Tiết lộ tài liệu mật của Bin Laden và Al-Qaeda:

Tiền viện trợ “vỗ béo” cho tổ chức khủng bố

Thứ Hai, 30/03/2015, 20:35
Những thư từ qua lại giữa Osama bin Laden và các thuộc hạ thân tín trong tổ chức khủng bố Al-Qaeda lần đầu tiên được đưa ra làm bằng chứng trong phiên tòa xét xử nghi can khủng bố người Pakistan Abid Nasser diễn ra hôm 26/2 vừa qua ở Brooklyn (New York, Mỹ) nằm trong số nhiều tài liệu mật tịch thu được từ nơi ẩn náu cuối cùng của trùm khủng bố ở thị trấn Abbottabad (Pakistan).

Abid Nasser bị buộc tội âm mưu đánh bom ở Manchester (Anh) vào năm 2008 - 2009. Các tài liệu mới được công bố tiết lộ bức tranh chi tiết về trùm khủng bố luôn cố gắng duy trì vai trò lãnh đạo của Al-Qaeda, không ngừng đối phó với mạng lưới gián điệp bủa vây của Mỹ và đồng minh.

Đây là lần thứ 2 các tài liệu mật của Bin Laden được công bố từ sau chiến dịch đột kích Abbottabad tiêu diệt trùm khủng bố.

Trước đó, 17 lá thư mật dài đến 175 trang của Bin Laden được giải mật và chuyển giao cho Trung tâm Chống khủng bố (CTC) thuộc Học viện Quân sự Mỹ (USMA) ở West Point, New York, năm 2012.

"Chúng ta không biết nhiều về khả năng tình báo điện tử của đối phương"

Downrance - diễn đàn trực tuyến do Công ty Kronos Advisory chuyên điều tra nghiên cứu khủng bố, điều hành - có được toàn bộ tài liệu những lá thư mật của Bin Laden trao đổi với nhóm thuộc hạ thân tín và công bố chúng trên Internet.

Nhóm nghiên cứu và phân tích của Kronos bao gồm Cindy Storer, cựu chuyên gia phân tích Al-Qaeda của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và là thành viên nhóm điệp viên truy lùng trùm khủng bố đến Abbottabad của Pakistan.

Michael S. Smith II, đồng sáng lập và người điều hành Kronos cho biết, toàn bộ tài liệu (gồm hơn 150 trang) "đến từ nguồn đáng tin cậy" cho thấy nỗ lực trong tuyệt vọng của Bin Laden nhằm tiến hành những cuộc tấn công khủng bố ở hải ngoại.

Michael S. Smith II, đồng sáng lập và người điều hành tổ chức Kronos.

Trong một bức thư viết tay với nét chữ nguệch ngoạc trên mảnh giấy nhỏ nhàu nát, một chỉ huy các chiến dịch hải ngoại của Bin Laden thừa nhận đã bị mất liên lạc với nhóm Al-Qaeda được phái đến Anh, Nga và châu Âu để thực hiện âm mưu đánh bom khủng bố.

Trong khi đó, một thủ lĩnh quan trọng khác của Al-Qaeda nêu chi tiết về những khó khăn khi phải đối phó với máy bay vũ trang không người lái (drone) của CIA ở Pakistan.

Người này đề cập đến vụ drone giết chết thủ lĩnh cao cấp Mustafa Abu al-Yazid (còn gọi là Saeed al-Masri) năm 2010 như một ví dụ.

Cuối tháng 5/2010, al-Yazid có mặt tại một căn nhà ở khu vực bộ tộc của Pakistan để dự cuộc họp với "các anh em truyền thông" của mình thì bị một chiếc drone tấn công. Al-Yazid cùng vợ, 3 con gái và đứa cháu gái bị bom giết chết.

Thủ lĩnh Al-Qaeda cũng viết thư báo cáo đến Osama bin Laden về những cuộc tấn công drone ở Pakistan gây cản trở rất nhiều cho các chiến binh: "Máy bay vần vũ mỗi ngày trên bầu trời. Đôi khi có ít máy bay hơn do thời tiết xấu như mây mù hay sấm sét. Khi trời quang trở lại là chúng xuất hiện rầm rộ". Ngoài ra, Al-Yazid cũng báo cáo thành tích "thường xuyên phát hiện và phá vỡ" các mạng lưới gián điệp.

