Tiết lộ về Trung tâm gián điệp GCHQ ở Trung Đông

Thứ Tư, 25/06/2014, 15:35

Theo tiết lộ từ tờ Independent, Cơ quan Tình báo tín hiệu viễn thông Anh (GCHQ) điều hành một trung tâm giám sát Internet bí mật ở Trung Đông với mục đích thu thập thông tin điện tử từ một lượng khổng lồ email, các cuộc gọi điện thoại và giao tiếp trên web và sau đó chia sẻ với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Cũng theo tờ Independent, căn cứ gián điệp Trung Đông của GCHQ - nơi thu thập thông tin từ hệ thống mạng cáp ngầm dưới biển chạy ngang qua khu vực - nằm ở ngôi làng ven biển Seeb phía bắc thủ đô Muscat, Oman.

Thông tin được tờ Independent tiết lộ trong cùng khoảng thời gian chính quyền Anh gây sức ép đến tờ Guardian về những tài liệu mật NSA bị rò rỉ và buộc tờ báo này phải phá hủy những ổ cứng máy tính lưu trữ thông tin nhạy cảm. Thông tin từ căn cứ gián điệp Trung Đông sau khi được xử lý sẽ được chuyển giao về trụ sở GCHQ ở thị trấn Cheltenham miền Tây nước Anh và chia sẻ với NSA ở bang Maryland (Mỹ).

Chính quyền Anh tuyên bố căn cứ Trung Đông là cơ sở quan trọng trong "cuộc chiến chống khủng bố" của phương Tây, cung cấp hệ thống "cảnh báo sớm" về những cuộc tấn công khủng bố có khả năng xảy ra trên toàn thế giới. Trung tâm gián điệp Trung Đông được coi là đặc biệt có giá trị cho Anh và Mỹ bởi vì nó có thể mắc nối với hệ thống mạng cáp ngầm chạy ngang qua khu vực. Mọi tín hiệu giao tiếp và dữ liệu lưu thông qua mạng cáp ngầm đều được sao chép vào hệ thống lưu trữ máy tính khổng lồ để sau đó sàng lọc dữ liệu.

Thông tin về trung tâm gián điệp Trung Đông chứa đựng trong 50.000 tài liệu GCHQ mà người tố giác Edward Snowden gom góp được trong năm 2012, trong đó nhiều tài liệu có nguồn gốc từ trang thông tin nội bộ theo kiểu Wikipedia gọi là GC-Wiki. Nhưng không giống như trang Wikipedia phổ biến công khai, wiki của GCHQ nói chung chứa những tài liệu từ tuyệt mật trở lên.

Chiến dịch thu thập thông tin tình báo là một phần trong dự án Internet trị giá 1 tỉ bảng Anh hiện vẫn còn do GCHQ điều hành, với mục đích chặn bắt các tín hiệu giao tiếp điện tử toàn cầu, như là email và thông điệp văn bản, thông qua các đĩa vệ tinh và mắc nối với hệ thống mạng cáp sợi quang ngầm dưới biển.

Công ty viễn thông Vodafone của Anh.

Sự mắc nối hệ thống mạng cáp ngầm Trung Đông được coi là vô cùng quan trọng đối với các cơ quan tình báo Anh và Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Từ đó, trụ sở NSA ở Maryland và Bộ Quốc phòng Mỹ đã cố gắng thúc đẩy sự hợp tác chia sẻ dữ liệu rộng lớn hơn giữa tình báo Anh và Mỹ.

Trung tâm gián điệp Trung Đông được thành lập dưới sự phê chuẩn của Ngoại trưởng Anh khi đó là David Miliband, cho phép GCHQ giám sát và lưu trữ dữ liệu về "những toan tính chính trị của các quyền lực nước ngoài", khủng bố, sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, lực lượng lính đánh thuê và các công ty an ninh tư nhân cũng như sự gian lận tài chính. Tuy nhiên, giấy phép hoạt động của GCHQ phải được xét cấp lại sau mỗi 6 tháng và có thể thay đổi tùy theo ý chí của các bộ trưởng Anh.

Trung tâm gián điệp điện tử Trung Đông của GCHQ nằm trong chương trình có tên mã "CIRCUIT" và cũng được đặt tên là Trung tâm 1 Xử lý Hải ngoại (OPC-1). Trung tâm nằm ở ngôi làng ven biển Seeb phía bắc của Oman, nơi mắc nối với hệ thống mạng cáp sợi quang ngầm dưới biển chạy từ eo biển Hormuz (giữa Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất - UAE - và Iran) đến Vịnh Persian ở trung tâm khu vực Trung Đông.

Ngoài Seeb, các căn cứ gián điệp khác của GCHQ đặt tại các vị trí có tên mã là "TIMPANI", "GUITAR" và "CLARINET". Căn cứ "TIMPANI", gần eo biển Hormuz, giám sát các cuộc giao tiếp của người Iraq. Còn "CLARINET", ở miền Nam Oman, là vị trí chiến lược giám sát Yemen. Vị trí của căn cứ "GUITAR" không được tiết lộ. Các căn cứ gián điệp khai thác xương sống mạng cáp ngầm được xếp vào mức độ tuyệt mật và dán nhãn "Strap 3".

Hai nhà báo David Miranda (trái) và Glenn Greenwald.

Các công ty viễn thông Anh BT (được giới chức GCHQ và NSA đặt tên mã là "REMEDY") và Vodafone Cable là hai tổ chức hàng đầu nằm trong bảng lương của GCHQ và một tổ chức tình báo khác ít được biết đến của Anh là Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc gia (NTAC). Các công ty hợp tác với GCHQ mang các tên mã như "REMEDY", "GERONTIC", "STREETCAR" hay "PINNAGE" được dán nhãn tuyệt mật "Strap 2".

Theo các tài liệu được người tố giác Edward Snowden tiết lộ  thì  hàng năm GCHQ chi trả cho các công ty viễn thông chọn lọc hàng chục triệu bảng Anh để điều hành các đội bí mật của họ được thành lập bên trong cơ quan tình báo. Mỗi một đội bí mật của các công ty được gọi là "Đội quan hệ nhạy cảm" hay SRT, có nhiệm vụ thiết lập các kết nối bí mật đến thiết bị của các công ty khác nhằm thu thập dữ liệu khách hàng để chuyển giao cho các trung tâm xử lý của GCHQ.

Sau những tiết lộ về trung tâm gián điệp Trung Đông, giới chức GCHQ tuyên bố: "Chúng tôi không thể bình luận về các vấn đề tình báo bởi vì đó là chính sách lâu dài. Hơn nữa, toàn bộ các hoạt động của GCHQ đều được tiến hành phù hợp với khung chính sách và pháp lý chặt chẽ bảo đảm có sự sự giám sát nghiêm ngặt bao gồm từ Bộ Ngoại giao cũng như Ủy ban An ninh và Tình báo Nghị viện"

Diên San (tổng hợp)
.
.