Tiết lộ mới về vụ án gián điệp Jonathan Pollard

Thứ Ba, 08/01/2013, 22:30

Jonathan Pollard, cựu chuyên gia phân tích tình báo Hải quân Mỹ, bị giam giữ vào năm 1987 vì tội bán các bí mật của Mỹ cho Israel. Nhưng mới đây, Trường đại học George Washington cung cấp các tài liệu giải mật của CIA cho thấy một số chi tiết mới về các hoạt động gián điệp đã biến Pollard thành một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử tình báo Mỹ.

Theo đó, Pollard chỉ cung cấp cho Israel những thông tin mà Mỹ có được về các quốc gia Trung Đông và Arập, nhất là chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan. Sau 25 năm Pollard bị bắt giam, những thông tin mới đã minh oan cho Pollard và những người ủng hộ Pollard đòi Mỹ trả tự do cho người này ngay lập tức.

Với tội danh bán những bí mật của Mỹ cho Israel, Jonathan Pollard phải ngồi tù chung thân - mức án tương tự dành cho Aldrich Ames và Robert Hanssen, hai sĩ quan tình báo Mỹ bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô, trong thời Chiến tranh lạnh.

Sau khi Pollard bị bắt giữ vào năm 1985, vụ án của ông đã gây chia rẽ sâu sắc giữa người Mỹ và người Do Thái. Đối với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Pollard là một trong những điệp viên nguy hiểm nhất trong lịch sử tình báo Mỹ. Nhưng đối với những người ủng hộ Pollard, ông được coi là anh hùng của Nhà nước Do Thái, thậm chí một quảng trường ở Jerusalem được mang tên ông.

Trong hai năm 1984 và 1985, người Israel chỉ yêu cầu ông cung cấp các thông tin về hạt nhân, quân sự và kỹ thuật của các quốc gia Arập, Pakistan và Liên Xô chứ không phải của Mỹ - theo tài liệu mới giải mật mang tiêu đề "Vụ án gián điệp Jonathan Jay Pollard: Báo cáo đánh giá tổn hại" (lập năm 1987) được Thư khố An ninh quốc gia Trường đại học George Washington công bố vào hôm 14/12 vừa qua.

Sau khi tốt nghiệp đại học Stanford khoa Chính trị học, Pollard bắt đầu làm chuyên gia phân tích cho Trung tâm Cảnh báo chống khủng bố (ATAC) thuộc Tình báo Hải quân Mỹ từ tháng 6/1979 lúc 24 tuổi. Theo tài liệu mới được công bố, Pollard bị đánh giá là người không ổn định về cảm xúc, có hành vi không nhất quán, có những vấn đề về tài chính, sử dụng ma túy. Do đó vào tháng 8/1980, Pollard bị tước quyền sử dụng thông tin tuyệt mật và cấp trên gửi ông đến một chuyên gia tâm thần.

Tuy nhiên, chưa đến 8 tháng sau đó, chuyên gia này kết luận Pollard hoàn toàn có khả năng thi hành bổn phận và "không có nguy cơ về an ninh". Quyền sử dụng thông tin mật của Pollard được phục hồi vào tháng 1/1982 và đến tháng 6/1984, ông bắt đầu bán các bí mật tình báo cho Israel cho tới khi bị bắt giữ vào ngày 21/11/1985.

Người đầu tiên Pollard tiếp xúc là Aviem Sella, cựu đại tá Không quân Israel (IAF) đang học tại Đại học New York. Sau đó, Sella giới thiệu Pollard cho Joseph Yagur, cố vấn khoa học ở Lãnh sự quán Israel đặt tại thành phố New York, lúc ấy đang làm việc cho một cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Israel gọi là LAKAM (Cơ quan về các mối quan hệ khoa học).

Theo tài liệu giải mật, Yagur yêu cầu Pollard cung cấp thông tin về khoa học và quân sự của các quốc gia Arập, Pakistan và Liên Xô. Nhưng, Israel không đòi hỏi hay nhận được thông tin tình báo liên quan đến một số nguồn an ninh quốc gia nhạy cảm nhất của Mỹ. Pollard thật ra không thu thập thông tin chống lại nước Mỹ, nhưng ông phạm luật liên bang về việc thu thập hay chuyển giao thông tin quốc phòng để giúp một chính quyền nước ngoài.

