Nhân 40 năm diễn ra sự kiện đảo chính đẫm máu tại Chile:

Tiết lộ kho vũ khí hóa học của nhà độc tài Pinochet

Thứ Tư, 25/09/2013, 18:45

Sau 23 năm quay lại với nền dân chủ khi chế độ độc tài quân phiệt Pinochet ở Chile bị lật đổ, lễ kỷ niệm 40 năm ngày chính phủ dân cử của Tổng thống Salvador Allende bị đảo chính mang một tính chất đặc biệt và đã khuấy động thời sự quốc tế mấy ngày gần đây. Nhiều tờ báo và trang mạng thi nhau đăng các dữ liệu bổ sung và những hồ sơ đặc biệt, các thông tin chưa từng được công bố... trong khi đài truyền hình phát nhiều chương trình liên quan đến sự kiện đẫm máu từng gây chấn động thế giới. Điều này cho thấy các vết thương vẫn chưa khép miệng.

Tờ  The Clinic (Dưỡng đường), được lập ra năm 1998 ngay sau khi Pinochet bị bắt tại một dưỡng đường ở London, đã tăng thêm trang bổ sung để nói về giai đoạn đen tối đó (thời kỳ Pinochet - ND) trong lịch sử Chile. Từ nhiều tuần qua, tờ báo đã liên tục đăng các thông tin chưa được biết. Trên báo người ta đọc được "sách hướng dẫn về các chiến dịch mật của cơ quan Dina" (cảnh sát chính trị của Pinochet) từ năm 1976, chỉ thị cho các nhân viên "không được để lại dấu vết khi thực hiện những hành động vi phạm pháp luật".

Tạp chí phụ nữ Paula đăng lời kể của 3 em bé (nay đã là những phụ nữ 42 đến 46 tuổi) bị cảnh sát bắt cóc và giam giữ, đồng thời nhắc lại rằng đã có 2.200 trẻ em bị giam cầm hay tra tấn dưới thời Pinochet.

"Năm nay hồi ức về cuộc đảo chính mang một tầm quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, truyền thông và xã hội, điều chưa từng thấy trong những thập niên trước đây. Cho đến năm 1988, chính phủ quân phiệt Pinochet mừng dịp này như một ngày lễ quốc gia; từ nay đó là "ngày tang tóc và suy ngẫm" - tờ La Tercera nhận định. Cho dù vẫn còn những sự chia rẽ nhưng tờ báo cho rằng, từ 25 năm qua "đã có một sự tiến triển chậm chạp nhưng liên tục để chấm dứt các giai thoại trơ lì nhất của thể chế độc tài".

Tuy nhiên, Chile vẫn chưa có được một sự hòa hợp thật sự. Phe đối lập đã không tham dự lễ kỷ niệm chính thức tại dinh Tổng thống ngày 9-9 vừa qua. Tổng thống Sebastian Piera lên án những sự "đồng lõa thụ động" với chế độ độc tài, tức là ngành tư pháp, báo chí và xã hội, nhưng lời cáo buộc của ông đã bị chính phe cánh hữu chỉ trích.

Còn cựu Tư lệnh cảnh sát mật thời Pinochet, tướng Manuel Contreras, đang thụ án 300 năm tù về tội vi phạm nhân quyền, vẫn cương quyết khẳng định rằng "không hề có các trại tra tấn". Theo những cuộc điều tra chính thức, có ít nhất 3.200 người đã bị giết và 38.000 người bị tra tấn dưới thời Pinochet (1973-1990).

Trong rất nhiều các hồ sơ vừa được tiết lộ, gây chú ý hơn cả là việc nhà độc tài Pinochet có kho vũ khí hóa học có thể giết chết hàng ngàn người. Đây là tiết lộ của nhà vi sinh học Ingrid Heitmann, cựu Giám đốc Viện Y tế (ISP), người vào năm 2008 đã từng ra lệnh phá hủy kho vũ khí hóa học mà không thông báo cho chính phủ hay tòa án. Lời chứng của bà đã giúp xác lập rằng: Chất độc botulique do một phòng thí nghiệm của Brazil sản xuất và nằm trong tay của chính phủ quân phiệt Pinochet từ thập niên 80.

Người thân của cố Tổng thống S. Allende dẫn đầu đoàn tuần hành ở thủ đô Santiego, tưởng nhớ 40 năm ngày mất của nhà lãnh đạo kiên cường.

Kho vũ khí hóa học đó được cất giấu suốt 27 năm tại ISP, gần sân vận động quốc gia (cũng là trại giam giữ và tra tấn của nhà độc tài) và đã được phát hiện một cách tình cờ. Thật ra sau khi Pinochet bị lật đổ, cảnh sát đã cử nhân viên đến ISP để tìm bằng chứng khẳng định Pinochet đã sử dụng vũ khí hóa học trong các chiến dịch thanh trừng. Nhưng họ không bao giờ tìm kiếm dưới tầng hầm cả.

