hàng của Síp. Trong khi đó, giới chức Síp vẫn chưa quyết định được nguồn thu để có được con số 7,5 tỉ USD.

Tình trạng khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng Síp xuất phát từ việc báo chí nước này tung tin Ngân hàng lớn thứ nhì nước này là Laiki Bank có nguy cơ phải đóng cửa do nợ xấu đã vượt gấp nhiều lần số vốn ngân hàng hiện có. Và Laiki Bank là một trong số nhiều ngân hàng của Síp bị "vạ lây" do có mối liên hệ làm ăn chặt chẽ với nước láng giềng Hy Lạp - trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng toàn châu Âu hiện nay.

Để tránh nguy cơ Laiki Bank cùng nhiều ngân hàng khác đi đến sụp đổ, EU và IMF đã quyết định can thiệp bằng gói giải cứu 20 tỉ USD, trong đó phần EU và IMF cung cấp gần 13 tỉ USD, còn lại khoảng 7,5 tỉ USD Síp phải tự vận động tìm nguồn đối ứng. Để có được khoản tiền này, Chính phủ Síp đề xuất đánh thuế lên các tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Theo kế hoạch, những tài khoản tiền gửi tiết kiệm trị giá từ 100.000 euro (tương đương 130.000 USD) trở lên sẽ chịu mức thuế (thu một lần) là 9,9%, còn những tài khoản dưới 100.000 euro sẽ chịu mức thuế 6,75%. Việc đánh thuế này đã được đưa vào thành một phần trong thỏa thuận gói cứu trợ giữa EU, IMF với Chính phủ Síp.

Chính sách thuế bất hợp lý đó ngay lập tức nhận được sự phản đối của người dân Síp - những người đang có tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng Síp, và đặc biệt là Nga - quốc gia có quan hệ đầu tư và tài chính khá chặt chẽ với Síp, đồng thời cũng là một trong những quốc gia ngoài EU cho Síp một khoản tiền lớn.

Ngày 22/3, giới chính trị Síp đã tiếp tục nỗ lực lần hai để thông qua gói kế hoạch giải cứu. Trước sự phản đối rộng rãi của dân chúng, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades đã đề nghị nên sửa đổi, miễn thuế cho những tài khoản từ 20.000 euro (26.000 USD) trở xuống. Tuy nhiên, ngay cả với đề xuất này thì khả năng chính sách thuế đó được thông qua cũng không cao.

Người dân đảo Síp nói “không” với kế hoạch đánh thuế tiết kiệm.

Hệ thống ngân hàng Síp hiện có tổng số dư tiền gửi tương đương gấp 8 lần GDP nước này. Vì vậy, nguy cơ lớn nhất nếu các ngân hàng không được giải cứu là tình trạng phá sản lan rộng toàn quốc, kéo theo sự sụp đổ của nền tài chính Síp, mà hệ lụy nghiêm trọng nhất chính là sự sụp đổ của nền kinh tế.

Nếu gói kế hoạch giải cứu được Quốc hội thông qua, Síp sẽ nhận được 13 tỉ USD từ ECB và IMF, gộp cùng với 7,5 tỉ USD huy động từ tiền thu thuế tiền tiết kiệm để đảm bảo giải nguy tạm thời cho hệ thống ngân hàng, đồng thời tiến hành các công việc cần thiết để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Laiki bằng cách tách ngân hàng này thành hai phần: phần Laiki Bank xấu sẽ bao gồm tất cả các khoản nợ xấu, và phần Laiki Bank tốt bao gồm các khoản dư tiền gửi và các khoản nợ tốt, có khả năng thu hồi. Phần Laiki xấu sẽ có nhiệm vụ thu hồi nợ được chừng nào hay chừng đó, càng nhiều càng tốt. Phần Laiki tốt sẽ hoạt động bình thường và bảo đảm an toàn cho các tài khoản tiền gửi.

Nhưng điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Ngay khi có thông tin nhà nước sẽ thu thuế tiền gửi tiết kiệm, người dân Síp đã ùn ùn kéo đến các ngân hàng và các máy ATM của Ngân hàng Laiki cùng nhiều ngân hàng khác để rút tiền mặt. Tình trạng rút tiền mặt này đã làm cho nhiều máy ATM bị trục trặc và hết tiền, đặt nhiều ngân hàng có nguy cơ thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng. Vì thế các ngân hàng đã đồng loạt tuyên bố đóng cửa để chờ giải pháp của Chính phủ Síp.

