Tiết lộ vai trò bí mật của Ba Lan trong chương trình tra tấn tù nhân của CIA
- Các chuyên gia tâm lý học trợ giúp CIA tra tấn tù nhân?
- Công bố vụ CIA tra tấn tù nhân: “Lệ” vẫn trên “luật”?
Theo ECtHR, chính quyền Ba Lan đã vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) khi bí mật hợp tác với CIA và cho phép cơ quan này giam giữ và tra tấn 2 nghi can khủng bố - Abu Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri - ngay trên lãnh thổ nước mình. Cả hai nghi can hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo, riêng al-Nashiri đang đối mặt với tội danh sắp đặt kế hoạch đánh bom tàu khu trục USS Cole của Hải quân Mỹ năm 2000. ECtHR cũng yêu cầu Ba Lan bồi thường cho mỗi nghi can 100.000 euro (khoảng 111.000 USD), cùng với 30.000 euro (khoảng 33.500 USD) trả cho chi phí pháp lý của Zubaydah.
Điểm đen CIA trên đất Ba Lan
Những cuộc tra tấn tăng cường của CIA ban đầu được thực hiện trong 2 địa điểm: Detention Site Cobald và Detention Site Blue (hay "Quartz") - mật danh của ngôi làng Stare Kiejkuty, miền Bắc Ba Lan. Còn Detention Site Cobalt là mật danh của nhà tù "Salt Pit" của CIA ở Afghanistan. Những tù nhân ở Salt Pit là đối tượng của nhiều hình thức tra tấn: nghe nhạc nặng, tước đoạt giấc ngủ, đứng ở các tư thế gây stress và bị trói vào tấm ván rồi xối nước (waterboarding). "Quartz" được coi là một phần trong chương trình hợp tác tình báo sâu rộng giữa Ba Lan và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski. |
Năm 2014, cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski và cựu Thủ tướng Leszek Miller chính thức thừa nhận họ cho phép CIA điều hành điểm đen "Quartz" ngay trên lãnh thổ nước họ. Kwasniewski nói với Hãng tin AP: "Mỹ đề nghị phía Ba Lan tìm một địa điểm yên tĩnh để tiến hành hoạt động cho phép thu thập thông tin hiệu quả từ những đối tượng sẵn sàng hợp tác với Mỹ. Và chúng tôi đã ưng thuận". CIA điều hành "Quartz" từ tháng 12/2002 đến mùa thu 2003.
Theo tài liệu ECtHR, "chính quyền Ba Lan theo dõi quy trình của những chuyến bay dẫn độ các tù nhân của CIA ở Szymany", ngôi làng ở miền Bắc nước này có sân bay. Đầu tiên, cuộc hạ cánh sẽ được sĩ quan tình báo quân sự hoặc sĩ quan bảo vệ biên giới thông báo trước bằng điện thoại đến sân bay Szymany để nơi đây có sự chuẩn bị tiếp đón. Trước khi máy bay của CIA hạ cánh, hai sĩ quan bảo vệ biên giới cao cấp có mặt tại sân bay, ra lệnh chỉ cho phép "quân nhân" xử lý tình huống trong khi "giới chức sân bay không được phép đến gần máy bay". Vai trò duy nhất của giới chức sân bay là "hoàn thành các công việc liên quan đến kỹ thuật khi máy bay hạ cánh".
Andreas Schuller, lãnh đạo ICAP thuộc ECCHR. |
Những chuyến bay dẫn độ của CIA được đối xử giống như máy bay quân sự và "không bị hải quan kiểm tra". Các sĩ quan quân đội Ba Lan cùng với sĩ quan bảo vệ biên giới phải đảm bảo an toàn vành đai sân bay. Máy bay hạ cánh ở Szymany tại vị trí nằm ngoài tầm nhìn của "tháp kiểm soát cao 4 tầng" và đỗ trong những cánh cửa đối diện với khu rừng. Các sĩ quan bảo vệ biên giới Ba Lan tiếp cận máy bay đầu tiên trong khi đội hướng dẫn hạ cánh chờ đợi tại rìa đường băng, họ ngồi trong 2 hay 3 chiếc xe tải nhỏ kính mờ và mang biển số đơn vị quân đội Stare Kiejkuty.
