Tiết lộ căn cứ gián điệp tuyệt mật của Na Uy

Thứ Sáu, 09/03/2018, 10:29
Một căn cứ gián điệp gọi là Victory Garden ở phía bắc thủ đô Oslo của Na Uy bí mật giám sát những cuộc gọi điện thoại và email được truyền giữa người dân nước này và gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp của họ ở nước ngoài.

Căn cứ nằm dưới sự quản lý của Cục Tình báo quân đội Na Uy (NIS). Theo thông tin từ giới truyền thông Na Uy, NIS có khoảng từ 800 đến 1.000 nhân viên.

Sự ra đời của Victory Garden

Đằng sau một cơ sở quân sự bỏ hoang nằm ở Ringerike cách Oslo khoảng hơn 64km về phía bắc là căn cứ gián điệp tín hiệu của Na Uy được xây dựng với sự giúp đỡ từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Những chiếc đĩa khổng lồ màu trắng sáng – trong đó một số có đường kính đến hơn 18 mét – được bố trí trên những ngọn đồi thông và tòa nhà mái đỏ nằm rải rác trong khu vực.

Trạm gián điệp tín hiệu mang tên mã Victory Garden (tạm dịch: Khu vườn Chiến thắng) được xây dựng có vẻ như nhằm mục đích hỗ trợ của những binh sĩ Na Uy phục vụ ở hải ngoại và chống khủng bố. Nhưng trên thực tế, trạm cũng bí mật giám sát mọi cuộc gọi điện thoại giữa người Na Uy cũng như gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của họ ở nước ngoài – theo cuộc điều tra của Tập đoàn Truyền thông Na Uy (NRK). Các tài liệu mật bị rò rỉ mô tả căn cứ gián điệp là “cực kỳ hiện đại” và sử dụng các công nghệ tuyệt mật nhất của NSA.

Tướng Kjell Grandhagen (bắt đầu giữ chức giám đốc NIS từ năm 2009).

Căn cứ được xây dựng với giá hơn 33 triệu USD và được Cơ quan NIS tiến hành những chiến dịch tuyệt mật. Năm 2014, hoạt động thu thập dữ liệu tình báo tại Victory Garden là trung tâm cuộc bàn luận đằng sau “những cánh cửa đóng kín” giữa NIS và một ủy ban chịu trách nhiệm giám sát hành vi của các cơ quan tình báo Na Uy – gọi là EOS.

NIS lập luận rằng căn cứ hoạt động tuân thủ pháp luật và cần thiết. Nhưng, ủy ban EOS không đồng ý và nhận định việc thu thập và lưu trữ dữ liệu giao tiếp của người dân Na Uy là thiếu minh bạch về mặt luật pháp.

Trong khi bất đồng giữa 2 bên còn chưa được giải quyết rốt ráo thì hoạt động gián điệp của căn cứ có vẻ vẫn tiếp diễn. Sự hợp tác giữa NIS và NSA chính thức bắt đầu vào đầu thập niên 1950, khi Na Uy và Mỹ ký một hiệp ước gọi là Norusa. Do nằm gần Liên Xô và các căn cứ hải quân nước này trên Bán đảo Kola (miền bắc nước Nga), Na Uy đặc biệt có khả năng cung cấp thông tin tình báo có giá trị cho Mỹ về tàu ngầm, hệ thống tên lửa và hoạt động quân sự Xôviết trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đó chính là lý do Na Uy và Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau.

Tướng Morten Haga Lunde, Giám đốc NIS hiện nay.

Năm 2001, Na Uy thương lượng mua công nghệ do thám vệ tinh của NSA gọi là Fornsat. Vào 2 năm sau, NSA tiếp tục cung cấp cho Na Uy 4 hệ thống ăngten chuyên dụng. Tất cả đầu mang tên mã Winter Garden, Flower Garden, Topiary Garden, và từ đó tập hợp thành khu phức hợp Victory Garden.

