Tiết lộ mới về nước Anh tham gia cuộc chiến Iraq

Thứ Sáu, 06/05/2011, 22:50

Hơn 1.000 hồ sơ mật của Chính phủ Anh vừa được công khai hóa theo Luật về tự do thông tin đã hé lộ những bí mật đằng sau quyết định tham gia chiến tranh Iraq của Chính phủ Anh của Thủ tướng Tony Blair. Những tiết lộ này khiến cho giới phân tích đặt lại vấn đề phải chăng nước Anh tham gia chiến tranh Iraq thật sự là vì dầu hỏa?

Những tài liệu vừa được công khai hóa bao gồm biên bản các cuộc họp giữa các quan chức Chính phủ Anh với ban lãnh đạo các tập đoàn dầu, khí lớn ở Anh xoay quanh việc khai thác nguồn lợi dầu hỏa của Iraq như thế nào một khi ông Saddam Hussein bị truất phế.

Theo các biên bản này, trong suốt thời gian 5 tháng trước khi cuộc chiến Iraq khai hỏa vào tháng 3/2003, giữa giới chức Chính phủ Anh và các tập đoàn dầu khí lớn như BP, Shell và BG đã có nhiều cuộc họp bàn về kế hoạch tham gia khai thác dầu hỏa ở Iraq.

Cụ thể là nữ Nam tước Symons, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại Anh thông báo với Công ty BP rằng Chính phủ Anh tin các công ty năng lượng Anh cần được dự phần vào trữ lượng dầu và khí dồi dào của Iraq để đổi lại cho việc Thủ tướng Anh cho quân tham chiến lật đổ ông Hussein.

Các tài liệu tiết lộ rằng, BP lo ngại mình có thể bị gạt ra ngoài cuộc chơi tại Iraq và sẽ đấu không lại các công ty của Mỹ, Nga và Pháp nên nữ Nam tước Symons đã đồng ý giúp tập đoàn BP vận động chính quyền Tổng thống Bush.

Biên bản cuộc họp ngày 31/10/2002 giữa các công ty BP, Shell và BG (Công ty Khí Anh) viết: "Nữ Nam tước Symons đồng ý rằng, thật khó chấp nhận việc các công ty Anh bị thua thiệt tại Iraq nếu London quyết định đồng hành với Mỹ xuyên suốt cuộc chiến". Hơn nữa, Nam tước đã hứa hẹn sẽ thông báo kết quả vận động hành lang trước Giáng sinh năm đó.

Tiếp đến, vào ngày 6/11/2002, Bộ Ngoại giao Anh đã cho mời Công ty BP đến để bàn bạc về "các cơ hội ở Iraq sau khi thay đổi chế độ" tại đó. Biên bản cuộc họp viết: "Iraq là cơ hội lớn về dầu mỏ. BP rất mong muốn tham dự vào đó và lo lắng có thể bị gạt ra ngoài lề vì các thỏa thuận chính trị bên trong".

Thế là một nhóm hợp đồng khai thác dầu hỏa lớn nhất trong lịch sử với giá trị khai thác kéo dài trong 20 năm đã được ký kết ngay khi cuộc chiến xâm lược Iraq được khai hỏa ngày 20/3/2003. Nhóm hợp đồng này khai thác tổng sản lượng là 60 tỉ thùng dầu, chiếm hơn một nửa tổng trữ lượng dầu của Iraq. Tập đoàn BP và Công ty CNPC (Công ty Dầu quốc gia Trung Quốc) đã trúng thầu nhóm hợp đồng này. Ngoài ra, bộ đôi công ty này còn trúng thầu một tổ hợp khai thác dầu tại vỉa dầu Rumaila ở miền Nam Iraq, thu lợi nhuận trị giá 658 triệu USD mỗi năm.

Rõ ràng, tất cả những gì vừa được tiết lộ đã cho thấy sự thật hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố rất hùng hồn của Chính phủ Anh trước khi phát động chiến tranh xâm lược Iraq, rằng "dầu hỏa Iraq không phải là mối bận tâm của nước Anh"(?) Tháng 3/2003, báo chí Anh đã từng đăng nhiều bài viết đặt thẳng vấn đề về những "mối quan tâm chiến lược" của các tập đoàn này tại Iraq, về "mục tiêu dầu hỏa" Iraq khi Chính phủ Anh quyết định sát cánh cùng Chính phủ Mỹ trong cụôc chiến xâm lược Iraq, nhưng tất cả đều bị Chính phủ Anh và các tập đoàn dầu mỏ lớn như BP, Shell bác bỏ. Giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng.

Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay, cuộc điều tra của Ủy ban Chilcot (Quốc hội Anh) về nguyên nhân và động cơ khiến Chính phủ Anh tham chiến tại Iraq vẫn đang được tiến hành và chưa công bố kết luận cuối cùng. Chắc hẳn, những tiết lộ từ tài liệu mật này có thể sẽ góp phần giúp Ủy ban điều tra làm sáng tỏ một số vấn đề gút mắc và chắc chắn những kết luận điều tra cuối cùng sẽ khiến cho một số người từng tham gia các cuộc họp của Chính phủ và các tập đoàn dầu khí Anh bàn về "cơ hội dầu hỏa Iraq" không được vui.

Trong khi đó, nữ Nam tước Symons hiện đang làm cố vấn cho một ngân hàng thương mại ở Anh chuyên đầu tư vào các dự án tái thiết Iraq. Trước đó, sau khi rời khỏi Chính phủ Anh, bà đã làm cố vấn cho Hội đồng Phát triển Kinh tế Quốc gia Libya, nhưng đã cắt quan hệ từ tháng 3/2011 sau khi xảy ra các cuộc biểu tình bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này

Tiểu Khang (theo Independent)
.
.