Tiết lộ hồ sơ FBI bí mật theo dõi Nelson Mandela
Theo các tài liệu mà Ryan Shapiro - chuyên gia về Luật Tự do Thông tin (FOIA) ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tiết lộ thì lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) giám sát chặt chẽ trước khi bị giam cầm và sau khi rời khỏi nhà tù. Ông Mandela bị cầm tù suốt 27 năm vì các hoạt động chống chủ nghĩa Apartheid.
Hồ sơ giải mật cho thấy FBI đặc biệt quan tâm đến các nhóm chống chủ nghĩa Apartheid ở Mỹ và lo ngại "các tổ chức Cộng sản" có nguy cơ gây tổn hại đến an ninh nước này. Mặc dù, FBI đồng ý chuyển giao các tài liệu song trong nhiều trường hợp chúng đã bị biên tập lại rất nhiều.
Các tài liệu tiết lộ FBI giám sát chặt chẽ các cuộc gặp giữa ông N.Mandela với đảng phái chính trị chống chủ nghĩa Apartheid Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông và các nhóm cánh tả ở Mỹ trong suốt hai thập niên 80 và 90 - một phần trong những cuộc điều tra đang tiến hành về những yếu tố mà FBI cho rằng có thể là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Chính quyền Mỹ đưa ANC vào danh sách các "tổ chức khủng bố" cho đến năm 2008 mới được loại bỏ.
Gói tài liệu giải mật đầu tiên gồm 36 trang được chuyển giao cho Ryan Shapiro và công bố vào tháng 5 vừa qua cho thấy FBI lợi dụng trách nhiệm bảo vệ N.Mandela khi ông đến thăm nước Mỹ lần đầu tiên vào tháng 6/1990 - tức sau khi rời khỏi nhà tù vào tháng 2 cùng năm - để bí mật tổ chức mạng lưới người đưa tin ngay bên trong nhóm người tùy tùng của ông. FBI luôn theo dõi các cuộc họp giữa N.Mandela và các lãnh đạo khác trên thế giới, giám sát mọi sự đi lại của các quan chức cao cấp ANC và cũng không quên để mắt tới hoạt động của Đảng Cộng sản Mỹ (CP-USA).
Trong số tài liệu giải mật còn bao gồm một ghi chép chi tiết về cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Nam Phi sau khi rời khỏi nhà tù được 1 tháng với Tổng thống Nam Tư lúc đó là Janez Drnovsek (kiêm Tổng thư ký thứ 11 của Phong trào Không liên kết - NAM, tổ chức ủng hộ mạnh mẽ N.Mandela và ANC) tại Namibia, và sau đó "biên bản" này được gửi đến Văn phòng FBI ở Cleveland.
Tháng 6/1990, FBI quyết định biệt phái một người đưa tin từ Philadelphia đến New York để do thám cuộc họp được cho là sẽ diễn ra giữa N.Mandela và các nhà hoạt động đòi độc lập Puerto Rico.
Một vài tài liệu giải mật còn cho biết FBI giám sát cả nhiều tờ báo ở Mỹ và nước ngoài có thông tin về N.Mandela từ khi ông còn bị giam giữ trong nhà tù.
Ví dụ, tài liệu tháng 7/1989 đóng dấu "Mật" tiết lộ 2 chuyên gia ngôn ngữ FBI đã cắt những bài báo bàn luận về khả năng N.Mandela được trả tự do và gửi về Ban phản gián của FBI. Theo truyền thống, hoạt động phản gián nhằm mục đích ngăn chặn gián điệp nước ngoài, song FBI đã lợi dụng điều này để gián điệp và thậm chí quấy rối những cá nhân bất đồng quan điểm về chính trị.
Nổi bật nhất là chương tình phản gián gọi tắt là COINTELPRO được FBI sử dụng để theo dõi, xâm nhập và ngăn cản bằng bạo lực các phong trào chống chiến tranh, đòi hỏi nhân quyền và chống đối chính trị ở Mỹ.
Nelson Mandela và phu nhân Winnie (trái) đặt vòng hoa tại mộ Martin Luther King vào ngày 27/6/1990. |
Các mục tiêu của COINTELPRO bao gồm nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ - mục sư Martin Luther King, Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP), võ sĩ quyền Anh người Mỹ Muhammed Ali, Tổ chức Sinh viên vì một xã hội dân chủ (SDS) và Đại học Luật Quốc gia (NLG). Không chỉ tiến hành các cuộc điều tra chi tiết về Nam Phi và các phong trào chống chủ nghĩa Apartheid mà FBI cho rằng đó là âm mưu của Cộng sản đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Một tài liệu vào tháng 7/1984 được đóng dấu "Mật" tiết lộ FBI bí mật giám sát một số nhóm ủng hộ dân biểu người Mỹ gốc Phi George Crockett - người lúc đó đã kêu gọi "Tự do cho Nelson và Winnie Mandela".
Theo nhận định của Ryan Shapiro, chắc chắn hiện nay FBI vẫn còn giấu giếm một lượng lớn thông tin liên quan đến N.Mandela trong khi đó các tổ chức tình báo khác - như NSA, CIA và Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) - vẫn chưa chịu giải mật bất cứ hồ sơ nào về lãnh đạo Nam Phi quá cố N.Mandela theo yêu cầu từ FOIA của Shapiro.
Theo nhận định của chuyên gia về FOIA của MIT, các tài liệu nới được giải mật không chỉ đưa ra ánh sáng hoạt động gián điệp có động cơ chính trị của FBI nhằm vào N.Mandela, mà chúng còn phơi bày những sự thật đen tối khác nữa.
Theo Shapiro: "Điều tệ hại nhất là FBI vẫn tiếp tục các cuộc điều tra về N.Mandela và phong trào chống chủ nghĩa Aparthed sau khi chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Nhà nước Nam Phi phân biệt chủng tộc, sau khi N.Mandela được trả tự do và sau khi bức tường Berlin sụp đổ"