Tiết lộ của cựu Tổng thống George Bush trong cuốn hồi ký

Thứ Sáu, 19/11/2010, 15:40
George Bush ra lệnh cho Lầu Năm Góc lên kế hoạch tấn công những cơ sở hạt nhân của Iraq và tính toán đến cuộc tấn công ngầm vào Syria - đó là những chi tiết được cựu Tổng thống Mỹ tiết lộ trong cuốn hồi ký dày 497 trang "Decision Points".

"Decision Points" (tạm dịch: "Những quyết định khẩn cấp") của ông Bush viết về trường hợp Iraq: "Tôi đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc nghiên cứu những gì cần thiết cho một cuộc tấn công... Điều này sẽ có thể ngăn chặn được mối đe dọa nguy hiểm, ít nhất là tạm thời".

Một cuộc tấn công như thế chắc chắn sẽ gây ra xung đột ở khu vực Trung Đông dẫn đến việc Iran trả miếng bằng cách phong tỏa việc cung cấp dầu hỏa và gây chiến với những chiến binh ở Iraq, Afghanistan và Liban.

G.Bush cũng bàn luận với nhóm an ninh quốc gia của ông liệu có nên tiến hành một cuộc không kích hay cuộc đột kích bí mật của các lực lượng đặc nhiệm vào một cơ sở hạt nhân được cho là của Syria theo yêu cầu của Israel hay không.

Cuốn hồi ký, mới được xuất bản tại Mỹ, tìm cách xây dựng lại tiếng tăm cho G.Bush trước những vấn đề gây tranh cãi trong thời gian ông nắm giữ quyền lãnh đạo đất nước - trong đó bao gồm cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, trận bão Katrina, khủng hoảng ở Wall Street và vấn đề tra tấn ở Guantanamo.

G.Bush cũng bào chữa việc cho phép sử dụng biện pháp tra tấn dội nước (waterboarding) trong cuốn hồi ký, nói rằng kỹ thuật hỏi cung gây tranh cãi này được sử dụng đối với 3 tù nhân để giúp chính quyền Mỹ phá vỡ những âm mưu khủng bố tấn công sân bay Heathrow, những sứ mạng ngoại giao của Mỹ và một số mục tiêu ở Mỹ.

Bush nói kỹ thuật waterboarding "chắc chắn là một biện pháp thô bạo nhưng các chuyên gia y khoa bảo đảm với CIA rằng kỹ thuật tra tấn này sẽ không gây tổn hại kéo dài". G.Bush còn mô tả waterboarding là biện pháp mang lại "hiệu quả cao" và nó giúp thu thập được "một lượng thông tin khổng lồ".

Về nhà tù Guantanamo, Bush nói chính quyền đã cân nhắc về việc đưa những nghi can khủng bố đến Mỹ, nhưng "việc giam giữ những nghi can khủng bố trên đất Mỹ có thể làm khởi động những luật bảo vệ của Hiến pháp mà những người này sẽ không có được nếu ở trong tình trạng khác, như là quyền được giữ im lặng. Điều đó sẽ khiến cho công việc thu thập thông tin tình báo cần thiết một cách khẩn cấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn".

G.Bush còn mô tả Guantanamo như là một thiên đường tương đối, ở đó tù nhân được cho ăn đầy đủ, được giam trong một "nơi an toàn và sạch sẽ" với quyền được sử dụng các đĩa DVD và một thư viện! Ông nói "sự đối xử nhân đạo" dành cho những tù nhân ở Guantanamo tuân theo những yêu cầu của Công ước Geneva, cho dù những tên khủng bố không có quyền được hưởng sự bảo vệ đó.

Trong cuốn hồi ký, G.Bush cũng mô tả Thủ tướng Anh Tony Blair là đồng minh nước ngoài thân thiết nhất của mình, thừa nhận những sai lầm trong vấn đề Iraq mặc dù coi đó là việc phải làm. G.Bush cũng thừa nhận ông đã có những quyết định "quá chậm" trước trận bão Katrina đã nhấn chìm thành phố New Orleans cách đây 5 năm, giết chết hơn 1.800 người.

Trong cuốn hồi ký "Những quyết định khẩn cấp", G.Bush nói ông rất tức giận trước những lời buộc tội ông dửng dưng trước cảnh ngộ khó khăn tuyệt vọng của các nạn nhân của trận bão Katrina bởi vì thành phố có quá nhiều người dân là da đen.