Theo giới phân tích, hiện giới chính trị Síp đang muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước Nga trong nỗ lực tìm nguồn vốn đối ứng 7,5 tỉ USD. Tối 19/3, Bộ trưởng Tài chính Síp Michael Sarris đã đến Nga, trong khi Tổng thống Anastasiades cũng khẩn trương điện đàm với Tổng thống Nga Putin về tình hình khủng hoảng hiện tại.

Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michael Sarris gặp gỡ giới báo chí sáng 20/3 sau cuộc làm việc với Bộ Tài chính Nga.

Người ta đang hy vọng với các mối quan hệ đầu tư và tài chính lâu nay và những lợi ích kinh tế hiện tại, Moskva sẽ nhón tay giúp đỡ người bạn "nhỏ bé mà quan trọng" này.

Những đồng tiền Nga trên đảo Síp

Mối quan hệ tài chính và ngân hàng của Síp với nước Nga đã có từ thời Liên bang Xôviết và ngày càng sâu đậm hơn sau khi Liên Xô tan rã.

Ngay từ thời Chiến tranh lạnh - trước 1991 - Moskva đã có quan hệ thân hữu với Nicosia vì Síp là một ngả giao lưu và đầu cầu cho Liên Xô đi vào vùng biển ấm của miền Nam. Trong vụ tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ về nước Cộng hòa TRNC, quan điểm của Nicosia được Moskva ủng hộ và Síp là một cơ sở tình báo và tài chính cho các tổ chức Xôviết ở Địa Trung Hải.

Sau khi Liên Xô tan rã từ cuối năm 1991, Síp đã trở thành thiên đường tài chính cho các đại gia và tài phiệt Nga tẩu tán tài sản và rửa tiền. Trong số các trương chủ ký thác tiền bạc vào hệ thống ngân hàng của Síp, có rất nhiều thân chủ là tài phiệt Nga. Người ta đồn đoán rằng, tài sản nguồn từ Nga trong các ngân hàng này có thể lên tới 31 tỉ EUR trong tổng số được ước lượng là 68 tỉ. Đây chỉ là con số ước lượng vì khó ai biết được rành rẽ các thân chủ đặc biệt này.

Năm 2009, Moskva đã từng đề nghị cho Nicosia vay tiền để chuộc nợ với điều kiện là cung cấp thông tin về những người giàu của nước Nga đã qua gửi tiền hoặc rửa tiền tại Síp. Hiện tại, các ngân hàng Nga cho vay khoảng 40 tỉ USD cho các công ty của những ông chủ người Nga đang hoạt động ở đảo quốc này. Nếu tình hình ở Síp tệ hơn, để ngăn chặn dòng vốn chảy ra, Chính phủ Síp chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn và những biện pháp kiểm soát như vậy được giới phân tích dự đoán, sẽ khiến các ngân hàng Nga thiệt hại tương đương 2% GDP. Đó hiển nhiên là một cú đòn nặng cho nền kinh tế Nga.

Ngoài chuyện tiền bạc, một lý do đặc biệt không kém là Síp được cho là khách hàng tiêu thụ hỏa tiễn phòng không loại S-300 của Liên bang Nga. Không chỉ là trung tâm rửa tiền, Síp còn là nơi tiêu thụ vũ khí từ Nga. Người ta còn nhận thấy rằng, Síp khó gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO vì quan điểm bất đồng của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của tổ chức này, và vì lập trường thân Nga của Nicosia. Do đó, với Liên bang Nga, Síp có thể là một đầu cầu chiến lược cho Moskva, nhất là khi hiện nay Liên bang Nga đang mất một đầu cầu khác cho Hạm đội Hắc hải của mình là quân cảng Tartus của Syria.

Chừng ấy lý do về tài chính và an ninh giải thích vì sao ngay từ đầu, Nga kịch liệt phản đối gói ứng cứu của bộ 3 IMF, EC và EU, đặc biệt đối với đề xuất đánh thuế tiết kiệm. Điều ấy cũng giải thích vì sao Tổng thống Vladimir Putin đả kích quyết định đánh thuế của chính quyền đảo Síp là "bất công, không chuyên nghiệp và nguy hiểm".