Theo nội dung những lá thư mật, ưu tiên hàng đầu của Bin Laden vẫn là các kế hoạch tấn công quy mô nhằm vào lãnh thổ Mỹ.

Trùm khủng bố lập luận rằng, con số những cái chết "bên lề" của dân thường ở Iraq và Afghanistan vẫn chưa đủ để dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Nhà ngoại giao Abdul Khaliq Farahi.

Bin Laden ví von trong bức thư gửi thuộc hạ: "Mỗi năm có đến 400.000 người chết vì khói thuốc lá. Một con số khổng lồ so với số người bị giết chết trong chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, song điều đó vẫn không khiến cho mọi người tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ đòi đóng cửa các công ty sản xuất thuốc lá".

Mô tả quan điểm về những chiến dịch ở Somalia, Bin Laden kêu gọi thuộc hạ nên gửi "một phái đoàn các lãnh đạo bộ tộc đáng tin cậy" đến gặp giới doanh nhân ở Vùng Vịnh và "tóm tắt với họ về điều kiện sống của người Hồi giáo ở Somalia cũng như trẻ con ở đây đang chết vì nghèo đói để nhắc họ nhớ đến trách nhiệm của mình đối với những người anh em Hồi giáo".

Trong thư Bin Laden cũng nói đến giá trị kinh tế tiềm tàng của cây dầu cọ trong khu vực: "Nên biết rằng, cách đây vài năm thu nhập từ 1 mẫu Anh cây dầu cọ là 750 USD và con số hiện nay đang lớn dần lên".

Những bức thư viết tay của Osama bin Laden.

Bin Laden cũng đặc biệt lo ngại về biến đổi khí hậu: "Hãy chú trọng báo cáo về biến đổi khí hậu, đặc biệt là những trận lũ lụt ở Pakistan. Hãy gửi báo cáo đến Đài Al-Jazeera".

Các tài liệu thư từ mới công bố phản ánh sự chú ý đặc biệt của Bin Laden đến khả năng tình báo điện tử của đối phương cả trước khi những rò rỉ từ  Edward Snowden cựu nhân viên NSA. Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ bắt đầu xuất hiện trên truyền thông.

Osama bin Laden viết trong một bức thư: "Như chúng ta đã biết, khoa học này không thuộc về chúng ta, không là phát minh của chúng ta. Điều đó có nghĩa là, chúng ta không biết nhiều về nó. Căn cứ vào đó, tôi thấy rằng việc gửi bất cứ vấn đề nhạy cảm nào thông qua email mã hóa là rất nguy hiểm".

Vài ngày sau cuộc đột kích Abbottabad tiêu diệt Osama bin Laden thành công, một quan chức tình báo Lầu Năm Góc mô tả những bộ tài liệu thu được là "bộ sưu tập lớn nhất trong số những tài liệu từ nhân vật khủng bố cao cấp từ trước đến nay" bao gồm những tài liệu viết tay, thiết bị ghi âm, tài liệu in cùng với các file tài liệu kỹ thuật số, âm thanh và video với đủ mọi kích thước.

Công tác phân tích những tài liệu mật tịch thu được - con số được báo cáo đến hàng ngàn -  nằm dưới sự lãnh đạo của  CIA cùng với sự hợp tác từ nhiều tổ chức chính phủ khác: Bộ An ninh Nội địa (DHS), Cục Điều tra liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Địa Không gian (GEOINT), NSA và Trung tâm Khai thác Truyền thông Quốc gia (NMEC) của Lầu Năm Góc.

Vào đầu năm nay, tờ New York Times đưa tin: Những tài liệu mật tịch thu được đã dẫn đến sự gia tăng "chưa từng có" những chiến dịch đột kích đặc biệt do Mỹ tiến hành ở Afghanistan.

