Tiết lộ mạng lưới nhà tù tra tấn bí mật ở Yemen

Thứ Bảy, 01/07/2017, 07:20
Ngược đãi và tra tấn là "chuyện thường ngày" bên trong mạng lưới nhà tù bí mật trải dài ở miền nam Yemen, nơi hàng trăm tù nhân bị giam cầm trong cuộc săn lùng chiến binh Al Qaeda của Mỹ và các quốc gia đồng minh.

Mạng lưới - nằm dưới sự quản lý của Các Tiều Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Yemen - được tổ chức hết sức kín đáo ở khắp nơi: Căn cứ quân sự, sân bay và hải cảng, hầm ngầm trong các căn biệt thự tư nhân và thậm chí bên trong các hộp đêm.

Các nhân chứng tố cáo về mạng lưới nhà tù "đen" này bao gồm: các cựu tù nhân và gia đình của họ, nhà hoạt động nhân quyền và cả giới chức quân sự Yemen. Vừa qua, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng thừa nhận quân đội nước này có tham gia thẩm vấn một số tù nhân ở Yemen song phủ nhận bất kỳ sự vi phạm nhân quyền nào. Quan chức Mỹ xác nhận họ cung cấp các bản câu hỏi cho UAE và nhận lại bản tường thuật thẩm vấn từ phía quốc gia đồng minh.

Địa ngục trần gian

Tại nhà tù nằm ẩn bên trong sân bay Riyan - nơi từng là sân bay thương mại trước khi trở thành căn cứ của liên quân Mỹ - ở thành phố Mukalla miền nam Yemen, tù nhân bị bịt mắt và giam trong các container hàng hóa cực kỳ bẩn thỉu, hôi thối. Mukalla, thủ phủ tỉnh Hadramawt, là nơi diễn ra cuộc chiến chống Al Qaeda quyết liệt của chính quyền UAE và Hadramawt Elite (lực lượng an ninh Yemen được UAE thành lập).

Tiết lộ về mạng lưới nhà tù bí mật ở Yemen.

Trong năm 2016, Hadramawt Elite bắt giữ khoảng hơn 400 người nghi là thành viên Al Qaeda ở Mukalla - theo Shekh Saleh al-Sharafi, người phụ trách hòa giải giữa chính quyền UAE và gia đình các cựu tù nhân. Tù nhân thường xuyên bị đánh đập, tấn công tình dục cũng như nhiều trò tra tấn hết sức man rợ khác. Một thành viên (giấu tên) của Hadramawt Elite tiết lộ người Mỹ luôn có mặt lúc cảnh tra tấn tù nhân diễn ra. Một cựu tù bị giam 6 tháng ở Riyan, tố cáo: "Chúng tôi có thể nghe được những tiếng la thét trong đau đớn".

Dã man hơn cả là tù nhân bị trói chặt vào thanh sắt dài rồi quay tròn bên trong chiếc vòng lửa! Bầu không khí sợ hãi bao trùm. Gần như mọi tù nhân đều mắc bệnh, trong khi số khác cận kề với cái chết. Bất cứ ai lên tiếng than phiền đều bị đưa ngay đến phòng tra tấn". Do không chịu nổi cực hình, không ít tù nhân tìm cách tự sát. Một cựu tù nhân từng chứng kiến 2 vụ cố tự sát nhưng không thành - một người dùng còng tay để cố thắt cổ mình và một người khác dùng vật bén để cắt cổ.

Cửa vào nhà tù Mansoura ở Aden.

Một cựu tù nhân nói: "Tôi thà chết xuống địa ngục còn hơn bị đưa vào nhà tù Riyan này. Ngay đến những con vật cũng không bị bọn chúng đối xử khủng khiếp đến như thế". Đối với các cựu tù sau khi được thả, giới chức chính quyền UAE buộc họ ký tên vào một tờ giấy cam kết không công khai chuyện họ bị đối xử như thế nào trong nhà tù.

Nhiều cựu tù nhân tuyên bố họ rất sợ hãi những sĩ quan thẩm vấn tàn bạo đến từ UAE - trong đó gồm một tên gọi là "Bác sĩ". Tù nhân không biết tên thật của "Bác sĩ" mà chỉ nhận ra đó là người UAE qua giọng nói. Thức ăn trong nhà tù rất hiếm và bệnh tiêu chảy bùng phát lan tràn.