Một cái tên thường được nhắc đến là nhà hóa học Eugenio Berrios, nhân viên cảnh sát chính trị, dính líu đến cái chết của nhà ngoại giao Tây Ban Nha Carmelo Soria vào năm 1976 và cái chết của cựu Tổng thống Eduardo Frei vào năm 1982. Đến năm 2008, bà Ingrid Heitmann cho nhân viên lau chùi các kho lạnh dưới tầng hầm và họ đã phát hiện ra chất độc botulique.

"Có 2 thùng đầy những ống chứa chất độc đủ để giết chết một nửa dân số của thành phố Santiago" - Ingrid Heitmann cho biết. Chỉ cần 0,15 picogram chất toxine botulique là đủ để giết chết một người nặng 70kg một cách nhanh chóng. "Đó là vũ khí hóa học, và chẳng có lý do gì để chúng hiện diện tại ISP" - bà nói thêm.

Những năm gần đây nhiều cuộc điều tra tư pháp về hành vi đầu độc các tù nhân chính trị ở nhà tù Carcel Publica và về cái chết của cựu Tổng thống Eduardo Frei đã đưa ra ánh sáng nhiều tài liệu chứng tỏ chất độc botulique được nhập vào Chile từ Brazil. Cho đến nay người ta không biết số chất độc đó đã đi đâu và mọi nghi ngờ hướng đến phòng thí nghiệm vi khuẩn của quân đội. Việc nhập khẩu được ghi nhận là cho ISP và do bác sĩ Eduardo Arriagada Rehren ký. Lúc ấy Rehran là Giám đốc Phòng thí nghiệm quân đội.

Vào đầu thời kỳ Pinochet, bà Ingrid Heitmann từng bị bắt và bị tra tấn 2 lần, đã rất ngỡ ngàng khi số chất độc đó được các nhân viên phát hiện. "Tôi đã rất lo sợ, tôi không nghĩ rằng chúng phục vụ cho luật pháp, vào năm 2008 người ta không biết gì về Eduardo Frei" - bà cho biết. Cái chết của Frei chính thức được công bố là do nhiễm trùng sau khi phẫu thuật, nhưng con gái của ông yêu cầu điều tra lại. Một cuộc giảo nghiệm tử thi năm 2006 đã tìm thấy vết tích chất khí mù-tạt và thuốc chuột, cuối cùng vụ ám sát được khẳng định vào năm 2009.

Năm 2008, Ingrid Heitmann ra lệnh tiêu hủy các chất độc cùng với những thuốc khác tìm thấy dưới tầng hầm. Bà đưa ra quyết định đó sau nhiều năm bị giam cầm, bị ức chế vì những cảnh khủng khiếp và bởi nỗ lực lãng quên để sinh tồn. "Khi tìm thấy các chất độc đó, tôi tự nhủ "đây lại là một trò của giới quân sự" - bà kể.

Nhiều phiên tòa xử tội ác vi phạm nhân quyền đã thu thập được nhiều lời khai và bằng chứng cho thấy Chính phủ của Pinochet đã sử dụng chất độc botulique, khí sarin và chất thallium để trấn áp. Một quyển sách của nhà hóa học Eugenio Berrios có ghi chú về các hóa chất độc hại đó.

Berrios, người thân cận với phong trào Patria y Libertad đối lập với Chính phủ Salvador Allende, đã giữ vai trò quan trọng trong nhiều tội ác. Do biết quá nhiều và nghiện rượu nên quân đội đã đuổi Berrios ra khỏi Chile năm 1991. Việc này được tiến hành khi nền dân chủ đã trở lại với người dân Chile, nhưng Pinochet vẫn còn nắm quyền quân đội. Thi thể của Berrios được tìm thấy tại Uruguay năm 1995 sau khi bị quân đội Uruguay giam giữ.

Có gì ghê gớm trong tầng hầm của ISP và khiến cho Berrios bị thủ tiêu như thế? Tạm thời câu trả lời nằm trong cuộc điều tra của quan tòa Madrid về cái chết của Eduardo Frei và sự đầu độc các tù nhân chính trị ở Carcel Publica. Cuộc điều tra đã gần kết thúc và dựa vào kết quả, quan tòa sẽ đưa ra các phán quyết cho giới quân sự.

Nhiều câu hỏi mang tính chất chính trị vẫn còn lửng lơ. Việc đầu độc các tù nhân chính trị tại Carcel Publica phải chăng là sự tập luyện cho vụ ám sát Eduardo Frei? Liệu quân đội có xin lỗi quốc gia và gia đình của cựu Tổng thống không? Cái chết của nhà văn Pablo Neruda đoạt giải Nobel Văn học tại dưỡng đường Santa Maria de Santiago cũng bị nghi ngờ là do bị đầu độc và đang được điều tra

Minh Luân (tổng hợp)
.
.