Al-Qaeda từng nhận được khoản tiền CIA bí mật viện trợ cho Afghanistan

Tháng 9/2008, Tổng lãnh sự Abdul Farahi của Afghanistan bị bắt cóc ở Pakistan khi đang trên đường lái xe đến nơi làm việc và sau đó ông bị chuyển giao cho Al-Qaeda. Chính quyền Kabul không tiếp xúc trực tiếp với Al-Qaeda mà qua trung gian mạng lưới Haqqani vốn có mối quan hệ chặt chẽ với tổ cức này.

Mùa xuân năm 2010, giới chức chính quyền Afghanistan chấp thuận trả món tiền chuộc lên đến 5 triệu USD để Al-Qaeda thả nhà ngoại giao này. Đầu tiên, Afghanistan chuyển 2  triệu USD tiền mặt - trong đó 1 triệu USD rút từ khoản tiền CIA bí mật viện trợ Kabul - cho Al-Qaeda và sau đó tiếp tục chuyển thêm 3 triệu USD lấy từ các nguồn viện trợ từ Iran và các quốc gia Vùng Vịnh cũng như từ phương Tây.

Tổng thống Ashraf Ghani (giữa) và cựu Tổng thống Hamid Karzai (trái).

Trong bức thư gửi đến Bin Laden vào tháng 6/2010, một nhân vật cao cấp của Al-Qaeda là Abd al-Rahman nhấn mạnh: Số tiền chuộc khổng lồ này được sử dụng để mua vũ khí và các thiết bị thiết yếu khác phục vụ cho chiến dịch khủng bố.

Tuy nhiên, Bin Laden yêu cầu chuyển tiền bằng ngoại tệ khác thay vì USD do lo sợ Mỹ tẩm chất độc giết người hay phóng xạ để theo dõi từ trên không. (Những bức thư đề cập đến món tiền chuộc của Al-Qaeda được tiết lộ tại phiên tòa xét xử Abid Nasser mới đây).

Số tiền chuộc 5 triệu USD cũng được sử dụng để giúp đỡ gia đình những chiến binh Al-Qaeda bị giam giữ ở Afghanistan, và một số khác được chuyển đến cho Ayman al-Zawahri - người kế tục Bin Laden lãnh đạo tổ chức khủng bố và được ký tên là Abu-Muhammad trong những bức thư mật.

Các nhóm khủng bố khác nghe tin về khoản tiền chuộc khổng lồ nên cũng muốn hưởng một phần nào đó.

Trong bức thư đề ngày 23/11/2010, al-Rahman báo cáo cho Bin Laden biết số tiền 3 triệu USD còn lại đã nhận được và nhà ngoại giao Abdul Khaliq Farahi sau đó được giao trả cho chính quyền Kabul đúng theo như thỏa thuận.

Trong khi đó, CIA vẫn tiếp tục rót thêm tiền - mỗi lần từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu USD - cho Tổng thống Hamid Karzai vào mỗi tháng cho đến khi ông Karzai rời khỏi vị trí điều hành đất nước Afghanistan.

Tiền viện trợ được chính quyền Kabul sử dụng để mua sự trung thành của các thủ lĩnh quân sự, nhà lập pháp và các nhân vật quyền lực khác giúp củng cố quyền lực cho Hamid Karzai. Ngoài ra, tiền viện trợ cũng được dùng để chi trả cho những chuyến đi ra nước ngoài bí mật của giới chức ngoại giao hay trả tiền thuê nhà cho giới chức cao cấp trong chính quyền Afghanistan.

Sau khi Ashraf Ghani nhậm chức tổng thống Afghanistan vào tháng 9/2014, dòng chảy tiền viện trợ từ CIA bắt đầu giảm dần.

Tiết lộ từ những bức thư mật của Al-Qaeda cho thấy chính quyền Mỹ, hay cụ thể là CIA, đã tiêu tốn số tiền khổng lồ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Pakistan nhưng lại không được kiểm soát chặt chẽ cho nên một số  tiền lớn rơi vào tay Al-Qaeda vô tình giúp củng cố lực lượng khủng bố là điều dễ hiểu. Trước những tiết lộ mới này, giới chức CIA chỉ biết "ngậm bò hòn".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.