Ngôi làng Stare Kiejkuty, nơi CIA đặt nhà tù bí mật. |
Theo tài liệu ECtHR, chính quyền Ba Lan từng đề nghị lập biên bản xác định rõ "vai trò liên quan và trách nhiệm của CIA" tại nhà tù bí mật song nhân viên CIA từ chối ký tên. 4 tháng sau khi CIA bắt đầu giam giữ tù nhân ở Stare Kiejkuty, chính quyền Ba Lan bác bỏ các vụ vận chuyển những tù nhân tiếp theo, trong đó bao gồm nghi can Khalid Sheikh Mohammed. Tuy nhiên, quyết định của Ba Lan không thực hiện được sau khi Đại sứ Mỹ "thay mặt cho CIA" mà "can thiệp với chính quyền Ba Lan. Và một tháng sau đó, CIA trao cho Ba Lan hàng triệu USD tiền mặt!
Sau vụ chuyển tiền này, Ba Lan trở nên mềm mỏng hơn trước hoạt động vận chuyển tù nhân đến Stare Kiejkuty của CIA cho đến khi nhà tù bí mật này đóng cửa. Cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski phủ nhận mối liên kết giữa nhà tù bí mật của CIA và món tiền hàng triệu USD mà chỉ cho biết số tiền đó được sử dụng cho hoạt động tình báo. CIA cũng trao tiền mặt cho các chính quyền nước ngoài khác - như Romania, Thái Lan và Afghanistan - để được sử dụng các nhà tù tra tấn. Kwasniewski và Miller đều tuyên bố họ không bao giờ cho phép tra tấn hay xâm hại tù nhân. Theo Hãng tin AP, Kwasniewski nói rằng: ông không hề biết được những gì diễn ra bên trong nhà tù bí mật của CIA.
Tổ chức nhân quyền Đức kiện "Nữ hoàng tra tấn" của CIA
Tổ chức pháp lý nhân quyền Chương trình Trách nhiệm và tội phạm Quốc tế (ICAP) thuộc Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền châu Âu (ECCHR) đã lập hồ sơ kiện Alfreda Frances Bikowsky - nữ đặc vụ CIA được phép tra tấn các nghi can Al-Qaeda - gửi đến Tòa án Liên bang Đức. Với biệt danh "Nữ hoàng tra tấn", Bikowsky được cho là dính líu đến những vụ tra tấn công dân Đức Khaled El Masri bất chấp người này không phải là thành viên của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Tháp kiểm soát ở sân bay Szymany của Ba Lan. |
Năm 2003, các đặc vụ Cộng hòa Macedonia bắt giữ người Đức gốc Kuwait Khaled El Masri khi anh đang trên đường đến thủ đô Skopje nước này để nghỉ hè và bị giam 23 ngày. Cuối cùng, họ mới biết đã nhầm lẫn El Masri với một nghi can liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Thậm chí sau khi một quan chức CIA thông báo El Masri chỉ là nạn nhân của sự nhầm lẫn, "Nữ hoàng tra tấn" Bikowsky vẫn yêu cầu chuyển El Masri đến Afghanistan để thẩm vấn. Lúc đó, Bikowky là phó lãnh đạo Trạm Alec (Alec Station) của CIA, đơn vị chịu trách nhiệm săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden. Sau 4 tháng bị tra tấn ở Afghanistan, El Masri bị đưa lên một chuyến bay của CIA đến Albania và quay về Đức.
Andreas Schuller, lãnh đạo ICAP cho biết: "Đức đã có lệnh bắt giữ đối với phi hành đoàn chuyển vận El Masri đến Afghanistan cho nên chúng tôi chỉ đơn giản là tiếp tục vụ việc". Trong hồ sơ kiện Bikowsky được lập hồi tháng 7/2015 và được Đài Truyền hình vệ tinh Al Jazeera America xem qua, ECCHR yêu cầu công tố viên tiến hành cuộc điều tra tội phạm đối với Bikowsky.