Tháng 10-2005, NSA vận chuyển đến Na Uy bằng đường không và đường biển hơn 90 container chứa đầy những trang thiết bị điện tử phục vụ hoạt động tình báo tín hiệu (SIGINT). Tháng 12-2005, giám đốc NIS lúc đó là tướng Torgeir Hagen (lãnh đạo NIS từ năm 2002) tuyên bố Victory Garden sẵn sàng đi vào hoạt động.

Một tài liệu NSA mô tả nghi lễ khánh thành Victory Garden như sau: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu nhìn thấy những khả năng [tình báo] tương lai mang đến lợi ích cho 2 quốc gia và thế giới tự do”.

Ông Erik Reichborn - Kjennerud, nhà nghiên cứu Viện Na Uy về Các vấn đề Quốc tế (NUPI) đặt trụ sở tại Oslo, cho biết các tài liệu mật NSA bị rò rỉ hé mở cánh cửa cho phép mọi người nhìn vào mối quan hệ giữa NIS và NSA ngày càng trở nên chặt chẽ đến mức “có vẻ như Na Uy ngày càng yêu cầu được phía Mỹ hỗ trợ nhiều hơn nữa những khả năng bao gồm huấn luyện nhân viên để thực hiện sứ mệnh gián điệp hiệu quả hơn”. Trong khi đó, hoạt động gián điệp của NIS “rất ít được bàn luận công khai ở Na Uy”, theo Reichborn-Kjennerud.

Mạng lưới ăngten của NIS ở căn cứ gián điệp Victory Garden, cách Oslo khoảng 64km về phía bắc.

Từ trước đến nay, căn cứ Victory Garden bí mật đến mức ủy ban EOS không hề đề cập đến nó trong các báo cáo công khai hàng năm của mình. Những cuộc họp về ngân sách dành cho quốc phòng Na Uy chỉ nói đến kế hoạch “hiện đại hóa Trạm Vệ tinh Mặt đất Quốc phòng” của nước này mà không hề đề cập đến Victory Garden.

Trong khi đó, người dân địa phương chỉ được chính quyền cho biết là những chiếc đĩa trắng khổng lồ ở Victory Garden được sử dụng vào mục đích phục vụ liên lạc với các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và binh sĩ Na Uy ở hải ngoại.

Khả năng hoạt động của Victory Garden

Trong suốt thời gian bầu cử nghị viện ở Na Uy năm 2017, nữ Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Ine Eriksen Soreide (giữ chức vụ từ năm 2013 và vừa được bổ nhiệm vào vị trí Ngoại trưởng trong tháng 10-2017) đã có chuyến viếng thăm đặc biệt đến căn cứ Victory Garden.

Bà phát biểu với tờ báo địa phương Ringerikes Blad: “Thông tin liên lạc qua vệ tinh là cực kỳ quan trọng cho phép những chiếc tàu khu trục ở biển khơi liên lạc với trung tâm chỉ huy”. Đồng thời, bà thông báo sẽ tăng thêm 200 triệu krone Na Uy (khoảng 25 triệu USD) tài trợ Victory Garden để tăng cường hệ thống an ninh mạng quốc phòng cũng như mua sắm thêm trang thiết bị vệ tinh.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) với đối tác Na Uy Ine Marie Eriksen Soreide tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 11-1-2018.

Theo tiết lộ từ người thổi còi Edward Snowden, Victory Garden có thể “nhìn thấy 130 vệ tinh nước ngoài” và điều đó có nghĩa là căn cứ có thể thu thập tín hiệu điện tử mọi giao tiếp liên lạc thông qua mạng lưới vệ tinh này – trong đó bao gồm nội dung những cuộc gọi điện thoại quốc tế và email cũng như đủ loại siêu dữ liệu (metadata) hay nói cách khác là “tài nguyên thông tin” như là người gửi và người nhận email, thời gian và ngày tháng gửi nhưng không chứa nội dung thông điệp.

Mạng lưới ăngten của Victory Garden nhắm mục tiêu vào các quốc gia mà NIS muốn thu thập thông tin để phục vụ cho lợi ích Na Uy cũng như sự can thiệp của nước này vào các nước khác như là Afghanistan, Iraq và Syria. Nhưng, NIS cũng sử dụng căn cứ gián điệp để tiến hành những chiến dịch nghe lén dân thường trong và ngoài nước. Ví dụ như NIS thu thập siêu dữ liệu về những cuộc giao tiếp của người dân Na Uy với những người sống ở nước ngoài.