Thủ tướng Dmitri Medvedev thì gọi đó là "một biện pháp tịch thu tài sản của thiên hạ" và tỉ phú Mikhail Prokhorov của Nga còn cảnh báo rằng đấy là một tiền lệ đáng ngại vì xâm phạm vào quyền tư hữu của người khác. Do phản ứng gay gắt của Nga, Bộ trưởng Tài chính Síp đã phải bay qua Moskva hôm 19/3 để giải thích, và cũng để bàn lại về khoản tiền 2,5 tỉ euro mà Nga đã cho Nicosia vay.

Trước đó, Nga đề xuất ứng cứu Síp thông qua Công ty Dầu khí quốc doanh Gazprom, nhà khai thác khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới. Dù Gazprom chưa nói rõ sẽ ứng cứu trọn gói cho Síp (10 tỉ euro) như bộ 3 kể trên, hay chỉ giúp đảo quốc này 5,8 tỉ euro để đáp ứng yêu cầu cứu trợ của bộ 3, nhưng để đổi lại Síp phải nhượng lại quyền khai thác tất cả các mỏ khí đốt trong nước cho Gazprom.

Đáng nói là theo ước tính, các mỏ khí đốt của Síp này có giá trị lên tới 300 tỉ euro. Ngoài ra, Moskva có thể sẽ yêu cầu Síp phải mạnh tay với nhiều trọc phú Nga, những người bị cáo buộc dùng Síp để rửa tiền và trốn thuế. Điều này có thể gây tổn hại lớn đến nguồn tiền của các ngân hàng Síp.

Người Đức bơm tiền kèm theo bức tử

Mọi người đều ngạc nhiên về việc trong những điều kiện đi kèm gói ứng cứu mà EU và IMF đưa ra vừa rồi là giải pháp đánh thuế tiền gửi. Song mọi người có thể tìm ra lý do vì sao, người Đức lại nghĩ ra sáng kiến này và nó đem lại lợi ích gì cho Đức.

Trong 4 năm khủng hoảng của eurozon, nước Đức đã chi bộn tiền để cứu lấy đồng bạc châu Âu và quyền lợi kinh tế của mình, như một nước xuất cảng mạnh nhất. Cứu lấy đồng euro cũng có nghĩa là chuộc nợ cho 4 nước lâm nạn ở miền Nam và một Ireland ở miền Bắc. Nhưng Đức chỉ có thể làm như vậy khi các nước kia chấp nhận hy sinh và các chủ nợ cũng chịu một phần thiệt hại.

Thủ tướng Angela Merkel phải xoay trở với bài toán này, trong khi dư luận ở nhà và cử tri trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới đây cũng đặt vấn đề là vì sao họ lại phải hy sinh cho các chế độ bao cấp và vô trách nhiệm ở miền Nam. Đấy là lý do khiến Berlin gây áp lực rất mạnh với Nicosia về kế hoạch cấp cứu, kể cả biện pháp huy động đâu đó gần 6 tỉ euro để bổ sung cho 10 tỉ euro của châu Âu. Mà vấn đề của Síp nhưng thực chất chìm sâu hơn bên dưới là vai trò của Nga. Người Đức sao phải mất tiền cứu Síp để bảo vệ tiền bạc mà tài phiệt Nga đang sinh sôi nảy nở trên đảo quốc này?

Bởi vậy, chắc chắn Đức và Nga đều đang chi tiền viện trợ cho Síp, mỗi nước theo một cách và vì một mục tiêu của riêng mình.

Berlin muốn Nicosia điều chỉnh lại chi thu, cải tổ hệ thống ngân hàng và kinh doanh, kể cả cho nước ngoài giám định lại giá trị tài sản của các ngân hàng và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao khả năng cạnh tranh. Còn Moskva cho Nicosia vay tiền để nâng tầm ảnh hưởng chiến lược của mình, bảo vệ quyền lợi của người Nga trong khi cũng giúp họ điều tra các ông trùm tham nhũng đã tẩu tán tài sản vào ngân hàng Síp.

Và cũng giống như bà Merkel, ông Putin không muốn bị dân chúng than phiền là bơm tiền cho Síp để bảo vệ tài sản của các tài phiệt hoặc tiền tham nhũng. Nhưng, người ta không quên rằng Đức là quốc gia nhập cảng khí đốt từ Nga và là khách hàng lớn nhất của Nga về loại năng lượng chiến lược này. Giờ đây, do áp lực của Đức mà Síp lại xâm phạm vào tài sản của dân Nga và đẩy lui ảnh hưởng của Moskva tại Nicosia thì vấn đề sẽ không chỉ là đồng euro nữa

Văn Trương - Phúc Linh - Phương Minh (tổng hợp)
.
.