Tiết lộ công nghệ thu thập dữ liệu cá nhân của Tình báo Anh

Thứ Sáu, 29/04/2016, 21:40
Theo tin mới tiết lộ trên tờ Telegraph, các cơ quan tình báo Anh đã thu thập dữ liệu cá nhân với số lượng lớn từ năm 1990. Điều đáng chú ý là trong danh sách những cá nhân bị thu thập này có đến 70% số người không phải là đối tượng đáng quan tâm của cơ quan tình báo hoặc an ninh.

Tài liệu mới nhất của MI5, MI6 và Cơ quan thông tin Chính phủ Anh (GCHQ) cung cấp cho thấy, việc thu thập các dữ liệu thông tin cá nhân này là hình thức “thực hành tin tặc” và để tạo nguồn dữ liệu khổng lồ cho các cơ quan tình báo. Các thông tin khác được ghi lại trong hơn 100 bản ghi nhớ và văn bản khác đều cho thấy việc thu thập dữ liệu cá nhận này được bảo mật các được tiến hành trong một thời gian dài.

Trụ sở chính của GCHQ.

Thậm chí, GCHQ còn có lúc thu thập dữ liệu vượt cả quyền của mình. Vào một số thời điểm, MI5, MI6, GCHQ còn thu thập dữ liệu của các nhà báo, nhất là phóng viên điều tra. Dữ liệu cá nhận được thu thập gồm các thông tin về hộ chiếu, hồ sơ du lịch, dữ liệu tài chính, các cuộc gọi điện thoại, email…

Ví dụ, trong một bản tin lưu hành trong tháng 9-2011 của MI6, cơ quan này thừa nhận rằng các nhân viên của họ đã lạm dụng việc thu thập dữ liệu cá nhân để phục vụ mục đích riêng như kiểm tra các thông tin về thành viên trong gia đình của một cá nhân nào đó.

Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 3-2016 cũng có 2 nhân viên MI5 và 3 nhân viên MI6 bị xử lý kỷ luật vì xử lý sai dữ liệu cá nhân với số lượng lớn. Năm ngoái, một nhóm nhân viên GCHQ cũng bị sa thải vì thực hiện việc tìm kiếm dữ liệu cá nhân một cách trái phép. Các tài liệu khác cũng thừa nhận, những lỗi xử lý dữ liệu vẫn còn là một vấn đề, 47 trường hợp không tuân thủ quy định đóng phần 94  hoặc sắp xếp lại kèm theo đặt mã dữ liệu thông tin liên lạc…

Vệ tinh ở trung tâm theo dõi của GCHQ tại Chelteham.

Hồi tháng 10 năm ngoái, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cũng từng tiết lộ thông tin rằng, GCHQ có thể “hack” (xâm nhập) điện thoại của người dùng mà người đó không hề hay biết. Việc này được thực hiện bằng cách, GCHQ gửi một tin nhắn được mã hóa vào điện thoại, rồi dùng nó để lấy hay chụp ảnh, và nghe lén. Tin nhắn SMS do cơ quan tình báo gửi đến điện thoại có thể dễ dàng qua khỏi sự chú ý của người sở hữu.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Anh BBC, Edward Snowden còn cho biết GCHQ đã sử dụng hàng loạt công cụ nghe lén được gọi là “bộ Xì trum” (Smurf Suite), được đặt theo loạt phim hoạt hình nổi tiếng của Bỉ về những người tí hon màu xanh. Dreamy Smurt là mã điều khiển nguồn, có thể tắt bật điện thoại mà người dùng không hề hay biết.

Nosey Smurf là mã điều khiển thu nhận ghi âm. Nếu người dùng để điện thoại trong túi xách, GCHQ có thể bật chế độ ghi âm lên, nghe thấy mọi thứ xung quanh bạn, cho dù điện thoại đang tắt, vì họ có đủ công cụ để bật nó lên. Tracker Smurf là công cụ định vị, cho phép GCHQ theo dấu người dùng với độ chính xác cao, bằng cách sử dụng mô hình tháp tam giác điện thoại di động…

Bên cạnh đó, các cơ quan tình báo Anh còn đang “chiếm giữ” được mọi liên lạc ở Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu nhờ một căn cứ quân sự của nước này ở Cyprus. Việc liên lạc của tư nhân, ngoại giao và các doanh nghiệp đều bị giám sát thông qua một hệ thống bí mật có tên mật mã là “Sounder” đã được thiết lập trong khuôn viên của Trại Ayios Nikolaos (một phần của lãnh thổ Anh ở hải ngoại) tại phía đông đảo Cyprus.

Trại này được “vũ trang tận răng” với ăng ten và radar, chuyên quét sóng radio ở những khu vực xung quanh với bán kính hàng trăm kilomet. Các cơ quan tình báo Anh đã lắp đặt ít nhất 14 đường cáp dưới biển đi qua Cyprus để nghe lén bằng bộ chia cáp bị động.

Chưa hết, các cơ quan tình báo Anh còn hợp tác với Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tấn công vào hệ thống mạng của công ty Hà Lan Gemalto, giúp cả 2 chính phủ liên tục nghe lén điện thoại di động trên toàn thế giới.

Tiết lộ trên trang web The Intercept cho biết, Công ty Gemalto, chuyên cung cấp module nhận dạng thuê bao, còn gọi là SIM, được sử dụng trong điện thoại di động và thẻ tín dụng. Một trong ba trụ sở của công ty này đặt tại Austin, thuộc bang Texas (Mỹ). Khách hàng của Gemalto bao gồm cả AT&T, T-Mobile, Verizon và Sprint.

Ngoài SIM card, Gemalto còn là nhà sản xuất hàng đầu trong hệ thống mã hóa cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp khác, bao gồm cả xử lý thanh toán điện tử và thẻ thông minh mà các doanh nghiệp cũng như cơ quan chính phủ sử dụng để hạn chế quyền truy cập vào máy tính hoặc các thiết bị nhạy cảm khác. Khi có được các mã khóa để giải mã dữ liệu đi từ điện thoại đến tháp di động, tình báo Anh có thể xem và chặn email hoặc tin nhắn văn bản được truyền tải.

Năm 2010, bằng công nghệ kiểu này, GCHQ đã chặn thành công các cuộc gọi được sử dụng bởi các nhà mạng không dây ở Iran, Afghanistan, Yemen, Ấn Độ, Serbia, Iceland và Tajikistan.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.