Theo hồ sơ kiện, báo cáo về chương trình tra tấn của Thượng viện Mỹ được tiết lộ hồi tháng 12/2014, có chứa bằng chứng về sự dính líu của Bikowsky trong việc dẫn độ và tra tấn công dân Đức El Masri. Tháng 12/2014, phóng viên tờ The New Yorker đưa tin Bikowsky "tỏ vẻ hân hoan khi được tham gia vào những cuộc tra tấn" và "nói với các thành viên giám sát của Quốc hội rằng, biện pháp tra tấn có hiệu quả".
Khaled El Masri. |
Nếu như công tố viên Liên bang Đức quyết định không mở cuộc điều tra tội phạm, thì ECCHR sẽ chuyển vụ kiện đến một công tố viên bang ở Munich, nơi cách đây 8 năm đã phát lệnh bắt giữ đối với 13 viên chức CIA liên quan đến vụ mất tích và tra tấn El Masri.
Mặc dù một công dân bình thường có thể đơn phương khởi kiện, song các tổ chức phi lợi nhuận với đội ngũ chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Đức là một trong vài quốc gia cho phép các công tố viên điều tra tội ác vi phạm nhân quyền phạm phải ở nước ngoài và bị cáo không đòi hỏi phải có mặt ở Đức. Nói cách khác, các công tố viên Đức có thể theo đuổi những vụ án vi phạm nhân quyền liên quan đến giới chức CIA ở Afghanistan và Guantanamo cho dù tội ác không dính líu gì nhiều đến Đức. Frauke Kohler, người phát ngôn cho Văn phòng Công tố Liên bang Đức tuyên bố, những người có trách nhiệm bắt đầu xem xét những vụ án vi phạm nhân quyền không bao lâu sau khi bản báo cáo về tra tấn của Thượng viện Mỹ được tiết lộ.
Cùng với Trung tâm Quyền Hiến pháp (CCR) ở Mỹ cũng như nhóm TRIAL của Thụy Sĩ và Redress ở Anh, ECCHR là một trong vài tổ chức tích cực theo đuổi những cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền. Cách đây một thập niên, ECCHR đã lập hồ sơ kiện mang tính tượng trưng chống lại Tổng thống Mỹ George W. Bush, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Giám đốc CIA George Tenet.
Andreas Schuller giải thích: "Mục tiêu của chúng tôi là hoạt động ở nhiều cấp độ khác nhau để siết chặt hơn những đối tượng vi phạm nhân quyền". ECCHR và CCR đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Pháp mở cuộc điều tra đối với cựu lãnh đạo nhà tù Guantanamo Geoffrey Miller. Đầu năm 2015, Tòa án Quốc gia ở Paris đã phát lệnh triệu tập Miller sau những tố cáo người này vi phạm nhân quyền. Schuller cho biết ECCHR có kế hoạch lập thêm nhiều hồ sơ kiện bổ sung chống Bikowsky vào đầu năm 2016 bởi vì chỉ riêng một hồ sơ sẽ không dẫn đến việc phát lệnh bắt giữ. Nhưng, nếu biết được Bikowsky có ý định bay ra nước ngoài, ECCHR sẽ tiếp xúc với các cơ quan biên giới nước ngoài để yêu cầu bắt giữ bà ta.
Đầu tháng 10, cựu quan chức CIA Sabrina De Sousa - người bị một tòa án Italia buộc tội vắng mặt vì dính líu đến vụ giam giữ nhà thuyết giáo cấp tiến Abu Omar ở Milan năm 2003 - đã bị bắt giữ khi đang cố gắng đi vào Bồ Đào Nha. Tổng cộng 26 quan chức CIA bị các tòa án Italia buộc tội vắng mặt do vi phạm nhân quyền từ những vụ dẫn độ nghi can khủng bố. Theo luật sư nhân quyền và giảng viên Đại học Columbia (Mỹ) Scott Horton, CIA cũng đã cấm 22 quan chức có liên quan đến tra tấn bay ra nước ngoài.