Ông viết trong cuốn sách: "Ám chỉ cho rằng tôi là kẻ phân biệt chủng tộc trong phản ứng trước trận bão Katrina thể hiện sự đánh giá ở mức thấp nhất chưa từng thấy. Tôi đã nói với Laura rằng đây là thời điểm tồi tệ nhất trong vai trò tổng thống của mình. Về vấn đề Iran, một số cố vấn của G.Bush cho rằng việc hủy diệt chương trình hạt nhân của Iran có thể kích động người nước này chống lại Mỹ. G.Bush nói ông cũng đàm luận về mọi sự lựa chọn với Tony Blair, Thủ tướng Anh đã cho xuất bản cuốn hồi ký của mình vào đầu năm nay. G.Bush nói: "Có một điều chắc chắn. Nước Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran đe dọa cả thế giới bằng một quả bom hạt nhân".

G.Bush cũng bàn luận về một yêu cầu đánh bom một cơ sở hạt nhân đáng ngờ của Syria của Thủ tướng Israel lúc đó là Ehud Olmert. G.Bush họp nhóm an ninh quốc gia của ông lại để thảo luận về khả năng của một cuộc không kích hay đột kích bí mật.

Bush viết: "Chúng tôi đã nghiên cứu ý tưởng rất nghiêm chỉnh, nhưng CIA và quân đội kết luận rằng việc bí mật đưa một nhóm lính vào và ra khỏi Syria là quá mạo hiểm". Và Bush đã nói "không" với Thủ tướng Olmert khiến cho người này thất vọng. Nhưng sau đó chính người Israel đã tiến hành cuộc tấn công Syria vào tháng 9/2007.

Cuộc gọi đầu tiên của G.Bush sau ngày 11/9/2001 là hướng đến Thủ tướng Tony Blair. G.Bush viết: "Sự đàm luận giúp củng cố mối quan hệ bạn bè thân thiết nhất mà tôi có thể tạo ra với bất cứ lãnh đạo nước ngoài nào". Ông Blair luôn được G.Bush gọi là "Tony", trong khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac - người giữ cho nước Pháp đứng ngoài cuộc chiến tranh Iraq - được gọi đơn giản là "Chirac".

G.Bush khẳng định rằng, kế hoạch xâm lược Iraq bắt đầu vào 2 tháng sau ngày 11/9/2001 - nhưng nhấn mạnh điều đó có thể tránh khỏi, cho dù vào những tuần cuối cùng trước khi tấn công. Trong cuốn hồi ký, G.Bush phê phán John McCain, người được đảng Cộng hòa đề cử đã thất bại trước G.Bush trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2000, và thua cuộc trước ông Barack Obama năm 2008.

G.Bush nói quan điểm chống phá thai của ông hình thành từ những năm tháng thiếu niên khi mẹ ông bị sẩy thai - bà giữ lại bào thai trong một cái lọ và cho con trai xem. G.Bush nói với Hãng Thông tấn NBC: "Bà nói với đứa con trai thiếu niên của mình rằng: đó là một bào thai". G.Bush nói mục đích khi kể câu chuyện này là "không nhằm bộc lộ quá trình phát triển quan điểm ủng hộ  sự sống". Ông nói: "Thật ra là để cho mọi người thấy mối quan hệ giữa mẹ tôi và tôi đã hình thành như thế nào".

Về vấn đề Afghanistan, G.Bush nói: "Thật là may mắn, tôi không là một người duy nhất (bị phê phán). Vào mùa thu năm 2009, Tổng thống Obama đã phải đối mặt trước những chỉ trích về việc đã triển khai thêm nhiều binh sĩ... và gia tăng sức ép đến Pakistan trong cuộc chiến chống lại bọn cực đoan tại những khu vực bộ tộc".

Về trùm khủng bố Osama bin Laden, G.Bush viết trong hồi ký: "Tôi rất muốn đưa Bin Laden ra trước công lý. Sự việc không làm được điều này chính là một trong những hối tiếc lớn nhất của tôi. Chắc chắn không phải vì thiếu nỗ lực... Mặc dù không tìm thấy thủ lĩnh của

Al-Qaeda, song chúng ta đã buộc được ông ta phải thay đổi đường đi nước bước, cách giao tiếp và hành động. Điều đó cũng giúp chúng ta đánh bại ước muốn lớn nhất của ông ta - đó là nhìn thấy nước Mỹ bị tấn công lần nữa"

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.