Ở Riyan, các tù nhân bị nhồi nhét trong những chiếc container hàng hóa có diện tích 3x10 mét. Họ bị bịt mắt và còng tay chân suốt nhiều tháng trời liên tục.

Một cựu tù nhân bị giam 6 tháng trong container kể: "Hãy thử tưởng tượng hai mắt anh bị bịt kín suốt 100 ngày. Lúc đó, anh sẽ cảm thấy mình giống như một xác sống". Theo lời vài cựu tù nhân, họ còn bị đe dọa sẽ đưa lên "những chiếc tàu" để các "chuyên gia phát hiện nói dối" và "chuyên gia tâm lý" người Mỹ thẩm vấn. 

Tuy nhiên, vài giới chức quốc phòng Mỹ thẳng thừng phủ nhận việc quân đội nước này tiến hành những cuộc thẩm vấn trên bất cứ "chiếc tàu" nào. Trong khi đó, một sĩ quan Yemen tiết lộ ông từng làm việc trên một chiếc tàu ngoài khơi miền nam nước này và nhìn thấy ít nhất 2 tù nhân bị chuyển đến để người Mỹ thẩm vấn.

Những vụ bắt giữ hàng loạt người vô tội

Thành phố ven biển Mukalla miền nam Yemen rơi vào tay Al Qaeda năm 2015 trước khi được quân đội Yemen và UAE đánh chiếm trở lại hồi tháng 4-2016. Trong khoảng 1 năm nằm dưới sự kiểm soát của Al Qaeda, rất nhiều dân thường buộc phải làm việc cho bọn khủng bố để sống còn và đó là nguyên dân dẫn đến hàng loạt vụ bắt giữ diễn ra sau khi Mukalla được giải phóng.

Gia đình các tù nhân thường tụ tập bên ngoài sân bay Riyan để nghe ngóng tin tức về người thân biến mất bí ẩn của họ. Ví dụ, một ông già (giấu tên) đã hơn 60 tuổi kể chuyện đứa con trai còn ở tuổi thiếu niên của mình bị an ninh Yemen bắt hồi tháng 8-2016 và mất tăm kể từ đó. Ông già đoán chắc đứa con trai của mình "nằm trong tay người UAE và người Mỹ".

Một người bán thịt tên là Hani biến mất hồi năm 2016 sau khi nhóm bịt mặt khoảng 20 tên cầm súng xông vào cửa hiệu của anh ngay giữa trưa. Người dân cho rằng Hani bị bắt có lẽ do trước kia có nhiều chiến binh Al Qaeda thường xuyên lui tới cửa hiệu bán thịt của anh. Làn sóng bắt bớ cũng diễn ra ở Aden và các khu vực khác. Kỹ sư Sabri al-Shormani bị lực lượng Security Belt - một lực lượng an ninh khác của Yemen cũng do UAE thành lập - bắt giữ cách đây 1 năm ngay tại nhà của anh ở vùng ngoại ô Aden.

Anh bị bắt do có người em trai bị nghi ngờ dính líu đến Al Qaeda. Viên kỹ sư bị biệt giam nhiều tuần và bị nhiều người nói giọng UAE thẩm vấn. Do bị bịt mắt trong thời gian dài cho nên một phần cơ mặt của anh bị liệt. Cuối cùng, al-Shormani được thả do sức khỏe suy sụp. Huda al-Sarari, nhà hoạt động nhân quyền ở Aden, khẳng định có nhiều vụ bắt bớ người vô tội diễn ra ngay trên đường phố giữa ban ngày.

Doanh nhân Ali Awad Habib.

Doanh nhân Ali Awad Habib bị Security Belt bắt giữ ngày 21-4-2016 ngay tại văn phòng của ông và giam cầm tại thành phố cảng Aden của Yemen. Ali Habib cho biết ông bị tra tấn bằng sốc điện nơi cổ, lưng, cằm và cả bộ phận "nhạy cảm" trên cơ thể.

Ali Awad Habib không biết tại sao mình bị giam cầm suốt 6 tháng: "Tôi bị tra tấn dã man mà không biết vì lý do gì". Không chỉ có Habib mà vài thành viên trong gia đình cũng như vài nhân viên của ông cũng bị lực lượng Security Belt bắt giữ và đưa đến nhà tù Mansoura ở thành phố Aden. Một nhóm sĩ quan an ninh buộc Habib nhiều tội khác nhau vào mỗi lần thẩm vấn. Habib nhớ lại: "Khi thì họ nói tôi là thành viên Al Qaeda, lúc lại bảo tôi là kẻ buôn lậu ma túy. Đến lần thứ 3, họ buộc tội tôi là gián điệp của Iran".

