Tiết lộ chuyện đáng hổ thẹn của Cơ quan An ninh ngoại giao Mỹ

Thứ Tư, 26/06/2013, 07:35

Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào ngày 11/6 vừa qua, ông Harold Geisel, Phó Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao đã thông báo bản phúc trình về các hoạt động phi pháp của Cục An ninh ngoại giao (DSS), trở thành vụ bê bối chấn động chính trường Mỹ.

Theo đó từ kết quả điều tra sâu rộng trong nhiều năm qua, cho thấy các nhân viên DSS đã tích cực tiếp tay, thậm chí đứng ra bảo kê trong các lĩnh vực bất hợp pháp như buôn bán ma túy, cung cấp gái mại dâm... liên quan đến các nhà ngoại giao và quan chức Mỹ công cán ở nước ngoài.

Một trong những tiêu điểm của cuộc điều tra là giới nhân viên DSS làm việc trong tòa đại sứ mới ở Baghdad (Iraq) sau khi thể chế Saddam Hussein sụp đổ. "Công trình phức hợp khổng lồ gồm 21 tòa nhà này thay thế cho tòa đại sứ cũ ở vùng Xanh, vốn tọa lạc trong một dinh thự xa hoa của nhà độc tài S. Hussein. Đây cũng chính là cơ sở ngoại giao lớn nhất và đắt nhất (trị giá 750 triệu USD) của Mỹ ở nước ngoài, bao trùm khoảng diện tích rộng 104 mẫu Anh (440.000m2), ngang bằng lãnh thổ của Nhà nước Vatican - bản phúc trình đề cập chi tiết.

Có tổng cộng gần 4.000 nhân viên, trong đó là 2.000 nhà ngoại giao chuyên nghiệp thường xuyên hiện diện tại đây trong tổng số 5.500 người Mỹ đang sinh sống và làm việc ở thủ đô Baghdad. Song song đó là sự tồn tại của một mạng lưới cung cấp thuốc phiện cho đám nhân viên xa nhà thường lâm vào cảnh buồn chán, nhất là giữa bối cảnh cuộc chiến Iraq chưa chấm dứt hẳn..."

"Dựa theo đơn tố cáo nặc danh, các nhà điều tra đã phát hiện ra nhiều đặc vụ DSS cộm cán tham gia vào đường dây cung cấp và bán lẻ thuốc phiện đầy tội lỗi cho các nhân viên dân sự Mỹ đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Số này đã lập tức bị sa thải, trục xuất về nước chờ ngày ra tòa lĩnh án", Phó tổng thanh tra H. Geisel cho biết.

Ngoài bê bối bảo kê cho các đường dây ma túy phi pháp, các nhân viên DSS còn dính líu tới việc chăn dắt gái mại dâm bản địa, cung cấp cho các viên chức có nhu cầu. Việc nhân viên DSS đưa gái mại dâm về khách sạn giải trí trong những dịp tháp tùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao công cán ra nước ngoài, y như vụ scandal của các đồng nghiệp bên Cục Mật vụ (SS) đi tiền trạm chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống Barack Obama hồi cuối tháng 4/2012 ở Cộng hòa Colombia, vốn dĩ là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng ban lãnh đạo DSS đã khéo léo giấu nhẹm.

"Hiện tượng này phổ biến trong DSS nhằm bảo vệ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton những khi bà đi công cán ở nước ngoài - Thanh tra H. Geisel cho biết thêm - Thậm chí họ còn đứng ra môi giới, thu xếp cuộc gặp lén lút ngoài công viên với trẻ vị thành niên cho một nhà ngoại giao cấp hàm đại sứ công tác tại Tây Âu, cho dù ông này đang có vợ con kè kè bên cạnh".

Sứ quán Mỹ ở Baghdad trong ngày khánh thành gần 4 năm trước.

Còn trên tờ nhật báo New York Post cũng như trong bản tin phát ngày 12/6 của Kênh truyền hình CBS, đã trích dẫn tư liệu từ giới truyền thông Vương quốc Bỉ khẳng định nhân vật cao cấp mà thanh tra H. Geisel ám chỉ chính là ông Howard Gutman, đương kim Đại sứ Hoa Kỳ tại Bỉ sắp mãn nhiệm vào ngày 29/7 tới đây.

Nhà ngoại giao kỳ cựu 57 tuổi H. Gutman từng được dư luận Bỉ tôn vinh là "viên đại sứ dân dã của mọi thời", bởi đã cất công dành thời gian thăm viếng hầu hết các thành phố và thị trấn trên đất Bỉ. Đồng thời tờ The New York Times hàng đầu nước Mỹ còn đưa thêm nguồn tin, rằng Thứ trưởng Ngoại giao Patrick F. Kennedy từng gây áp lực lên cơ quan thanh tra của bộ, đòi phải đưa "vụ Gutman" ra khỏi bản phúc trình điều tra(?!).

Về phần mình, Đại sứ H. Gutman một mực phủ nhận cáo buộc nêu trên là "vô căn cứ, với ý đồ hòng bôi nhọ thanh danh đối ngoại của tôi", như nguyên văn lời ông nói với nhóm phóng viên Mỹ thường trú tại Brussels. "Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm ở Bỉ, đi đâu một bước ra ngoài tôi cũng rủ bà vợ Michelle Loewinger đi cùng. Bà ấy là nhân chứng sống cho sự trong sạch của tôi!", Đại sứ H. Gutman khẳng định.

Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngay sau khi có phiên họp của Ủy ban đối ngoại Thượng viện, bà Jennifer Psaki, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Chúng tôi rất coi trọng những cáo buộc về các hành vi sai trái của DSS. Tất cả mọi nghi can đều trở thành đối tượng truy tố hình sự và sẽ bị pháp luật xử lý. Không có bất kỳ một trường hợp ngoại lệ nào kể cả cấp bậc đại sứ đặc mệnh toàn quyền". Tuy nhiên, phát ngôn viên J. Psaki cũng thẳng thừng bác bỏ quan điểm cho rằng các hành vi phi pháp là "đặc trưng" cho sự lộng quyền bấy lâu của DSS.

Được biết, DSS là một cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1916 với tên gọi ban đầu là Cục Tình báo bí mật (BSI), đến năm 1945 đổi tên thành Văn phòng An ninh (SY) và từ năm 1985 đến nay là DSS, với đội ngũ nhân viên mật vụ trong biên chế lên tới 2.000 người rải khắp thế giới. Nhiệm vụ của DSS là bảo vệ khoảng 70.000 viên chức ngoại giao các cấp đang làm việc tại 285 đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài.

Giám đốc DSS hiện thời là ông Gregory B. Starr, người vừa nhận nhiệm sở vào đầu tháng 2 vừa qua. Trước đó, Giám đốc G. Starr từng đảm trách chức vụ trợ lý an ninh cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trọn một nhiệm kỳ kéo dài trong 4 năm liền, từ năm 2009 đến 2013. Cho đến thời điểm này, người đứng đầu DSS vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về bản phúc trình nêu trên

Thu Hường (theo The Washington Post)
.
.