Tài liệu giải mật cũng bao gồm nhiều chi tiết mới về những thông tin mà Israel muốn được cung cấp như là: hệ thống liên lạc của Syria, các chương trình tên lửa của Ai Cập và hệ thống phòng không của Liên Xô. Israel cũng đặc biệt yêu cầu Pollard cung cấp công nghệ tình báo tín hiệu để có thể nghe lén những cố vấn Liên Xô ở Syria.

Trong đề mục "Những gì mà Israel không yêu cầu" của tài liệu giải mật, CIA nhấn mạnh: Người Israel "không hề bày tỏ sự quan tâm đến các hoạt động, kế hoạch, khả năng hay trang thiết bị của quân đội Mỹ". Tài liệu cũng nêu rõ: Pollard tự nguyện giao 3 bản báo cáo tình báo hàng ngày của Mỹ mà phía Israel không hề yêu cầu song lại có ích cho họ. Cuối cùng, Pollard đã giao cho Israel tất cả 1.500 bản báo cáo như thế về Trung Đông và Bắc Phi (gọi tắt là MENAS), về vùng ven Địa Trung Hải (MELOS) và Ấn Độ Dương.

Theo tài liệu giải mật, Jonathan Pollard còn cung cấp cho Israel các thông tin chi tiết về chương trình hạt nhân đáng lo ngại của Pakistan mà tình báo Mỹ thu thập được. CIA tiết lộ, Pollard tập trung vào "thông tin tình báo về chương trình hạt nhân của Arập và Pakistan" và cung cấp cho Israel thông tin về một cơ sở tái xử lý plutonium gần Islamabad.

Người Israel biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đòi thả Jonathan Pollard, ngày 20/6/2011.

Theo A.Q. Khan, cha đẻ bom hạt nhân của Pakistan, Islamabad có khả năng kích nổ một thiết bị hạt nhân. Mỹ đã có cảnh báo về chương trình chế tạo bom hạt nhân của Pakistan vào thập niên 70 và cùng làm việc với các quốc gia phương Tây để ngăn ngừa mưu đồ làm chủ các công nghệ phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của Islamabad.

Tài liệu giải mật cũng cho biết về điệp vụ năm 1979 của Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) gọi là Rising Sun (Mặt trời mọc) nhằm lật tẩy Rafiq Munshi, nhà khoa học Pakistan làm việc cho CIA. Chiến dịch “Mặt trời mọc” cuối cùng dẫn đến việc vạch trần một nhóm điệp viên CIA giả làm nhà ngoại giao làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad và Lãnh sự quán ở thành phố Karachi.

Nhưng, không lâu sau khi Ronald Reagan đắc cử Tổng thống Mỹ, CIA kết thúc các chiến dịch chống chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan sau khi thấy nước này có mối quan hệ đối đầu với Liên Xô.

Năm 1985 được coi là "Năm của gián điệp" ở Mỹ sau hàng loạt những vụ bắt giữ và một vụ đào ngũ tiết lộ vài vụ tình báo nước ngoài xâm nhập vào các cơ quan quốc phòng và tình báo Mỹ. Ngày 22/11/1985, nhân viên CIA lâu năm tên là Larry Wu-Tai Chin bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giam và buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Hai ngày sau, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) là Ronald Pelton bị bắt và buộc tội cung cấp cho Liên Xô các chi tiết về 5 chiến dịch tình báo tín hiệu của Mỹ. Nhưng, không vụ bắt giữ nào gây ấn tượng bằng vụ án Jonathan Pollard. Thông tin về vụ án gián điệp Pollard xuất hiện trên khắp các mặt báo trong nhiều năm.

Câu chuyện về cuộc đời của Jonathan Pollard cũng như các chi tiết về hoạt động gián điệp của ông cho Israel  trở thành đề tài nóng bỏng cho báo giới và các nhà xuất bản. Năm 1998, nhằm tạo điều kiện cho Pollard được phía Mỹ trả tự do, chính quyền Israel chính thức thừa nhận ông là tài sản của Israel. Và, cựu Giám đốc CIA George J. Tenet cho biết chính quyền Israel lại đặt vấn đề thả Pollard lần nữa vào năm 2006. Mới đây nhất là vào tháng 1/2011, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tiếp tục đề nghị Tổng thống Barack Obama trả tự do cho Jonathan Pollard nhưng không thành công

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.