Năm 2014, ủy ban EOS bày tỏ mối lo ngại về điều này. Chủ tịch ủy ban EOS Eldbjorg Lower tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: “Sứ mạng quan trọng nhất của chúng ta là bảo đảm rằng cơ quan tình báo Na Uy không giám sát người dân sống tại nước này. Đó không phải là công việc của họ.

Trong khi đó, giới chức NIS báo cáo với ủy ban EOS rằng siêu dữ liệu của công dân Na Uy được sử dụng để xác định những mục tiêu mới. Đồng thời, NIS khẳng định cơ quan không sử dụng thông tin về những cuộc giao tiếp điện tử để “lập bản đồ về các mối quan hệ trong nước hay những vấn đề liên quan đến người Na Uy”.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen (nhậm chức ngày 20-10-2017) cũng tuyên bố rõ ràng NIS “không tiến hành chiến dịch giám sát công dân sống ở Na Uy”.

Song, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng luật pháp Na Uy cần được “cập nhật”! Tướng Morten Haga Lunde (tân giám đốc NIS từ năm 2016) cũng tán đồng ý kiến của Bakke-Jensen và nhắc nhở rằng Victory Garden đã có công cứu sống nhiều mạng người trong cuộc tấn công khủng bố nhà máy khí đốt Ain Amena ở Algeria hồi tháng 1-2013. Nhà máy khí đốt thuộc sở hữu của 2 tập đoàn Statooil (Na Uy) và BP (Anh).

Kjell Grandhagen (bắt đầu giữ chức giám đốc NIS từ năm 2009) tuyên bố trong một cuộc họp báo năm 2013: “NIS thu thập dữ liệu để hỗ trợ những chiến dịch quân sự của Na Uy ở nước ngoài hay để chống khủng bố. NIS không thu thập dữ liệu chống người dân Na Uy mà dùng để chia sẻ với người Mỹ”.

Na Uy bí mật giám sát Nga cho NATO

Các tài liệu mật rò rỉ cũng tiết lộ NIS do thám Nga và chia sẻ thông tin với NSA. Mục tiêu của NIS là giới chính trị Nga cũng như các vấn đề về năng lượng và vũ trang của nước này, đặc biệt là các mục tiêu Nga trên bán đảo Kola.

Chiếc siêu hạm do thám FS Marjata của Na uy.

Na Uy và Nga đều có lợi ích dầu khí to lớn ở vùng Bắc Cực cũng như cả 2 quốc gia đều có những công ty năng lượng do nhà nước sở hữu và cùng xuất khẩu năng lượng đến châu Âu. Ngược lại, NSA cung cấp cho Na Uy những chiến dịch phản gián của Nga. NIS cũng đã vài lần bày tỏ quan điểm về lý do tại sao cần thiết phải giám sát vùng Bắc Cực mà mới nhất là tài liệu gọi là “Fokus 2013” được công bố hồi tháng 3-2013.

Bắc Cực được coi là có tầm quan trọng lớn về địa chính trị, chiến lược và kinh tế cho Nga lẫn Na Uy bởi nơi đây rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, song Na Uy vẫn rất lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang đang tăng của Nga.

Ví dụ như, trên bán đảo Kola (nằm cách thành phố Vardo của Na Uy chỉ hơn 300km) hiện diện vài chiếc tàu ngầm chiến lược của Nga. Na Uy cũng đã sở hữu 2 chiếc tàu do thám hiện đại nhằm đối phó với “mối đe dọa” từ sự tập trung quân đội ở vùng Bắc Cực của Nga.

Theo tướng Morten Haga Lunde, 2 chiếc tàu do thám FS Eger và FS Marjata của Na Uy có nhiệm vụ giám sát mọi hoạt động đi lại trên mặt biển – về quân sự lẫn dân sự -  cũng như cả trên không và dưới nước.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.