Sau khi được thả, Habib mới phát hiện cha của ông bị đưa đến một căn cứ của UAE ở thành phố Assab của quốc gia Đông Phi Etrea. Naquib al-Yahri, lãnh đạo nhà tù Mansoura, tuyên bố cha của Habib bị chuyển đến Assab vì nghi ngờ bán vũ khí cho Al Qaeda. Naquib al-Yahri cũng phủ nhận bất cứ vụ tra tấn tù nhân nào hay những vụ bắt giam bất hợp pháp ở Mansoura.

Al-Yahri cũng nhấn mạnh rằng lệnh bắt giữ được các công tố viên cho phép và tù nhân sẽ bị giam cho đến khi nào hệ thống tòa án ở Yemen hoạt động bình thường trở lại. Al-Yahuri còn cho phép phóng viên báo chí tham quan nhà tù để chứng minh các phòng giam được sữa chữa nâng cấp đàng hoàng và những tù nhân dưới 18 tuổi được bố trí học nghề trong các phân xưởng. Shalal al-Shaya, chỉ huy an ninh ở Aden, khẳng định những vụ bắt giữ người đều diễn ra hợp pháp và không hề có vụ việc tra tấn tù nhân cũng như sự tồn tại của mạng lưới nhà tù bí mật.

Phản ứng từ chính quyền Mỹ

Mạng lưới nhà tù do UAE điều hành được mô tả là "những điểm đen" được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thành lập để thẩm vấn nghi can khủng bố từ sau ngày 11-9-2001. Năm 2009, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama ra lệnh giải tán những "điểm đen" này. Tuy nhiên, mạng lưới nhà tù của UAE ở Yemen được lập ra dưới thời Obama được cho là vẫn tiếp tục hoạt động cho đến hôm nay. Nữ phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ "không tìm thấy bằng chứng thuyết phục về cáo buộc quân đội nước này đang tham gia vào những vụ ngược đãi tù nhân".

Một người mẹ Yemen công bố hình ảnh 2 con trai mất tích sau khi bị lực lượng an ninh bắt giữ, ngày 9-5-2017.

Dana White nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn tuân thủ mọi tiêu chuẩn cao nhất về cách hành xử đối với tù nhân. Chúng tôi sẽ không làm ngơ bởi vì chúng tôi buộc phải báo cáo bất cứ sự vi phạm nhân quyền nào xảy ra".

Một phòng giam trong nhà tù Mansoura, ngày 9-5-2017.

Trong khi đó, một vài quan chức quốc phòng Mỹ đã nhận được cảnh báo về việc quân đội nước này tiến hành tra tấn trong mạng lưới nhà tù ở Yemen và đang nỗ lực điều tra sự thực. Số quan chức này không được phép công khai những chiến dịch quân sự nhạy cảm của Mỹ và yêu cầu được giấu tên. Theo họ, lực lượng binh sĩ thuộc Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt (JSOC) cũng như đội ngũ chuyên gia tình báo quân đội được huấn luyện để giám sát những vụ ngược đãi tù nhân và có trách nhiệm báo cáo về vấn đề này.

Hiện nay, Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra từ các thượng nghị sĩ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau khi thông tin về những vụ tra tấn tù nhân diễn ra trong mạng lưới nhà tù bí mật ở Yemen bị công khai trước dư luận. Hai thượng nghị sĩ John McCain (đảng Cộng hòa) và Jack Reed (đảng Dân chủ) kêu gọi phải có báo cáo chi tiết về vụ việc đồng thời thúc giục Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mở cuộc điều tra chính thức cũng như cung cấp thêm nhiều chi tiết quanh vụ việc.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (đảng Dân chủ) lập luận rằng sự hỗ trợ hành vi tra tấn tù nhân của UAE từ phía quân đội Mỹ có thể vi phạm luật cấm tài trợ cho những người vi phạm nhân quyền. Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra về cáo buộc vi phạm nhân quyền của UAE và sự liên quan của nhà nước này trong mạng lưới nhà tù bí mật ở Yemen.

Diên San (tổng hợp)
.
.